Giá cả hàng hóa, tiêu dùng tháng 2 tiếp tục đắt đỏ với mức tăng trung bình 3,56% so với tháng 1. Đó là thông tin được Tổng cục Thống kê vừa công bố. Như vậy, tính chung lại, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hai tháng đầu năm đã tăng đến 6,02% so với tháng 12-2007 và 14,89% so với hai tháng cùng kỳ 2007. Mấy ngày nay, tại phố Hà Trung - điểm đổi ngoại tệ sôi động của Hà Nội, lượng người đến đổi tiền đông hơn hẳn. Đa số là đổi USD sang Việt Nam đồng. Dường như USD không còn là loại hình dự trữ yêu thích của người dân, lý do họ đưa ra cũng thật đơn giản: USD xuống giá rất nhanh. Lạm phát có cắt cơn? Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn tiếp tục đứng đầu bảng với mức tăng đến 6,18%. Trong đó, lương thực tăng 3,25%, thực phẩm 7,53% và ăn uống ngoài gia đình 5,70%. Tiếp đến là nhóm đồ dùng và dịch vụ khác 3,40%; nhóm văn hóa, thể thao giải trí 2,34%; đồ uống và thuốc lá 1,89%. Nhóm tăng ít nhất là giáo dục 0,1%. Chỉ số giá vàng tiếp tục tăng mạnh trong tháng với mức 5,91% và tăng đến 11,28% so với tháng 12-2007, trong khi đó, giá USD tiếp tục giảm ở mức 0,12%.Dự báo, giá tiêu dùng tháng 3 vẫn tiếp tục “nóng” lên do tác động dây chuyền từ việc tăng giá xăng, dầu. Bà Phan Thị Hồng Đào, Kim Mã, Hà Nội nói: "Mấy hôm trước, 1 USD đổi được 15.800 đồng, nhưng hôm nay đã xuống 15.550 nên đi đổi tiền để gửi tiết kiệm cho tiện". Theo các chuyên gia kinh tế, có hai nguyên nhân chính dẫn đến việc đồng USD ngày một sụt giảm, đó là: Việc cắt giảm lãi suất liên tục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thời gian qua. Thứ hai là, NHNN mới đây đã có quyết định nới rộng biên độ tỷ giá USD và Việt Nam đồng là +/- 2%, thay vì việc VND vào USD như trước đây. Đây cũng là một trong 19 biện pháp mà Chính phủ đã đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, đã có ý kiến cho rằng, tăng biên độ tỷ giá USD sẽ dẫn tới việc nhập siêu, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhưng chuyên gia Huỳnh Thế Du, Giảng viên đại học Fullbright lại không đồng tình với quan điểm này. Qua nghiên cứu những con số thực tế của nền kinh tế Việt Nam trong 9 năm qua, ông đã có thể chứng minh rằng: Tỷ giá không phải là yếu tố chính dẫn đến việc nhập siêu. Ông Huỳnh Thế Du nói: "Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, các dự án đầu tư chưa thực sự hiệu quả, quá tràn lan. Đó mới chính là vấn đề của nhiều doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng. Điều hành tỷ giá ngoại tệ không neo chặt đồng Việt Nam vào một mốc cố định, cứng nhắc được coi là một liều thuốc mạnh để chống lạm phát trong thời điểm này. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là biện pháp hữu hiệu nhất để có thể chống tình trạng lạm phát của Việt Nam". Điều quan trọng nhất của nền kinh tế lúc này, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của chính phủ là, kiềm chế lạm phát. Các chuyên gia cho rằng, nếu như những biện pháp này được thực hiện đồng bộ, thì cơn sốt lạm phát sẽ có thể được cắt cơn. Đối phó với lạm phát Nguyên nhân gây ra lạm phát và các giải pháp để kiềm chế đã chiếm phần lớn thời gian của phiên họp chính phủ tháng 2. Dù Chính phủ đã đưa ra 10 nguyên nhân đẩy lạm phát lên đến hơn 6% trong 2 tháng đầu năm, xong Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn cho rằng, nguyên nhân của lạm phát ở Việt Nam một phần là do giá cả thế giới tăng cao; một phần là do chính sách điều hành tiền tệ còn yếu kém và chưa phù hợp... Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, mức lạm phát trên 6% chỉ trong 2 tháng đầu năm là rất lớn, nên việc kiềm chế lạm phát dưới tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 8,5 - 9% là rất khó khăn. Theo ông Vũ Văn Ninh: "Nếu chúng ta chọn mục tiêu tăng trưởng kinh tế thì cũng phải chấp nhận lạm phát ở một mức độ nào đó. Đây là vấn đề cần phải nhìn nhận ngay từ bây giờ để có biện pháp điều hành". Việc đưa ra các giải pháp để vừa đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế, vừa kiềm chế được lạm phát cao là một thách thức rất lớn. Bởi cuối năm ngoái, dù Chính phủ đã giảm thuế nhập khẩu khoảng 1.000 tỷ đồng đối với hàng loạt hàng hóa, nhưng giá bán các mặt hàng này vẫn không giảm. Việc thắt chặt mức tăng trưởng tín dụng nhằm hạn chế bớt lượng vốn đưa ra thị trường đã được thực hiện, nhưng nếu kéo dài thì sẽ làm cho lạm phát tăng. Vì khi các doanh nghiệp phải đi vay với lãi suất cao để đầu tư sản xuất, thì giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng theo. Trong khi đó, hạn chế nhập siêu cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và gây ra lạm phát, bởi khoảng 2/3 kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam hiện nay là vật tư, nguyên liệu sản xuất. Cũng theo ông Vũ Văn Ninh: "Nếu chấp nhận tăng trưởng sản xuất thì vẫn phải nhập, vì những thứ này đều cần thiết. Trong khi đó, nhập siêu 2007 là 29%, quý I/2008 dự kiến là 49%, như vậy là rất cao. Kiểm soát những nguyên nhiên liệu đầu vào và hạn chế hàng tiêu dùng, thì lại tác động đến cung - cầu trong nước, ảnh hưởng đến lạm phát". Một trong những giải pháp khác cũng được Chính phủ thực hiện, đó là để đồng Việt Nam lên giá so với đồng USD. Từ đầu năm đến nay, đồng Việt Nam đã lên giá nhẹ ở mức 0,3%. Nhưng, nếu đồng Việt Nam lên giá thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Vì khi đó, 1 USD thu về từ xuất khẩu sẽ đổi được ít đồng Việt Nam hơn. Ông Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết thêm: "Theo các chuyên gia, cứ tăng giá đồng bản tệ của mình 1% thì góp phần làm giảm lạm phát 1%, nhưng chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh điều này, mà sức ép về tỷ giá hiện nay đang góp phần tăng lạm phát". Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định, nhiệm vụ của Chính phủ lúc này là kiểm soát lạm phát và tập trung điều hành kinh tế vĩ mô. Thủ tướng cũng cho rằng, điều hành chính sách tiền tệ còn yếu kém trong năm ngoái đã làm cho lạm phát 2 tháng đầu năm tăng cao, do các chính sách mới đang chỉ phát huy tác dụng bước đầu. Nhiệm vụ hàng đầu lúc này là thực hiện đồng bộ, chủ động, linh hoạt các nhóm giải pháp về kiềm chế lạm phát đã được Chính phủ đề ra, nhất là điều hành chính sách tài chính, tín dụng, tỷ giá, lãi suất, mua dự trữ ngoại hối, tăng trưởng tín dụng đi cùng với kiểm soát cho vay bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng. Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước với khối lượng do NHNN chủ động tính toán trên cơ sở nguồn tiền cung ứng, đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp đã thực hiện có hiệu quả việc hút tiền về như: Phát hành tín phiếu NHNN ngắn hạn, hoặc sử dụng các công cụ tiền tệ khác phù hợp trong từng thời kỳ. Về chính sách lãi suất, nghiên cứu điều hành linh hoạt theo hướng không để lãi suất âm. Sử dụng linh hoạt công cụ dự trữ bắt buộc; điều tiết có hiệu quả vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng và kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm. 2008, lạm phát sẽ còn 1 con số Năm 2008, lạm phát của Việt Nam sẽ giảm xuống chỉ còn 7-8%. Đó là nhận định của ông Haruhiko Kuroda, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu á (ADB) trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Theo ông Haruhiko Kuroda, đây sẽ là tín hiệu khả quan góp phần giải bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Nhưng trong khi chờ lạm phát giảm xuống, các doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng rất khó khăn bởi chính các biện pháp kiềm chế lạm phát từ phía Ngân hàng Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng theo vì hợp đồng kinh doanh đã ký với khách hàng, nhưng thiếu vốn triển khai, do ngân hàng hạn chế cho vay. Lãnh đạo Công ty TNHH Kim khí Việt - Hàn (Hoài Đức, Hà Tây) cho biết: "Doanh nghiệp chúng tôi đang trên đà phát triển, cần vốn để mở rộng sản xuất và chuyển công ty ra các khu công nghiệp. Tuy nhiên, khi đi vay vốn thì các ngân hàng đều hứa hẹn, rồi… biệt tăm. Không có vốn, kế hoạch kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng bị đình hoãn". Bà Đặng Phương Dung, Giám đốc điều hành Vinatex cũng cho biết: "Ngành Dệt may đang gặp khó khăn bởi chi phí đầu vào như điện, xăng dầu, vận tải... tăng quá nhanh, và đến nay, việc siết chặt tiền tệ càng khiến các doanh nghiệp khó khăn hơn". Trước tình hình đó, một số chuyên gia kinh tế khuyến nghị: Ngân hàng Nhà nước cần phải có lộ trình thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát, nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Haruhiko Kuroda, có thể kinh tế Việt Nam sẽ sụt giảm đôi chút, song về lâu dài sẽ tiếp tục phát triển 8,5 - 9%/năm. Chính sách tiền tệ thắt chặt có thể ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ có tác động tích cực. "Chính phủ Việt Nam nên tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, giám sát chặt chẽ các chỉ số lạm phát, cán cân thanh toán". Đinh Tuấn (tổng hợp) Tạp chí TCĐLCL Tháng 5 Năm 2008https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq