Thuyết tinh khí của y học cổ truyền

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 5, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    ĐẶNG QUỐC KHÁNH
    TS. Viện Y học cổ truyền quân đội

    Triết học là nhận thức lý tính về những quy luật vận động chung nhất về thế giới, do nhân loại thông qua hiểu biết về tự nhiên và xã hội, tiến hành quy nạp khái quát mà hình thành. Muốn tìm hiểu và nhận thức được hoạt động sống liên quan đến những quy luật bệnh tật, không thể không nắm vững những nhận thức chung nhất về thế giới vạn vật. Y học cổ truyền ra đời từ rất lâu, hiện nay tuy đã có nhiều thực nghiệm khoa học hiện đại nhưng vẫn sử dụng rất hiệu quả kiến thức triết học cổ giải thích những hiện tượng sinh lý. Trong quá trình hình thành và phát triển, triết học phương Đông đã được vận dụng vào rất nhiều lĩnh vực, có ảnh hưởng rất lớn đến y học cổ truyền. Do vậy muốn học tập lý luận cơ sở của y học cổ truyền cần có những kiến thức rất đại thể về tư tưởng triết học cổ đại phương đông cũng như những vận dụng cụ thể của nó trong y học cổ truyền.

    Phương pháp là áp dụng những biện pháp, thủ thuật để thực hiện mục đích nhất định nào đó. Phương pháp khoa học bao gồm phương pháp nhận thức thế giới và phương pháp cải tạo thế giới. Trước tạo thành phương pháp khoa học cơ bản, sau tạo nên phương pháp khoa học ứng dụng. Bất kỳ một hệ thống phương pháp nào đều phân thành một số tầng lớp, từ thượng tầng đến hạ tầng, từ chỗ chung nhất đến chỗ đặc thù, có quan hệ chỉ đạo và bị chỉ đạo… Trong hệ thống phương pháp của y học cổ truyền từ cao đến thấp có thể phân thành ba tầng. Một là phương pháp triết học y học cổ truyền hai là phương pháp tư duy của y học cổ truyền, ba là phương pháp cụ thể của y học cổ truyền. Phương pháp triết học y học cổ truyền chủ yếu gồm có quan niệm chỉnh thể, thuyết Tinh khí, thuyết Âm dương, thuyết Ngũ hành. Phương pháp tư duy chung của y học cổ truyền bao gồm so sánh, diễn dịch, loại suy, xem ngoài biết trong, thăm dò và phản chứng. Phương pháp cụ thể trong y học cổ truyền bao gồm phương pháp nghiên cứu lý luận cụ thể đối với phương pháp chẩn đoán bệnh, phương pháp điều trị, phương pháp dự phòng... Trong bài viết này chúng tôi xin giới hạn về thuyết Tinh khí và những ứng dụng của nó trong y học cổ truyền.

    Thuyết Tinh khí của triết học phương Đông có ảnh hưởng rất lớn đến y học cổ truyền. Khí được xem như một loại vật chất hoàn toàn vô hình vận động không ngừng. Do khí rất nhỏ lại phân tán dùng mắt thường không nhìn thấy vì thế người xưa thường cho rằng khí “vô hình”. Lại do lực hoạt động của khí rất mạnh, không bao giờ ngừng nên chỉ có thể xem sự vật vận động biến hóa mà gián tiếp biết sự tồn tại của khí.

    Tinh khí tức thành phần tinh túy của khí, là nguồn gốc sinh ra hoạt động sống. Sách Quản tử - Nội nghiệp viết: “Tinh là thành phần của khí”. Và cho rằng “Tinh của trời hợp với hình của đất mà hình thành nên người”. Quan hệ mật thiết giữa tinh khí với y học được trình bày trong các phần sau.

    1. Nội dung chủ yếu của thuyết Tinh khí
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    1.1. Khí là nguồn gốc căn bản tạo nên thế giới

    Triết học cổ đại phương đông cho rằng mọi vật trên thế giới đều do khí tạo nên. Ở Trung Quốc ngay từ thời Xuân thu Chiến quốc, Trang Chu trong Trang Tử - Tri bắc du đã viết rõ: “Thông suốt thiên hạ chỉ có khí mà thôi”. Trong thế giới vạn vật, cổ nhân nói đến khí đầu tiên hình thành nên trời, đất, nước, lửa, mặt trời, mặt trăng. Sách Hoài nam tử - thiên Văn huấn viết: “Thuở rất sơ khai tất cả đều là vô hình. Bắt đầu từ hư không, hư không sinh vũ trụ, vũ trụ sinh khí, khí có ranh giới. Thanh dương, nhẹ nhàng thành trời; nặng đục, ngưng trệ thành đất. Thanh nhẹ dễ chuyển dịch, nặng đục ngưng tụ khó chuyển dịch vì thế trước hình thành trời sau hình thành đất”. Lưu An cho rằng, trước khi có vũ trụ, trời đất vẫn chưa hình thành, thế giới mới chỉ ở trạng thái hỗn độn, có nghĩa là rất sơ khai. Sau khi hình thành vũ trụ, từ chỗ khí được sinh ra, chất nhẹ thanh tạo thành trời, khí nặng đục ngưng tụ tạo thành đất. Lưu An cũng trong cuốn sách ấy còn viết: “Nhiệt khí của dương tích lại thành hỏa, tinh của hỏa khí thành mặt trời; Hàn khí của âm tích sinh thủy, tinh của thủy khí thành mặt trăng”.Như vậy nước, lửa, mặt trời, mặt trăng cũng đều do khí tạo thành.

    Vạn vật trong trời đất cũng do khí hóa sinh. Vương Xung trong Luận hành - Ngôn độc viết:“Vạn vật sinh ra đều bẩm thụ nguyên khí”.Về cơ chế khí hóa sinh vạn vật, các triết gia cổ đại đều dùng lí luận “Khí của trời đất giao cảm” để giải thích. Sách Tố vấn - Thiên Nguyên kỷ đại luận viết: “Khí của trời, hình của đất tương cảm mà hóa sinh ra vạn vật”. Khí của trời thanh nhẹ thuần dương, vì vậy “dương tích thành trời”; khí của đất nặng đục thuần âm, vì vậy “âm tích thành đất”. Sách Tố vân - Âm dương ứng tương đại luận viết:“Dương khí của trời hạ giáng, Âm khí của đất thượng thăng, giữa trời với đất âm khí và dương khí, giao hội cảm ứng hòa trộn với nhau mà hóa sinh vạn vật. Vì vậy hóa sinh vạn vật đều bắt nguồn từ khí”.

    Khí tồn tại trong tự nhiên dưới hai trạng thái: một là ở trạng thái vận động mạnh mẽ và liên tục, do rất nhỏ lại phân tán và vận động không ngừng mắt thường không nhận thấy nên gọi là “vô hình”. Trạng thái tồn tại khác của khí là ngưng tụ. Khí tuy nhỏ, phân tán, nhưng khi ngưng tụ lại với nhau thì thành một thực thể có thể nhìn rõ gọi là “hữu hình”. Theo thói quen ta thường gọi trạng thái phân tán là “khí”, còn trạng thái hữu hình thực thể là “hình”. Vì thế nói: “Khí tụ tất hình còn, khí tán tất hình vong”. (Sách Y môn pháp luận - Tiên triết cách ngôn).

    1.2. Khí vận động biến hóa không ngừng

    Sự vận động của khí gọi là khí cơ. Hình thức vận động của khí rất phong phú, các triết gia cổ đại thông qua khái quát cao độ, quy nạp thành bốn hình thức: thăng, giáng, xuất, nhập.

    Thăng:tức là vận động theo hướng từ dưới lên trên.

    Giáng: tức là vận động theo hướng từ trên xuống dưới.

    Xuất:tức là vận động theo hướng từ trong ra ngoài.

    Nhập: tức là vận động theo hướng từ ngoài vào trong.

    Trong trạng thái bình thường thì thăng với giáng, nhập với xuất đều được duy trì tương đối cân bằng.

    Sự vận động của khí sinh ra các loại biến hóa - gọi là khí hóa. Hiện tượng khí hóa rất phức tạp. Ví dụ như khí vô hình thành khí hữu hình, khí hữu hình lại thành khí vô hình, sự chuyển hóa giữa các hình thức khí như vậy đương nhiên thuộc khí hóa. Vạn vật đều do khí tạo thành, nên sự biến hóa của vạn vật cũng đều thuộc khí hóa. Như vậy sinh, trưởng, tàng, dừng ở động vật; sinh, trưởng, hóa, thu, tàng ở thực vật, không có gì không thuộc khí hóa, khí hóa cũng vĩnh viễn không ngừng.

    Quan hệ giữa sự vận động của khí và khí hóa rất mật thiết, cần thiết phải thông qua vận động của khí mới có khí hóa. Ví dụ như một ngày nào đó các vận động thăng, giáng, xuất, nhập dừng lại, khí hóa cũng lập tức đình chỉ. Có thể nói sự vận động của khí chính là tiền đề của khí hóa, không có khí cơ cũng sẽ chẳng có khí hóa và đương nhiên cũng chẳng có sự biến hóa nào trong vạn vật. Sách Tố vấn - Lục vi chỉ đại luận viết: ''Kỳ Bá nói: Thăng, giáng của khí rất cần trời đất. Hoàng đế hỏi: Tôi muốn biết cần như thế nào? Kỳ Bá nói: Thăng phải nhờ có giáng, có giáng mới có trời; giáng phải nhờ có thăng, có thăng mới có đất. Khí trời hạ giáng lưu ở đất; khí đất thượng thăng cuộn trên trời. Như vậy cao thấp giúp đỡ nhau, thăng giáng thúc đẩy nhau mà biến tác". Còn có thể nói: "Thành bại cũng đều có nguyên nhân, nguồn gốc biến thành". Như vậy sự vận động của khí có cơ sở là biến hóa. Bàn về quan hệ khí hóa với sự thăng, giáng, xuất, nhập của khí thúc đẩy sự tiến bộ của lý luận lên một bước. ''Kỳ Bá nói: Không sinh không hóa là lúc sự sống kết thúc. Đế hỏi: Không sinh hóa là thế nào? Kỳ Bá đáp: Bỏ xuất nhập tất hóa thần cơ bị diệt, thăng giáng ngừng tất khí bị cô lập. Do vậy không có xuất nhập tất không thể có sinh trưởng tráng ngừng, không có thăng giáng cũng tất không có sinh trưởng hóa thu tàng. Vậy là thăng giáng xuất nhập không có sự vật nào không có". Điều đó cho thấy sự khí hóa của động, thực vật đều cần phải có sự vận động thăng giáng xuất nhập của khí mới có thể tiến hành được.

    Khí tạo thành một thế giới hoàn chỉnh, vận động của khí tạo nên biến hóa từ đó dẫn đến sự vận động và biến hóa của thế giới. La Khâm Thuận trong Khốn tri ký viết: "Tạo ra trời đất từ cổ đến nay chỉ có khí mà thôi. Khí chỉ có một mà động - tĩnh - tới - lui - đóng - tích - thăng - giáng, tuần hoàn không nghỉ, nhỏ bé như thế nhưng tạo thành bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, tạo nên sinh trưởng thu tàng của vạn vật, tạo nên sự bình thường của người này, tạo nên sự thành bại của người khác...". Như vậy các nhà triết học cổ đại cho rằng sự vận động biến hóa không ngừng của khí dẫn đến vạn vật vạn sự của thế giới. Đến lượt vạn vật cũng vận động và biến hóa không ngừng, tất cả sự vận động và biến hóa trên thế giới đều là biểu hiện cụ thể của sự vận động biến hóa của khí.

    1.3. Khí giữa trời đất vạn vật

    Mỗi vật thể đều độc lập tương đối, giữa vật thể này với vật thể khác tưởng như không có quan hệ gì, thật ra giữa chúng đều là khí. Giữa trời đất vạn vật tràn đầy khí tạo ra tương hỗ giữa chúng với nhau.

    Chính nhờ có khí, trời đất vạn vật mới liên quan với nhau, tạo thành một chỉnh thể, người ta chỉ là một bộ phận trong chỉnh thể ấy. Do vậy sự biến hóa của người, trời đất, vạn vật thường thường tương thông. Nên sách Linh khu - Tuế lộ viết: “Người tương thâm với trời đất, tương ứng với nhật nguyệt”.

    1.4. Tinh khí của trời đất hóa sinh thành người

    Sách Tố vấn - Bảo mệnh toàn hình luận viết: “Người do khí của trời đất sinh ra và phải theo quy luật của bốn mùa mà tồn tại”. “Khí của trời đất hội tụ thành người”. Sách Hoài nam tử viết: “Khí trọc thành trùng, khí thanh thành người”. Xem xét hai đoạn trích dẫn trên cho thấy người dựa vào tinh khí của trời đất mà sản sinh, thuận theo quy luật bốn mùa mà trưởng thành. Tinh khí của trời đất tương hợp mới có thể thành người, người do tinh khí của trời đất tương hợp mà sản sinh, tinh khí của trời đất là vật chất cơ bản để tạo thành người.

    2. Ứng dụng của thuyết Tinh khí trong y học cổ truyền

    Thuyết Tinh khí được ứng dụng một cách rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Trong y học cổ truyền không chỉ lý luận cơ sở mà các khoa lâm sàng cũng đều có ảnh hưởng rất sâu sắc. Dưới đây chỉ xin nêu những thí dụ khuôn hẹp trong phạm vi y học cổ truyền.

    2.1. Tinh khí là động lực hoạt động sống của con người

    Tinh khí là khí có lợi với con người, là động lực hoạt động của sự sống. Trong cơ thể các tạng phủ, các khiếu, huyết tân dịch đều là hữu hình và tĩnh, cần phải nhờ sự thúc đẩy của khí mới có thể hoạt động. Như Tâm chủ hành huyết, Phế chủ hô hấp, Tỳ chủ vận hóa thủy cốc, Thận chủ tàng tinh khí của tiên thiên, Can chủ sơ tiết khí cơ, Vị chủ thu nạp thủy cốc... các hoạt động chức năng sinh lý đều do khí thúc đẩy mà tiến hành.

    2.2. Tinh khí đầy đủ thì hoạt động sống được duy trì bình thường

    Người ta ngay từ trong bụng mẹ đã nhận được tinh khí tiên thiên. Sau khi sinh, thông qua Phế thu nhận tinh khí của trời, nhờ Tỳ Vị hấp thụ tinh khí của thủy cốc. Ba loại khí tương hợp, thông qua khí hóa, hóa sinh thành tinh khí của cơ thể. Loại khí này thúc đẩy hoạt động chức năng sinh lý của tạng phủ, các khiếu, kinh lạc. Tinh khí đầy đủ thì hoạt động sinh lý sẽ bình thường, cơ thể khỏe mạnh. Còn như tinh khí thiếu hụt, gọi là khí hư làm cho hoạt động chức năng sinh lý cục bộ hoặc toàn thân yếu kém, tất xuất hiện hiện tượng suy nhược cục bộ hoặc toàn thân. Cần dùng phép bổ khí điều trị. Khí đầy đủ các triệu chứng trên sẽ dần khỏi.

    2.3. Vận động của khí trong người cần được điều hòa và thông đạt

    Vận động của khí trong cơ thể người với tự nhiên giống nhau, đều có bốn hình thức thăng, giáng, xuất, nhập. Trong trạng thái bình thường, thăng với giáng, nhập với xuất cần giữ cân bằng, nếu như mất cân bằng sẽ gây bệnh. Nếu thăng nhiều giáng ít, gọi là khí nghịch; thăng ít giáng nhiều gọi là khí hãm... đều gọi là khí cơ thất điều. Khí nghịch gây ho, xuyễn, ợ hơi, nôn… có thể dùng phương pháp hạ khí để điều trị; Khí hãm gây sa trực tràng, sa nội tạng... có thể dùng pháp thăng khí để điều trị. Mặt khác điều trị còn nhằm hồi phục sự cân bằng thăng, giáng, xuất, nhập của khí cơ.

    Khí vận hành thông đạt, chuyển dịch của huyết và tân dịch cũng đều khắp, cơ thể ở trạng thái khỏe mạnh. Nếu khí vận hành không thông đạt gọi là khí trệ. Khi khí uất trệ cơ thể biểu hiện các triệu chứng phiền, đầy, đau. phải dùng phép hành khí để điều trị. Nếu khí cơ uất trệ lâu ngày có thể dẫn đến huyết ứ, tân dịch tích tụ, lúc ấy phải dùng phép hành khí hoạt huyết hóa ứ và hành khí hòa đàm lợi thấp để điều trị.

    2.4.Quan hệ tinh, khí, thần

    Y học cổ truyền có ba khái niệm khác nhau về tinh:

    - Tinh khí là bộ phận tinh túy nhất của khí trong giới tự nhiên

    - Phiếm chỉ thành phần hữu dụng trong cơ thể con người. Tức bao gồm tinh khí vô hình nhưng rất động, lẫn tinh hữu hình như tinh tiên thiên, tinh hậu thiên thủy cốc v.v…

    - Chuyên chỉ tinh tàng trong Thận, tức Thận tinh.

    Trong ba quan niệm trên, phàm tinh khí vô hình đều là bộ phận của khí, như thành phần tinh túy của khí trong vũ trụ và thành phần vô hình hữu dụng trong cơ thể đều bao hàm một chỉnh thể khí, loại sau quan hệ với y học cổ truyền rất mật thiết. Phàm tinh hữu hình và khí đều có thể chuyển hóa lẫn nhau, tức tinh hữu hình có thể tán ra thành tinh khí vô hình, tinh khí vô hình lại có thể ngưng tụ thành tinh hữu hình, tạo nên “sự chuyển hóa lẫn nhau giữa tinh và khí”.

    Yhọc cổ truyền có bốn khái niệm khác nhau về Thần:

    - Biểu thị quy luật nội tại về sự vận động biến hóa của vật chất trong giới tự nhiên. Sách Tố vấn - thiên Nguyên kỷ đại luận viết: “Hóa tức vật sinh thành, biến tức vật phát triển đến cùng cực, thần là cái âm dương không đo lường được”. Tuân Huống trong Tuân Tử - Thiên luận chỉ ra: “Vạn vật nhờ hóa mà sinh, nhờ dưỡng mà thành, tưởng như không có quan hệ nhưng lại thấy sinh, thấy thành - đó chính là thần”. Sách Hoài nam tử - Thái huấn biện cũng viết: “Sự sinh thành của vật, tuy không thấy dưỡng mà vẫn trưởng thành. Sự tiêu vong của một vật, tuy khôngthấy hủy hoại mà vẫn mất đi, gọi là thần”. Những dẫn dụ trên về thần đều cho thấy vận động biến hóa phong phú huyền diệu của thế giới tự nhiên liên quan đến quy luật nội tại của chính sự vật.

    - Chủ một hoạt động chức năng trong cơ thể. Sách Tố vấn - Linh lan bí điển luận viết: “Tâm giữ vai trò quân chủ, chủ thần minh”. Và thần trong sách Tố vấn - Tuyên minh ngũ khí biện viết: “Tâm tàng thần”, tức là chỉ vai trò chủ hoạt động tâm lý và sinh lý trong cơ thể.

    - Toàn bộ những biểu hiện bên ngoài những hoạt động của sinh vật. Như “Thần” trong sách Tố vấn - Di tinh biến khí luận viết: “Còn thần thì sống, mất thần thì chết”, chỉ biểu hiện bên ngoài sự thịnh suy của cơ thể sống. Trong chẩn đoán y học cổ truyền nói chung chỉ “Thần khí”.

    - Chỉ hoạt động tư duy ý thức tinh thần của người.

    Trong bốn khái niệm trên, ba loại sau quan hệ rất mật thiết với y học phương đông. Các nhà dưỡng sinh học trong y học cổ truyền đều rất xem trọng tinh khí và thần, từng gọi đó là “Tam bảo” (tức là ba thứ quý), rồi sáng lập “Học thuyết Tinh khí thần”.

    “Tinh” trong học thuyết Tinh khí thần chủ yếu chỉ tinh tàng ở Thận. Loại tinh này bẩm thụ từ tiên thiên sau đó nhờ tinh khí hậu thiên mà xung thịnh. Thận tinh hóa sinh thành nguyên khí, vận động toàn thân, thúc đẩy sự sinh trưởng, phát dục, sinh đẻ của cơ thể. Ngoài việc thúc đẩy, điều tiết hoạt động chức năng sinh lý toàn thân và là nguồn động lực cho mọi hoạt động của cơ thể trong quá trình sinh đẻ, tinh của nam nữ giao hội còn sản sinh ra một cơ thể mới. Do vậy “tinh” tuy chỉ là của mỗi người nhưng lại liên quan đến sự phồn thịnh của cả chủng tộc. Vì vậy “tinh” rất quan trọng, cần phải giữ gìn cẩn thận.

    “Khí” được nói đến trong thuyết này chỉ khí hóa sinh từ Thận, tinh khí của thủy cốc và tinh khí tự nhiên. Ba loại kết hợp tạo thành tinh khí hoàn chỉnh của cơ thể. Nó chính là động lực hoạt động sống của cơ thể.

    “Thần” trong học thuyết là chỉ quan niệm thứ hai và thứ tư trong phần bàn ở trên, trong đó chủ yếu là quan niệm thứ hai. Bởi vì quan niệm thứ tư đã nằm trong quan niệm thứ hai - tức là thần chủ mọi hoạt động sống của cơ thể.

    Thần do tinh khí hóa sinh thành, sách Linh khu - Bản thần viết: “Hai tinh tương bác thành thần”. Sau khi thần hình thành cũng cần có sự tư dưỡng của tinh khí. Trương Giới Tân trong Loại kinh cũng chỉ rõ: “Tuy thần do tinh khí sinh ra nhưng thần lại thống ngự tinh khí. Vì vậy thần tàng tại Tâm”.

    Trên đây đã trình bày tinh có thể hóa khí, khí có thể hóa tinh, tinh khí hóa lẫn nhau. Tinh khí sinh thần, tinh khí dưỡng thần, nhưng thần lại thống ngự tinh và khí. Vì vậy cả ba thứ có thể phân nhưng lại không thể tách rời nhau.

    Thuyết tinh khí thần rất coi trọng tác dụng của thần. Như sách Dưỡng sinh tam yếu - Tồn thần đã nhấn mạnh: “Tích tinh tức là dưỡng khí, dưỡng khí tức là tồn thần .Vì thần ngưng thì khí tụ, thần tán tất khí tiêu, nếu chỉ giữ gìn tinh khí mà không biết tới thần, như trồng hoa mà quên mất rễ”. Vì vậy thần chủ tinh khí lẫn các hoạt động sống của cơ thể.

    Tài liệu tham khảo
    1. 王洪图。皇 帝 内经研究大成, 北京出版社, 1997。
    2. 王新华。病因病机学,上海科学技术出版社 , 1998。
    3. Bành Văn Khìu, Đặng Quốc Khánh: Những học thuyết cơ bản của Y học cổ truyền, Nxb. Hà Nội, H. 2002./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 4 (77) 2006; Tr.68-73)
     

Share This Page