Thị trường xuất khẩu trọng điểm năm 2008: Vượt chướng ngại vật

Discussion in 'Tạp chí Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng' started by admin, May 18, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    Tại thị trường Nhật Bản (kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 2), lo ngại lớn nhất chính là phải làm sao khắc phục cho được rào cản vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) - xuất khẩu, nhất là tới đây phía bạn sẽ áp dụng luật mới về VSATTP. Với thị trường Hoa Kỳ (kim ngạch xuất khẩu lớn số 1), lo ngại bị kiện chống bán phá giá sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới tâm lý cả nhà nhập khẩu Hoa Kỳ lẫn DN xuất khẩu Việt Nam. Giải pháp nào để vượt qua “những chướng ngại vật” này?

    Khắc phục rào cản vệ sinh an toàn thực phẩm.

    Năm 2008 mục tiêu XK vào thị trường Nhật Bản là 11 tỷ USD (tăng trưởng 17%) trong đó thuỷ hải sản vẫn được xem là mặt hàng chủ lực. Theo ông Vũ Văn Trung - tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, nhiều mặt hàng thuỷ hải sản của ta rất được ưa thích trên thị trường Nhật Bản song những năm gần đây vấn đề VSATTP đối với mặt hàng thuỷ sản từ Việt Nam là rất lớn. Kim ngạch mặt hàng này chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản. “Chúng ta vướng các quy định của pháp luật Nhật Bản về VSATTP và bị ảnh hưởng rất lớn, năm 2007 kim ngạch XK mặt hàng này vào Nhật giảm trên 15%.”, Ông Trung cho biết. Điều đáng nói là trước khi phía Nhật áp dụng các quy định mới về VSATTP cơ quan thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng như Bộ Công Thương đã tích cực thông tin về cho cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội cũng như các DN Việt Nam, nhưng các DN xuất khẩu đã không chú trọng tới việc cải thiện thực trạng của mình cũng như chấp hành nghiêm túc các quy định của phía bạn. “Chúng tôi liên tục cảnh báo cho ở nhà về tình hình và thông tin về việc áp dụng các quy định mới. Khi những lô hàng của ta bị kiểm tra và vi phạm chúng tôi cũng đã cập nhật và báo về cơ quan chức năng ở Việt Nam để tìm cách tháo gỡ từ khâu sản xuất đến lưu thông. Song có lẽ do sự yếu kém về sản xuất, chế biến, công nghệ, thiết bị....và một thời gian việc kiểm tra kiểm soát chất lượng VSATTP cũng còn lỏng lẻo nên hệ quả là nhiều DN đã không đáp ứng được yêu cầu VSATTP khi xuất khẩu vào Nhật. Các cơ quan Nhật Bản và DN Nhật Bản rất bức xúc và yêu cầu nếu phía Việt Nam không có biện pháp thay đổi tình hình thì phía Nhật Bản sẽ tạm dừng việc nhập khẩu các mặt hàng vi phạm VSATTP”, ông Trung cho biết thêm.

    Thực tế có thể thấy vấn đề VSATTP trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu thuỷ hải sản không chỉ giải quyết tại ngọn mà phải bắt đầu từ “gốc”, từ khâu giống, vận chuyển, nuôi trồng đến khi chế biến, đây cũng chính là nguyên nhân các DN hầu như đều nhận thức được việc phải tuân thủ quy định nghặt nghèo của nước bạn về VSATTP song vẫn cố gắng “lách luật” để rồi lại bị “thổi còi”. Nhiều DN cho biết những vi phạm về VSTTP đôi khi bắt nguồn từ chính... công nhân. Ví dụ trong nhà máy sản xuất tôm đông lạnh xuất khẩu, lẽ ra công nhân bóc tôm nõn phải đeo găng tay nhưng nếu bóc bằng găng tay cũng xuất giảm, bóc bằng tay năng xuất tăng cao hơn nên công nhân không đeo găng. Tuy nhiên để chống xước, công nhân dùng một chất bảo vệ tay và chính đó là một trong những yếu tố khiến không an toàn đối với VSATTP. “Để thay đổi tình hình, theo tôi phải xem xét lại tất cả các khâu từ giống, nuôi trồng đến vận chuyển đều phải tuân thủ thì mới lấy lại được uy tín trên thị trường”, ông Trung nói.

    Để trợ giúp cho DN, năm nay theo ông Trung cơ quan thương vụ sẽ cải tiến hoạt động XTTM với mục tiêu bài bản hơn và hiệu quả hơn. Đại diện Hiệp hội thuỷ sản cũng cho biết sẽ có những “đơn đặt hàng” cụ thể cho tham tán tại các thị trường nhập khẩu thuỷ sản từ Việt Nam để góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản vào các thị trường cũng như thực hiện hiệu quả hơn công tác xúc tiến thương mại cho thuỷ hải sản xuất khẩu.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Hoa Kỳ: Lại lo ngại kiện bán phá giá

    Năm 2007 Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ 10, 3 tỷ USD, trong đó “xuất siêu” là 8,4 tỉ USD, tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia Bộ Công Thương thì thị trường xuất khẩu số 1 này năm 2008 lại đang gặp đầy rẫy những khó khăn mà trước hết là nguy cơ đối diện với những vụ kiện bán phá giá mới và dự luật an toàn sản phẩm (chuẩn bị được thông qua). Trước hết là mặt hàng dệt may đến thời điểm này cơ chế giám sát phân biệt của Hoa Kỳ đối với các mặt hàng dệt may Việt Nam vẫn đang được duy trì và rất dễ có nguy cơ bị khởi động điều tra chống bán phá giá. Ngay những ngày đầu năm 2008 mặt hàng lò so không bọc có xuất xứ từ Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cũng đã chính thức bị khởi kiện bán phá giá và đã có những tác động tiêu cực tới tâm lý của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ. Mặt hàng đồ gỗ cũng đang có nguồn tin cho rằng một số DN Hoa Kỳ đang tính đến việc khởi kiện Việt Nam bán phá giá hàng đồ gỗ trong phòng ngủ. Thêm vào đó mặt hàng giày dép đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ Trung Quốc, mặt hàng tôm đông lạnh và phi lê cá vẫn đang bị áp thuế bán phá giá với mức cao hơn một số nước khác. Theo ông Ngô Văn Thoan - tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ thì tư tưởng bảo hộ ở Hoa Kỳ đang ngày càng rõ rệt và trở thành con bài để những người ứng cử tổng thống “lấy phiếu” khi tranh cử. Từ năm 2004 đến nay Hoa Kỳ đã khởi kiện bán phá giá 3 mặt hàng của Việt Nam và tới đây Hoa Kỳ sẽ còn kiểm soát kỹ hoạt động kinh doanh ngoại thương trong đó có việc dự thảo dự luật mới về an toàn sản phẩm.

    Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã đề ra một loạt các biện pháp nhằm tránh những thiệt hại do xung đột thương mại. Cụ thể, đối với mặt hàng dệt may cần có cơ chế nắm bắt kịp thời tình hình xuất khẩu, nhất là diễn biến giá xuất khẩu, đồng thời có chế tài để hạn chế các đơn hàng giá rẻ. Trong đó các DN dệt may của ta cần chủ động khai thác các đơn hàng cao cấp giá cao để vừa tránh giảm giá xuất khẩu dẫn đến bị điều tra bán phá giá vừa tận dụng lợi thế cnạh tranh của ta ở phân khúc thị trường này. Đặc biệt với mặt hàng đồ gỗ các DN phải chủ động theo dõi sát sao, đa dạng hoá chủng loại hàng hoá xuất sang Hoa Kỳ, không quá tập trung nhiều vào mặt hàng đồ gỗ trong phòng ngủ. Với mặt hàng thuỷ sản, các DN cần chú ý xử lý dứt điểm vấn đề dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép trong sản phẩm, đặc biệt trong bối cảnh Hoa Kỳ có thể sẽ thông qua dự luật an toàn sản phẩm mới, đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn về an toàn sản phẩm tiêu dùng (nhất là mặt hàng thực phẩm).

    Thanh Lương
    Tạp chí TCĐLCL Tháng 5 Năm 2008
     

Share This Page