Thơ Ca Giáng Bút Và Hồi Thuần Chân Kinh Hạ Tập

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Sep 3, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    THƠ CA GIÁNG BÚT VÀ HỒI THUẦN CHÂN KINH HẠ TẬP
    PHẠM ĐỨC DUẬT​
    Sở Văn hóa – Thông tin Thái Bình
    Sau những thất bại cuối cùng vũ trang chống Pháp của các phong trào như Hoàng Hoa Thám, Mạc Đĩnh Phúc và Kỳ Đồng - Nguyễn Văn Cẩm ở cuối thế kỷ 19, sang đầu thế kỷ 20, các sĩ phu yêu nước đã tự xác định một con đường cứu nước mới, mà bốn mươi năm trước, nhiều phần tử tiên tiến của trí thức phong kiến uổng công hô hào đề nghị triều đình đi theo. Đó là con đường Duy Tân làm cho nước giàu dân mạnh thì sẽ tự cường tự lập được để đánh đuổi Pháp. Cho nên duy tân và chống Pháp trở thành những vấn đề trung tâm cho những cuộc tranh luận sôi nổi của các sĩ phu lúc bấy giờ. Khoảng một phần tư đầu thế kỷ này, xu hướng duy tân phát triển rất mạnh mẽ mà tiêu biểu là phong trào Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội năm 1907. Còn ở các vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ khi ấy, các nhà Nho yêu nước lại tuyên truyền tư tưởng duy tân qua các bài thơ ca chữ Nôm, chữ Hán của kinh giáng bút ở các Thiện đàn. Do đó mà phong trào lập các đàn thiện những năm cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20 ở Thái Bình cũng rất phổ biến. Nhưng dựa vào thần quyền để làm kinh giáng bút chỉ là hình thức, còn thực chất Thiện đàn là địa điểm hợp pháp để các Nho sĩ ứng tác và phổ biến, tuyên truyền tinh thần yêu nước qua thi ca. Một nhân vật chủ trì Bảo thiện đàn lúc bấy giờ là Hoàng Cao Phan, quê làng Dưỡng Thông, huyện Trực Định phủ Kiến Xương đã phải tiết lộ rằng:
    Bút ngộ ai đồng nan ngữ thánh,
    Thi phùng tao khách dị ngâm thần
    Nghĩa là: Gặp người đồng bút ngây ngô thì khó nói được lời thánh. Còn thơ mà gặp khách tao nhã thì mới dễ lột được thần.
    Như vậy, rõ ràng thơ văn giáng bút ở các Đàn thiện là thơ văn của các sĩ phu yêu nước lúc đó.
    Tại vùng Đồng Xuân thuộc phủ Kiến Xương cũ, sau cuộc nổi dậy chống Pháp và tay sai của nghĩa quân Sư Dù bị thất bại cuối năm 1897, thì nhiều Đàn thiện ở trong vùng đã được hình thành. Năm Thành Thái thứ 2 (1900), tại Phụ Nhân đàn ở làng Tả Phụ, tổng Đồng Xuân, thư giáng bút đã in thành Hồi thuần chân kinh thượng tập. Năm Tân Dậu, Khải Định thứ 6 (1921), thơ giáng bút tại Phu Nhân đàn lại in thành Hồi thuần chân kinh hạ tập. Gần đây, chúng tôi đã tìm được tập thứ hai này. Sách in mộc bản khổ 15 x 25cm, gồm 84 trang, trang 133 chữ x 83 = 11.172 chữ. Người đứng ra in tập kinh này là ông Bá hộ Vũ Oanh, người làng Tả Phụ, tổng Đồng Xuân, huyện Trực Định. Nội dung sách gồm 23 bài thơ ca Nôm theo thể song thất lục bát, thất ngôn biến thể, Đường luật và một bài văn xuôi cuối sách. Trừ bài văn xuoi là lời cuối sách của người đứng ra in sách, còn những bài kia chủ yếu là thơ Nôm thác lời: Trần triều Nguyên Từ quốc mâu, Quỳnh Hoa công chúa, Quế Hoa công chúa, Trần triều Đệ nhị Vương cô, Đệ nhất thánh mẫu, Bạch Hạc tự Quan Âm bồ tát, Loan Phong Thượng Ngàn công chúa, Nam Hải đại vương, Phượng Sơn linh thần, Trinh hoàng hậu tôn thần, Lý triều tứ Phi Nương tôn thần, Cửu trùng thiên công chúa. Hương Sơn động Quan Âm bồ tát, Trần triều Hà đê sứ đại vương, Thập nhị Tiên nương, Trần triều Phạm điện súy, v.v…
    Ngay từ bài ca đầu Trần triều Nguyên Từ quốc mẫu giáng khai kinh thi đã cho người đọc thấy rõ năm in tập thứ nhất và năm in tập thứ hai.
    … Tự Canh Tý đến nay Tân Dậu
    Ngoài hai mươi năm trải phong trần
    Giáng Hồi thuần ở điện Phụ Nhân
    Ước một trăm trương nên thiên trật
    Gái đào yếm học câu tĩnh nhất
    Trai Quế Lâm nghe lọt thi ca…
    Kinh Hồi thuần là lời lẽ của một cây bút sắc bén đả kích bọn cướp nước và bè lũ tay sai. Những bài thơ ca ở đây có nội dung khích lệ tinh thần yêu nước, đề cao những gương hy sinh dũng cảm, lời lẽ hùng hồn, đanh thép, có tác dụng truyền cảm rất mạnh, lôi cuốn người đọc. Chính vì thế mà những bài thơ ca này, người ta ghi chép, truyền miệng, phổ biến cho nhau một cách hào hứng. Bọn cai trị Pháp và ngụy quyền hoảng sợ trước sự lan truyền nhanh chóng của những áng thơ văn yêu nước đó, vì nó có sức mạnh thúc đẩy lòng người, có tác dụng mạnh hơn cả bom đạn. Đây là một đoạn trong bài Thê hoán phu miên thi thác lời Trần triều độ nhị Vương cô như sau:
    … Dậy, dậy phàng, dậy mà trông
    Đồng hồ náo khua trong thế giới
    Khắp hoàn hải tranh đua, khí khái
    Thang tự do đã bắc mái nhà Hồng
    Trống văn minh đang đánh thùng thùng
    Tiêu độc lập cắm cao vùng Nam cực
    Chàng đã thức hay là chưa thức
    Thức thức trông sao Dực sáng hay nhòa…
    Thang tự do, đường độc lập là con đường phấn đấu của toàn dân tộc. Nhiệm vụ thiêng liêng nặng nề đó không phải riêng cho đàn ông “nam nhi chi chí” mà là trách nhiệm của những trang nữ kiệt cháu con bà Trưng, bà Triệu. Tạ kinh quốc ca là bài ca khích lệ chị em hãy chen vai sát cánh cùng nam giới vì cuộc đấu tranh chung với người trong cả nước:
    … Thang tự do bắc thẳng tầng mây
    Đường độc lập sẵn xây nhẵn thín
    Gánh luân lý chị mười em chín
    Cửa thiện duyên phương tiện rộng thênh thang
    Chuong đồng văn tiếng đã kêu vang
    Tỉnh giâcs mộng chớ mơ mang con mắt tục…
    Đến bài Quyên minh thi thác lời Nam Hải đại vương đã mượn hình ảnh chim “quốc”, chim “Hồng”, núi Tản, sông Lô để kêu gọi tinh thần nhớ nước thương nòi trở về quê xưa nước cũ, thừa thời cơ mà khôi phục lại non sông:
    … Người cố quốc biết ta không nhỉ
    Tiếng “Quốc” dồn lý lẽ năm canh
    Hết xuống gốc lại lên cành
    Càng kêu càng não xót tình non sông
    Mất nhấp nháy xa trông Nam ngạn,
    Chưa thấy hơi tin nhạn tới cùng.
    “Quốc” vì thương giống chim “Hồng”
    “Gió Tây” phá tỏ long đong tan đàn.
    Trải mấy độ mắc oan lưỡi cá,
    Biết bao giờ cho thỏa gió mây?
    Nếu “Hồn” khéo biết vần xoay,
    Thừa cơ con tạo mà bay trở về
    Ngọn núi Tản ấy quê quán cũ
    Dòng sông Lô là thú nghỉ ngơi
    Thế thì “Quốc” được hàm hơi
    “Quốc” vui rừng rậm xem đời thái lai…
    Bài Tổng kỹ ca ở cuối sách được đúc kiết bằng tinh thần đoàn kết, đồng tâm của những trai “trung nghĩa”, “gái kiên trinh” mà tẩy sạch những vết nhơ trên tấm gương trong như tuyết của truyền thống yêu nước của nhân dân ta ngàn năm còn để lại:
    … Trai ăn ở bền lòng trung nghĩa,
    Gái kiên trinh khoe mẽ với non sông.
    Chữ đồng tâm tạc để bên lòng.
    Gương tuyết ngắm nên cùng nhau tẩy sạch…
    Nói tóm lại, Hồi thuần chân kinh hạ tập được sáng tác để kêu gọi tinh thần yêu nước của nhân dân, khích lệ tấm lòng trung nghĩa, dạ kiên trinh của những nam thanh nữ tú ở đầu thế kỷ này. Văn bản mới sưu tầm được là một chút tu liệu đóng góp thêm trong khối lượng thơ ca yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân ta.
    Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr.85-90)
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
     

Share This Page