Thấy Gì Qua “nhị Thị Ngẫu Đàm Ký”

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Sep 3, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    THẤY GÌ QUA “NHỊ THỊ NGẪU ĐÀM KÝ”
    VIỆT ANH​
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm
    Lý Văn Phức (1785-1849) tự Lân Chi, hiệu Khắc Trai, người làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận (sau đổi là huyện Hoàn Long) nay thuộc Hà Nội. Là nhân sĩ nhà Nguyễn, trải qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, ông đã nhiều lần đi công cán các nước trong khu vực như Trung Hoa, Singapo, Philippin, Tiểu Á… Qua các chuyến đi mở rộng tầm mắt ấy, ông có ghi chép lại nhiều tập thơ văn. Trong đó, Chu nguyên tạp vịnh thảo A.304, là tập thơ văn Lý Văn Phức sáng tác khi qua Trung Quốc. Trong sách này, có bài văn Nhị thị ngẫu đàm ký, ghi cuộc đối thoại giữa hai môn đồ Phật và Lão. Câu văn biền ngẫu, điển tích sâu xa, bài văn dường như chứa nặng suy tư của người viết. Hơn thế nữa, nó còn như 1 công án, không phải của riêng nhà Phật, mà là của chung cho những triết thuyết, những tín ngưỡng cùng tồn tại trên đất nước Việt Nam.
    Sau đây, xin giới thiệu cùng bạn đọc bản dịch từ Hán văn của Nhị thị ngẫu đàm ký.
    Bài ký về cuộc đối thoại ngẫu nhiên giữa hai nhà
    Phật gia với Huyền gia, hai nhà vốn chẳng thuận hoà. Một buổi chiều, bỗng nhiên tình cờ gặp nhau ngoài cửa học đường. Khi ấy mưa phùn chíu chít, gió mát phất phơ. Chỉ thấy bia cao chót vót, rừng cổ âm u, tuyệt không một người qua lại. Nhân đó cùng ngồi dưới bậc đá, mỗi nhà thể hiện sở trường bản thân, cùng nhau khẩu chiến.
    Nhà Huyền học nói:
    - Đạo ta coi hư vô là kết cục, cần chi sắc tướng trang nghiêm.
    Nhà Phật học nói:
    - Phật ta lấy hỷ xả để tu trì, việc gì phải thiên quân chỉ lối.
    Nhà Huyền học nói:
    - Lão tử như rồng, Khổng phu tử đã có lời như vậy. Ông chưa được nghe ư?
    Nhà Phật học nói:
    - Phương tây có thánh, Khổng phu tử chẳng nói thế sao. Ông từng nghe chưa vậy?
    Nhà Huyền học nói:
    - Tổ đạo ta chỉ là một viên lại nhỏ, mà đến độ bậc thánh Đông Lỗ phải hỏi về lễ. Đạo tồn tại thế, chẳng đáng trọng sao?
    Nhà Phật học nói:
    - Phật Tổ ta là bậc thần một cõi Tây vực, mà khiến Thiên tử nhà Hán (Minh Đế) phải cầu kinh, đạo rộng lưu hành, chẳng xa khắp sao?
    Nhà Huyền học nói:
    - Thanh xuân ngang trời đất, luyện đan chín bận công thành, đạo ta tài vậy. Ông có thể được không?
    Nhà Phật học nói:
    - Cải tử hoàn sinh, nước dương tưới một cành khắp chốn. Phật ta tài vậy, ông liệu có như vậy được không?
    Nhà Huyền học nói:
    - Hữu tướng quân Vương Hy Chi là bậc nổi danh đời Tấn, đã từng viết về kinh của Lão Tử ta. Ấy là bởi có những điểm thời thượng đó.
    Nhà Phật học nói:
    - Lục Cửu Uyên ở Tượng Sơn là bậc đại nho nhà Tống mà tinh thông của phép thiền học ta. Có thể thấy Phật gia ta song hành cùng Nho đạo đó.
    Nhà Huyền học nói:
    - Hào khí rực trời xa. Bắc Hải Khổng Dung là một bậc danh sĩ mà chỉ nhận Lý Nguyên Lễ là thông gia. Vậy lịch sử đạo ta chẳng đáng bàn sao?
    Nhà Phật học nói:
    - Gió giật hay cỏ cứng. Tiêu Diễn ở Lan Lăng là bề tôi thành thực mà riêng việc chịu khuất Phó Thái Sử là đành bó tay. Vậy cửa thiền ta chẳng đáng làm sao?
    Nhà Huyền học nói:
    - Xem việc Thái Nhất Thiên Tôn được tôn sùng tên hiệu, vị trí vào niên hiệu Khai Nguyên nhà Đường Huyền Tông, thì thấy sự tôn vinh ấy quả là cao vòi vọi.
    Nhà Phật học nói:
    - Xem việc muôn nhà thờ Phật mà thấy tiếng ngợi khen… Danh giá như vậy thật biết bao nhiêu!
    Nhà Huyền học nói:
    - Hoàng Đế, Trang Tử đều được xưng là đại thánh, huyền thánh. Mà thế nhân khi bàn về thanh tĩnh, về tính lý đều tôn xưng tổ đạo ta. Thế chẳng phải các ngài cũng dự vào hàng thánh nhân đó sao?
    Nhà Phật học viết:
    - Đại học, Trung dung, đều được coi là kinh sách thánh hiền. Mà đời sau khi bàn luận chương Cách trí, chương Luân lý đều dẫn kinh sách nhà Phật ta để gợi mở. Thế chẳng là có công với Nho giáo hay sao?
    Nhà Huyền học nói:
    - Khí tía rực Hàm Quan. Ông há chưa rõ đạo khí từ đông tới hay sao? Bên ấy trọng tượng báu rực rỡ, vậy mà bị phá huỷ bởi kinh lược Quảng Đông. Sao khi ấy, chẳng tọa đài sen vàng nơi cung Đâu Suất?
    Nhà Phật học nói:
    - Thầy bí sâu phòng đá. Ông há chưa nghe chân kinh chốn Tây Tạng hay sao? Bên ấy sùng thiên quân tôn kính, vậy mà bị nhục bởi bó buộc nơi mạc Bắc (ngoại Mông Cổ). Khi ấy sao chẳng bảo vệ đạo pháp về nơi quán Huyền Đô.
    Nhà Huyền học nói:
    - Tào Tướng quốc cai trị nước Tề, chịu thất bại hàng trăm trận chiến, chỉ khéo dùng lời của Cái Công mà ngọn lửa dữ được dập bởi nước lạnh. Ấy chẳng phải áp dụng vô vi mà được thế hay sao?
    Nhà Phật học nói:
    - Tống Thái Tổ đi đánh nhà Hán, chẳng nỡ để giáo mác một phương, từng gửi thân làm hoà thượng, mà sinh linh nhọc nhằn được gió xuân hồi sinh. Ấy chẳng phải do lòng nhân không giết hại làm nên đó sao?
    Nhà Huyền học nói:
    - Hán Văn Đế tự thân tu huyền mặc, thường đem mình theo Đạo Đức kinh. Sau ba đời sau đều được trị nước bình an. Thấy hiệu quả như vậy đó. Nếu cứ dâng cúng bánh bột rồi chết đói ở đài thành Tiêu Lương, chẳng được ai cứu, há chẳng như đứa gia nô cô độc chùa Đồng Thái hay sao?
    Nhà Phật học nói:
    - Minh Thái Tổ anh hùng ngang dọc, vốn nổi dậy từ chùa Hoàng Giác. Xã tắc Đại Minh dài mấy trăm năm, đều bắt đầu từ đó. Như luyện cỏ thiêng thành đan dược mà vẫn xảy loạn cung Chương Võ, ngài chưa nghe chăng, sao chẳng dùng đến các phương sĩ chốn Thiên đài.
    Nhà Huyền học nói:
    - Núi Long Hổ là nơi bậc thiên sư ta lánh mình, thế mà công tích hiển hiện trong việc trừ bệnh diệt ôn, trải bao nhiêu đời vẫn được tôn thờ. Xem chẳng lớn sao sao?
    Nhà Phật học nói:
    - Núi Phổ Đà là nơi Phật tổ ta ở đó, mà ân trạch cứu dân độ thế, khắp trời không nơi nào chẳng ngợi ca. Ôi chao thịnh thay!
    Hài nhà cao đàm khoát luận, dẫn cổ bàn kim, tranh hơn không ai chịu kém, suốt sáng đến chiều. Bỗng gặp một Nho sinh tới. Bèn cùng đứng dậy mời ngồi, rồi kể tường tận những lời nói từ sáng tới giờ, mong được định ngôi cao thấp. Nho sinh cười nói:
    - Mỗi nhà đều có sở trường, nhưng mỗi nhà cũng có điều bất cập, như Lỗ với Vệ vậy. Nói chung Phật vốn ở tâm, tức tâm ấy Phật. Con người có thể hoằng dương đạo pháp, chẳng phải đạo không thể hoằng dương con người. Cho nên người quân tử tự sửa mình mà thôi. Nếu nói chuyện không không trong phái Thích, hay xét lý huyền huyền ở dòng Lão, ấy chẳng phải việc của tôi. Các ngài hãy về mà tìm hỏi ở vị sư phụ khác. Rồi nghiêm nét mặt lui đi.
    Tôi (Lý Văn Phức – ND) đã từng nghe chuyện niên hiệu Nguyên Sơ đời Đông Hán xưa (113) phế truất Nho học, khi ấy xây dựng đền thờ hai vị tổ Phật, Lão, có tượng giảng luận tông chỉ. Ở dưới còn tạc cả tượng Khổng phu tử ta quỳ dưới đất nghe giảng. Có một kẻ sĩ bên cạnh nhân tả cảnh tượng đó mà tán rằng:
    Nhà Phật bàn kinh
    Nhà Lão giảng lý
    Trọng Ni nghe rồi,
    Cười lăn ra đất.
    Kẻ Nho sinh cùng thuộc bọn ta chăng?
    Năm Tân Sửu tháng 2, tôi vâng mệnh hoàn thành việc sứ quáy về, đậu thuyền giữa chặng, tình cờ có 2 vị tăng và đạo cùng đến mộ hóa. Không hẹn mà nên, hai nhà chạm mặt nhau, mỗi bên đều ấp úng rồi đi. Nhân đó mới hay hai nhà vốn chẳng thể cùng nhau được. Bên song ngâm vịnh, cầm bút mà chép chuyện này. Lời nói đáng nghe hay không, xin trông mong các vị hiểu đạo hiệu chính giúp.
    Trên đây là một cuộc tranh luận ngẫu nhiên “kẻ tám lạng người nửa cân” giữa một đồ đệ nhà Phật với một môn sinh Đạo giáo. Một vị trọng tài ngẫu nhiên là đệ tử của Khổng học. Một kết quả tất nhiên là không thể phân ngôi thắng phụ trong cuộc khẩu chiến tín ngưỡng ấy.
    Khi tranh luận, người nhà Phật dẫn câu hỷ xả mà quên tâm hỷ xả; người phái Đạo viện lẽ hư vô mà quên phép đặt mình sau thiên hạ là một trong ba bảo bối của Lão Tử. Cho nên cả hai cùng nóng lòng mời vị Nho sinh đi qua phân giải dùm. Nho sinh nhắc hai nhà mà cũng để răn mình: “Quân tử tự tu nhi dĩ (Người quân tử tự sửa mình mà thôi). Dường như, trong nội tâm, nho sinh cũng từng dạy lòng tranh luận, nhưng tự dẹp đi.
    Một câu chuyện như ngẫu nhiên nơi cảnh vắng, không ai ngoài 3 người hay biết, thật ra không ngẫu nhiên. Nó không ngẫu nhiên cũng như sự dung hợp giữa các cá nhân, giữa các học thuyết, giữa các tư tưởng. Ai cũng muốn hơn, ai cũng muốn tuyệt đối. Phải tiếp xúc với nhau, phải trai qua giao tiếp, cọ xát với nhau, mới nhận chân, mình là bao nhiêu trong toàn thể. Mỗi học thuyết đều khả thủ ở điểm này, bất cập ở điểm khác. Một điểm không bao giờ tượng trưng được cho một diện, chưa kể là trong cả vũ trụ mênh mông.
    Vì vậy, nghe lời nhắc tự sửa mình, mỗi người đều nghiêm nét mặt lui đi. Tác giả Lý Văn Phức viết câu chuyện này, rồi kể thêm cả câu chuyện 2 nhà Phật – Lão lại cùng ngẫu nhiên đụng nhau khi mộ hóa chúng sinh trong một lần khác, để tự rút ra một điều “Nhị thị chi bản bất tương năng dã” (Hai nhà vốn chẳng thể cùng nhau). Ở vị thế môn đồ Khổng học như Lý Văn Phức, việc tự rút mình làm trọng tài, làm người ngoài trong các cuộc tranh luận ấy là điều không quá khó hiểu. Nhưng kết thúc bỏ ngỏ của việc phân định cao thấp trong các cuộc tranh cãi ấy, khiến ngay Lý Văn Phức cũng không dám thiên về ai, lại tự thân chứng tỏ những trăn trở sâu xa, những đầu mối giao lưu đang sống động âm thầm trong tâm linh mỗi người. Những giao lưu nội tâm!
    Chú thích:
    - Thanh khâm: áo màu xanh, chỉ sĩ tử, nho sinh.
    - Vĩnh Bình: ở đây có lẽ là niên hiệu Hán Minh Đế (năm 57).
    - Vương Hữu Quân: Vương Hy Chi đời Tấn, giữ chức Hữu quân tướng quân.
    - Lục Tượng Sơn: Lục Cửu Uyên đời Tống, giảng học ở Tượng Sơn (nay thuộc Giang Tây).
    - Khổng Bắc Hải: Khổng Dung đời Đông Hán, cháu 20 đời của Khổng Tử, làm tướng ở Bắc Hải, tính khoan dung, yêu kẻ sĩ.
    - Lý Nguyễn Lễ: Năm 10 tuổi Khổng Dung nói với Lý Ưng Môn rằng: tôi là con em thông gia với họ Lý nhà ngài đó.
    - Tiêu Lan Lăng: Tiêu Diễn, người Nam Lan Lăng, cướp ngôi Nam Tề, đời gọi là Lương Vũ Đế. Làm vua hiếu từ cung kiệm, học rộng hiểu nhiều. Lúc đầu trọng Nho. Sau sùng Phật, ba lần quy y ở chùa Đồng Thái. Sau bị làm phản, chết đói.
    - Thái Nhất Thiên Tôn: tên của Ngọc Hoàng đại đế.
    - Khai Nguyên: niên hiệu đời Đường Huyền Tông.
    - Nguyên Sơ: niên hiệu vua An Đế đời Đông Hán.
    - Tào Tướng quốc: Tào Tham làm Thừa tướng nước Tề, nghe nói Liêu Tây có Cái công giỏi phép Hoàng Lão, bèn sai người đưa lễ hậu mời. Cái công cho lời rằng: hành đạo quý ở chỗ thanh tĩnh thì dân tự yên định.
    - Phó Thái Sử: điển này chưa rõ.
    Thông báo Hán Nôm học 1998 (tr.19-26)
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
     

Share This Page