TBT và Quản lý chất lượng ở Việt Nam

Discussion in 'Tạp chí Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng' started by admin, May 19, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    Lê Quốc Bảo Giám đốc Văn phòng TBT Việt Nam
    Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Quốc hội Việt Nam thông qua tháng 6 năm 2006) điều chỉnh gần như toàn bộ các vấn đề được đề cập trong Pháp lệnh Chất lượng Hàng hoá 1999 và đáp ứng cao yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt của WTO thông qua hai hiệp định chủ yếu là Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Agreement on Technical Barriers to Trade - TBT) và Hiệp định áp dụng các biện pháp vệ sinh động và thực vật (Agreement on Application of Sanitary and Phytosanitary Measures- SPS).

    Hiệp định TBT của WTO được xây dựng thực hiện nhằm mục đích: Thúc đẩy các mục tiêu của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) như tự do hoá, cùng có lợi, đảm bảo tính dự báo và minh bạch; Thừa nhận tầm quan trọng của tiêu chuẩn quốc tế và các hệ thống quốc tế về đánh giá sự phù hợp trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất và thương mại quốc tế; Bên cạnh đó đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các quy trình đánh giá sự phù hợp không gây ra các trở ngại không cần thiết cho thương mại quốc tế, song không ngăn cản các nước áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu, bảo vệ sức khoẻ, an toàn cuộc sống của con người, động vật, thực vật, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại, đảm bảo an ninh quốc gia.

    Hiệp định SPS của WTO với mục đích tương tự song điểu chỉnh cho các đối tượng, vấn đề như thực phẩm và an toàn thực phẩm, động vật, thực vật và các biện pháp kiểm dịch động vật, thực vật.

    Các nguyên tắc cơ bản của Hiệp định TBT và SPS bao gồm: Minh bạch hoá; Không phân biệt đối xử; Không cản trở thương mại; Có căn cứ khoa học và biện pháp đưa ra phải dựa trên đánh giá rủi ro/nguy cơ; Hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế; Chấp nhận tính tương đương của các nội dung kỹ thuật trong tiêu chuẩn của các nước khác; Kiểm soát, giám định và chấp nhận các thủ tục kiểm tra hàng nhập khẩu.

    Trong số các nguyên tắc nói trên 3 nguyên tắc không phân biệt đối xử, không cản trở thương mại, minh bạch hoá là nguyên tắc áp dụng cho tất cả các Hiệp định của WTO và là quan trọng nhất.

    Nếu So sánh các quy định pháp luật của Việt Nam đối với chất lượng hàng hoá hiện nay, kể cả Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Luật TC & QCKT) mới được ban hành chúng ta thấy rằng phần lớn các nguyên tắc và yêu cầu nói trên của Hiệp định TBT và SPS đã được đáp ứng. Tuy nhiên, cũng cần phải chỉ ra một thực tế là đâu đó cũng còn có những sự không đồng bộ trong các các quy định có liên quan giữa các cơ quan khác nhau, trong các biện pháp khác nhau được áp dụng mà nguyên nhân không phải từ phía chủ quan các cơ quan muốn áp đặt sự không đồng bộ đó để cản trở thương mại trong nước và với nước ngoài, mà do những yếu tố lịch sử và đặc biệt yếu tố về nguồn lực (nhân lực và vật lực). Điều này cần khắc phục nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã phải thực hiện cam kết gia nhập WTO.

    Trong số các khái niệm nêu trong Luật TC&QCKT thì khái niệm "tiêu chuẩn"/standard và "quy chuẩn kỹ thuật"/technical regulation là đặc biệt quan trọng và hoàn toàn phù hợp với định nghĩa của Hiệp định TBT, theo đó tiêu chuẩn là văn bản quy định về chất lượng và các vấn đề có liên quan với mục đích tự nguyện áp dụng, còn quy chuẩn kỹ thuật với nội dung kỹ thuật có thể như tiêu chuẩn song là bắt buộc áp dụng vì do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới hình thức quy phạm pháp luật đặc thù. Điều này, có thể khác với suy nghĩ lâu nay của nhiều người về hiệu lực thi hành của tiêu chuẩn quốc gia, song đó là thông lệ quốc tế và được WTO quy định trong Hiệp định TBT, mà chúng ta phải điều chỉnh ngay từ bây giờ.

    Trong số các biện pháp quản lý chất lượng nêu trong Luật TC&QCKT, biện pháp người sản xuất kinh doanh công bố hàng hoá, dịch vụ do mình sản xuất hoặc cung cấp phù hợp với tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật, là một trong các bài bản quản lý được ISO đưa ra và khuyến khích các quốc gia áp dụng. Có thể nói Việt Nam là một nước tiên phong trong khu vực ASEAN áp dụng một cách rộng rãi phương thức này. Việc áp dụng phương thức này sẽ làm giảm bớt sự can thiệp không cần thiết của các cơ quan nhà nước vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tiết kiệm được chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện phương thức này, Nhà nước đã đặt niềm tin rất lớn vào các doanh nghiệp khi thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với chất lượng hàng hoá, dịch vụ mình làm ra hay cung cấp, bên cạnh đó đòi hỏi người tiêu dùng phải nâng cao nhận thức để hiểu được các quyền hợp pháp và trách nhiệm công dân của mình đối với vấn đề chất lượng sản phẩm.

    Các biện pháp quản lý chất lượng quan trọng khác cũng được Luật TC&QCKT đề cập như chứng nhận sự phù hợp của hàng hoá, dịch vụ hoặc quá trình với tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật, công nhận năng lực của các tổ chức hoạt động trong hoạt động kiểm tra, giám định và chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc quá trình/hệ thống quản lý chất lượng, việc thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam với các nước về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nhằm thuận lợi hoá thương mại. Những biện pháp này được hài hoà ở mức độ cao với các tiêu chuẩn hoặc/và khuyến nghị của các tổ chức quốc tế có liên quan như ISO, IEC, ITU, CODEX và cả OIE, IPPC.

    Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng việc hài hoà hoặc hội nhập này trong một số trường hợp chỉ trên lý thuyết, văn bản mà chưa được thể hiện sâu trong hoạt động thực tiễn. Điều đó có nghĩa là hiệu quả của hài hoà, hội nhập còn thấp, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng và các doanh nghiệp nhằm đưa những chủ trương, biện pháp quản lý đến cơ sở một cách có hiệu quả đáp ứng yêu cầu đặt ra. Và hiệu quả cuối cùng của quá trình trình này phụ thuộc nhiều vào hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng tạo các doanh nghiệp.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Hoạt động quản lý chất lượng trong các doanh nghiệp hay nói rộng hơn là của các tổ chức không phải là nhà nước cũng hết sức đa dạng do tính chất hoạt động của các tổ chức này. Sự phát triển của bộ tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng của Tổ chức Tiêu chuẩn hoá Quốc tế (International Organization for Standardization- ISO) đã thể hiện rõ tính chất này.

    Cho đến năm 2000, bộ tiêu chuẩn này đã được sửa đổi, bổ sung lần thứ 3 với ký hiệu ISO 9000:2000. Đây là sự thay đổi về chất đối với bộ tiêu chuẩn này. Trước hết, chính là sự thay khái niệm "đảm bảo chất lượng" bằng "quản lý chất lượng". Khái niệm "quản lý chất lượng" như đã trình bày ở trên đã mở rộng đối tượng áp dụng bộ tiêu chuẩn, không chỉ dành cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hoá và dịch vụ, mà còn cho tất cả các tổ chức khác như tổ chức sự nghiệp nhà trường, bệnh viện, viện nghiên cứu.. và cả các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính trị. Nghĩa là có thể áp dụng cho tất cả những tổ chức nào muốn nâng cao hiệu quả hoạt động của mình nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng tăng của khách hàng khi sử dụng sản phẩm của mình. Khái niệm sản phẩm ở đây theo đó cũng hết sức rộng: kết quả của một quá trình hoạt động của con người. Đây cũng là hệ quả tất yếu của quá trình quản lý chất lượng của thế giới trước tác động của quá trình toàn cầu hoá nói chung và tự do hoá thương mại đang càng ngày sâu rộng. Điều đó có nghĩa là vai trò và tầm quan trọng của bộ tiêu chuẩn này đã được nhân lên gấp bội. Đến nay (sau 19 năm) đã có trên 500.000 các tổ chức khác nhau trên thế giới áp dụng, trong đó có trên 4000 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, hoạt động quản lý chất lượng trong các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của xu thế nói trên và chuyển biến nhanh để bắt kịp trình độ quốc tế.

    Hoạt động quản lý chất lượng ở Việt Nam, cả cấp Nhà nước và doanh nghiệp đã có bề dày hơn nửa thế kỷ và đã có những đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế xã hội. Song với mức độ hội nhập quốc tế ngày càng cao, đặc biệt trong WTO sẽ giúp nâng cao vai trò và vị trí của hoạt động này trong việc cung cấp những sản phẩm có chất lượng cho xã hội và góp phần nhiều hơn nữa vào các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội nói chung.

    Tạp chí TCĐLCL Số 1+2+3 Năm 2007
     

Share This Page