Trần Tế Xương - Một nhà thơ trào phúng

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    TRẦN TẾ XƯƠNG - MỘT NHÀ THƠ TRÀO PHÚNG

    Dương Văn Khoa
    P.Phương Liên, Đống Đa HN

    Kóa ai chín suối xương không nát,
    Có lẽ nghìn thu tiếng vẫn còn.
    Đôi câu đối trên đây là của cụ Tam nguyên làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, viếng người sinh trước nhà thơ trào phúng lớn của dân tộc ta. Tú Xương lúc nhỏ tên là Trần Duy Uyên, con cụ Trần Duy Nhuận, sau ông có tên hiệu là Vị Thành, tự là Tử Thịnh; còn có tên hiệu là Mộng Tích, người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định cũ. Nay là phố Hàng Nâu, thuộc khu Đinh Hữu, thành phố Nam Định. Trần Tế Xương sinh ngày 10 tháng 8 năm Canh Ngọ tức ngày 5 tháng 9 năm 1870. Trần Tế Xương đi học sớm, 15 tuổi đã đi thi Hương, nhưng 2 lần thi đều hỏng. Mãi đến năm Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu Tú tài.
    “Tú rốt bảng trong năm Giáp Ngọ, nổi tiếng tài hoa
    Con nhà dòng ở đất Vị Xuyên ăn phẩn cổ nọng”

    Hai tiếng Tú Xương là cách gọi thân mật của bạn bè và dân gian đặt cho và dường như đã trở thành bút danh của nhà thơ Trần Tế Xương. Tương truyền ông là người hoạt bát, thông minh, nói năng nhẹ nhàng, có duyên, thích trào lộng. Theo Nguyễn Lộc, trong cuốn Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX). Nxb. Giáo dục, H. 1997, tr.766 thì cụ Hạc Phong người học cùng thầy với nhà thơ nhưng thuộc bậc sau có nói về Tú Xương là người:
    “Trán rộng, tai dầy da tựa tuyết,
    Mồm tươi, mũi thẳng mắt như gương.
    Tiếng vàng sang sảng ngâm thơ phú,
    Gót ngọc khoan khoan dạo phố phường”.

    Sau nhiều lần vất vả với trường thi, năm Quý Mão (1903) Trần Tế Xương đổi thành Trần Cao Xương với hi vọng sẽ gặp may trong kỳ thi này, nhưng cũng như các lần trước hỏng vẫn hoàn hỏng, ông than:
    “Tế đổi làm Cao mà chó thế
    Kiện trông ra Tiệp hỡi trời ơi!”

    Rằm tháng Chạp năm Bính Ngọ tức ngày 20 tháng 1 năm 1907, Tú Xương về quê ngoại ăn giỗ, dọc đường không may bị cảm lạnh, ông mất ngay tại làng Đại Từ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Năm đó nhà thơ mới 37 tuổi.

    Đọc lại các bài thơ ông viết về chuyện thi hỏng ở các năm: Canh Tý, Quý Mão và Bính Ngọ, ta thấy rõ hơn tâm sự của ông. Lúc đầu chỉ là bực bội, buồn vì phạm trường quy:
    “Nào ai ngờ chữ tốt hay văn,
    Tài bảng nhãn, thám hoa lỡ ra cũng hỏng”.

    Kỳ thi Quý Mão, ám ảnh, day dứt khiến Tú Xương buột ra tiếng thở dài ân hận: “Trách mình phận hẩm lại duyên ôi”. Chữ “lại” ở câu thơ trên xác định rõ hơn cái buồn nặng nề của nhà thơ ẩn sau hai chữ “phận hẩm” - phận ôi, xấu - phận bỏ đi lại được day nhấn sâu hơn trong hai chữ “duyên ôi” - phần trời ban, ở người thì hài hòa, sao ở mình - ở Tú Xương thì không ra gì, nó ôi, nó thiu, nó không được chấp nhận. Thế là trong một câu thơ chỉ 7 con chữ mà nhà thơ đã dành tới 4 chữ nhấn đi nhấn lại cái không may của mình. Cái sự ê chề ấy còn được diễn tả lại ở câu tiếp sau cụ thể hơn, giận đến muốn khóc, hận đến vô cùng: Đỗ suốt hai trường hỏng - một - tôi !

    Khoa thi năm 1906 vừa kết thúc, Tú Xương bật ra một tiếng than đau đớn: “Một việc văn chương thôi cũng nhảm. Trăm năm thân thế có ra gì”.

    Nói rõ hơn, có thể coi Trần Tế Xương là một minh chứng về đạo học ở nước ta những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nói chung, thành Nam Định nói riêng. Ấy là thời kỳ suy mạt của chế độ phong kiến và là giai đoạn khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam. Trước những diễn biến của đất nước lúc bấy giờ, nhà thơ yêu mến của chúng ta lo:
    “Năm canh thức suốt cả năm canh
    Nghĩ chuyện xa xa giật cả mình
    Con tự không coi mù tịt mít”.

    Chữ nghĩa chính truyền từ bao đời nay không chịu đọc tất sẽ “mù tịt”, sẽ quên hết đạo thánh hiền. Đã thế lại có người tấp tểnh “vứt bút lông đi giắt bút chì” - bỏ chữ Nho để học chữ Tây, Tú Xương thực sự đau xót. Nghe tin thực dân khai thác tài nguyên của ta đem về nước họ, Tú Xương lo và cảnh tỉnh “Núi non đào của lâu dần đổ. Sông bể khơi nguồn mãi cũng vênh”.

    Đọc thơ Tú Xương ta thấy được cái đau xót ê chề của người có tài không gặp thời, gặp vận, đồng thời cũng thấy phần nào nỗi đau của dân tộc những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX - thời kỳ đất nước ta hoàn toàn mất chủ quyền. Đã vậy một bọn người khoe mẽ, dởm đời lại tổ chức đánh chén, ngâm vịnh chỗ này chỗ kia. Ngọn roi phê bình của ông Tú lại phải vung lên: “Ý hẳn thịt xôi lèn chặt dạ. Cho nên con tự mới thòi ra”. Ông lo cho đạo học nước nhà lúc đó: “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo. Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi”, và cầu mong: “Chúc cho khắp hết cả trên đời. Sao được cho ra cái giống người”.

    Con người Tú Xương hành xử đúng đắn, nhưng thời thế buộc ông phải lãng đãng hư huyền, cái tâm hồn thanh khiết đến ngơ ngác ấy lại sa vào thế cô đơn.
    “Bạn đàn chưa dễ tìm nhau,
    Bạn nghiên, bạn bút có đâu được nhiều”.
    Nhớ mong đợi chờ hình bóng xa xôi, nhưng cũng chỉ là nhớ mong bởi ông không có đủ nghị lực tin vào tương lai của dân tộc:
    “Tương tư chẳng lọ là trai gái,
    Một ngọn đèn xanh trống điểm thùng”.

    Con người “nổi tiếng tài ba” chơi ngông nhất thành Nam đôi khi cũng phá ngang, cũng bộc lộ cái thất bại cá nhân. Thấy đời bế tắc, tương lai xa mờ, buông xuôi, phó mặc sự đời.
    “Non nước thề bồi thôi xúy xóa,
    Quỷ thần nào chứng ở hai vai”.

    Nói Tú Xương bế tắc, buông xuôi sự đời, thực ra chỉ là hình thức nhưng trong thẳm sâu lương tâm nhà thơ không cho ông làm như vậy. Bọn người hãnh tiến nghênh ngang ngựa xe, ra vào chớt nhả trong xã hội lúc bấy giờ làm gai mắt ông và ông đã lên tiếng:

    “Ba mươi mấy độ chôn chồng,
    Còn toan trang điểm má hồng chôn ai?”

    Tú Xương xúy xóa lời thề với ả này, với đào kia, ấy là nói vậy còn trong thực tế chắc gì đã có, nhưng ông lại sẵn sàng thề độc với người ăn xin: “Cha thằng nào có, tiếc không cho”. Lời thề thật chân thành, thật xót xa. Chân thành bởi thực tình ông cũng nghèo khó như người ăn xin kia. Xót xa là bởi phận hai con người cùng đói khổ lại gặp nhau. Muốn giúp nhưng không có gì để giúp. Chuyện kể rằng con người khí khái như Tú Xương cũng có khi phải sống nhờ vào tình bạn, lần hồi đắp đổi vào nhớ thương (Thời và thơ Tú Xương). Con người tưởng là bế tắc ấy lại rất tỉnh táo, rất thẳng thắn, sẵn sàng vượt qua những lời đàm tiếu dông dài của bọn người xấu bụng, xấu dạ, xu thời. Ông nói thẳng:
    “Hay khen, hèn chê, mặc miệng thế,
    Giàu tậu, khó bán, cười bòi ông”.

    Từ ý câu thơ trên mà suy khen hay chê với ông phải chính danh - phải đúng, không a dua theo thời. Cụ thể khen những người “hay” - giỏi - tài - tốt , đẹp, được nhiều người ngưỡng mộ, chê những kẻ “hèn” - kém bản lĩnh, thiếu nhân cách không có bất cứ tài cán gì, khả năng gì? Dân gian có câu: “Làm quan có dạng, làm dáng có hình”. Với bài Lắm quan nhà thơ không chỉ phê phán những kẻ sống hủ bại - sa đọa: “Chồng chung vợ chạ….” mà còn phê phán bọn người tiến thân bằng các hành động thấp hèn, bỉ ổi: “Đậu” - trúng cách là nhờ vào chạy trọt, lo lót hết cửa này, cửa khác - xin, lạy mới kiếm được chức này, chức kia. Đã thế bọn chúng lại lười nhác, tham lam, ăn “bẩn” (Năm mới chúc nhau, Đưa ông Phủ, Ông Cò), một viên Cẩm, một cảnh sát người Pháp ở tỉnh Hà Nam lúc bấy giờ bị nhà thơ vạch mặt: “Hà Nam danh giá nhất ông Cò. Trông thấy ai ai chẳng dám ho. Hai mái trống toang đành để dột. Tám giờ chuông đánh chịu nằm co. Người quên mất thẻ âu trời cãi. Chó chạy ra đường có chủ lo. Ngớ ngẩn đi xia may vớ được. Phen này chắc hẳn kiếm ăn to”.

    Bài thơ này trong vài chục năm gần đây có người nói không phải của Tú Xương, sự thể ra sao xin nhường lời cho các nhà văn bản học, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về Tú Xương phát biểu. Tóm lại qua thơ Tú Xương, hình ảnh bọn quan lại trong chính quyền thực dân phong kiến lúc bấy giờ là một lũ sâu mọt, tham lam, máy móc và ích kỷ:
    “Bụng ông rặt những máy đồng hồ,
    Bán viết, buôn thêu lại học trò.
    Bát phẩm năm xưa bằng phụ cấp,
    Tam trường khóa trước chữ giời cho”.
    (Bỡn ông Phật)

    Qua những hình ảnh trên đây, ta còn gặp những kẻ: “Chí cha chí chát khua giày dép. Đen thủi đen thui cũng lượt là…”. Hoặc “Ậm ọe quan trường miệng thét loa. Lọng cắm rợp trời quan xứ đến. Váy lê quét đất mục đầu ra…”. Đúng là Tú Xương đã kịp ghi lại lịch sử một giai đoạn đen tối ở thành Nam nói riêng, đất nước ta nói chung.

    Hàng ngày chứng kiến những sự nhố nhăng của bọn người xu thời, Tú Xương phát “đau mắt”, ông than:
    “Hỏi vợ, vợ còn đi chạy gạo,
    Gọi con, con mải đứng chơi đình.
    Muốn mù trời chẳng cho mù nhỉ,
    Dương mắt trông chi buổi bạc tình”.

    Bi kịch cá nhân nằm trong bi kịch xã hội. Cảnh nghèo khổ túng thiếu được ông Tú nói ra thật cảm động, thật điển hình:
    Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông,
    Tưởng rằng ốm dậy hóa ra không.
    Một tuồng rách rưới con như bố,
    Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng.
    (Mùa nực mặc áo bông)

    Bên cạnh những bài thơ trào phúng về hiện thực thành Nam thời bấy giờ, ta còn gặp Tú Xương một dòng thơ khác, dòng thơ trữ tình - nhân đạo. Thấy cảnh: “Gái tơ đi lấy làm hai họ” - đi làm lẽ, làm vợ thêm - vợ bé cho bọn người có tiền. Nhà thơ xót xa, trước sự xuống cấp về nhân cách và đạo đức của người đời. Ông lại lên tiếng. “Gớm ghê (gan) cho những cô con gái. còn rủ rê nhau lấy các thầy…”. Có thể nói, thơ Tú Xương là tiếng nói của nhân dân trong cái thời tao loạn - cái thời tối tăm nhất của lịch sử dân tộc. Nhắc đến thơ Việt có sức neo đậu lâu dài trong tâm hồn người đọc nhiều thế hệ ở nhiều thời đại không thể không kể đến thơ Tú Xương mà trong thơ ông Tú không thể không kể đến các bài: Đi hát mất ô, Sông lấp, Làm quan tại nhà và bàiKhóc em gái, có những câu thật ai oán, xót thương:
    “Mệnh bạc thế hỡi em ơi!
    Hai bốn hai lăm cũng một đời.
    …Cành thoa đã rụng, phím đàn rơi”.

    Nói đến thơ Tú Xương mà không nhắc đến bài Thương vợ của ông là một thiếu xót lớn, bởi đây là bài thơ tập trung nhiều tinh hoa nghệ thuật, nhiều tư tưởng nhân văn và cũng là bài thơ chân thành, biết ơn của ông đối với bạn đời - Bà Tú.
    Thương vợ
    Quanh năm buôn bán ở mom sông
    Nuôi đủ năm con với một chồng
    Lặn lội thân cò khi quãng vắng
    Eo xèo mặt nước buổi đò đông
    Một duyên hai nợ âu đành phận
    Năm nắng mười mưa dám quản công
    Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
    Có chồng hờ hững cũng như không.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (84) 2007; Tr. 59 - 62)

    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
     

Share This Page