Thơ Nguyễn Văn Siêu

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 6, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    PGS. TRẦN LÊ SÁNG
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm

    Nguyễn Văn Siêu (1796-1872) tự Tốn Ban, hiệu Phương Đình và Thọ Xương cư sĩ, sinh ở Kim Lũ (làng Lủ), mất ở Thọ Xương - Hà Nội, táng ở Lủ nay còn mộ và bia Thần Đạo.

    Nguyễn Văn Siêu để lại một tập thơ lớn, đó là tập Phương Đình thi loại 方 亭詩 類, tập thơ này được in năm Tự Đức thứ 4 (1851) bằng ván khắc, chữ chân, hiện ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.188/1-2.

    Phương Đình thi loại gồm 4 tập, đó là: Vạn lý tập 萬 里 集, Anh Ngôn tập嚶 言 集, Lưu lãm tập流 覽 集và Mạn hứng tập漫 興 集. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu từng tập:

    1. Vạn lý tập: năm Kỷ Dậu (1849), Nguyễn Văn Siêu được vua Tự Đức phái đi sứ nhà Thanh với chức Phó sứ. Sắc chỉ: "Khanh thiên tính thông minh, học vấn uyên bác, thành thử nghi thu thập kiến văn, tác trẫm nhĩ mục, lịch lãm Bắc triều chư danh lam thắng cảnh, cập chư địa phương phong tục, tức mệnh quản thành tử chu tường, sĩ hồi trình tiến lãm, tá trẫm minh kiến vạn lý chi ngoại". Nghĩa là: "Khanh thiên bẩm thông minh, học vấn uyên bác, đi chuyến này nên thu thập những điều mắt thấy tai nghe, làm tai mắt cho trẫm, qua các nơi danh lam thắng cảnh cùng phong tục các nơi bên Bắc triều, phải ghi chép kĩ càng, đợi về dâng lên, giúp trẫm thấy được ngoài muôn dặm". Vâng theo sắc chỉ, Nguyễn Văn Siêu quan sát các nơi đã đi qua và ghi chép lại. Khi về nước, ông dâng lên tập Như Yên lịch trình tấu thảo (Bản tấu về chuyến hành trình đi Yên Kinh), chép lại cảnh vật mười ba nơi đoàn sứ bộ đi qua, từ Nam Quan sơn lộ đến Bắc Bình, phong vật mỗi nơi đều nêu được nét đặc sắc với bút pháp hết sức điêu luyện. Học giả đương thời xưng tụng "văn như Siêu, Quát". Văn ông Quát đáng tiếc nay còn lại quá ít nên khó biết rõ, văn ông Siêu thì còn lại khá nhiều, vì vậy chúng ta thấy rõ các học giả xưa bình phẩm rất tinh. Văn ông Siêu viết về địa lí thì có lẽ danh sĩ quê Hán cổ cũng kính nể. Đồng thời với việc thực hiện tập Như Yên lịch trình theo sắc chỉ, Nguyễn Văn Siêu còn làm nhiều thơ trong chuyến đi sứ, khi trở về tập hợp thành tập thơ Vạn lý tập (Tập thơ muôn dặm).

    Vạn lý tập gồm 165 bài, bài thứ nhất là bài Xuất Tây môn khẩu chiếm (Cảm xúc khi ra khỏi cửa Tây ở Kinh đô):

    "Minh triêu bái tiện điện
    Bạc vãn xuất đô môn
    Thánh ý tại căng tồn
    Tính danh thông đại quốc
    Nhật dịch tẩu do hiên
    Vạn lý thử vi biệt
    Tuần nhật quá gia viên".


    Dịch:

    Sáng nay lạy ở điện,
    Chập tối xuất đô môn.
    Lòng thần vừa run sợ,
    Ý chúa lại ôn tồn.
    Họ tên đưa đại quốc,
    Chuyển vận có xe chuyên.
    Vạn dặm tạm ly biệt,
    Mười hôm đến gia viên.

    Bài cuối cùng là bài Vấn Mai Hộ sứ nhập Yên phụng lão mẫu hoàn gia, nhân trí sổ vận tương úy (Vấn Mai Hộ sứ vào Yên phụng mẹ già về nhà, nhân gửi mấy vần úy lạo):

    "Thánh trạch đàm phu Nhị thủy lưu
    Thanh danh văn vật tế trung châu
    Tính truyền Vân hán đồng xưng Nguyễn
    Lộ nhập Tiên nguyên bất nhượng Lưu
    Tứ thủ thành xuân nhất đại thịnh
    Kỳ nhân như ngọc kỷ sinh tu
    Liên ban vạn lí triều thiên tử
    Chế cẩm phàm gương học sĩ chu".


    Dịch:

    Đức trạch vua ban đến Nhị Hà
    Thanh danh văn vật khắp nước nhà
    Họ truyền là Nguyễn nơi Vân hán
    Đất đến chàng Lưu chốn Tiên ra
    Thịnh ấy một thời xuân đã lại
    Tu nên thành được dáng ngọc ngà
    Một đoàn vạn dặm chầu thiên tử
    Gấm chế buồm gương học sĩ ta.

    Thơ làm từ buổi ra đi ở kinh đô Huế, qua Hà Nội rồi sang nước Thanh, từ Mục Nam Quan cho đến Yên Kinh, rồi lại từ Yên Kinh cho đến về nước. Nhiều bài tả phong cảnh sinh động, hiện thực:

    Yên Kinh
    “Vương khí do tại Yên
    Đông phương mộc đắc tuế
    Bắc điện triền chư hầu
    Cung điện giai Minh chế
    U tính khí dĩ thuần
    Mãn Hán văn tương tế
    Căn bản Bát kỳ trung
    Xu hướng thiên hạ thế
    Tam quý uy nghi phồn
    Nhất tâm cung kiệm thể
    Lâu các bạch vân nhàn
    Trí đài mạn thảo ế
    Trùng môn vô thốn binh
    Bách chấp nhược hư để
    Xa giá tại Minh Viên
    Thành thị tự giao tế”.


    Dịch:

    Yên Kinh (Bắc Kinh)
    Vương khí còn ở Yên,
    Phương đông cây được tuổi.
    Mặt bắc chư hầu chầu,
    Cung điện thời Minh chế.
    Khí cũ nay đã thuần,
    Mãn Hán văn tương tế.
    Gốc rễ trong Bát kỳ,
    Mở ra thiên hạ thế.
    Hoa thơm dấy uy nghi,
    Một lòng cung kiệm thể.
    Lầu gác mây trắng bay,
    Ao đài dây leo kĩ.
    Trùng môn không tấc binh,
    Trăm chỗ không như thế.
    Xe vua ngự Minh Viên,
    Thành thị vẫn giao tế.

    Về buổi được tiếp kiến ở vườn Viên Minh - Bắc Kinh, Nguyễn Văn Siêu viết:
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Viên Minh viên tiểu kiến
    "Cổ thụ nhàn viên lí
    Ty cung hữu chí tôn
    Thanh sơn hoành ngự tháp
    Khê thủy nhiễu hoàn viên
    Khanh sĩ tây liên bộ
    Thân vương hạ đại ngôn
    Chính trung từ bái khể
    Kỷ vấn phụng ôn tồn".


    Dịch:

    Cổ thụ đầy vườn trắng,
    Hành cung bậc chí tôn.
    Non xanh ngoài sập ngự,
    Suối biếc bọc tường biên.
    Khanh sĩ hiên tây bước,
    Thân vương thay vua truyền.
    Trang nghiêm cúi đầu vái,
    Thăm hỏi gửi ôn tồn.

    v.v..

    Nếu như Yên Kinh lịch trình tấu thảo trong Phương Đình văn loại cho chúng ta biết được một cách khá ngọn ngành về một số danh lam thắng cảnh phương bắc thì Vạn Lý tậpPhương Đình thi loại lại cho chúng ta cảm nhận được đa dạng hơn, sinh động hơn về những nơi này. Khi đi sứ về, Nguyễn Văn Siêu có đưa Vạn lý tập cho Cần chính điện Đại học sĩ Đoan Trai (tức Trương Đăng Quế) xem, Đoan Trai có đề tựa, bài tựa có câu: "Nguyễn tử Phương Đình là người học rộng hay thơ… Ông đi sứ về đưa Vạn lí tập cho tôi xem và xin viết tựa, tôi đã xem những bài viết về sơn xuyên thắng cảnh, cổ kim linh tích đều thấy cấu tứ chặt chẽ xác đáng". Thơ đi sứ của nước ta có sớm và hết sức phong phú, xứng đáng là một chuyên đề nghiên cứu, nhưng Vạn lí tập của Phương Đình vẫn có chỗ đặc sắc, chỗ đặc sắc ấy là tả thực nhiều nơi mà đoàn Sứ bộ đi qua, tả thực với ý thức thực hiện sắc chỉ của vua Tự Đức mà ở trên chúng ta đã biết. Bởi vậy, trong Vạn lí tập bao gồm được cả ba yếu tố tình, cảnh, sự; tập thơ này trở thành tài liệu tham khảo quý về phương diện bang giao cho triều đình và đặc biệt cho các đoàn sứ bộ về sau; và tập thơ này cũng có ý nghĩa về phương diện văn học, văn hóa.

    2. Anh ngôn tập: đây là tập thơ về tình bạn bè, nhưng cũng có nhiều bài thơ tả cảnh sông núi, đền miếu… gồm 282 bài. Mở đầu là bài Nhị Hà gồm 2 bài (ở đây chọn 1):

    "Vạn cổ càn khôn nhất thủ lưu
    Lâm lưu cố lũy hám tân lâu
    Đông minh nhật xứ thiên nguyên định
    Tây lĩnh vân trung vạn hác phù
    Sự khứ bi lai quan thước cảm
    Hoa phi xuân giảm khúc giang sầu
    Tự hành tự chỉ yên ba lí
    Thùy vấn ngư ông độc điếu châu".


    Dịch:

    Vạn thuở càn khôn cứ chảy lâu,
    Bên sông lũy cũ thấy tân lầu.
    Biển đông trời mọc nghìn dòng tụ,
    Tây lĩnh mây trôi vạn hốc phù.
    Việc cũ để buồn chim cuốc gọi,
    Hoa nay xuân giảm khúc giang sầu.
    Tự đi tự đứng trong mây khói,
    Ai hỏi ngư ông một lá câu.

    Cuối tập Anh ngôn là bài Sơ xuân khai bút:

    "Ngô bút vị thường hạp
    Thiên biến dã bất cùng
    Hóa công chân điểm xuyết
    Vạn tử dữ thiên hồng".


    Dịch:

    Nắp bút chưa từng đóng,
    Bầu trời cũng chẳng dừng.
    Thợ trời khéo điểm xuyết,
    Vạn tía với nghìn hồng.

    Nguyễn Văn Siêu có nhiều bạn, trong Kim Lũ Nguyễn thị chính phả ông kể đến các bạn thân thiết là Tạ Hiên Chu Doãn Trí ở Dục Tú, Lê Nhận Trai ở Nhân Mục, Vũ Mẫn Tốn Phủ ở Nghệ An, Vũ Đình Lễ ở Lương Đường, Chí Đình Nguyễn Văn Lý ở Đông Tác, Lỗ Am Vũ Phan ở Tự Tháp, Phúc Duyên Lê Duy Trung ở Thượng Phúc, Dương Đình Ngô Thế Vinh ở Bái Dương, Thành Tư Trần Văn Vi ở cùng thôn(1)... Khi xem Phương Đình văn loại và các tập thơ trong Phương Đình thi loại chúng ta còn thấy bạn ông đông hơn rất nhiều, chí ít phải kể thêm Cao Bá Quát, Nguyễn Hàm Ninh, Đinh Nhật Thận, Trần Đức Anh, Nguyễn Như Cát… Siêu, Quát, Ninh, Thận được học giả đương thời xưng tụng là "Tràng An tứ kiệt". Trần Đức Anh từng làm nhà bên Hồ Gươm (Hà Nội) và thường cùng Nguyễn Văn Siêu bàn về chuyện viết sử cho hồ Gươm; còn Án sát Nguyễn Như Cát lại là người đầu tiên bàn với Nguyễn Văn Siêu về việc trùng tu đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc. Trong Anh ngôn tập, Nguyễn Văn Siêu thu thập thơ xướng họa, viết tặng các bạn như Ngô Dương Đình, Lê Phúc Xuyên, Vũ Hoán Phủ, Lê Thường Lĩnh, Trần Thận Tư, Hoàng Phúc Đình, Chu Tạ Hiên, Nguyễn Tuần Phủ, Vũ Ngọc Khê, Hà Tốn Phủ… cũng có bài tác giả làm khi đi chơi với một nhóm bạn, lại cũng có bài chỉ làm khi một mình trước phong cảnh; có thể nói, với nhà thơ thì người, cảnh, vật đều có thể tâm tình như bạn. Điều đặc biệt là toàn bộ người, cảnh, vật trong Phương Đình anh ngôn thi tập đều là người, cảnh, vật nước nhà, bởi vậy, tập thơ vô hình trung trở thành tài liệu nghiên cứu cho giới nghiên cứu văn hóa cổ dân tộc. Mặt khác, những vần thơ vui buồn vì bạn, xúc cảnh sinh tình, ngâm hoa vịnh nguyệt, hoài cổ sâu xa này nay đọc vẫn cảm thấy tinh thần được di dưỡng.

    3. Lưu lãm tập: đây là tập thơ viết về chu du quan lãm, gồm 305 bài. Mở đầu là bài Tam cử lễ bộ đáo kinh thân cổ lai tự cựu (Lần thứ ba được thăng ở bộ Lễ vào Kinh đô Huế đi thăm người quen cũ).

    "Giang sơn ngô phục chí
    Hội ngộ nhật trùng tân
    Cộng vấn hương quan sự
    Kiêm tồn lão bệnh nhân
    Hưng liêm thi lực phiếm
    Tình cấp tửu bồi thân.
    Giáp trúc đào hoa phát
    Ly ly các bán xuân".


    Dịch:

    Sông núi vẫn như xưa,
    Bạn gặp như mới ra.
    Đều hỏi quê các việc,
    Sức khỏe của ông bà.
    Thương nhau khó nói hết,
    Cho vào rượu chan hòa.
    Dậu trúc hoa đào nở,
    Xuân đã đến bên nhà.

    Cuối tập là bài Tống Bùi Hữu Trúc chi Tuyên Quang Án sát (Tiễn Bùi Hữu Trúc (Ngọc Quỹ) đi nhận chức Án sát ở Tuyên Quang):

    "Vãn niên vật vọng chú danh khanh,
    Quan sát kim vi viễn tái hành.
    Mãn tọa thanh sơn giai bạch phát
    Nhất cùng thọ trúc bạn tiên sinh
    Đàm tâm thư quán vi ngôn kỉ,
    Phân thủ đô môn bách cảm tinh.
    Hùng tản thao đà thiên cổ tráng
    Vị ưng chính khí nhật trầm huynh".


    Dịch:
    Cuối đời lại được quý quan khanh,
    Xem xét biên cương cuộc viễn hành.
    Khắp chốn non xanh in tóc bạc,
    Một đời trúc cứng bạn tiên sinh.
    Chuyện trò thư quán lời khôn hết,
    Từ biệt đô môn biết mấy tình.
    Hùng tản thao đà ngàn thuở tráng,
    Khí thiêng không thể để trần khuynh.

    Thơ trong tập Lưu lãm của Nguyễn Văn Siêu, phần lớn là thơ làm về bạn bè, nhưng chủ yếu là bạn bè đang làm quan, khung cảnh là ở kinh đô Huế. Bởi vậy, tìm hiểu về không khí quan trường và phong cảnh cố đô Huế đương thời, tập Phương Đình lưu lãm thi có thể tính là tư liệu tham khảo sinh động; tất nhiên, tập thơ này có giá trị trước hết về phương diện văn học, văn hóa.

    4. Mạn hứng tập đây là tập thơ tùy hứng mà Nguyễn Văn Siêu làm chủ yếu với bạn bè ở Hà Nội. Tập thơ này có 325 bài thơ. Mở đầu là bài Thừa chu yết Định tỉnh, nhân dĩ trung thu, Ngô Dương Đình dữ Tô Thúc Nho lưỡng gia tử nữ hôn lễ, Dương Đình dĩ thi lai cố yếu, toại lưu thưởng tiết kiêm phúc dĩ tặng. (Đi thuyền vào gặp Niết đài ở Nam Định, nhân dịp tết Trung thu, Ngô Dương Đình và Tô Thúc Nho làm lễ thành hôn cho trai gái hai nhà, Dương Đình gửi thơ cố mời nên ở lại chơi tết, làm thơ này để tặng lại).

    Phóng lãm Đằng xuyên nhập Vị Xuyên
    "Lưỡng thành yên hỏa nhất hồ thiên
    Bất lao thử dạ sầu vô nguyệt
    Thử dạ kim thu lạc hữu liên
    Úy ngã hoàng trì sờ giải giáp
    Xân nhan thi tận phục thôi kiên
    Hữu gia hữu thất tư hà hoạn
    Tảo dĩ Cam đường tục thử thiên".


    Dịch:

    Xuất phát Đằng Xuyên tới Vị Xuyên
    Hai thành khói lửa một trời liền.
    Buồn chi tối đến trăng không sáng,
    Phấn chấn thu nay được mùa màng.
    Trong buổi loạn li vừa mới ổn,
    Vào ngày thơ họa lại dấy lên.
    Có nhà có cửa sao trăn trở,
    Sớm nối Cam đường viết tiếp thêm.

    Cuối tập là bài Hải thiên thu hứng; kì tam (Hứng thu trời tiếp biển, bài thứ ba):

    "Đoàn phiến tuy thu thử bất tàng,
    Phổ y tần điển bệnh tương phương.
    Hồn vong nhạn tín lai viên hỏa,
    Yếm kiếm loan thanh thoại đoản trường.
    Hương thủy lưu quy minh hải khoát
    Tùng sơn khí áp viễn phong thương.
    Nhàn lai cách hữu đăng cao hứng,
    Băng định phồn ưu lưỡng mẫn hương”.


    Dịch:

    Quạt gấp vào thu vẫn chửa rời,
    Áo khăn mà bệnh vướng thêm thôi.
    Muốn quên tin nhạn đưa nồng nực,
    Ghét thấy oanh kêu tiếng ngắn dài.
    Hương thủy chảy về nơi biển rộng,
    Tùng sơn khí chạy với non ngoài.
    Khi nhàn muốn được lên cao ngắm,
    Rửa sạch lo phiền trắng tóc mai.

    Cả bốn tập thơ là Vạn lý tập, Anh ngôn tập, Lưu lãm tậpMạn hứng tập gồm 1077 bài thơ. Đây là con số không nhỏ đối với một nhà thơ. Thơ Nguyễn Văn Siêu có nội dung phong phú, tình cảm chân thực, sâu sắc, ông lại học rộng, viết giỏi như câu phê của vua Tự Đức "phú học, công thi" như tựa Vạn lý tập mà Trương Đăng Quế viết. Tùng Thiện Vương Miên Thẩm khen thơ Nguyễn Văn Siêu là:

    "Lăng vân lão bút khí phiêu phiêu,
    Thi thảo do ưng nhiến mãn biều".


    Nghĩa là:

    Khí bút già dặn cao trên tầng mây vời vợi,
    Bài thơ mới làm nên kèm bầu rượu đầy”.
    (Ký Nguyễn Phương Đình)

    Tùng Thiện Vương Miên Thẩm trong bài Hoài Nguyễn Phương Đình Học sĩ (nhớ Học sĩ Nguyễn Phương Đình), Cao Bá Quát trong bài Phục giản Phương Đình (lại đưa thư cho Phương Đình). Cho đến Ngô Thế Vinh, Chu Doãn Chí… và nhiều nhà thơ, học giả đương thời đã đánh giá cao tác phẩm, tác giả Phương Đình.

    Thơ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu ngoài số hơn một ngàn bài trong bốn tập thơ nói trên, chúng ta còn thấy thơ ông trong các tập văn, trên trang trí nhà thờ ở quê làng Lủ(2)… Nhưng cho đến nay, ngoài một số tác phẩm văn xuôi mới được dịch(3), thơ Nguyễn Văn Siêu được dịch nhiều nhất có lẽ chưa quá trăm bài(4), đây là lỗi của chúng ta đối với một danh nhân, một người có nhiều đóng góp cụ thể cho việc xây dựng Hà Nội(5) như cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu. Nhân dịp kỉ niệm 1000 năm lịch sử Thủ đô, chúng tôi nghĩ nên có sự giới thiệu thỏa đáng về tác phẩm, tác giả Phương Đình Nguyễn Văn Siêu, có thể trích tuyển thơ Nguyễn Văn Siêu viết về Hà Nội, và đặc biệt, nên có kế hoạch dịch toàn bộ Phương Đình thi loại(6); làm được vậy là đóng góp thiết thực cho lễ kỉ niệm lớn và cũng là để đáp tạ công lao của cụ Phương Đình đối với Thủ đô, trả lời sự trăn trở của nhân dân:

    Rủ nhau xem cảnh Kiếm hồ,
    Xem cầu Thê Húc, xem đền Ngọc Sơn.
    Đài nghiên tháp bút chưa mòn,
    Hỏi ai xây dựng nên non nước này?
    (Ca dao)

    Chú thích:
    (1) Kim Lũ Nguyễn thị chính phả hiện do ông Nguyễn Tự Huy, Đạo diễn điện ảnh, hậu duệ cụ Nguyễn Văn Siêu cất giữ ở nhà thờ Đại Kim, Hà Nội.
    (2) Chúng tôi đã về dập, sao chép được phần lớn.
    (3) Phương Đình tùy bút lục, Trần Lê Sáng dịch, Nxb. Văn học, H. 1996.
    Phương Đình văn loại (Hà Nội văn vật); Trần Lê Sáng dịch; Nxb. Văn học, H. 2001.
    (4) Thơ Nguyễn Văn Siêu thường mới chỉ được dẫn trong một số bài viết hoặc sách lịch sử văn học; chỉ có tập sách nhỏ Nguyễn Văn Siêu, thi ca và tiểu sử của Nguyễn Như Thiệp, Nguyễn Văn Đề soạn; Nxb. Tân Việt, H. 1994 là sưu tầm, dịch được 52 bài.
    (5) Phương Đình Nguyễn Văn Siêu có công trùng tu cụm di tích đền Ngọc Sơn ở Hồ Hoàn Kiếm; Cụ là Thành hoàng đình Giáp Giang Nguyên, nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
    (6) Ông Nguyễn Tự Huy, hậu duệ của cụ Nguyễn Văn Siêu có viết cho chúng tôi một bức thư nhan đề: "Thư nhờ cậy và ủy nhiệm", ủy nhiệm cho chúng tôi giới thiệu và quyền dịch toàn bộ Phương Đình thi loại. Nhân đây, chúng tôi mong được mọi người giúp đỡ và xin mời người quan tâm đến thơ Phương Đình hợp tác./.

    Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (78) 2006; Tr.3-9
     

Share This Page