Truyền thống hiếu học và thành đạt của dòng họ Nguyễn ở Lí Hải Vĩnh Phúc thời xưa

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    TRUYỀN THỐNG HIẾU HỌC VÀ THÀNH ĐẠT CỦA DÒNG HỌ NGUYỄN Ở LÍ HẢI VĨNH PHÚC THỜI XƯA

    Lê Kim Bá Yên
    Trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc

    Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có nhiều dòng họ có truyền thống khoa bảng, trong đó tiêu biểu là dòng họ Nguyễn ở Lí Hải, Phú Xuân, Bình Xuyên.

    Người mở đầu cho sự thành đạt và nổi danh cho dòng họ này là Nguyễn Bảo Khuê (1456 - ?), thi đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 đời vua Lê Thánh Tông (1487). Theo sách Đăng khoa lục, ông thi đỗ năm 32 tuổi, làm quan đến chức Hiệu lí Hàn lâm viện, hàm Chánh tứ phẩm.

    Tháng 11 năm Hồng Đức thứ 26 (1495), vua Lê Thánh Tông tuyển chọn 28 người giỏi văn chương lập một hội thơ, gọi là "Tao Đàn nhị thập bát tú" (28 ngôi sao của hội thơ Tao Đàn). Nguyễn Bảo Khuê đứng danh sách thứ 18 trong số 28 vị xếp theo thứ tự. Sang đời vua Lê Hiến Tông năm Cảnh Thống thứ 7 (1504), Nguyễn Bảo Khuê được thăng chức Hữu Thị lang bộ Lễ tòng Tam phẩm. Cùng năm, vua Túc Tông lên ngôi đã cử 3 sứ đoàn, gồm 9 người sang nhà Minh với các chức năng khác nhau, Nguyễn Bảo Khuê được cử làm Chánh sứ sang xin phong tước. Tuy nhiên khi đoàn sứ giả chưa qua ải Nam Quan thì vua Túc Tông đã băng hà, vua Uy Mục lên thay, nên tờ biểu đổi tên là Uy Mục. Cuộc bang giao thành công, trở về nước Nguyễn Bảo Khuê được thăng chức Tả Thị lang Bộ Hình kiêm chức Đô úy. Khi mất, mộ Nguyễn Bảo Khuê táng tại quê nhà, trên bia mộ có đề Lê tiến sĩ mộ chí. Nguyễn Bảo Khuê là một trong ba người được thờ phối ở đình Lí Hải, ông cũng là một trong tám vị Tiến sĩ của làng được thờ ở miếu Quốc tế.

    Nếu ở Lí Hải, Trạng nguyên Đào Sư Tích là người đặt nền móng cho nền giáo dục Nho học và khoa cử của làng, thì Nguyễn Bảo Khuê là người khởi đầu cho con đường công danh khoa cử và quan trường của dòng họ Nguyễn. Ông đã trở thành tấm gương sáng cho thế hệ sau trong làng, trong dòng họ noi theo.

    Tiếp theo bước của chú, trong khoa thi Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh thứ
    4 đời vua Lê Uy Mục (1508), Nguyễn Bảo Khuê có hai người cháu cùng đi thi là Nguyễn Sư Phó và Nguyễn Duy Tường đi và đều đỗ Tiến sĩ hàng Đệ tam giáp.

    Nguyễn Sư Phó (1458-1519), là anh em con chú con bác với Tiến sĩ Nguyễn Duy Tường. Bản Tiết nghĩa phả tộc, chép tên ông là Nguyễn Duy Phổ. Ông làm quan tới chức Kiểm thảo, hàm tòng Thất phẩm, phụng mệnh làm Phó sứ sang triều Minh tạ ơn phong tặng cho vua Tương Dực. Nhà Mạc lên, ông đã cùng với một số quân thần nổi dậy chống lại nhưng không thành, bị bắt và bị giết chết. Nhà Lê Trung hưng đã tuyên dương và phong ông là Tiết nghĩa.

    Cùng thi đỗ như Nguyễn Sư Phó, nhưng Nguyễn Duy Tường lại thể hiện rõ một con người có cá tính mạnh mẽ hơn nhiều. Dù đã thi đỗ Tiến sĩ hàng Đệ tam, nhưng chưa thỏa chí, nên ông đã từ chối không nhận và không ra làm quan, mà ở nhà tiếp tục học. Ba năm sau, trong khoa thi Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 đời vua Lê Tương Dực (1511), ông lại ra ứng thí và đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khi 27 tuổi. Ông được giữ chức Tham chính xứ Thanh Hoa hàng tòng Tam phẩm, sau đổi ra làm Tham chính xứ Kinh Bắc. Khi bị Mạc Đăng Dung vây ép vua Chiêu Tông, và vua được Trịnh Tuy hộ giá chạy khỏi kinh thành, phát chiếu cần vương, thì ông cùng các vị trung thần khác của nhà Lê bí mật vâng theo mật chiếu, trở về quê hương thống lĩnh hương binh cố giữ địa phương mình, chống lại Mạc Đăng Dung. Sau khi dẹp được các thế lực chống đối, tháng 12 năm Ất Dậu (1525), Mạc Đăng Dung đã đưa quân vây đánh Nguyễn Duy Tường. Trong một trận giao chiến quyết liệt với quân Mạc ở vùng Yên Lãng, ông bị thương ở tay. Biết không thể sống được, ông đã dũng cảm chặt đứt cánh tay bị thương, đặt lên mình ngựa, cho ngựa phi về nhà trả nghĩa mẫu thân, rồi quyết chiến đấu đến cùng và đã hi sinh. Thời Lê Trung hưng, ông được phụng thờ và phong làm Thượng đẳng thần, ban chữ "Tiết nghĩa từ". Nguyễn Duy Tường không những nổi danh về lòng trung hiếu mà còn là tấm gương hiếu học cho con cháu noi theo. Chính ông đã mở đầu thành đạt trên con đường khoa cử.

    Con trai Nguyễn Duy Tường là Nguyễn Hoàng Xước (1505 - ?), do biến động xã hội nên mãi đến 37 tuổi ông mới ra thi và thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, khoa thi Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính năm thứ 9 đời vua Mạc Đăng Doanh (1538).

    Cháu nội Nguyễn Duy Tường là Nguyễn Thế Thủ (1533 - ?) và là con Nguyễn Hoàng Xước, thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Bính Tuất niên hiệu Đoan Thái năm thứ 2 đời vua Mạc Mậu Hợp (1586) khi ông 54 tuổi. Sau khi nhà Mạc mất, ông theo về nhà Lê. Sau khi mất ông được thờ trong đền Quốc tế ở Lí Hải.

    Cháu 6 đời của Nguyễn Duy Tường là Nguyễn Quang Luân tuổi trẻ tài cao nổi tiếng học giỏi, thi đỗ Hoàng giáp khoa Quý Mão niên hiệu Chính Hòa thứ 24 đời vua Lê Hy Tông (1703) khi mới 21 tuổi, là một trong những tiến sĩ Nho học trẻ tuổi nhất tỉnh Vĩnh Phúc. Ông tuổi trẻ đỗ cao là do sự bồi lắng kết tụ của truyền thống gia đình, dòng tộc quê hương, tài năng xuất chúng của bản thân đúng như bức hoành phi ở đền đã ghi "Thần đồng lưu phương".

    Người cháu bảy đời là Nguyễn Duy Thì (1572-1652), đỗ Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Quang Hưng 21 (1598), khi ông 27 tuổi. Sau khi thi đỗ, ông được bổ nhiệm làm quan Hiệu lí ở Viện Hàn lâm. Ông theo thờ chúa Triết Vương Trịnh Tùng. Đến năm 1600, khi nghe tin vua ngự giá trở về kinh đô, ông đã đi vòng từ nhà đến Thanh Hoa bái yết, được vua cho cùng ngồi và thăng chức làm Hiến sát ở Thanh Hoa. Năm 1604, ông được bổ sang chức Đô cấp sự trung ở Hộ khoa và được ban tước Lãng Xuyên tử. Năm 1606, ông được cử làm Phó sứ sang nhà Minh tuế cống. Đến năm 1608, được thăng chức Thiêm đô Ngự sử và tước Phương Tuyền bá, được ban cho hai xã Yên Lãng và Hợp Lễ làm tùy hành ứng vụ. Năm Quý Sửu (1613), ông được thăng chức Phó Đô Ngự sử ở Ngự sử đài, đến năm 1616 thăng làm Tả Thị lang Bộ Lại kiêm Tư nghiệp (Hiệu phó) Quốc tử giám. Ngày 15 tháng 3 niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 8 (1626), ông được thăng chức Thượng thư Bộ Công kiêm Tư nghiệp Quốc tử giám tước Phương Tuyền hầu hàng tòng Nhị phẩm. Đến ngày 15 tháng 4 niên hiệu Đức Long thứ 4 (1632), ông được thăng chức Thiếu phó tước Tuyền Quận công hàng Chánh nhị phẩm. Đến ngày 27 tháng 4 niên hiệu Dương Hòa thứ 8 (1642), ông được thăng chức Thượng thư Bộ Binh, Tế tửu (Hiệu trưởng) Quốc tử giám. Ngày 20 tháng 4, niên hiệu Phúc Thái thứ 3 đời vua Lê Chân Tông (1643), do có nhiều công lao nên ông được chúa Trịnh Tráng thăng làm Thượng thư Bộ Lại, kiêm coi việc của cả 6 bộ, từ chức Thiếu phó lên Thái phó tước Tuyền Quận công Thượng trụ quốc, thượng trật hàm chánh nhất phẩm. Công lao của Nguyễn Duy Thì đối với triều đình Lê - Trịnh nói riêng và đất nước nói chung là rất lớn. Nhà sử học Phan Huy Chú đã xếp ông vào hàng 38 vị phù tá có công lao tài đức của nhà Lê Trung hưng. Ông còn có nhiều công lao trong giáo dục Nho học vừa là nhà giáo, vừa là người quản lí công tác đào tạo như đứng đầu Quốc tử giám, từng được cử làm phó chủ khảo hai khoa thi Đình.

    Con trai Nguyễn Duy Thì là Nguyễn Duy Hiểu (1602-1639), cũng là một nhân tài của đất nước. Ông đỗ Tiến sĩ xuất thân khoa thi Mậu Thìn niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 10 đời vua Lê Thần Tông (1628). Ông làm quan tới chức Hiệu lí Viện Hàn lâm hàm thất phẩm, rồi sau đó thăng chức Đô cấp sự trung Lại khoa Thiêm Đô Ngự sử ở Ngự sử đài. Năm Dương Hòa thứ 3 (1637), đời vua Lê Thần Tông, ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh triều cống việc không thành bị hại. Sau khi ông mất, triều đình bình công gia tặng chức Tả Thị lang Bộ Hình, tước Phú Nghĩa hầu ban tên thụy là Văn Định.

    Như vậy, một dòng họ có tới 8 Tiến sĩ trong đó có tới 2 người được phong tiết nghĩa, 3 người được cử đi sứ sang nhà Minh, 1 người làm Tế tửu của Quốc tử giám và đứng đầu bộ máy quan lại triều đình. Một dòng tộc có đủ cả cha con, ông cháu đều đỗ Tiến sĩ và làm quan. Đây thực sự là một dòng họ không chỉ nổi tiếng trong lịch sử nho học và khoa cử ở Vĩnh Phúc mà còn là của nước nhà. Với truyền thống hiếu học, con cháu dòng họ Nguyễn ở Lí Hải và Thanh Lãng ngày nay nói riêng, mà thế hệ trẻ Vĩnh Phúc ngày nay nói chung, phải cố gắng học tập để xứng đáng với thế hệ trước mà truyền thống của cha ông để lại.

    Tài liệu tham khảo
    1. Vũ Duy Đoán: Lịch đại đăng khoa lục. Bản chép lại của Lê Văn Ngân, năm Tự Đức thứ 34 (1881). VHv.652, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
    2. Đại Việt lịch đại Tiến sĩ khoa thực lục. Nho thần đời Lê soạn. Bài Tựa năm Dương Đức 2 (1674), A.2040 Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
    3. Phan Huy Ôn: Lịch triều đăng khoa bị khảo, A.485/1-5.
    4. Lê Kim Thuyên: Danh nhân Vĩnh Phúc, tập 1, Sở Văn hóa thông tin thể thao Vĩnh Phúc, 1999./.


    (Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (84) 2007; Tr. 35 - 38)

    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
     

Share This Page