Thực phẩm chức năng: Thổi phồng công dụng

Discussion in 'Tạp chí Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng' started by admin, May 17, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    Cơ chế quá “thoáng” của đơn vị chủ quản trong việc cấp phép và quản lý các sản phẩm Thực phẩm chức năng (TPCN) đã tạo điều kiện cho vấn nạn thổi phồng công dụng của sản phẩm thêm phát triển. Không ít người tiêu dùng bị lừa và tin rằng đã mua được “thuốc tiên”.

    Thực phẩm chữa bách bệnh?

    Đến thực tế tại trụ sở công ty TNHH Thanh An, số 54 đường Ngọc Lâm, Gia Lâm, Hà Nội và cơ sở sản xuất trực thuộc ở 120 Nguyễn Sơn - Long Biên, Hà Nội thì nhận được báo cáo: công ty này hiện đang sản xuất 6 chủng loại thực phẩm với thương hiệu Đài Việt gồm: súp ngô hạt sen, bột dinh dưỡng hạt sen, sữa bắp canxi, sữa đậu nành sen dừa bột (giá 25 - 35 nghìn đồng) và thực phẩm chức năng Viên rong biển Lamianria Japonica (giá 130 nghìn đồng/lọ/120 viên), TPCN dành cho người tiểu đường, huyết áp, tim mạch (giá 125 nghìn đồng/bịch/25 gói). Hai loại sản phẩm này được lưu thông trên thị trường thông qua các cửa hàng thuốc và siêu thị trên toàn quốc gần 2 năm với số lượng lớn.

    Theo hồ sơ đăng ký tại Cục Vệ sinh An toàn Thực phẩm (VSATTP), loại TPCN Viên rong biển Lamianria Japonica được in quảng cáo trên nhãn phụ về công dụng: dùng cho người suy nhược cơ thể do dinh dưỡng không cân đối, cung cấp một lượng chất xơ giúp ổn định bộ máy của tiêu hoá, đặc biệt là đại tràng. TPCN dành cho người tiểu đường, huyết áp, tim mạch được in công dụng: Thay thế một phần hoặc toàn phần khẩu phần thức ăn hàng ngày của các đối tượng. Thế nhưng, trên thực tế ở nhãn phụ của của hai loại sản phẩm này được in đặc kín đủ các loại công dụng “thần kỳ” như: tiêu các khối u, trị bệnh đường ruột, u sơ tử cung, tiêu mỡ máu, chống loãng xương, trị bướu cổ, viêm gan B, giảm béo, đái tháo đường…Và đưa ra lời khuyên người dùng nên uống liên tục nhiều ngày. Trả lời vấn đề này, ông Tạ Bá Thanh, Phó giám đốc TNHH Thanh An thừa nhận: Đã cho in thêm những công dụng của hai loại TPCN này vì đó là “nhận xét của nhiều người đã dùng”. Thậm chí, ông Thanh còn khẳng định: những sản phẩm này còn có nhiều tác dụng hơn nữa, chưa ghi được hết!
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho hay, đã lập biên bản đối với những vi phạm của đơn vị này như: ghi sai nhãn mác hai loại TPCN so với hồ sơ đã công bố, chưa xuất trình được quyết định thành lập cơ sở sản xuất tại 120 Nguyễn Sơn - Long Biên, khu vực sản xuất thiếu các giá kê sản phẩm (tất cả đều vứt dưới đất). Theo đó, yêu cầu giám đốc công ty hoàn thành các thủ tục còn thiếu, khắc phục những sai phạm.

    Giá thành cao vì được thổi phồng công dụng.

    Tại một cuộc hội thảo về TPCN, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục ATVSTP đưa ra khuyến cáo: Nhiều người tiêu dùng đã bị nhầm lẫn không ít nhà sản xuất thổi phồng tác dụng bằng cách ghi quá nhiều công dụng trên nhãn mác. Thậm chí, có người bị bệnh bỏ cả thuốc đang uống để tập trung tiền mua TPCN vì theo những quảng cáo được in bên ngoài các sản phẩm này thì chẳng cần uống thuốc bách bệnh cũng khỏi!

    Theo cố vấn Cục ATVSTP, ông Chu Quốc Lập, hiện trên thị trường Việt Nam đang lưu hành gần 2.000 loại TPCN nhập khẩu và trên 1.000 loại do nội địa sản xuất. Chưa bàn tới chất lượng của TPCN nhập khẩu, các sản phẩm nội địa cũng bộc lộ vô số nhược điểm như: chất lượng nguyên liệu không đồng nhất và đảm bảo vệ sinh; liều lượng không đồng nhất, không chuẩn hoá; độ ổn định khi sản xuất, chế biến chưa đạt yêu cầu và vẫn chưa có tiêu chuẩn cụ thể, trong khi giá lại đắt hơn nhiều so với thực phẩm thông thường.

    Qua tìm hiểu tại công ty TNHH Thanh An, một chiếc máy chuyên dập Viên rong biển Lamianria có giá thành gần 1 tỷ đồng với công suất 450-750 viên/ngày. Nhưng hiện nay, đơn vị này chưa sử dụng hết công suất, nên vốn tồn đọng còn không ít. Trong khi đó, thành phần của viên rong biển chỉ bao gồm bột rong biển (nhập từ trung quốc) và phụ gia thực phẩm: bột sắn, axid citric.

    “Như vậy, doanh nghiệp này phải đứng trước một thử thách, đó là tồn đọng vốn lớn, lâu sinh lời. Để thúc đẩy quá trình thu hồi vốn nhà sản xuất buộc phải thúc đẩy quá trình bán sản phẩm bằng những phương án thích hợp. Và đối với không ít cơ sở sản xuất cũng như công ty TNHH Thanh An, cách sinh lời nhanh và hiệu quả nhất là “vống” lên những công dụng của loại sản phẩm bán ra. Đương nhiên, với hàng chục loại tác dụng chữa bệnh, phòng bệnh đã in chi chít ở bao bì thì giá tiền lên tới hàng trăm nghìn đồng vẫn là quá rẻ!”- Một cán bộ ngành y tế nhận xét.

    Ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục VSATTP cũng thừa nhận: Với số lượng lớn các loại TPCN như hiện nay thì đơn vị quản lý trực tiếp như Cục vẫn chưa có cách nào để có thể thường xuyên kiểm tra sản phẩm đã đưa ra thị trường sau khi được cấp hồ sơ đăng ký. Chính lỗ hổng này đã vô tình tạo điều kiện cho nhiều cơ sở sản xuất “chế” thêm nhiều công dụng của sản phẩm cũng như quảng cáo không đúng với công bố hoặc bán sản phẩm với giá quá cao thông qua kiểu bán hàng đa cấp…

    Theo nhận định của nhiều chuyên gia y tế, việc cấp phép cho loại thực phẩm này hiện đang bộc lộ nhiều lỗ hổng lớn. Sự kiện viên Khang Mỹ Đơn của Cty cổ phần đầu tư và phát triển quốc tế Monjoin VN là viên đặt âm đạo của phụ nữ được Cục VSATTP công nhận là thực phẩm chức năng hay "Trà mát gan, bổ thận" là một bài thuốc đông y gia truyền đã được công nhận nhưng không hiểu vì sao lại được liệt vào danh sách TPCN(sau khi bị thanh tra Bộ Y tế “vạch” ra, sản phẩm đã bị thu hồi). Sự kiện tiếp theo là sản phẩm KiHIV chữa HIV/AIDS, AntiK chữa ung thư... của Cty cổ phần thiên nhiên VN khi nộp hồ sơ lên Cục ATVSTP để xin giấy phép lưu hành cho 4 loại sản phẩm có thành phần giống hệt nhau nhưng lại có tác dụng khác. Ấy vây mà những sản phẩm này đã suýt được cấp phép nếu không bị phát giác. Tuy nhiên, cho đến khi bị phạt và thu hồi, sản phẩm này đã được bán trên thị trường với giá cắt cổ.

    Vấn đề quản lý chất lượng đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết nhưng trên thực tế, thị trường TPCN vẫn đang tiếp tục “trăm hoa đua nở” với hàng chục loại được Cục VSATTP cấp phép mỗi tuần. Có thể thấy, với cơ chế “thoáng” như hiện nay, lãnh hậu quả thiệt hại nhiều nhất chính là người tiêu dùng.

    Hà Thủy
    Số 1 Tháng 1 Năm 2008
     

Share This Page