Từ địa phương trong văn bản Nôm

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 8, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    NGUYỄN THỊ LÂM
    TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

    Trong kho từ vựng tiếng Việt vốn có một lớp từ gọi là từ địa phương (thuật ngữ ngôn ngữ học còn gọi là phương ngôn, phương ngữ). Đây là những cách nói riêng chỉ tồn tại và được sử dụng hạn chế trong một vùng, một giới hạn không gian nhất định, nó mang những nét khác biệt so với ngôn ngữ toàn dân hoặc với địa phương khác(1). Chữ Nôm là một thứ chữ được xây dựng trên các chất liệu chữ Hán để ghi âm tiếng Việt nên nhiều khi cũng có hiện tượng từ ngữ địa phương được phản ánh vào chữ viết. Vì vậy, muốn đọc và hiểu chính xác các văn bản Nôm thì không thể không quan tâm đến vấn đề này.

    Chúng tôi nhận thấy có thể quy những từ địa phương trong văn bản Nôm vào ba loại như sau:

    1. Những từ có tính chất khác biệt giữa các địa phương

    Ví dụ những từ địa phương miền Trung như:

    - 尾 曲 vạy/cong:

    Lúc giận dệt thêu ngay hóa vạy,

    Khi ưa tô vẽ méo nên tròn.

    (Nghi Xuân Uy Viễn Nguyễn gia thế phả, tr.30a, d7)

    - 怒 nỏ /không, chẳng:

    Rồi đây nỏ biết quên hay nhớ,

    Từ đó đà mang nợ với duyên.

    (Nghi Xuân Uy Viễn Nguyễn gia thế phả, tr.31b, d4)

    - 山由 rú/núi:

    Dẫu mà vượt suối qua đèo,

    Cao sơn viễn cũng theo mà tìm.

    (Nghệ An tỉnh khai sách(2), tr.30a, d3)

    - 豸既 khái/hổ:

    Người sinh ra năm Dần là tuổi con khái.

    (Nghệ An tỉnh khai sách(3) tr.37b. d5)

    - 艾 ngái/xa:

    Chợ gin (gần) chợ ngái, buôn một bán mười,

    Đi cho đến nơi, về cho đến chốn.

    (Nghệ An tỉnh khai sách(4), tr.62a, d4)

    Ngoài ra, ta thường gặp từ 幔 mần (nghĩa là làm) và một số hư từ điển hình của phương ngữ miền Trung:謨,犀, ,呂 mô, tê, răng, rứa (đâu, kia, sao, thế). Những hư từ này được dùng để biểu thị quan hệ ngữ pháp giữa các thực từ. Trong một số trường hợp, chúng lại có khả năng kết hợp với những từ khác để biểu thị ý cảm thán hoặc nghi vấn. Ví dụ:

    - 澄 謨 chừng mô !/chừng nào!

    Khi nãy nắng nôi ra thế ấy,

    Bi chừ mát mẻ biết chừng mô !

    (Nghi Xuân Uy Viễn Nguyễn gia thế phả tr.31a, d8)

    - 幔 mần răng ?/làm sao ?

    Nỗi nọ đường kia xiết nói năng,

    Đêm nằm không ngủ biết mần răng ?

    (Nghi Xuân Uy Viễn Nguyễn gia thế phả, tr.30b, d10)

    - 幔之 mần chi?/làm gì?

    Có của thì phải ăn chơi,

    Bo bo giữ lấy của trời mần chi?

    (Nghệ An tỉnh khai sách(5)tr.232. d6)…

    Còn từ địa phương miền Nam thuộc loại này có thể tìm thấy qua những tác phẩm có nguồn gốc Nam bộ hoặc trong tác phẩm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu(6):

    - 吹 xuê/đẹp:

    Bấy lâu cửa Thánh dựa kề,

    Đã tươi khí tượng lại xuê tinh thần.

    (tr.3, d10)

    - 戈qua/tôi, ta:

    Dân rằng lũ nó còn đây,

    Qua xem mặt bậu thơ ngây đã đành.

    (tr.8, d1)

    - 九未 mùi/chín:

    Tiên rằng: Ông lấy chi nuôi,

    Thân này khác thể trái mùitrên cây.

    (tr.52,d1)

    - 圩香 vùa hương/bình hương:

    Thương vì đôi lứa vị thành,

    Vùa hương bát nước ai dành ngày sau.

    (tr.69, d6)

    -家 sui gia/thông gia:

    Thái sư dùng lễ vật sang,

    Mượn mai dong nói kết đàngsui gia.

    (tr.70, d9)

    - 杜乘 đổ thừa/vu vạ:

    Người dầu còn nhớ tích xưa,

    Mẹ con ta lại đổ thừa Võ công.

    (tr.105, d10)

    - 㧾 hốt/bốc:

    Tiên rằng: như bát nước đầy,

    Đổ ngay xuống đất, hốt rày sao xong.

    (tr.106, d8)…

    Về mặt tự dạng, các từ ở mỗi cặp như trên đều mang tính chất khác biệt giữa các địa phương, xa nhau về nguồn gốc, âm đọc cũng rất khác nhau nên không thể không có những cách ghi hoàn toàn khác nhau. Ví dụ các từ vạyở Trung bộ ghi khác với từ cong ở Bắc bộ, tôi, taở Bắc bộ cũng ghi khác với qua ở Nam bộ… Còn khi phiên âm ra quốc ngữ, GS. Nguyễn Tài Cẩn cho rằng: “Chúng ta không thể không tôn trọng ý muốn của tác giả đã thể hiện ra ở chữ viết. Chúng ta không có quyền làm người hiệu đính chữa các từ địa phương tác giả đã dùng ra thành từ phổ thông”, “Dứt khoát chúng ta phải bám sát chữ viết để phiên”(7). Đó là những ý kiến xác đáng. Ví dụ các từ vạy, nỏ, mần răng, xuê, sui gia, đổ thừa mà Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Đình Chiểu đã dùng trong văn bản Nôm thì ta không thể không đưa vào trong bản quốc ngữ. Tuy nhiên, đối với các chữ Nôm địa phương thuộc loại này cũng cần có chú thích thì người đọc mới dễ hiểu.

    2. Những từ có tính chất là biến thể ngữ âm giữa các địa phương.

    Ví dụ những từ ở miền Trung như:

    - 眉 mi/mày:

    Mi học cho siêng, số này đỗ đặng.

    (Nghệ An tỉnh khai sách(8) tr.7b, d8)

    - ngài/ người:

    Đứa con gái tuổi vừa mười tám, mặt thì tròn như trăng, ngài thì đẹp như sao

    (Nghệ An tỉnh khai sách(9) tr.39a. d8)

    - gin/gần:

    Gin biển gin nhà, gin mẹ gin cha, đặng cả chữ tình chữ hiếu.

    (Nghệ An tỉnh khai sách(10) tr.41a, d7)

    - 之chi/gì:

    Chập tối cớ chi dòm gác tía,

    Ban ngày sao thẹn với vừng son.

    (Nghi Xuân Uy Viễn Nguyễn gia thế phả, tr.31b, d4)

    - 妮 ni/này: Cái ni cái tê (kia)

    (Nghệ An tỉnh khai sách(11) tr.65b, d7)

    Những từ ở miền Nam thuộc loại này cũng có thể tìm thấy trong văn bản Lục Vân Tiên:

    - 方phang/phương:

    Bao giờ cho tới bắc phang,

    Bao giờ gặp chuột ra đàng thì sang.

    (tr.6, d6)

    - 唐 đàng/đường:

    Thương thầy Nhan tử dở dang,

    Ba mươi mốt tuổi tách đàng công danh

    (tr.28, d9)

    - 山san/sơn:

    Mạch thời đọc mạch Lư San,

    Đặt tay vào bệnh biết đàng tử sinh.

    (tr.38, d1)

    -榮 vang/vinh:

    Chàng đà gặp chữ hiển vang,

    Làm lơ chẳng hỏi ngỡ ngàng chẳng han.

    (tr.95, d2)

    - 朝 trào/triều:

    Ngày nay xum họp một nhà,

    Giặc đà yên giặc, khải ca hồi trào.

    (tr.96, d9)

    Ở mỗi cặp như trên đều gồm hai từ có nguồn gốc chung, sự xa cách trong mỗi cặp nhìn chung cũng chưa thật lớn. Do vậy, khi thể hiện ra ở chữ Nôm, chúng đều có một dạng chung. Ví dụ như mi ở Trung bộ ghi hoàn toàn như mày ở Bắc bộ, vang ở Nam bộ ghi hoàn toàn như vinh ở Bắc bộ, nghĩa là chỉ có một cách ghi thống nhất trong cả nước. Còn khi phiên âm ra quốc ngữ, theo GS. Nguyễn Tài Cẩn thì đối với đa số những chữ Nôm thuộc loại này đều nên phiên theo cách đọc phổ thông: “Phiên âm như vậy không phải là không tôn trọng nguyên bản của tác giả, bởi ngay trong Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu nhiều khi cũng đã chấp nhận cách phát âm phổ thông(12). Ví dụ:

    - Trước đèn xem truyện Tây Minh,

    Gẫm cười hai chữ nhântình éo le.

    (tr.3, d1)

    - Vợ chồng ăn ở hiền lành,

    Tu nhân tích đức sớm sinh con hiền.

    (tr.3, d5).

    Nghĩa là ở đây, các từ “nhân”, “sinh” không nên phiên âm là “nhơn”, “sanh” theo cách phát âm của người Nam bộ. Vả lại, trong văn bản Nôm, các từ đó cũng chỉ có một cách ghi thống nhất.

    Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nên giữ lại cách phát âm địa phương ở những chỗ thật cần thiết (như những trường hợp cần cho gieo vần chẳng hạn) thì cũng là một cách thể hiện được màu sắc địa phương. Nhưng nhìn chung thì nên phiên theo cách đọc phổ thông, bởi vì, “giữ lại quá nhiều cách phát âm địa phương, giữ ở những chỗ hoàn toàn không cần thiết chỉ là làm hại tác giả, tác phẩm, hạ thấp vai trò và tác dụng của tác giả, tác phẩm đối với toàn quốc”(13).

    3. Những từ có tính chất đặc thù địa phương

    Đó là những từ láy với tính chất là động từ, tính từ, trạng từ hay phó từ thường quen dùng trong các văn bản Nôm xuất xứ ở Nam bộ. Ví dụ những từ sau đây trong tác phẩm Lục Vân Tiên:

    - 目戊胡 mồ hồ:

    Kêu rằng bớ đảng hung đồ,

    Chớ quen thói dữ mồ hồ(14) hại dân.

    (tr.9, d4)

    -彼盤 bĩ bàn:

    Bĩ bàn(15) trà rượu vừa xong,

    Bốn người ngồi lại một vòng làm thơ.

    (tr.27, d3)

    - 凌咣 lằng quằng:

    Ghét đời Thúc Quý phân băng,

    Sớm đầu tối đánh lằng quằng(16) hại dân.

    (tr.28, d7)

    - 払亻郎 chàng ràng:

    Kẻ đưa người rước chật đường,

    Lao xao lũ bảy, chàng ràng(17) đoàn ba.

    (tr.31, d7)

    - 口乙口魚 ngất ngư:

    Tiên rằng: đi đã ngất ngư(18),

    Tìm nơi khe suối bụi bờ nghỉ chân.

    (tr.45, d2)

    -亻郎亻郎 ràng ràng:

    Tiểu đồng thức dậy mơ màng,

    Xem qua dấu đất ràng ràng(19) mới hay

    (tr.49, d1)

    - 閏閑 nhộn nhàng:

    Mặt trời vừa khỏi mái hiên,

    Kẻ buôn người bán chợ phiên nhộn nhàng(20).

    (tr.49, d3)

    - lo lừa:
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Tiên rằng: ông có lòng đưa,

    Ngày sau ta sẽ lo lừa(21) trả ơn.

    (tr.54, d5)

    - 口詐貞, trớ trinh:

    Võ Công làm sự trớ trinh(22),

    Dứt tình họ Lục, mến tình họ Vương

    (tr.63, d8)…

    Những từ như trên có tính chất đặc thù Nam bộ đến nỗi người ta không thể tìm thấy những đơn vị tương ứng về ngữ âm và ngữ nghĩa ở bất kỳ một địa phương nào khác. Tuy nhiên, chúng lại rất quen thuộc trong đời sống thường ngày của người dân vùng này. Muốn hiểu được chúng, trước hết người đọc cần phải dựa trên những tri thức về cấu tạo chữ Nôm để tìm ra âm đọc cho phù hợp với văn cảnh, phải gắn liền những từ đó với nội dung văn cảnh, bởi “kinh nghiệm cho thấy, nội dung của cả câu thơ, câu văn dễ gợi cho ta liên tưởng đến âm đọc của từ”(23). Còn ý nghĩa của chúng cũng chính là ý nghĩa của từ tiếng Việt nằm trong văn cảnh.

    Từ địa phương trong văn bản Nôm đa số thuộc lớp từ vựng cơ bản, bao gồm danh từ, đại từ, tính từ, động từ, hư từ… trong đó chiếm đa số là những từ đơn tiết, các từ đa âm tiết rất ít. Sở dĩ chúng có mặt trong văn bản là do một số tác giả người địa phương thường có thói quen sử dụng một số từ ngữ nào đó của địa phương mình. Nhiều khi từ địa phương lại phản ánh quá khứ xa xưa của dân tộc, có những từ hiện nay là từ địa phương, nhưng trước đây chúng là những từ chung của toàn dân, được toàn dân hiểu và sử dụng. Ví dụ: từ trốc/đầu hiện nay còn khá phổ biến trong khẩu ngữ vùng Nghệ An: trốc cúi (đầu gối), trốc giường (đầu giường), bạc trốc (bạc đầu), cạo trốc (cạo đầu)… cũng đã từng xuất hiện trong Thiên Nam ngữ lục, một tác phẩm diễn ca lịch sử ở thế kỷ XVII dựa trên tiếng địa phương miền Bắc:

    - Cá nằm trốc thớt đao hồng cầm tay(tr75a, d3).

    - Ra vào cài trốc đắp tai (tr.93b, d5).

    Từ “trốc” này chỉ lùi vào tiếng địa phương khi từ “đầu” mượn của tiếng Hán được sử dụng rộng rãi trong toàn dân.

    Các từ địa phương có tác dụng bổ sung vào vốn từ toàn dân, góp phần làm giàu đẹp thêm kho từ vựng tiếng Việt. Nếu biết sử dụng những từ đó một cách phù hợp thì sẽ làm nổi được màu sắc địa phương và tạo nên sự sống động của tác phẩm. Ví dụ:

    - 職 Húc chắc/húc nhau:

    Bò đen húc lộn bò vàng,

    Hai con húc chắc đâm quàng xuống sông.

    Thằng bé đi về bảo ông,

    Bò đen ta đã xuống sông mất rồi.

    (Thanh Hóa quan phong, tr.12b, d3)

    Tóm lại, các từ địa phương có mặt trong các văn bản Nôm là một thực tế khách quan. Bởi mỗi văn bản thường có xuất xứ riêng, có văn bản được viết theo tiếng miền Bắc, có văn bản thì lại được viết theo tiếng miền Trung hay miền Nam. Những từ như chúng tôi nêu trên là phản ánh của những cách đọc, cách viết của người địa phương. Nếu chúng ta biết chú ý đúng mức đến vấn đề này thì sẽ góp phần nâng cao hiệu quả trong việc phiên âm, chú thích các văn bản Nôm, nhất là các văn bản mang tính chất địa phương.

    Chú thích:
    (1) Trần Thị Thìn: Tiếng quê ta. Ngôn ngữ & Đời sống số 10-1999, tr.5.
    (2),(4) Bản VHv.1830, xã Bùi Khổng, tổng Hải Đô, phủ Hưng Nguyên soạn.
    (3) Bản VHv.1828, xã Thái Lão, tổng Đô An, phủ Hưng Nguyên soạn.
    (5) Bản VHv.1829, xã Bạch Hà, tổng Bạch Hà, huyện Lương Sơn, phủ Anh Sơn soạn.
    (6) Những ví dụ trong bài chúng tôi đều căn cứ vào bản Nôm Lục Vân Tiên do Trần Nghĩa - Vũ Thanh Hằng sưu tầm, phiên âm, chú thích. Nxb. KHXH, H. 1994.
    (7) Nguyễn Tài Cẩn: Mấy vấn đề về chữ Nôm. Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, H. 1985, tr.173.
    (8),(9) Bản VHv.1829, Sđd.
    (10),(11) Bản VHv.1830, Sđd.
    (12),(13) Nguyễn Tài Cẩn: Một số vấn đề về chữ Nôm. Sđd, tr.173.
    (14) Mồ hồ: nghĩa như hồ đồ.
    (15) Bĩ bàn: nghĩa như sẵn sàng
    (16) Làng quằng: nghĩa như lằng nhằng.
    (17) Chàng ràng: nghĩa như dềnh dàng.
    (18) Ngất ngư: nghĩa như mệt mỏi.
    (19) Ràng ràng: nghĩa như rành rành.
    (20) Nhộn nhàng: nghĩa như nhộn nhịp.
    (21) Lo lừa: nghĩa như lo liệu.
    (22) Trớ trinh: nghĩa như trớ trêu.
    (23) Lê Văn Quán: Nghiên cứu về chữ Nôm. Nxb. KHXH, H. 1981, tr.187./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (80) 2007; Tr.43-47)
     

Share This Page