Tìm hiểu việc khuyến học ở Vĩnh Phúc qua nguồn tài liệu Hán Nôm

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    TÌM HIỂU VIỆC KHUYẾN HỌC Ở VĨNH PHÚC QUA NGUỒN TÀI LIỆU HÁN NÔM

    Ts. Nguyễn Hữu Mùi
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm

    Khuyến học là một khái niệm dùng để chỉ những hoạt động tạo ra điều kiện thuận lợi về tinh thần và vật chất giúp quá trình học tập đạt kết quả. Tùy mục đích, tính chất của mỗi nền giáo dục, ở mỗi quốc gia, trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, đặt ra nhu cầu về khuyến học khác nhau. Khuyến học ở nước ta có từ lâu đời và trở thành nhu cầu thường trực trong suốt chặng đường dài của nền giáo dục khoa cử 1075-1919), góp phần quan trọng định thành đội ngũ nhân tài gồm những nhà quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hóa, khoa bảng, làm rạng danh cho lịch sử dân tộc.

    Vĩnh Phúc là tỉnh đồng bằng và trung du, nằm ở phía tả ngạn sông Hồng, có bề dày lịch sử lâu đời, đất đai màu mỡ, phong tục của dân thuần hậu, từ thời Lê đã trở thành nơi trù phú qua câu câu ngạn ngữ “Nhất Tam Đới nhì Khoái Châu”. Như nhiều tỉnh ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, việc khuyến học ở đây rất được coi trọng thể hiện qua chủ trương và chính sách ghi trong tài liệu thành văn chữ Hán hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

    Có thể nói rằng, trong suy nghĩ bao đời của người dân Việt Nam nói chung, của người Vĩnh Phúc nói riêng đã hình thành quan niệm học không phải chỉ để kiếm “dăm ba chữ Thánh hiền”, mà điều quan trọng là để làm người, theo phương châm “ngọc phải mài thì sau mới thành khí, người phải học thì sau mới biết đạo lý”(1). Song, trong cuộc sống của người dân làm nông nghiệp, khi sản xuất luôn gặp phải nhiều khó khăn trắc trở thì đi học, đi thi, mong đỗ đạt làm quan, làm thay đổi thân phận “chân lấm tay bùn” là ước mơ chính đáng của nhiều người được xã hội chấp nhận. Người dân cũng nhận thức rõ sự thành đạt về khoa cử của một người không chỉ làm vẻ vang cho một nhà, một họ, mà còn làm sang cho cả một xã, một tổng, một huyện, một xứ.

    Xuất phát từ quan niệm và nhận thức như vậy, chính quyền và người dân Vĩnh Phúc đề ra chủ trương khuyến học ở khắp các làng xã, xem đây là công việc thường xuyên, lâu dài, không kém phần khó khăn vất vả. Người dân xác định muốn khuyến học đạt hiệu quả cần phải có giải pháp đồng bộ, vừa bằng tinh thần, vừa bằng vật chất, hỗ trợ cho nhau, mang tính nhất quán.

    Khuyến học bằng tinh thần thể hiện qua việc người dân cho xây dựng một hệ thống Văn miếu, Văn từ, Văn chỉvới nhiều cấp độ khác nhau, từ cấp phủ xuống đến cấp xã, vì nó là một phương tiện có ích về mặt tâm lý, biểu thị sự tôn sư trọng đạo, nhắc nhở, động viên, khích lệ tinh thần học tập của mọi người.

    Cấp phủ là Văn miếu phủ Tam Đới đặt tại xã Cao Xá huyện Bạch Hạc nay là thôn Cao Đại huyện Vĩnh Tường). Căn cứ theo văn bia Trùng tu Văn miếu tịnh nghi môn bi ký Bài ký ghi việc trùng tu Văn miếu và nghi môn), dựng năm Cảnh Trị thứ 7 1669), đời Lê Huyền Tông, do Trần Đăng Tuyển, Tiến sĩ khoa Canh Thìn 1640), giữ chức Binh bộ Thượng thư soạn, cho biết Văn miếu của phủ có từ lâu đời, trải đến thời gian đó đã đổ nát, chỉ còn lại nền, các vị quan chức trong phủ đứng ra tập hợp mọi người trùng tu, hoàn thành trong thời gian một năm, theo mô tả trong ngày khánh thành là “điện thờ được làm mới, chế độ hoàn hảo, không phải chạm xà vẽ cột mà tự trang nghiêm, không phải đá đẹp hoa lạ mà tự rạng ngời” (2). Vào đầu thế kỷ XVIII, năm 1702, đời vua Lê Hy Tông 1676-1705), Văn miếu này trùng tu một lần nữa, tiến hành trong 5 năm liền, khi hoàn thành tạo thành một quần thể khá đồ sộ, gồm 5 gian chính điện, 3 gian tiền đường, 2 dải vũ, mỗi dải 2 gian, tạo một chiếc cầu vượt 7 gian bắc qua một chiếc ao trong khuôn viên, các tòa nhà đều lập ngói, đắp thêm tượng Thập triết… (3) Về sau, khi phủ Vĩnh Tường thành lập 1822), sau một thời gian, Văn miếu phủ Tam Đới bàn giao cho phủ Vĩnh Tường quản lý, trở thành Văn miếu phủ Vĩnh Tường, rồi phát triển thành Văn miếu tỉnh Vĩnh Yên 1925) đặt tại xã Định Trung huyện Tam Dương.

    Cấp huyện là Văn từ hàng huyện, như Văn từ huyện Bình Xuyên đặt tại thôn Đức Cung nay là xã Cao Minh huyện Mê Linh), Văn từ huyện Lập Thạch đặt ở xã Sơn Bình, Văn từ huyện Yên Lạc đặt tại xã Vĩnh Mỗ.

    Cấp tổng là Văn từ hàng tổng, như Văn từ tổng Bá Hạ huyện Bình Xuyên, Văn từ tổng Sơn Bình huyện Lập Thạch, Văn từ tổng Sơn Quyết huyện Tam Dương, Văn từ tổng Hoàng Xuyết huyện Yên Lạc… Còn Văn chỉ cấp xã dường như trở thành phổ biến.

    Tại những cơ sở nêu trên, người dân còn dựng bia ghi họ tên người bản quán đỗ Tiến sĩ và làm quan để con em chiêm ngưỡng, sinh lòng hâm mộ, phấn đấu đỗ đạt. Chẳng hạn như ở Văn từ hàng huyện của huyện Yên Lạc, vào năm Minh Mệnh thứ 15 1834), các vị Văn hội ở đây đã khắc từ Phạm Công Bình, đến Nguyễn Tự Cường, gồm 20 người, đỗ trải các khoa từ triều Lý đến triều Lê (4). Hoặc ở Văn từ huyện Lập Thạch, vào năm Kỷ Tỵ thuộc niên hiệu Tự Đức 1869), khắc từ Triệu Tướng công Triệu Thái) đến Hà Tướng công Hà Nhậm Đại), gồm 22 người, đỗ từ thời Lê sơ đến thời Mạc (5). Văn chỉ xã Nghinh Tiên huyện Yên Lạc nay là thôn Nghinh Tiên xã Nguyệt Đức huyện Yên Lạc) khắc Trần Hùng Quán, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất 1490) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Đình úy chính (6); xã Đinh Xá nay là thôn Đinh Xá xã Nguyệt Đức huyện Yên Lạc) khắc Tạ Hiển Đạo, đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn 1554) đời Mạc Phúc Hải, làm quan đến chức Hiến sát sứ (7)…

    Sau khuyến học bằng tinh thần là khuyến học bằng vật chất, coi đây là động lực chính, có tác dụng thiết thực thúc đẩy việc học. Muốn vậy khâu xây dựng trường lớp làm chỗ cho con em học tập phải đầu tư thích đáng. Ngay từ thời Lê, vào năm Chính Hòa thứ 23 1702), hai xã Văn Trưng và Lăng Trưng huyện Bạch Hạc cùng nhau bàn bạc, thấy rằng “làng ta là nơi văn vật, sinh ra nhân tài ở đây, chẳng phải không nhiều, người ham chuộng thi thư ở đây, không phải là ít, nhưng trường học của làng chưa dựng, giáo pháp còn thô sơ, e rằng việc học sẽ lo từng hộ khởi phát, triệt đường tiến bước, chẳng phải là để dẫn dụ hậu học”, nên hai xã quyết định “không hẹp hòi gia sản, quyên góp ruộng đất” dựng thành ngôi trường làng trên diện tích 3 sào đất(8). Đây là ngôi trường làng sớm nhất ở Vĩnh Phúc phản ánh qua tư liệu văn bia. Về sau, đến năm Tự Đức thứ 4 1851), ngôi trường này xây mới hoàn toàn, thành 10 gian nhà học (9). Xã Phú Đa cùng huyện, vào năm Cảnh Hưng thứ 28 1767) nhận định: “Hễ thành phong tục, không gì bằng ở việc học”, cùng nhau đóng góp gia tài trong dân được 800 quan tiền cổ, trích một phần tiền dựng 2 dãy nhà học, mỗi dãy 5 gian (10). Một số cá nhân như Quan viên Lê Thúc Khải cùng vợ Nguyễn Thị Thanh ở xã Đại Định vào năm Cảnh Hưng thứ 17 1756), tự nguyện bỏ ra 3 sào ruộng, ao, vườn cho dân xây dựng trường học (11). Tri sự Nguyễn Trọng Điển, người thôn Đông xã Vĩnh Mỗ huyện Yên Lạc, vào năm Gia Long thứ 9 1803) hiến cho thôn một khu đất để dựng trường làng (12) .

    Để học sinh yên tâm học tập, nhiều xã đề ra chính sách miễn giảm các khoản phú thuế binh đao cho họ. Có thể thấy điều này qua quy định của xã Bảo Trưng huyện Vĩnh Tường: “Người nào đến tuổi đi học, bản xã sẽ miễn các khoản sưu sai” (13); xã Phù Chính quy định cụ thể hơn: “Phàm người trong xã phải đích thực theo học được miễn binh đao” (14). Tương tự như thế là qui ước của xã Kim Giao huyện Yên Lãng: "Lệ cho sĩ tử, người nào đỗ nhất trường, nhị trường, tam trường, các khoản tạp dịch được miễn trừ” (15).
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Bên cạnh đó, học sinh còn được tạo điều kiện về giấy bút, nhưng phải qua sát hạch, như ở xã Phú Đa: do xã có 3 mẫu ruộng “trát bút” giao cho Hội Tư văn cày cấy, hễ vào ngày sóc vọng mồng 1 và ngày rằm) hàng tháng, xã chỉnh biện 1000 tờ giấy nhỏ, mời sĩ nhân đến dự, ai làm được một bài thơ hoặc một bài tứ lục đỗ thứ nhất, được thưởng 300 tờ, ai đỗ thứ hai được thưởng 200 tờ, ai đỗ thứ 3 được thưởng 100 tờ… (16). Hoặc trợ cấp tiền khi đi thi, mỗi người 1 quan, như ở xã Bồ Điền, ghi tại điều 4 trong Hương ước của xã (17).

    Thưởng cho học sinh cũng là cách làm khá phổ biến. Loại này áp dụng cho người dự thi Hương và thi Hội, quy định người nào đỗ càng cao thưởng càng lớn, nhằm khích lệ sĩ tử hăng hái bước vào đường khoa hoạn. Chẳng hạn như ở xã Bảo Trưng, vào năm Tự Đức thứ 30 1877) quy định: “Lệ cho người nào đỗ Đại khoa [Tiến sĩ] mừng tiền 200 quan, đỗ Trung khoa [Cử nhân] mừng tiền 100 quan, đỗ Tiểu khoa [Tú tài] mừng tiền 50 quan” (18). Có nơi còn dùng đất bãi ven sông châu thổ) làm phần biếu cho người đỗ khoa trường, như xã Chu Phan huyện Yên Lãng. Khoản 19, Tục lệ của xã viết: “Lệ chia đất kính biếu: người nào đỗ Đại khoa, lưu biếu 2 mẫu, đỗ Trung khoa, lưu biếu 1 mẫu, đỗ Tiểu khoa, lưu biếu 6 sào (19). Khi sĩ tử vinh qui được dân làng đón tiếp nồng hậu, kèm theo đó là món tiền lớn. Ví như ở xã Mạnh Trữ huyện Yên Lãng), người ta quy định: “Người trong làng trúng Tiến sĩ, ngày vinh qui làng dọn dẹp đường xá, sửa sang mũ áo, rước đón y như rước nghi vệ của thần, mừng tiền 100 quan. Người nào đỗ Phó bảng hoặc Cử nhân, được đón tiếp, mừng tiền 30 quan” (20).

    Tiếp đến là đặt ruộng học học điền), bởi quan điểm của người dân “Học mà không có ruộng biết lấy gì để mở mang thông minh mà làm phương tiến đức, học mà không có ruộng thì lấy gì để lo dưỡng người thầy mà tỏ ý trọng đạo” (21). Quan điểm ấy xuất phát từ thực tiễn là người thầy giáo xưa, dù là nhà khoa bảng không ra làm quan, hoặc cáo quan trở về nhà, hoặc là những Cử nhân, Tú tài…, miễn là người thầy giáo làng đều không thuộc biên chế của nhà nước và không có lương, do vậy phải dựa vào học điền, lấy hoa lợi làm lương cho thầy. Nét chú ý của đặt ruộng học ở Vĩnh Phúc là có cả một phong trào diễn ra khá sôi nổi: ở tổng có học điền hàng tổng, như tổng Sơn Bình huyện Lập Thạch đặt 16 mẫu (22); ở xã có học điền hàng xã, như xã Đinh Xá huyện Yên Lạc đặt 2 mẫu 5 sào (23); ở thôn có học điền của thôn, như thôn Tri Chỉ huyện Yên Lạc) đặt 6 mẫu (24).

    Qua xem xét, chúng tôi thấy việc đặt học điền thông qua ba hình thức, gồm trích từ ruộng công như ở xã Tráng Việt huyện Yên Lãng, thành 2 mẫu 4 sào (25); hoặc do xã mua như ở xã Đồng Tâm huyện Yên Lạc, là 2 mẫu (26) và do từng cá nhân cung tiến như ở xã Đại Tự huyện Yên Lạc), với 15 người tự nguyện góp ruộng tư, gộp thành 1 mẫu 9 sào 5 thước 9 tấc (27). Trong ba hình thức vừa nêu, loại thứ ba do từng cá nhân cung tiến) là phổ biến nhất.

    Số học điền của xã dù nhiều hay ít đều do xã quản lý, giao cho người nào có đủ điều kiện lĩnh canh, thu thóc theo qui định của từng nơi giao cho thầy, thay thế cho nguồn lương của nhà nước, nhằm đảm bảo cuộc sống, khiến người thầy yên tâm trong công việc.

    Ngoài ra, cũng có nơi dùng học điền thu hoa lợi để chu cấp cho người đi học, do hoàn cảnh của họ gặp khó khăn, thiếu thốn, như ở xã Mạnh Trữ, đặt 6 sào, giao cho người đi học tự cày cấy, ghi tại Hương ước của làng.

    Sau cùng là khâu lựa chọn người thầy, coi đây là vấn đề quan trọng được nhiều làng xã quan tâm. Bởi suy cho cùng nếu có người thầy giỏi thì học sinh mới mau tiến bộ, sớm đỗ đạt thành tài. Tuy mỗi nơi có cách lựa chọn khác nhau nhưng điểm chung của tất cả các xã khi mời thầy về dạy là tìm người giỏi, tận tụy với công việc, có kinh nghiệm giảng tập. Hai xã Văn Trưng và Lăng Trưng của huyện Vĩnh Tường có cách làm riêng, xã không trực tiếp đứng ra mời thầy mà ủy quyền cho tập thể đảm nhận: “Giao cho quan viên và Văn hội của hai xã cùng các thiện tín đứng ra giám sát tự mời thầy giỏi”. Chức sắc xã Bồ Điền tự đứng ra mời thầy thì qui định: “Mời thầy giáo về dạy phải là người có khoa mục danh vọng” (28). Hoặc như xã Phù Chính quy định ở mức cao hơn: “Đón thầy giáo làng tất phải là người đỗ Cử nhân hoặc Tú tài có danh tiếng” (29). Khi đáp ứng tiêu chuẩn, người thầy ngoài hưởng lương bằng thóc còn được làng xã giành một số ưu đãi khác hoặc kính biếu lễ vật vào các dịp lễ tiết trong năm. Văn bia học điền của xã Phù Chính tại Điều 4 quy định: “Học điền do thầy được lựa chọn lĩnh canh, người trong ấp không được tranh chấp. Hoặc thầy giáo có người nhà lĩnh canh cũng được”, còn ở Điều 6: “Mỗi năm vào ba tiết Đoan ngọ, Thường tân, Nguyên đán, mỗi tiết mừng thầy 2 quan tiền. Y phục hàng năm trị giá 6 quan giao cho thầy”. Xã Văn Trưng và Lăng Trưng cũng ghi nhận trên văn bia học điền của mình tại Điều 1: “Hễ là học điền hạng tốt thượng hạng) thì giao cho thầy canh tác”. Điều 5: “Nếu người thầy đi thi xã sẽ ứng lễ 2 quan tiền, Hội Tư văn có ăn uống đều phải kính biếu thầy”. Riêng xã Phú Đa có lệ thù lao khá đặc biệt, theo ghi nhận trên văn bia, người thầy ở đây được lĩnh thêm một khoản, gọi là “Tiễn khách tiền”, tức khoản tiền đãi khách, gồm 1 quan. Số là xã này hàng năm có lệ khóa tập sĩ nhân, tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 8, mời thầy làm giám khảo, khi dự xong, xã trích tiền công trả thù lao nên có lệ đó.

    Trên đây là tình hình hoạt động về khuyến học ở Vĩnh Phúc trong quá khứ ghi nhận qua tài liệu văn bia và hương ước. Với nguồn thông tin này, ta có thể thấy việc khuyến học ở Vĩnh Phúc có lịch sử lâu đời, đi liền với nền giáo dục khoa cử đang thịnh hành ở nước ta trong quá khứ. Nét nổi bật ở đây là sự nhận thức đúng đắn của người dân về khuyến học, xem đó là công việc chung của cộng đồng làng xã. Người dân đã cùng nhau huy động sức người sức của tạo ra cơ sở vật chất, từ dựng Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ đến xây trường lớp, giúp đỡ học sinh, đặt học điền, mời thầy dạy, tất cả đều dựa vào dân, do dân đóng góp. Các chủ trương và chính sách khuyến học đa dạng, phong phú bằng cả tinh thần lẫn vật chất, trong đó vật chất là chủ yếu. Các hoạt động về khuyến học không mang tính hình thức mà rất cụ thể, thể hiện qua chính sách miễn giảm sưu dịch, trợ cấp giấy bút, ban thưởng… Chính vì vậy đã tạo động lực thúc đẩy mọi người trong địa bàn say mê học tập, trở thành những nhà khoa bảng lớn của tỉnh cũng như của đất nước, như Phạm Công Bình, Đào Sư Tích, Triệu Thái, Đỗ Nhuận, Nguyễn Duy Thì, Nguyễn Khắc Cần…

    Khuyến học trong giai đoạn hiện tại của người dân Vĩnh Phúc vẫn được phát huy mạnh mẽ dựa trên bề dày truyền thống và những kinh nghiệm rút ra từ cuộc sống sinh động. Mặc dù khuyến học ngày nay nằm trong xu thế chung của toàn quốc là để tạo ra những con người có tri thức hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng chính quyền và người dân nơi đây vẫn xác định hướng về nông thôn là chủ yếu, lấy học sinh làm đối tượng chính. Hàng năm tỉnh đều tổ chức lễ tuyên dương học sinh tiên tiến bằng cả tinh thần và vật chất, qua đó khích lệ học sinh hăng hái học tập, tạo ra những con người mới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

    Tìm hiểu khuyến học ở Vĩnh Phúc để rút ra những kinh nghiệm quí báu vận dụng vào công tác khuyến học, khuyến tài trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Trước mắt ở góc độ nghiên cứu, chúng tôi thấy cần khôi phục Văn miếu của tỉnh, đồng thời giữ nguyên hiện trạng của một số Văn từ, Văn chỉ hiện còn, bởi đây là nơi biểu thị lòng tôn sư trọng đạo, truyền thống khoa bảng rất đáng tự hào của người dân địa phương, thể hiện tinh thần khuyến học đáng trân trọng. Ngay bây giờ cần định hướng sưu tầm tư liệu thành văn, tư liệu hiện vật liên quan đến lịch sử Văn miếu Vĩnh Phúc, các tài liệu đề cập đến khuyến học, đến danh nhân khoa bảng của tỉnh, sau đó tiến hành nghiên cứu, làm cơ sở khoa học cho các bước tiếp theo.

    Chú thích:
    (1)Tiên hiền bi ký. Tạo năm Cảnh Hưng thứ 13 1752). N0.4147.
    (2)N0.5107-8.
    (3)Tu tập từ vũ bi ký. Tạo năm Chính Hòa thứ 23 1702). N0.5109-12.
    (4)Yên Lạc huyện từ vũ bi ký. N0.14894-5.
    (5)Lập Thạch huyện Văn từ Tiến sĩ bi. N0.15503.
    (6)Bản xã tu tạo bi ký. Tạo năm Tự Đức thứ 9 1855). N0.14339.
    7). Đinh Xá hương hiền bi. Tạo năm Tự Đức thứ 13 1860). N0.14583-4.
    (8)Học xá điền thổ bi ký. Tạo năm Chính Hòa thứ 23 1702). N0.14252-3.
    (9)Tăng tập hương học bi ký. N0.14250-51.
    10) Hương Trại điều lệ. Tạo năm Cảnh Hưng thứ 28 1767). N0.14531.
    11) Từ đường học điền bi. Tạo năm Cảnh Hưng thứ 17 1756). N0.13933.
    12) Học điền bi ký. Tạo năm Tự Đức thứ 9 1856). N0.14907-08.
    13) Bảo Trưng Văn chỉ bi. N0.14315-6.
    14) Học điền bi ký. Tạo năm Tự Đức thứ 20 1867). N0.14359-60
    15) Tục lệ xã Kim Giao. AFa7/13, tờ 11b.
    16) Chú số 10
    17) Bồ Điền điều ước bi ký. Tạo năm Tự Đức thứ 24 1871). N0.14203.
    18) Bảo Trưng Văn chỉ bi. Tạo năm Tự Đức thứ 30 1877). N0.14315-6.
    19) Tục lệ xã Chu Phan. A Fa7/14, tờ 5a.
    20) Tục lệ xã Mạnh Trữ. A Fa7/15, tờ 17a, 18b. Lập Thạch huyện Sơn Bình tổng học điền ký. Tạo năm Tự Đức thứ 7 1854). N0.15508-11.
    21) Chú số 8.
    22) Lập Thạch huyện Sơn Bình tổng học điền ký. Tạo năm Tự Đức thứ 7 1854). N0.15508-11.
    23) Chú số 7.
    24) Tri Chỉ thôn học điền bi. Tạo năm Tự Đức thứ 4 1851). N0.15025-6.
    25) Chú số 23.
    26) Tế điền học điền tu trí bi. Tạo năm Vĩnh Hựu thứ 4 1738). N0.14548-9.
    27) Học điền bi ký. Tạo năm Tự Đức thứ 20 1867). N0.14359-60
    28) Chú số 17.
    29) Chú số 27./.


    (Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (84) 2007; Tr. 21 - 26)
     

Share This Page