Từ việc khảo sát các hệ bản Tứ thư Ngũ kinh đại toàn ở Việt Nam bàn về vị trí của hệ thống Đại toàn

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jul 27, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    TỪ VIỆC KHẢO SÁT CÁC HỆ BẢN TỨ THƯ NGŨ KINH ĐẠI TOÀN Ở VIỆT NAM BÀN VỀ VỊ TRÍ CỦA ĐẠI TOÀN TRONG GIÁO DỤC KHOA CỬ TRUYỀN THỐNG

    NGUYỄN PHÚC ANH
    GV. Khoa Văn học, Trường ĐH KHXH

    Ngày Giáp Dần, tháng 11 năm Vĩnh Lạc 永樂 thứ 12 (1414), để góp phần định hình nền tảng tinh thần quốc gia và thể hiện sự coi trọng đối với “văn giáo” 文教, Minh Thành Tổ 明成祖 lệnh cho nhóm Hồ Quảng 胡廣biên soạn một hệ thống thư tịch, tích hợp được thành tựu kinh học đối với Tứ thư, Ngũ kinh,đồng thời hệ thống ngôn luận về tính lí của các bậc thầy như Chu Đôn Di 周敦頤, Trình Di程頤, Trình Hạo 程顥, Trương Tải 張載, Chu Hi 朱熹thành một mối, biên thành điển tịch, truyền mãi muôn đời (Minh thực lục 明實錄 - Minh Thái Tông thực lục 明太宗實錄, vol.158, 2a). Ngày Kỉ Dậu, tháng 9 năm Vĩnh Lạc thứ 13 (1415): “Ngũ kinh, Tứ thư đại toàn Tính lí đại toàn đã biên thành […] Bọn Hồ Quảng dâng bản thảo. Nhà vua ngự lãm, rất vừa lòng, mới đặt tên cho bộ đó là Ngũ kinh, Tứ thư, Tính lí đại toàn. Đích thân vua làm bài tựa đặt ở quyển thủ, lúc đó mới sao chép đóng quyển, tất cả là hai trăm hai mươi chín quyển. Bọn Hồ Quảng dâng biểu tiến sách. Nhà vua ngự ở điện Phụng Thiên nhận, lệnh Bộ Lễ in ấn, ban cho thiên hạ”(明實錄 - Minh Thái Tông thực lục 明太宗實錄, vol.168, 2b).

    Đại toàn sau khi được ban hành đã xuất hiện ở Việt Nam rất sớm. Theo Đại Việt sử kí toàn thư 大越史記全書, hệ sách Đại toàn xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1419 (Vĩnh Lạc thứ 17), bốn năm sau sự kiện ban hành Đại toàn ở Trung Quốc: “Tháng hai, mùa xuân, năm Kỉ Hợi (năm Vĩnh Lạc thứ 17): Nhà Minh sai Giám sinh Đường Nghĩa sang ban Ngũ kinh, Tứ thư, Tính lí đại toàn, Vi thiện âm chất, Hiếu thuận sự thực cho trường học ở các phủ, châu, và huyện” Trần Kinh Hòa 陳荊和, 1983, 517). Sự kiện này cho thấy quyết tâm của thiên triều trong việc truyền bá bộ sách kinh điển Nho học được coi là tiên tiến và đầy đủ nhất bấy giờvào Việt Nam.Từ đó, người Việt sử dụng hệ sách Đại toàn để làm tài liệu học tập và thi cử cho đến khi chế độ khoa cử Nho học bị bãi bỏ. Cũng kể từ đó, hệ sách Đại toàn đã có một sinh mệnh đặc thù ở Việt Nam.

    Trong hình dung của những nhà nghiên cứu Nho học như Trần Đình Hượu (2007, 181), Đinh Thanh Hiếu (2002, 35), Nguyễn Tài Thư (2009, 16), Tạ Ngọc Liên (2009, 134)… hệ thống Tứ thư - Ngũ kinh Tính lí đại toàn được coi là một loại “sách giáo khoa mẫu mực”, một “bộ sách giáo khoa chính thống” hoặc có thể là “một bộ sách giáo khoa chính thức” dành cho hoạt động khoa cử của người Việt. Quan điểm ấy có thể có nguyên nhân từ sự phổ biến của hệ thống sách này. Các nhà nho cũng có xu hướng tìm kiếm, lựa chọn hệ thống sách Đại toàn hoặc các biến thể của chúng (các sách tiết yếu, tiết yếu diễn nghĩa) để sử dụng như một tài liệu học tập, thi cử. Xu hướng này gây nhầm tưởng rằng nhà nước đã định hình chúng như hệ sách dành cho hoạt động giáo dục, khoa cử. Thông qua khảo sát các hệ thống văn bản Tứ thứ - Ngũ kinh đại toàn ở Việt Nam, bài viết cố gắng, trong điều kiện tư liệu bao quát được, đưa ra giả thuyết mới về vai trò của hệ sách này với giáo dục khoa cử Nho học của người Việt thời Lê - Nguyễn.

    Trong hội thảo 2009) và Quách Thu Hiền (2009). Phùng Minh Hiếu cho rằng, một trong những công đoạn mà triều đình nhà Nguyễn tiến hành, nhằm thể chế hóa chế độ khoa cử, là ban hành và kiểm soát in ấn Đại toàn. Việc thể chế hóa này đến đâu? Chính sách kiểm soát nguồn sách nhập (của nhà Lê) và kiểm soát in ấn (của nhà Nguyễn) liệu có tác dụng trong thực tế? Quách Thu Hiền cho rằng Đại toàn là nền tảng để xây dựng hệ sách tiết yếu và bước đầu tiến hành nghiên cứu quá trình tiết yếu Đại toàn thông qua so sánh Tứ thư tiết yếu của Bùi Huy Bích với các văn bản Tứ thư đại toàn Trung Quốc. Tham luận này đặt ra cho người đọc những câu hỏi cần giải đáp: vậy, thực ra, cần phải bắt đầu từ đâu, trước khi đi sâu nghiên cứu quá trình tiết yếu Tứ thư - Ngũ kinh đại toàn ở Việt Nam? Đây là những câu hỏi phụ mà bài viết này hướng đến tìm câu trả lời.

    1. Bắt đầu từ việc khảo sát các hệ bản Đại toàn lưu hành ở Việt Nam

    Trong công trình của những nhà nghiên cứu Việt Nam: Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn (và cả Tính lí đại toàn) là những tác phẩm kinh học Trung Quốc và thường được xét đến như những đối tượng nhất thành bất biến. Thực tế văn hóa văn bản truyền thống khiến quá trình văn bản của Đại toàn trở nên hỗn loạn, biến Đại toàn thành một hệ sách nhiều diên cách về nội dung và có nguồn gốc không thuần nhất. Sự hỗn loạn ấy yêu cầu người làm văn bản học phải nỗ lực lấp đầy những khoảng trống trong lịch trình lưu hành còn nhiều hồ nghi và đậm tính giả thuyết của những văn bản Đại toàn. Càng lấp được nhiều khoảng trống bao nhiêu thì quan điểm về tính nhất thành bất biến của Tứ thư Ngũ kinh đại toàn càng không vững bấy nhiêu.

    Có một số ghi chép đáng chú ý về quá trình truyền bản của Đại toàn ở Việt Nam như sau:

    “Giáp Dần, năm thứ 3 (1734) niên hiệu Vĩnh Hựu (năm Ung Chính thứ 12, nhà Thanh). Tháng giêng, mùa xuân, ban Ngũ kinh đại toàn cho học quan các xứ.

    Trước đó, vua sai quan hiệu duyệt bản khắc Ngũ kinh của Trung Quốc rồi cho san khắc. Lại sai bọn Nguyễn Hiệu, Phạm Khiêm Ích chia nhau khắc các bản Tứ thư, Chư sử, Thi lâmTự vị để ban hành”(Khâm định Việt sử thông giám cương mục欽定越史通鑑綱目, A.1/8, vol.37, 30a).

    “Năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736): khi ấy, ấn bản của các sách kinh, sử đã được ban hành, vua lệnh cho các học giả trao nhận lẫn nhau mà đọc, cấm mua Bắc thư” (陳荊和, 1983, 1086).

    Những dữ kiện cho thấy: năm 1734 - 1736, dưới triều Vĩnh Hựu, hệ thống Đại toàn Việt Nam đã có khác biệt so với hệ thống Đại toàn Trung Quốc. Việc cấm mua Bắc thư cho thấy nhà nước muốn kiểm soát nguồn cung, qua đó kiểm soát nội dung của hệ sách Đại toàn. Mong muốn này được duy trì từ đời Lê sang đời Nguyễn. Nguyên nhân sẽ được trình bày ở phần sau của bài viết này.

    Thực tế, chính quyền không thể kiểm soát được hoạt động khắc in cũng như nội dung của Đại toàn khi hệ sách này đã được lưu truyền rộng. Vì thế, khi hệ sách này đi vào xã hội, nhà nước khó có khả năng thể chế hóa được chế độ khoa cử thông qua phương pháp khống chế in ấn Đại toàn và kiểm soát nội dung chú giải của sách như hình dung của Phùng Minh Hiếu. Việc tìm kiếm và sở hữu một văn bản Đại toàn đã qua hiệu duyệt của nhà nước - bản Quốc tử giám (trong điều kiện nhà nước không cho tự do in ấn văn bản này) khó hơn nhiều so với việc tìm mua một văn bản Đại toàn được khắc in ở Trung Quốc. Trong khi đó, nhu cầu sách vở lại không ngừng tăng cao do sự khan hiếm Đại toàn. Điều này khiến các văn bản Đại toàn do Trung Quốc in ấn nhanh chóng truyền vào Việt Nam bằng nhiều con đường mà nhà nước không kiểm soát được. Việc kiểm soát in ấn thông qua quản lí ván khắc của nhà Nguyễn là công việc khó khăn khi với sự phát triển của kĩ thuật in, trong đó có kĩ thuật “phúc bản” 覆版 (phủ ván), người thợ có thể tạo được bản khắc gỗ từ một quyển sách bất kì, cho phép các văn bản Đại toàn được nhân bản nhanh chóng. Điều mà chính quyền e ngại đã thực sự xảy ra. Trong thực tế, ở Việt Nam, chúng tôi ghi nhận đã tồn tại nhiều hệ bản Đại toàn với những nguồn gốc và sinh mệnh rất khác nhau.

    Có thể chia những hệ bản Đại toàn từng hiện diện ở Việt Nam làm hai nhóm: nhóm các hệ bản hiện chưa xác định được văn bản vànhóm các hệ bản hiện có thể xác định được văn bản.

    Nhóm các hệ bản hiện chưa xác định được văn bản:

    a. Hệ bản Tứ thư, Ngũ kinh, Tính lí đại toàn được nhà Minh đưa sang Việt Nam trong thời gian lệ thuộc triều Minh (năm 1419) và bộ Tứ thư đại toàn được in khắc ở Việt Nam vào đầu đời Hậu Lê (năm 1435)(陳荊和, 1983, 591).

    b. Hệ bản Đại toàn in từ ván khắc tàng trữ trong Quốc tử giám (Hà Nội) dưới triều Lê Trung hưng, hình thành văn bản vào khoảng năm 1734-1736(1).

    c. Hệ bản Đại toàn in từ ván khắc lưu trữ trong Quốc tử giám (Huế), hình thành văn bản vào thời Minh Mệnh. Đại Nam thực lục chép: năm Minh Mạng thứ 8 (1827), vua “sai quan ở Bắc thành kiểm lại ván in các sách Ngũ kinh, Tứ thư đại toàn, Vũ kinh trực giải [tàng bản cũ của nhà Lê] cùng chính sử các đời [bản riêng của Tham mưu hậu quân Nguyễn Bá Khoa] và Tứ trường văn thể [bản riêng của Hải Dương trấn thủ Trần Công Hiến] nguyên trữ tại Văn Miếu (Hà Nội), đưa về kinh, để ở Quốc tử giám (Huế)” (Đại Nam thực lục 大南實錄, A.27/17, vol.43, 29a)… Hệ bản này chưa xác định được chính xác nội dung. Nội các thư mục(2) có thể đã ghi nhận hệ bản Đại toàn này dưới tên Giám bản Ngũ kinh, Giám bản Tứ thư . Có lẽ đây cũng là hệ bản Đại toàn sau khi sửa chữa, được triều đình nhà Nguyễn sử dụng để in sách ban cho trường học ở các phủ, châu, huyện. Kho mộc bản triều Nguyễn lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia IV ở Đà Lạt có 3 tàng bản Đại toàn gồm: Dịch kinh đại toàn (kí hiệu H.12, còn quyển 12, gồm 2 tờ), Thi kinh đại toàn (kí hiệu H.119, còn 3 quyển, mỗi quyển còn 1 tờ), Lễ kí đại toàn (kí hiệu H.65, còn 1 tờ). Đây có thể là tàn tích của hệ thống Giám bản Ngũ kinh đại toàn của nhà Nguyễn. Với số lượng mộc bản ít ỏi còn lưu giữ được, rất khó đưa ra kết luận gì về hệ bản này.

    Nhóm hệ bản, văn bản hiện giờ có thể xác định được:

    d. Hệ bản Tứ thư đại toànNgũ kinh đại toàn do Chu Hội khôi hiệu chính 周會魁校正. Chu Hội khôi là Chu Sĩ Hiển xem Cù Miện Lương 瞿冕良, 1999, 495) và Chu Dịch đại toàn. Hai bộ Thư kinh đại toàn, Thi kinh đại toàn thuộc hệ sách này do Thân học sĩ 申學士, tức Nội các Đại học sĩ Thân Thời Hành 內閣大學士申時行 (1535-1614), người Dao Tuyền 瑤泉 hiệu chính. Ở Việt Nam, người viết mới chỉ thấy hệ bản Chu Dịch đại toàn do Chu Sĩ Hiển hiệu chính xuất hiện trong trường hợp bộ sách Tuân bổ Ngự án Dịch kinh đại toàn 遵補御案《易經大全》kí hiệu: H.526-H.530, H.532-H.534 lưu tại Thư viện khoa Sử,Trường Đại học KHXH & NV Hà Nội. Bộ sách gồm 20 quyển, ở đầu quyển 18 (kí hiệu sách H.534) có ghi: Kinh Sơn, Tư Hoàng Chu Sĩ Hiển hiệu chính 京山思皇周士顯校正. Điều đó cho thấy, ít nhất quyển 18 của bộ Tuân bổ Ngự án Dịch kinh đại toàn này cũng mang nội dung của Chu Dịch đại toàn mà Chu Sĩ Hiển hiệu chính.

    đ. Hệ bản Tứ thư đại toàn của Lục Lũng Kì hay còn gọi là hệ bản Tam Ngư đường Tứ thư đại toàn 三魚堂四書大全. Hệ bản Tứ thư đại toàn này hiện có một bộ lưu ở Thư viện khoa sử, Trường Đại học KHXH&NV, Hà Nội. Cụ thể, trang bìa quyển H.580 thuộc bộ Tam Ngư đường Tứ thư đại toàn ghi: “Tứ thư Đại toàn được Bình Hồ Lục Lũng Kì hiệu Lục Giá Thư thị biên soạn vào ngày Nhâm Ngọ, tháng 3, năm Tân Dậu niên hiệu Khang Hi 康熙辛酉三月壬午, 平湖陸隴其稼書氏述, Bình Hồ Lục giá thư tiên sinh điểm định平湖陸稼書先生點定. Mặt sau ghi: “Liễu Đường tàng bản” 柳堂藏版, cho thấy bộ sách là tàng bản của một nhà in Việt Nam. Bộ Tứ thư đại toàn này được khắc in ở Việt Nam vào tháng giêng năm Minh Mệnh thứ 16 明命拾陸年正月吉日新鐫 theo bản in của Ngũ Vân Lâu 五雲樓梓行, một nhà in của tỉnh Phúc Kiến. Bìa sách còn cho biết sách có bổ sung nội dung được trích từ: Ngữ loại 語類 (tức Chu tử ngữ loại của Chu Hi đời Tống), Mông dẫn 蒙引 (tức Tứ thư mông dẫn 四書蒙引 của Sái Thanh 蔡清 đời Minh soạn), Tồn nghi 存疑 (tức Tứ thư tồn nghi 四書存疑 của Lâm Hi Nguyên 林希元đời Minh), Thiển thuyết 淺說 (tức Tứ thư thiển thuyết 四書淺說 của Trần Sâm 陳琛 đời Minh), Đạt thuyết 達說 (tức Tứ thư đạt thuyết 四書達說 của Vương Chấn Hi 王振熙 đời Minh), và Thuyết ước 說約 (tức Tứ thư thuyết ước 四書說約 của Lộc Thiện Kế 鹿善繼 đời Minh). Tức, trừ Ngữ loại ra, Tứ thư đại toàn của Lục Lũng Kì có bổ sung chú giải của các nhà kinh học đời Minh, những chú giải không xuất hiện trong Tứ thư đại toàn nguyên sơ của nhóm Hồ Quảng.

    Theo bài tựa của sách này thì hệ bản Tam ngư đường Tứ thư đại toàn được hình thành từ việc Lục Lũng Kì đọc lại Tứ thư đại toàn. Lục Lũng Kì đọc và dùng bút mực khuyên điểm toàn bộ Tứ thư, gạt bỏ những chỗ không hợp lí, phiền toái hay trùng lặp, bổ sung những điều cốt yếu trong các chú giải trước đó. Hệ bản Tứ thư đại toàn của Lục Lũng Kì đã được chỉnh lí (theo đường hướng tiết gọn, loại bỏ trùng lặp) và bổ sung thêm (một cách tiết gọn) giải thích của các nhà kinh học. Hệ bản Tứ thư đại toàn này rất khác hệ bản Tứ thư đại toàn ban đầu của Hồ Quảng (cựu bản Đại toàn) và hẳn tương đối phổ biến ở Việt Nam. Bùi Huy Bích đã tham khảo hệ bản này để làm Tứ thư tiết yếu. Hệ bản này đã tích hợp được thành tựu của kinh học đời Thanh bởi tác giả của nó là một Thanh nho có tiếng; đồng thời, nó góp phần hoàn thiện về mặt nội dung cho cựu bản Đại toàn, hệ thống sách chủ yếu thiên về kết tập thành tựu kinh học Tống - Nguyên. Quan điểm phê phán Đại toàn của Cố Viêm Võ 顧炎武không tiêu biểu cho toàn bộ học giới triều Thanh (顧炎武, 2006, 中, 1041-1043)(3). Vẫn có những học giả như Lục Lũng Kì, coi việc điểm định và cấu trúc lại hệ thống Đại toàn là tâm huyết cả đời họ:

    “Tôi ngày trước đọc cựu bản Tứ thư đại toàn, dùng bút mực hiệu điểm, loại bỏ những chỗ phiền phức, chưa hợp lí của văn bản. Tôi còn lựa chọn những gì cốt yếu nhất trong các sách Mông dẫn, Tồn nghi, Thiển thuyết để đưa vào xen giữa các chú giải vốn có trong Đại toàn. Thuyết của các nhà kinh học từ đời Vạn Lịch về sau, tôi tách riêng thành một sách, không đưa cả vào sách này” (Tam Ngư đường Tứ thư đại toàn tự) 舊本《四書大全》,予舊所讀本也。用墨筆點定,去其煩複及未合者,又採《蒙引》《存疑》《淺說》之要者,附於其間。其萬暦以後諸家之說,則別爲一册,不入於此(陸隴其, 1983, "Tam Ngư đường Tứ thư đại toàn tự" 三魚堂四書大全序, vol.8, 122).

    Bản thân Lục Lũng Kì chỉ nhận đã bổ sung nội dung của Mông dẫn, Tồn nghi, Thiển thuyết chứ không nói có bổ sung nội dung của Ngữ loại, Đạt thuyếtThuyết ước cho hệ bản Đại toàn. Đây là điều chúng tôi còn tồn nghi. Quá trình truyền bản từ hệ bản khắc in Vĩnh Lạc (hệ bản đầu tiên của Đại toàn), đến bản Tứ thư đại toàn của Lục Lũng Kì, rồi đến bản khắc hệ bản Lục Lũng Kì của Ngũ Vân Lâu (Trung Quốc), rồi lại đến bản khắc lại ở Việt Nam tháng giêng năm Minh Mệnh thứ 16 (Liễu Đường tàng bản) là một chuỗi thêm bớt phức tạp, cần làm rõ thêm bằng một, vài nghiên cứu sau này. Một số khả năng có thể xảy ra:

    -Ngữ loại, Đạt thuyết Thuyết ước cho Tứ thư đại toàn của Lục Lũng Kì do học trò bổ sung trong quá trình hiệu chỉnh để đem xuất bản sách vở của thầy.

    -Ngữ loại, Đạt thuyếtThuyết ước được Lục Lũng Kì bổ sung vào Tứ thư đại toàn sau khi viết bài tựa, vì vậy ông không đề cập đến chúng trong bài tựa.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    -Ngữ loại, Đạt thuyếtThuyết ước được các nhà in (Việt Nam hoặc Trung Quốc) tự ý điều chỉnh, tăng bổ vào Tứ thư đại toàn nguyên bản của Lục Lũng Kì.

    e. Văn bản Thi kinh đại toàn của Diệp Hướng Cao 葉向高 (1559-1627) tức Tham bổ cổ kim đại phương Thi kinh đại toàn. Các biến thể về tên gọi của văn bản này là Diệp Thái sử tham bổ cổ kim đại phương Thi kinh đại toàn 太史参補古今大方《詩經大全》và Hoàng thái sử tham bổ cổ kim đại phương Thi kinh đại toàn 黄太史参補古今大方《詩經大全》. Ở Việt Nam những văn bản Tham bổ cổ kim đại phương Thi kinh đại toàn mà người viết sưu tầm được thường ghi là Hoàng thái sử tham bổ cổ kim đại phương Thi kinh đại toàn. Sách mang tên vậy có thể là do văn bản Thi kinh đại toàn của Diệp Hướng Cao ảnh hưởng đến Việt Nam chủ yếu là văn bản đã qua hiệu đính của Hoàng Tế Phi 黃際飛. Ở Hàn Quốc, cũng thấy xuất hiện văn bản Thi kinh đại toàn của Diệp Hướng Cao do Hoàng Tế Phi hiệu đính với tên gọi Hoàng thái sử tham bổ cổ kim đại phương Thi kinh đại toàn, hiện lưu trữ ở Thư viện Đại học Hàn Quốc (Korea University Library). Văn bản này là tàng bản của Úc Úc Đường 郁郁堂 (Trung Quốc), khắc in năm Khang Hi thứ 50 (1711), số kí hiệu từ 463010127 đến 463010135. Một vài trong số (khả năng là nhiều) văn bản Thi kinh đại toàn của Diệp Hướng Cao được biết đến hiện lưu trữ ở Việt Nam với kí hiệu: R.1306 (Thư viện Quốc gia) và một bản do người viết sưu tầm được, hiện lưu trữ trong tàng thư gia đình.

    f. Văn bản Lễ kí đại toàn của Trương Thụy Đồ 張瑞圖 (1570 - 1641, hiệu Nhị Thủy 二水, người Ôn Lăng 温陵) biên toản, được hiệu chính bởi Thẩm Chính Tông 沈正宗 (hiệu Đồng Cương 桐岡, người Ngô Giang 吳江). Ở Trung Quốc, văn bản này được biết đến với tên gọi là Trương Hàn lâm hiệu chính Lễ kí đại toàn《張翰林校正禮記大全》. Sau này có thể văn bản đã qua Hoàng Tế Phi hiệu chính nên bị chuyển tên thành Hoàng Hàn lâm hiệu chính Lễ kí đại toàn. Ở Việt Nam, người viết mới thấy văn bản xuất hiện dưới dạng Hoàng Hàn lâm hiệu chính Lễ kí đại toàn chứ chưa thấy xuất hiện dưới dạng Trương Hàn lâm hiệu chính Lễ kí đại toàn(4). Văn bản Lễ kí đại toàn kí hiệu H.373 của Thư viện Khoa Sử, Đại học KHXH & NV, Hà Nội chính là văn bản kiểu này.

    g. Hệ bản Hoàng Hàn lâm hiệu chính Ngũ kinh đại toàn 黄翰林校正《五經大全》. Hoàng Hàn lâm ở đây là Hoàng Việt 黃越, tên tự là Tế Phi 際飛, người Thượng Nguyên 上元(nay là thuộc Giang Ninh 江寧, Giang Tô 江蘇), đỗ Tiến sĩ năm 1709 dưới triều Khang Hi. Hệ bản của Hoàng Hàn lâm còn được gọi là hệ bản Hoàng thái sử 黄太史. Hệ bản này ít được nói đến trong các nghiên cứu về kinh học đời Minh. Hiện đã xác định được một số văn bản hiệu chính của Hoàng Tế Phi ở Việt Nam gồm các bản hiệu chính cho Thư kinh(5), Lễ kíThi kinh(6). Các bản hiệu chính cho Chu Dịch(7), Xuân Thu(8) hiện chưa tìm thấy ở Việt Nam. Chưa đủ cơ sở khẳng định, nhưng khả năng Hoàng Tế Phi đã làm hiệu chính dựa trên các bản Lễ kí đại toàn của Trương Thụy Đồ biên toản, Thi kinh đại toàn của Diệp Hướng Cao tham bổ, Chu Dịch đại toàn của Chu Sĩ Hiển hiệu chỉnh,.. Trong bài viết này, hệ thống văn bản Hoàng Tế Phi vẫn được tách ra khỏi hệ thống của Trương Thụy Đồ, Diệp Hướng Cao, Chu Sĩ Hiển,… để liệt kê như một hệ bản độc lập.

    h. Hệ bản Tuân bổ Ngự án Ngũ kinh đại toàn.

    Tuân bổ Ngự án Ngũ kinh đại toàn 遵補御案《五經大全》làhệ bản Đại toàn có tăng bổ nội dung lên phần thiên đầu 天頭(hay thượng bạch biên上白邊) của sách. Nội dung tăng bổ là trích đoạn từ những sách kinh học mà triều đình vua Khang Hi nhà Thanh tổ chức biên soạn, xuất bản và phát hành. Những sách này là những sách nào? Bài văn bia Cung kiến Thánh tổ Nhân hoàng đế thánh đức thần công bi 恭建聖祖仁皇帝聖德神功碑được dựng năm Bính Ngọ niên hiệu Ung Chính thứ 5 (tháng 3 nhuận) ở Cảnh Lăng để ca ngợi công đức của vua Khang Hi viết: “[…] Vua (Khang Hi) đã mệnh cho nho thần toản tu Chu Dịch chiết trung. Vua đích thân đưa ra những luận định cho những điều uẩn áo trong đồ tượng và các hào các quẻ. Nhà vua lại cho biên soạn các sách Thư, Thi, Xuân Thu truyện thuyết vựng toản, Tính lí tinh nghĩa, Chu tử đại toàn. Từ đó mà đạo nghĩa của kinh sách lại được rạng rỡ vô cùng” […] 命儒臣纂修《周易折中》。圖象卦爻之緼,親加論定。又修《書,詩,春秋傳說彙纂》,《性理精義》,《朱子大全》。經籍之道,煥然大明(Thanh thực lục 清實錄, “Thế tông thực lục” 世宗實錄, 1985, vol.55, 842). Như vậy, những sách này gồm: Chu Dịch chiết trung, Thư - Thi - Xuân Thu truyện thuyết vựng toản, Tính lí tinh nghĩa, Chu tử toàn thư.

    Lai lịch của hệ bản này còn mù mờ. Điểm khác biệt của Tuân bổ Ngự án Ngũ kinh đại toàn với các hệ bản Ngũ kinh đại toàn khác là nó đã tăng bổ cho Ngũ kinh đại toàn những nội dung của kinh học đời Thanh bao gồm những trích đoạn trích ra từ những lời ngự án của vua Khang Hi cho các kinh điển như Dịch, Thi, Thư, Xuân Thu. Tuân Bổ ngự án Chu Dịch đại toàn đã bổ sung một số nội dung của Ngự toản Chu Dịch chiết trung《御纂周易折中》. Tuân bổ Ngự án Xuân thu đại toàn bổ sung một số nội dung của Khâm định Xuân Thu truyện thuyết vựng toản《欽定春秋傳說彙纂》. Tuân bổ Ngự án Thư Kinh đại toàn bổ sung một số nội dung của Khâm định Thư kinh truyện thuyết vựng toản《欽定書經傳說彙纂》, Tuân bổ Ngự án Thi kinh đại toàn bổ sung một số nội dung của Khâm định Thi kinh truyện thuyết vựng toản《欽定詩經傳說彙纂》(9)… Còn Lễ kí, chúng tôi vẫn chưa thấy văn bản Tuân bổ Ngự án cho nó. Điều này có thể hiểu được vì Khang Hi không tổ chức soạn chú giải cho Lễ kí theo kiểu Truyện thuyết vựng toản. Một chỉ dụ Càn Long ban hành ít lâu sau khi lên ngôi, viết:

    “Ngày Kỉ Mão, tháng sáu (hạ tuần tháng sáu), năm Bính Thìn, Càn Long nguyên niên, vua lệnh toản tu Tam lễ nghĩa sớ. Nhà vua chỉ dụ cho Tổng lí sự vụ Vương đại thần rằng: xưa Thánh tổ nhân hoàng đế, mở mang kinh học, gia ơn cho vạn đời. Thánh tổ cho rằng hệ sách Đại toàn bác tạp không thuần, riêng mệnh các đại thần, toản tập truyện thuyết cho các sách Dịch, Thư, Thi, Xuân ThuTứ kinh (tức Tứ thư). Thánh tổ Nhân hoàng đế còn tự mình thêm những luận bàn chiết trung, giữ lại phần tinh túy, loại bỏ chỗ rườm rà, ban cho các trường học, rõ ràng rạng rỡ từ đây. Nhưng riêng quyển Lễ kí vẫn chưa được tu toản. Hơn nữa, những sách như Nghi lễ, Chu lễ, người đi học cho rằng chẳng liên quan đến khoa cử nên đa phần không để ý đến. Trẫm nghĩ: Ngũ kinh là căn gốc của chính giáo mà Lễ kinh thì càng sát thiết với những thứ nhân luân nhật dụng hàng ngày. Đấy là cái mà kinh truyện gọi là “đạo người xuôi ngược vạn mối, nhưng những chuẩn tắc thì không gì mà nó không thống nhiếp được vậy”. Xưa Chu Tử xin biên soạn Tam lễ song khi ấy chưa được thi hành. Mấy trăm năm sau, học giả còn nuối tiếc. Cần phải chọn lựa những chú sớ thuyên thích từ Hán, Đường, Tống, Nguyên trở lại đây, khảo xét thêm thắt tường tận kĩ càng, khởi phát hàm ý, biên tập thành sách, khiến cùng bốn kinh: Dịch, Thư, Thi, Xuân Thu, trở thành vĩnh cửu” (清實錄, “Cao Tông thuần hoàng đế thực lục” 高宗純皇帝實錄, 1985, vol.21, 501).

    Như vậy hệ bản Tuân bổ Ngự án Ngũ kinh đại toàn bị thiếu Tuân bổ Ngự án Lễ kí đại toàn, đến giờ vẫn chưa thấy dấu vết văn bản này. Theo nguyên tắc biên soạn thống nhất thì văn bản này không thể tồn tại. Những bộ sách Tuân bổ Ngự án mà người viết được biết, để đảm bảo hoàn thiện về mặt số lượng (đủ 5 kinh) thường sử dụng Hoàng Hàn lâm hiệu chính Lễ kí đại toàn để thay thế.

    Hệ bản Tuân bổ Ngự án Ngũ kinh đại toàn khiến chúng tôi cảm thấy băn khoăn. Đây là hệ bản Đại toàn do người Việt hay do người Trung Quốc soạn? Thư mục nội các của triều Nguyễn có đề cập đến một bộ sách là Ngự án Ngũ kinh đại toàn. Nhưng Ngự án Ngũ kinh đại toàn này có phải hệ bản Tuân bổ Ngự án Ngũ kinh đại toàn đang nói không thì chưa thể khảo được. Hệ Đại toàn này chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa văn bản cổ đại, nội dung Ngự án liên tục được sửa, thêm, đổi. So sánh các nhóm văn bản thuộc hệ bản Tuân bổ Ngự án Ngũ kinh đại toàn có thể thấy: trong quá trình lưu hành, phần Ngự án của hệ bản này liên tục được các nhà in tư nhân Việt Nam bổ sung, hoàn thiện. Có khả năng hệ bản này là sản phẩm nảy sinh tự phát trong quá trình truyền bản của Đại toàn ở Việt Nam. Nhu cầu cập nhật kiến thức kinh học đời Thanh vào trong hệ thống Đại toàn (vốn mới dừng lại ở kiến thức kinh học Tống - Nguyên - Minh) là nguyên nhân chính thúc đẩy bổ sung nội dung Ngự án cho Ngũ kinh đại toàn. Về thời gian ra đời, hệ bản này có thể xuất hiện ở Việt Nam trong giai đoạn từ 1731 đến 1818(10). Khi biên soạn Ngũ kinh tiết yếu, Bùi Huy Bích đã căn cứ chủ yếu trên hệ thống Tuân bổ Ngự án. Cần phải tiến hành khảo sát kĩ hơn hệ bản này ở những nghiên cứu trong tương lai.

    i. Cách phân định các hệ bản như trên chỉ có tính tương đối, dựa trên nguồn gốc của các hệ bản. Thực tế,vấn đề văn bản của hệ bản Tứ thư Ngũ kinh đại toàn phức tạp hơn thế. Trong quá trình truyền bản, dưới ảnh hưởng nhiều tầng lớp của văn hóa văn bản truyền thống, những hệ bản trên không giữ được sự thuần túy như cái tên của chúng. Đối chiếu các hệ bản này, có thể thấy tính lai ghép (hybrid) rõ ràng giữa chúng. Một số trường hợp lai ghép đã được nhận biết là:

    - Văn bản lai ghép giữa Hoàng Hàn lâm hiệu chính Thư kinh đại toàn Tuân bổ Ngự án Thư kinh đại toàn. Sự xuất hiện của văn bản lai ghép này có thể gây hiểu nhầm rằng Hoàng Tế Phi là người bổ sung Ngự án cho Ngũ kinh đại toàn. Khảo sát cách đề danh hệ bản thì Hoàng Tế Phi khó có thể là người bổ sung Ngự án. Vai trò của ông với Ngũ kinh đại toàn chỉ dừng lại ở việc hiệu chính. Hiện chưa thấy tư liệu chép việc Hoàng Tế Phi làm Tuân bổ cho Ngũ kinh đại toàn

    - Văn bản lai ghép giữa Tuân bổ Ngự án Thi kinh đại toàn với Hoàng thái sử cổ kim đại phương Thi kinh đại toàn. Trong quá trình đi sưu tầm các văn bản Đại toàn, người viết phát hiện có văn bản Hoàng thái sử cổ kim đại phương Thi kinh đại toàn được tăng bổ nội dung của Ngự án theo cách thức của Tuân bổ Ngự án Thi kinh đại toàn lên thiên đầu của sách. Văn bản lai ghép này hiện được lưu giữ trong tàng thư gia đình.

    - Văn bản lai ghép giữa Tuân bổ Ngự án Dịch kinh đại toàn với Chu Hội khôi hiệu chính Chu Dịch đại toàn của Chu Sĩ Hiển. Đó là trường hợp bộ sách Tuân bổ Ngự án Dịch kinh đại toàn 遵補御案《易經大全》kí hiệu từ: H.526-H.530, H.532-H.534, lưu tại thư viện Khoa Sử. Bộ sách gồm 20 quyển, đặc biệt ở đầu quyển 18, kí hiệu sách H.534 có ghi: Kinh Sơn, Tư Hoàng Chu Sĩ Hiển hiệu chính 京山思皇周士顯校正. Như vậy, ít nhất là quyển 18 của bộ Tuân bổ Ngự án Dịch kinh đại toàn này có mang nội dung của Chu Hội khôi hiệu chính Chu Dịch đại toàn.

    Từ thực tế khảo sát các hệ bản và văn bản Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn hiện tồn, chúng tôi nhận thấy: nho sĩ Việt Nam có xu hướng tiếp nhận Đại toàn không dựa trên cựu bản Đại toàn của Hồ Quảng mà họ sử dụng những hệ bản Đại toàn đã qua chỉnh sửa, tiết gọn, và bổ sung nội dung. Trong thực tế, các hệ bản Đại toàn được sử dụng thường có tính lai ghép, không thể xác định được văn bản chuẩn nhất hay văn bản được dùng phổ biến nhất. Triều đình Lê - Nguyễn, giả sử, nếu định áp đặt một bộ sách giáo khoa quan phương cho giáo dục khoa cử nho học thì thực tế, họ đã thất bại.

    2. Có hay không Tứ thư, Ngũ kinh đại toàn với tư cách một bộ sách giáo khoa quan phương cho giáo dục, khoa cử Nho học Việt Nam?

    2.1. Dù đã bỏ công tìm kiếm, nhưng hiện tại, người viết ghi nhận được một lần duy nhất: trong một chỉ dụ ban hành năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) (chép lại trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ 欽定大南會典事例), nhà Nguyễn quy định về hệ thống chú giải tiêu chuẩn làm nền tảng lí giải hệ thống kinh điển Nho gia dùng trong khoa cử: “Khi đọc, chấm quyển thi, về chủ chỉ trong cách hiểu Ngũ kinh thì: Dịch lấy truyện chú của Trình Di và Chu Hi làm chủ đạo; Thư lấy truyện chú của Sái Thẩm làm chủ đạo; Thi lấy tập truyện của Chu Hi làm chủ đạo; Xuân Thu lấy các sự kiện chép trong sách của Tả Khâu Minh làm chủ đạo, tham chiếu với đó mà dùng các thuyết của Công Dương, Cốc Lương hoặc truyện chú của Hồ An Quốc; Lễ kí lấy tập thuyết của Trần Hạo làm chủ đạo. Còn chủ chỉ trong cách hiểu Tứ thư thì lấy tập chú của Chu Tử làm chủ đạo” 至於點閱試卷,其《五經》義旨,《易》主程,朱傳,《書》主蔡傳,《詩》主朱子集傳,《春秋》以左氏本事爲主,参用公羊,谷粱或胡傳之說,《禮記》主陳氏集說,《四書》義旨主朱子集注(Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ,vol.106, 8b-9a). Quy định được diễn đạt theo lối mở, cho sĩ tử tự do trong lựa chọn tài liệu học tập, chỉ cần tài liệu đó tuân theo “hệ thống chú giải tiêu chuẩn đối với từng kinh điển” là có thể sử dụng để học tập và thi cử. Đời Lê và đời Nguyễn, dường như,đều có lệ này. Nguyên văn chỉ dụ của Minh Mệnh dùng chữ “chủ” 主, có thể dịch là “lấy căn bản”, “lấy làm chủ đạo”. Đây là điều Phùng Minh Hiếu nhận thấy nhưng chưa lí giải (2009, 164).

    Truy ngược lịch sử khoa cử Trung Quốc, qua lời của nhóm tổng toản Tứ khố toàn thư gồmKỉ Vân紀昀, Lục Tích Hùng陸錫熊, Tôn Sĩ Nghị 孫士毅, có thể thấy đời Nguyên đã ban hành những định chế tương tự. Nhóm này viết trong “Đề yếu” 提要của Lễ kí đại toàn: “Niên hiệu Diên Hựu đời Nguyên, quy định với khoa cử, Dịch dùng chú giải của Trình Tử, Chu Tử, Thư dùng chú giải của Sái Thẩm, Thi dùng chú giải của Chu tử, Xuân Thu dùng chú giải của Hồ An Quốc, song vẫn cho phép tham chiếu sử dụng cổ chú sớ” 元延祐,科舉之制,《易》用程子,朱子,《書》用蔡氏,《詩》用朱子,《春秋》用胡氏,仍許參用古註疏(胡廣等, 1983, 1).Quy định này cơ bản là mở, nó không định rõ một bộ sách giáo khoa cụ thể nào mà chỉ quy định hệ thống chú giải chính thống cho kinh điển. Đồng thời với quy định hệ thống chú giải chính thống, nhà Nguyên chấp nhận việc tham chiếu và sử dụng cổ chú sớ trong hoạt động giáo dục, khoa cử.

    Đến đời Minh, người ta cũng đưa ra quy định tương tự: “Tứ thư lấy tập chú của Chu tử làm chủ đạo, Dịch lấy truyện của Trình Di và bản nghĩa của Chu Hi làm chủ đạo, Thư lấy Sái Thẩm và cổ chú sớ làm chủ đạo, Thi lấy tập truyện của Chu tử làm chủ đạo, Xuân thu lấy tam truyện của Tả thị, Công Dương, Cốc Lương cùng truyện chú của Hồ An Quốc, Trương Hiệp làm chủ đạo, Lễ kí lấy cổ chú sớ làm chủ đạo. Triều Vĩnh Lạc, ban hành Tứ thư Ngũ kinh đại toàn, bỏ cổ chú sớ không dùng, về sau Xuân Thu cũng không dùng truyện chú của Trương Hiệp, Lễ kí chỉ dùng tập thuyết của Trần Hạo” (Minh sử明史, 1983, vol.70, 116). Đạo dụ năm 1832 của Minh Mệnh, đã chịu ảnh hưởng từ lối diễn đạt mềm mỏng này?

    Đời Thanh, tinh thần của hệ thống chú giải tiêu chuẩn không nhiều thay đổi so với Nguyên, Minh. “Tháng 10 năm đầu tiên niên hiệu Thuận Trị [...] quy định về đề thi tam trường của Hương thí và Hội thí. Trường thứ nhất Tứ thư ra ba đề, Ngũ kinh mỗi kinh ra bốn đề, sĩ tử đều chọn một kinh để làm. Tứ thư lấy tập chú của Chu Tử làm chủ đạo, Dịch thì lấy truyện chú và bản nghĩa của Trình Tử và Chu Tử làm chủ đạo, Thi thì lấy tập truyện của Chu Tử làm chủ đạo, Thư lấy truyện chú của Sái Thẩm làm chủ đạo, Xuân thu lấy Hồ truyện làm chủ đạo, Lễ kí thì lấy tập thuyết của Trần thị làm chủ đạo” (Thanh triều thông điển清朝通典, “Tuyển cử nhất” 選舉一, 1935, 典2129 - 典2130). Trong lịch sử của nhà Thanh, chỉ có tập thuyết của Trần Hạo cho Lễ kí(11)và truyện chú của Hồ An Quốc cho Xuân thu(12)là bị đặt lên đặt xuống, do đó có thay đổi về vị thế, song những chú giải đó không hoàn toàn bị loại khỏi hoạt động giáo học và thi cử.

    Trong phạm vi tư liệu gồm nhiều bộ sử lớn đã khảo sát, người viết nhận thấy dường như chính quyền Lê - Nguyễn (Việt Nam) và Nguyên - Minh - Thanh (Trung Quốc) chưa bao giờ quy định một bộ sách giáo khoa chuẩn, bắt buộc cho hoạt động giáo dục và khoa cử nho học ở các trường học thông thường, mà chỉ quy định hệ thống chú giải tiêu chuẩn cho kinh sách Nho học. Những quy định này có tính mở, định hướng cho hoạt động giáo học và khoa cử. Chúng đủ để xác lập và khẳng định hệ thống chú giải tiêu chuẩn cho kinh điển nho gia chứ không ấn định sĩ tử phải học và thi theo một bộ sách giáo khoa cụ thể nào. Sĩ tử học sách nào cũng được, miễn là sách đó không trái với cách hiểu được xác lập bởi hệ thống chú giải tiêu chuẩn. Có một hệ thống lí giải kinh điển quan phương, nhưng không có một bộ sách giáo khoa quan phương cho việc học và thi. Không nên nhầm lẫn hệ thống chú giải quy chuẩn với hình thức tổ chức hệ thống chú giải quy chuẩn. Nhà nước đặt ra hệ thống chú giải quy chuẩn, nhưng không bắt buộc về hình thức tổ chức hệ thống chú giải quy chuẩn. Sử thư Việt Nam khi nói đến khoa cử, chỉ ghi chép những quy định về hệ thống chú giải được coi là chính thống đối với từng kinh, còn hình thức tổ chức các hệ thống chú giải (đại toàn, tiết yếu, toản yếu, tập truyện, tập thuyết, tập chú, chương cú, thể chú, vựng biên, chiết trung, truyện thuyết vựng toản, tuân bổ ngự án đại toàn, tiệp giải, toàn giải, dẫn giải,…) thì không quy định và cũng không có khả năng quy định trong thực tế. Một bài thi kinh nghĩa có thể có nhiều khác biệt trong phương thức diễn giải, nhưng nếu phương thức ấy không ảnh hưởng nhiều đến xu hướng tư tưởng chung của bài thi (diễn giải kinh điển vẫn lấy căn bản ở Trình - Chu - Trần - Hồ - Sái) thì vẫn chấp nhận được. Những cách tân trong lí giải kinh điển nếu trái với những chú giải tiêu chuẩn sẽ không được chấp nhận. Nhưng nếu dừng lại ở một phương thức diễn giải, một cách thức tiếp cận vấn đề tuy “thanh tân” song không vi phạm khuôn khổ thì lại là một điểm cộng. Nhiều khi, chỉ với một vài chi tiết độc sáng nhỏ, một cách tiếp cận mới mẻ, thoát khỏi những cách tiếp cận khuôn sáo (chứ không phải thoát ra khỏi tư tưởng khuôn sáo), bài thi đó sẽ được đánh giá tốt hơn những bài thi khác. Đây là hình thức lựa chọn nhân tài bằng cách “đề cao những ý tưởng sáng tạo mới mẻ nhưng không ra ngoài khuôn khổ”. Chính lệnh và chủ trương của nhà Minh cũng thể hiện tinh thần như vậy.

    Dựa trên những cứ liệu và lập luận trên có thể thấy, dường như hệ thống chú giải tiêu chuẩn cho Tứ thư Ngũ kinh được quy định một cách mặc nhiên và ngầm định trong hoạt động giáo học và thi cử. Học trò và sĩ tử không cần nói vẫn đều hiểu họ phải học và ôn tập theo tinh thần của chú giải nào đối với từng kinh điển cụ thể!

    Đại toàn là một trong những lựa chọn, được sử dụng để hiện thực hóa hệ thống chú giải tiêu chuẩn. Nhà nước cung cấp Đại toàn như một giáo cụ đặc biệt cho học quan (chứ không phải là quảng đại quần chúng) để phục vụ cho hoạt động dạy học là chính. Lựa chọn Đại toàn là do Đại toàn đã tích hợp tất cả chú giải thuộc hệ thống chú giải nhà nước quy định làm tiêu chuẩn cho việc giải thích kinh điển nho học. Đồng thời Đại toàn cũng tích hợp hầu hết kiến giải của chư nho các đời Tống - Nguyên - Minh. Những ý kiến tập hợp trong Đại toàn soi chiếu, bổ sung, đôi khi là trùng lặp nhau; rườm rà nhưng lại tiện cho tra cứu và giáo học. Giải thích của Đại toàn dễ hiểu, tường tận, khả năng hỗ trợ tự học của Đại toàn vì vậy cũng tốt hơn so với các hình thức tổ chức chú giải khác. Sĩ tử lựa chọn Đại toàn một phần là vì có sự gợi ý từ nhà nước thông qua việc nhà nước phát Đại toàn cho học quan làm công cụ dạy học, chứ không phải do được quy định thành những điều lệ chặt chẽ trong Hội điển hay thành những chỉ dụ ghi chép trong các bộ chính sử. Ở Trung Quốc, cũng có hiện tượng tương tự.

    2.2.Quan sát hiện tượng tiếp nhận trên ta nhận thấy thực chất vai trò của nhà nước với hệ sách Đại toàn! Nhà nước đặt ra hệ thống chú giải quy chuẩn, nhưng lại không quy định bắt buộc đối với hình thức tổ chức hệ thống chú giải quy chuẩn. Nhà nước chỉ khuyến khích sử dụng một bộ sách nào đó thông qua việc cấp phát sách cho các trường học làm tài liệu giảng học. Hình thức tổ chức hệ thống chú giải quy chuẩn có thể thay đổi tùy theo từng đối tượng và thời đại, nhưng hệ thống chú giải quy chuẩn thì có tính ổn định và bền vững. Suốt 500 năm, hệ thống chú giải kinh điển Nho gia của Tống học luôn đóng vai trò là hệ thống chú giải kinh điển quy chuẩn cho người Việt Nam. Còn với người Trung Quốc, hệ thống chú giải ấy giữ được vị thế của nó trong gần 700 năm.

    Thực chất, trong lịch sử, không phải là nhà nước không có tham vọng thống nhất hệ sách dùng cho giáo dục khoa cử. Điều này thể hiện rõ thông qua việc xác lập hệ thống “Thạch kinh” 石經nho học ở Trung Quốc trong suốt thời kì từ đời Hán đến đời Tống(13). Đời Hán, trước tình hình “sách vở ngày càng xa với thời của các thánh nhân, văn tự có nhiều chỗ nhầm lẫn, tục nho lại xuyên tạc, gây ra những nghi ngờ nhầm lẫn của người hậu học” 經籍去聖人久遠,文字多謬,俗儒穿鑿,疑誤後學。(Vạn Tư Đồng 萬斯同, 康熙36年至39年間, vol.1:1)vì thế vào “tháng ba, mùa xuân, năm Hi Bình thứ tư, vua lệnh các nhà nho chỉnh lí văn tự của Ngũ kinh, khắc đá, dựng ở ngoài cửa nhà Thái học” (萬斯同, 康熙36年至39年間, vol.1:1). Đây là hệ thống thạch kinh nho học đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Trung Quốc. Đường Văn Tông 唐文宗 (809 - 840), do lo ngại “kinh sách lẫn loạn, các bác sĩ kiến thức thiển lậu, không thể sửa chính được” 經籍刓謬,博士淺陋不能正, đã ra lệnh dựng hệ thống thạch kinh này trong thời gian từ Thái Hòa thất niên (833) đến Khai Thành nhị niên (837)(Vương Triều Cừ 王朝渠, 1936:1). Đây là hệ thống thạch kinh nổi tiếng nhất còn lại tương đối toàn vẹn, thường được biết đến với tên gọi Khai Thành thạch kinh. Khai Thành thạch kinh khắc toàn bộ nội dung của Cửu kinh (Chu Dịch, Thượng thư, Thi kinh, Chu lễ, Nghi lễ, Lễ kí, Xuân Thu tả truyện, Công Dương truyện, Cốc Lương truyện) cùng Luận ngữ, Hiếu kinh, Nhĩ nhã (lúc này chưa được tính là “kinh”). Ngoài ra, Cố Viêm Vũ (1613 - 1682) 顧炎武trong Thạch kinh khảo có tổng kết toàn bộ lịch sử Trung Quốc “có 7 loại thạch kinh: thạch kinh đời Hán, niên hiệu Hi Bình do Sái Ung viết. Đời Ngụy, niên hiệu Chính Thủy do Hàm Đan Thuần viết. Đời Tấn do Bùi Ngỗi viết(14). Đời Đường, niên hiệu Khai Thành có Đường Nguyên Độ. Hậu Thục có bọn Tôn Phùng Cát. Bản triều (đời Tống, niên hiệu Gia Hựu) có bọn Dương Nam Trọng, giai đoạn Trung Hưng (tức Nam Tống) có ngự thư của Tống Cao Tông” (Cố Viêm Vũ顧炎武, 1936:1). Thực tế, Cố Viêm Vũ có thể không biết đến “Ngụy Thái Vũ thạch kinh” 魏太武石經; không biết hoặc không thừa nhận sự ra đời của hệ thống thạch kinh dưới triều Kim, tức “Kim thái học thạch kinh” 金太學石經(Trương Quốc Kiềm 張國淦, 1930, "Thất triều dĩ ngoại thạch kinh" 七朝以外石經:45-46) cũng là những thạch kinh mang nội dung Nho học. Từ năm Càn Long thứ 56 đến 59, Càn Long cũng cho thiết lập hệ thống thạch kinh, khắc nội dung của Thập tam kinh và đặt ở Bắc Kinh, được biết với tên “Càn Long thạch kinh” 乾隆石經(張國淦, 1930, "Thanh thạch kinh" 清石經:33). Như vậy, trong hầu hết thời kì, các triều đại thường ghi dấu ấn của mình bằng hệ thống thạch kinh nho học.

    Thạch kinh ra đời chủ yếu là do những quan ngại của nhà nước xung quanh vấn đề văn bản chính văn kinh điển liên tục chịu tác động làm thay đổi diện mạo trong quá trình lưu truyền, nhất là khi phương thức lưu truyền phổ biến là chép tay. Những triều đại xây dựng mô hình nhà nước trên nền tảng tinh thần của Nho giáo muốn kiểm soát chặt nội dung kinh điển Nho học như là một giải pháp đảm bảo sự đúng hướng của hoạt động giáo hóa. Những biến động về mặt văn bản của kinh điển, đều có những tác động tiêu cực có tiềm năng gây tổn hại đạo đức quốc gia, tạo điều kiện cho những luồng tư tưởng không chính thống mượn danh “kinh điển” để lan truyền dễ dàng trong dân chúng. Song nội dung thạch kinh chủ yếu đóng vai trò trong việc cố định nội dung của chính văn kinh điển chứ không cố định nội dung của chú, sớ giải cho chính văn kinh điển. Thế nên, về mặt kinh học, thạch kinh vẫn mang tính mở và nhà nước vẫn không thể kiểm soát và xác lập một cách hiểu quan phương, làm tiêu chuẩn chung cho giáo dục và khoa cử. Vào đời Đường, nhà nước có chủ trương cấm sao chép kinh điển từ các nguồn khác ngoài thạch kinh, nhưng thực tế cho thấy họ đã thất bại trong chủ trương này (Susan Cherniack, 1994:20). Từ đời Đường trở về sau, kĩ thuật khắc in phát triển cộng với sự bất tiện trong tiếp cận và sử dụng thạch kinh đã khiến vai trò của thạch kinh nho học mờ nhạt dần, chỉ còn mang tính biểu tượng.

    2.3. Hai ghi chú quan trọng.

    2.3.1.Ghi chú thứ nhất: nếu nhà nước không coi Đại toàn là bộ sách giáo khoa chính thống thì vì lẽ gì lại kiên quyết độc quyền in ấn bộ sách này? Hệ bản Đại toàn của Quốc tử giám nhà Nguyễn hiện vẫn chưa thể xác định được chính xác nội dung. Khả năng hệ bản của trường Giám là hệ bản “Giám bản 1” hoặc hệ bản “Giám bản 2”(15) được Nội các thư mục đề cập tới. “Giám bản 1” gồm: Giám bản Thi kinh, Giám bản Dịch kinh, Giám bản Lễ kí (không thấy ghi chép về Giám bản Thi kinh, Giám bản Thư kinhGiám bản Tứ thư). “Giám bản 2” gồm: Xuân Thu giám bản, Thư kinh Giám bản, Thi kinh Giám bản, Dịch kinh Giám bản (không thấy ghi chép về Lễ kí Giám bảnTứ thư Giám bản)… Hệ bản “Giám bản 1” có thể đã từng được trùng đính để tạo thành hệ bản “Trùng đính Giám bản”. Trong Nội các thư mục chỉ có duy nhất Trùng đính Giám bản Dịch kinh 重訂監本易經,… Triều đình nhà Nguyễn tìm cách bảo vệ tính thuần nhất của hệ bản Đại toàn này: nhà nước nắm độc quyền in ấn, cố gắng ngăn chặn việc bùng nổ in ấn những văn bản này từ phía các nhà in bên ngoài nhà in của trường Giám, hạn chế sự phát tán của văn bản ra ngoài dân gian, chỉ hạn chế sử dụng trong hoạt động giáo học của các học quan.... Điều này có thể thấy qua những chính lệnh của nhà nước được ghi chép trong Đại Nam thực lục:

    “Quan Khoa đạo là Giang Văn Hiển, Đặng Minh Trân dâng lời rằng: “[...] Khoảng năm Minh Mệnh, Quốc tử giám ở kinh được ban Tứ thư Ngũ kinh đại toàn mỗi loại 5 bộ. Tỉnh học, phủ học ở ngoài mỗi nơi một bộ, để trang bị cho học quan dùng giảng học mà thôi. Người học nếu muốn sao chép thì quyển pho nhiều, chép từ ngày này sang ngày khác cho đến hết năm cũng khó lòng xong, hỏi mua không được, muốn tránh chuyện ngắt từng chương, nhặt từng câu, cố được tiết lược, để cầu nghĩa lý rộng rãi, có thể được không? Đó là tệ chung của người học. Nay xin: ở kinh, quan giám thần ở Quốc tử giám kiểm tra kĩ càng những chỗ sai lầm trong nguyên bản Tứ thư Ngũ kinh đại toàn, lượng cho khắc thêm. Ở ngoài, Tả Kì do tỉnh Bình Định, Hữu Kì do tỉnh Nghệ An, Nam Kì do tỉnh Gia Định, Bắc Kì do tỉnh Hà Nội - Nam Định đều khắc ván in Tứ thư Ngũ kinh đại toàn mỗi tỉnh một bộ ván, để ở Học đường sở tại. Phàm các phủ tỉnh sở tại và các hạt gần đấy không cứ quan, dân, học trò người nào tình nguyện in đều được. Có như thế, sách vở truyền khắp, thiên hạ cùng hưởng, truyền đến muôn đời, người người kính ngưỡng ơn giáo hóa khôn cùng. Sớ tâu vào, vua bảo rằng : “Trước, cấp kinh sách giúp cho việc dạy học, nếu có hạt nàochưa được ban cấp, thì chuẩn cho bộ Lễ cùng quan Quốc tử giám đem ván in Tứ thư Ngũ kinh đại toàn hiện cất ở Giám, xét sửa kỹ hơn, in tiếp cấp thêm. Học trò muốn in cũng cho đến Quốc tử giám mà in. Còn xin cho các tỉnh ở ngoài mở nơi khắc ván, thì có nhiều chỗ làm không được, nên không cho làm” (大南實錄, VHc.739, vol.58, 15 ).

    Như vậy, bản in Đại toàn theo bản khắccủa Quốc tử giám được nhà nước ban cho trường học cấp tỉnh, cấp phủ không nhằm để phổ biến như một bộ sách giáo khoa, mà chủ yếu nhằm mục đích trang bị cơ sở vật chất giảng dạy cho học quan. Giám bản Đại toàn cho phép những người có nhu cầu tự do sao chép. Nhưng với số lượng trang quyển quá lớn, giao thông khó khăn thì quy định về tự do sao chép chỉ là một quy định có tính hình thức. Nhà nước không cho tự do in khắc, khiến Giám bản Đại toàn dường như chỉ lưu hành nội bộ trong thiểu số quan viên nhà nước. Số lượng sách được ban cấp cũng không nhiều. Ví dụ như dưới triều vua Minh Mệnh, năm Minh Mệnh thứ 17 (1836): “Ban các sách Ngũ kinh Tứ thư đại toàn, Tứ thư nhân vật bị khảoThi vận tập yếu cho các học đường ở kinh và các tỉnh (ban cho Quốc tử giám cùngHọc chính, Giáo thụ, Huấn đạo ở các tỉnh, tổng cộng là 1.170 bộ)攽《五經四書大全》,《人物備考》,《詩韻輯要》于京外學堂(國子監,諸省學政,教授,訓導,凡一千一百七十部)(大南實錄, VHc.712, vol.176, 32).Với số lượng chia trung bình chưa đến 400 bộ sách được in phát cho cả nước thì hệ thống Giám bản Đại toàn thực sự không thể trở nên phổ biến được. Giám bản Đại toàn do số lượng in khắc và phạm vi lưu hành quá hạn chế đã khiến nó trở thành hệ bản có nguy cơ mất mát cao.

    Việc không cho in khắc tự do Đại toàn và in ấn hạn chế số lượng Giám bản Đại toàn có thể có nhiều nguyên nhân.

    Thứ nhất, nhà nước xác định đây là một loại tài liệu tham khảo giảng dạy đặc biệt, chỉ dành cho đối tượng là các học quan, thuộc quyền sở hữu của những cơ quan giáo dục do nhà nước quản lí vì vậy, nó không nên phổ biến rộng.

    Thứ hai, chất lượng của các cơ sở in ngoài nhà nước không được đồng đều. Sẽ không hay nếu Giám bản Đại toàn, một hệ văn bản mà nhà nước đã phải bỏ ra nhiều công sức trong nhiều năm ròng liên tục để nhiều lần hiệu đính, rơi vào một cơ sở in ấn có kĩ thuật khắc in ở mức độ yếu kém. Sự tồn tại của những văn bản Đại toàn đầy lỗi khắc in (ví dụ bản Tuân bổ ngự án Dịch kinh đại toàn, kí hiệu:H.517 - H525, Thư viện khoa Sử, Đại học KHXH & NV, Hà Nội) cho thấy nguy cơ này đã trở thành thực tế.

    Thứ ba, mục đích của việc hạn chế là để đảm bảo tính chất “thuần khiết” của Giám bản Đại toàn trước những luồng tư tưởng ngoài hệ thống chú giải tiêu chuẩn (hệ thống chú giải này thậm chí còn được Bộ Lễ và Quốc tử giám thẩm định nhiều lần qua những đợt sửa chữa văn bản). Nếu hệ bản này rơi vào tay tư nhân, tư nhân lại được quyền in khắc tự do thì nhà nước không quản lí được nội dung mà các nhà in tự ý thay đổi, in bổ sung hoặc cắt bỏ. Điều này tạo điều kiện cho những hệ thống chú giải ngoài quy chuẩn chen chân vào Giám bản (công cụ nhà nước sử dụng để hiện thực hóa hệ thống chú giải tiêu chuẩn và làm nền tảng cho sự giáo hóa), từ đó, mượn danh nhà nước để trở thành “quy chuẩn”, tác động tiêu cực trực tiếp đến sự nghiệp giáo hóa của triều đình. Lo sợ của triều đình là hệ thống chú giải quy chuẩn sẽ bị lẫn lộn và làm nhiễu bởi các hệ thống chú giải ngoài quy chuẩn. Những gì được đề cập ở phần đầu bài viết này cho thấy nhà nước lo sợ là có cơ sở, và nỗi lo của họ đã thành hiện thực với sự bùng nổ hàng loạt văn bản Đại toàn được in ấn, phát hành bởi hệ thống nhà in và trường học tư. Cho mãi đến năm 1871 dưới triều Tự Đức, ngay cả khi hệ thống Đại toàn tư nhân tự khắc đã tràn ngập, nhà nước vẫn không có ý định thả lỏng in khắc hệ bản Đại toàn của trường Giám.

    2.3.2. Ghi chú thứ hai: ở Việt Nam tồn tại một ngoại lệ duy nhất có sự can thiệp của nhà nước trong việc quy định hệ thống sách giáo khoa dành cho giảng dạy Nho học, đó chính là quy định về hệ thống sách giáo khoa được sử dụng cho hoạt động giảng học của các vương tử trong Tập Thiện đường 集善堂. Đại Nam thực lục có ghi:

    “Định quy trình cho Tập thiện đường (chỗ các hoàng tử học). Bọn Ngô Đình Giới tâu rằng: “[...] Nay sách học ở học đường, xin dùng Nhật giảng Tứ thư giải nghĩa, Nhật giảng Thư kinh giải nghĩa, Nhật giảng Lễ ký giải nghĩa, Nhật giảng Xuân Thu giải nghĩa, Nhật giảng Dịch kinh giải nghĩa, Ngự toản thi nghĩa chiết trung, Ngự định Hiếu kinh, các văn bản Hiếu kinh có tính tập chú(16), Ngự phê lịch đại thông giám tập lãm, định làm sách giảng luận, ban cho các hoàng tử học tập. Còn các sách Ngự toản Chu Dịch chiết trung, Khâm định Thi, Thư, Xuân Thu truyện thuyết vựng toản, Khâm định Tam lễ nghĩa sớ, Ngự phê Tư trị thông giám cương mục, Ngự toản Xuân Thu trực giải, Ngự toản Chu Dịch thuật nghĩa, thì xin chứa ở học đường để phòng khi cần tham cứu. Còn như các sách học thường của dân gian, như Ngũ kinh Tứ thư và các sách Cương giám, Thiếu vi, đều là sách riêng của một nhà, chủ ý biên soạn khác nhau, xin làm sách bị khảo, không đem giảng học 定集善堂諸皇子講學之所規程,吳廷价等奏言:今學堂講帙,請以《日講四書解義》,《日講書經解義》,《日講禮記解義》,《日講春秋解義》,《日講易經解義》,《御纂詩義折中》,《御定孝經》,集註孝經,《御批歷代通鑑輯覽》定為講諭之書,頒賜諸位閱習。其《御纂周易折中》,《欽定詩書春秋傳說彙纂》,《欽定三禮義疏》,《御批資治通鑑綱目》,《御纂春秋直解》,《御纂周易述義》等書,請藏之學堂,以備參究。至如民間常習各品《五經》,《四書》及諸《綱鑑》,《少微》之書均出一家私集,各別主意,請寘之備考,不登講帙(大南實錄, A.27/14, vol.21, 7a-8a).

    Có thể thấy, ít nhất đến năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), nhà Nguyễn đã có quy định về hệ sách giáo khoa quy chuẩn cho hoạt động giáo dục vương tử. Hệ sách giáo khoa này chia ba cấp: sách giảng luận (đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động giảng học), sách tham cứu (đóng vai trò hỗ trợ hoạt động giảng học), và sách bị khảo không giảng học (được dùng để tham khảo thêm). Nhóm sách giảng luận là giáo trình chính thức theo hệ thống giáo dục kinh diên nhà Thanh. Tập Thiện đường giảng dạy các vương tử nhà Nguyễn theo hệ sách kinh học mà vương triều Thanh sử dụng để giáo dục các vương tử của họ. Những sách được nhà Thanh biên soạn, phân phát cho học quan và khuyến khích in ấn (chứ không hạn chế) làm công cụ giảng học cho giáo dục đại chúng như hệ thống Ngự toản, Khâm định, Ngự phê,… được nhà Nguyễn định làm sách để cho các hoàng tử tham cứu. Hệ thống sách bị khảo không đem giảng học là các loại Tứ thư, Ngũ kinh dân gian hay dùng (bao gồm cả Đại toàn), Cương giámThiếu vi. Như vậy, nhà nước coi Đại toàn là sách học thường, là hệ thống sách của dân gian không thể dùng để giáo dục vương tử. Vương học khác biệt với dân học là xu hướng chung trong việc tổ chức hoạt động giáo dục của cả triều Thanh (Trung Quốc) lẫn triều Nguyễn (Việt Nam). Quá trình tách biệt giữa vương học và dân học còn kéo dài mãi về sau này. Ghi chép của Đại Nam thực lục,một mặt cho thấy hệ thống Đại toàn gần như không có chỗ đứng trong giáo dục vương tử ở Việt Nam thời Nguyễn; mặt khác cho thấy, trong tâm thức của triều đình nhà Nguyễn khi ấy, kinh học đời Thanh với đại diện là kinh diên đời Thanh là hệ thống tiến bộ hơn hẳn kinh học đời Minh. Trong dân gian cũng có một xu hướng nhận thức tương tự như vậy, tâm lí thông thường sẽ là: sách của nhà vua đọc bao giờ cũng được tổ chức nội dung tốt hơn sách dành cho thứ dân. Ở Việt Nam, thứ dân không học sách dành cho vương tử, bởi lẽ sách đó không thiết thực với khoa cử và cũng khó tìm vì không được ấn hành rộng rãi. Thứ dân thường lựa chọn nhiều cách khác nhau để cập nhật thành tựu kinh học đời Thanh vào hệ sách giáo học đời Minh vốn phổ biến và cũ kĩ mà họ quen sử dụng lâu nay.

    3. Hậu kết

    Trong suốt 500 năm chế độ khoa cử Lê - Nguyễn, các hệ bản Đại toàn đã tồn tại trong tình trạng lai ghép vô cùng chằng chéo và phức tạp như một minh chứng cho việc nhà nước không thể thể chế hóa khoa cử, ít nhất là trên bình diện hệ thống sách vở phục vụ hoạt động giáo học và thi cử của sĩ tử. Đại toàn không có điều kiện trong thực tế để trở thành một bộ sách giáo khoa chính thống phục vụ cho hoạt động giáo học và khoa cử của người Việt Nam. Ngoài ra, nghiên cứu của chúng tôi còn chỉ ra rằng, khi nghiên cứu các biến thể của Đại toàn ở Việt Nam như tiết yếu và diễn nghĩa trước tiên cần phải bắt đầu từ những hệ bản Đại toàn nảy sinh và phát triển ở Việt Nam.

    Về những đường hướng nghiên cứu cần tiếp tục trong tương lai, chúng tôi hướng đến bổ sung danh sách các hệ bản Tứ thư Ngũ kinh đại toàn (nội sinh và ngoại sinh) đã tồn tại, lưu hành ở Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi mong muốn làm rõ thêm diện mạo của từng hệ bản Đại toàn, phân định rõ ràng đâu là hệ bản nội sinh và ngoại sinh. Một vấn đề rất phụ, phái sinh từ bài viết này đó là cần tiếp tục suy nghĩ, nghiên cứu về sự khác biệt giữa dân học và vương học trong thể chế giáo dục Việt Nam thời cổ.


    Chú thích:

    (1) Dữ liệu của Đại Việt sử kí toàn thưKhâm định Việt sử thông giám cương mục đã nói đến ở phần trên.

    (2) Thư mục này biên soạn vào ngày mùng 4 tháng 11 năm Duy Tân thứ 2 (1908) ghi lại danh sách những sách có trong thư viện của Nội các triều Nguyễn.

    (3) Cố Viêm Võ là học giả đầu tiên lên tiếng chỉ trích nhóm Hồ Quảng và hệ thống Đại toàn. Uy tín học thuật của ông quá lớn, khiến các học giả khác trong một thời gian dài tin theo những kết luận của ông mà coi hệ thống sách Đại toàn như là hệ sách lắp ghép không nhiều giá trị, thậm chí coi đó là ngụy thư.

    (4) Ở Việt Nam, văn bản này thực chất có thể xếp vào hệ bản Hoàng Hàn lâm hiệu chính Ngũ kinh đại toàn. Việc tách riêng như một hệ bản độc lập để nhấn mạnh nguồn gốc đặc thù của văn bản.

    (5) Thư viện khoa Sử, Trường ĐH KHXH & NV, Hà Nội có lưu một bộ Hoàng Hàn lâm hiệu chính Thư kinh đại toàn 黄翰林校正《書經大全》. Quyển 1 của bộ này mang kí hiệu: H.595. Bộ sách in theo ván khắc năm Tự Đức thứ 10 (1856) 嗣德拾年新鐫.

    (6) Xem Hoàng Hàn lâm hiệu chính Thi kinh đại toàn黄翰林校正《詩經大全》, quyển 1, Thư viện Quốc gia, Hà Nội, kí hiệu: R.1303. Bản này in bằng ván in năm Tự Đức thứ 10 (1856), giống bản H.595 của khoa Sử.

    (7) Hoàng Tế Phi có hiệu định cho Chu Dịch. Dấu vết là bản Hoàng Tế Phi hiệu định Chu Hội khôi hiệu chính Dịch kinh đại toàn 黄際飛校定周會魁校正《易經大全》. Văn bản này thường được đề tên là Chu Hội khôi hiệu chính Dịch kinh đại toàn 周會魁校正《易經大全》. Đại học Waseda, Nhật Bản có lưu một văn bản loại này, kí hiệu: イ12 00016.

    (8) Thư viện Quốc gia Trung Quốc có lưu được một văn bản đề danh Hoàng thái sử đính chính Xuân Thu đại toàn黃太史訂正春秋大全 do Hoàng Tế Phi đính chính 黃際飛校訂, văn bản này được khắc in năm Khang Hi thứ 56 (1717).

    (9) Thực tế Ngự án không chỉ bổ sung nội dung những sách này mà còn bổ sung một số nội dung trích xuất từ những tác phẩm kinh học đời Thanh khác.

    (10) Do hệ thống sách tiết yếu cho Ngũ kinh đại toàn của Bùi Huy Bích tiết yếu chủ yếu dựa trên hệ bản này. Bùi Huy Bích mất năm 1818nên muộn nhất là năm 1818, hệ bản này đã xuất hiện. Nới rộng hơn về thời gian, hệ bản này cũng không thể ra đời sau 1823,năm văn bản Ngũ kinh tiết yếu sớm nhất hiện biết của Bùi Huy Bích ra đời; càng không thể làm trước 1730, năm những quyển sách đầu tiên của bộ sách Truyện thuyết vựng toản do Khang Hi biên soạn ra đời.

    (11) Nhà Thanh sau này dần thay Lễ kí bằng hệ thống Tam lễ, thay truyện chú của Trần Hạo bằng hệ thống chú sớ cổ lễ.

    (12) “Lễ bộ Thượng thư là Kỉ Vân dâng tấu, xưa nay thi sách Xuân Thu sử dụng truyện chú của Hồ An Quốc. Truyện chú của Hồ An Quốc có nhiều chỗ có kinh mà không có chú, những chỗ để ra thành đề thi được rất ít. Vả lại, Hồ An Quốc sống vào thời kì nhà Tống dời về phương Nam, không muốn dâng lời phụ họa, mượn kinh để lập thuyết của mình, vốn đã không phù hợp với bản nghĩa của kinh điển. Sách Xuân Thu truyện thuyết vựng toản của Thánh tổ Nhân hoàng đế có nhiều chỗ bác bỏ truyện chú của Hồ An Quốc. Văn ngự chế của Hoàng thượng, nhiều chỗ cũng bác bỏ thuyết của ông ta. Đề thi chốn khoa trường vì thế không nên dùng những lí giải của ông ta nữa. Xin về sau, những đề liên quan đến Xuân thu thì đều dựa trên những sự kiện của Tả truyện mà ra đề, tham khảo thêm Công Dương, Cốc Lương. Từ khoa thi Hương sau đây thì đều theo lệ mới đấy.Chỉ dụ của nhà vua cho rằng lời tấu này là phải” (清實錄, Cao Tông thuần hoàng đế thực lục 高宗純皇帝實錄, vol.1419, 乾隆57年, 12月, 1092).

    (13) Hệ thống thạch kinh Phật giáo và Đạo giáo (nội dung phổ biến nhất là thạch kinh chép lại Đạo Đức kinh) chiếm số lượng nhiều, không được xét đến ở đây.

    (14) Theo quan điểm của Trương Quốc Kiềm (歷代石經考, "Lịch đại thạch kinh khảo lệ ngôn" 歷代石經考例言:1), Bùi Ngỗi chỉ xin dựng thạch kinh, nhưng không thấy chứng cứ gì cho thấy Bùi Ngỗi được chuẩn y và dựng thành công thạch kinh nên Trương Quốc Kiềm không coi đây là một trong số thạch kinh nho học của Trung Quốc.

    (15) Ngoài ra có thể tồn tại một hệ bản “Giám bản 3” với dấu vết hiện còn là sự tồn tại của Giám bản Xuân thu toàn văn gồm 1 bộ 3 bản sách rời (xem 內閣書目).

    (16)Nguyên văn “Tập chú Hiếu kinh” 集注孝經. Có lẽ trong ngữ cảnh này thì đây không phải là tên của một bộ sách. Bộ sách duy nhất có tên như vậy là của Đào Hoằng Cảnh 陶弘景, một nhà kinh học sống vào thời Nam Bắc triều. Bộ sách này của ông, vào đời Thanh, Chu Di Tôn 朱彝尊 đã xác nhận là thất truyền(朱彝尊, 1983, quyển 223, 856).Bởi vậy, có thể vào thời Nguyễn, không có bộ sách nào có tên như vậy. Giải pháp dịch duy nhất ở đây phải dịch “Tập chú Hiếu kinh” là “các văn bản Hiếu kinh có tính tập chú”.


    Tài liệu tham khảo

    Susan Cherniack (1994), "Book Culture and Textual Transmission in Sung China", Harvard Journal of Asiatic Studies, Vol. 54 No. 1, pp.5-125.
    Quách Thu Hiền: Từ vấn đề "Bắc thư" và "Nam thư" thử diễn giải lại "quá trình tiếp nhận" của sách "Tiết yếu" tại Việt Nam, Kinh điển Nho gia ở Việt Nam (Confucian Classics in Vietnam), Đại học KHXH & NV - Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, H. 2009, pp.100-117.
    Đinh Thanh Hiếu: Một số vấn đề về việc giảng dạy kinh điển Nho gia cho ngành Hán Nôm bậc đại học, Tạp chí Hán Nôm, Vol. 54 No. 5/2002, pp.31-37.
    Phùng Minh Hiếu: Học vấn Nho gia qua thể chế khoa cử triều Nguyễn: Xem xét từ việc thi Kinh nghĩa trong giai đoạn nửa đầu thế kỉ XIX ở Việt Nam, Kinh điển Nho gia ở Việt Nam (Confucian Classics in Vietnam), Trường Đại học KHXH & NV - Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc, H. 2009, pp.158-185.
    Trần Đình Hượu: Những bài giảng về tư tưởng phương Đông, Nxb. Đại học Quốc gia, H. 2007 .
    Trịnh Khắc Mạnh chủ trì biên soạn, Nghiên cứu tư tưởng Nho gia Việt Nam - Từ hướng tiếp cận liên ngành, Nxb. Thế giới, H. 2009
    Nguyễn Tài Thư: Một số đặc trưng cơ bản của Nho giáo Việt Nam, Tạp chí Triết học, Vol. 220 No.9, 2009, pp.10-21.
    明代歷朝官修; 中央研究院歷史語言研究所校印 (1930-1961), 明實錄 [中国國立北平圖書舘紅格鈔本]: 中央研究院歷史語言研究所.
    張國淦 (1930), 歷代石經考: 燕京大學國學研究所印行.
    張廷玉等 (1983), 明史 (影印文淵閣四庫全書第298册), 臺北: 臺灣商務印書館.
    朱彝尊 (1983), 經義考 (影印文淵閣四庫全書第 677, 678, 679, 680 册), 臺北: 臺灣商務印書館.
    清乾隆官修 (1935), 清朝通典 (王云五主編,萬有文庫), 上海: 上海商务印书馆.
    清代歷朝官修 (1985), 清實錄, 北京: 中華書局.
    王朝渠 (1936), "唐石經考正", in 王雲五 (Ed.) 叢書集成初編, 上海: 商務印書館發行.
    瞿冕良 (1999), 中国古籍版刻辞典, 山东: 齐鲁书社.
    胡廣等 (1983), 禮記大全 (影印文淵閣四庫全書第122册), 臺北: 臺灣商務印書館.
    萬斯同 (康熙36年至39年間), "漢魏石經考一卷", in 張漸、張潮 (Ed.) 昭代叢書, 世楷堂藏板.
    越南阮朝內閣欽定大南會典事例, 越南: 漢南研究院, Vhv.1570/17.
    越南阮朝內閣 (1908), 內閣書目: 越南漢喃研究院藏, A.113.
    越南阮朝官修大南實錄: 越南漢喃研究院藏, A.27/1-66.
    越南阮朝官修欽定越史通鑑綱目: 越南漢喃研究院藏, A.1/1-9.
    陳荊和 (1983), 校合本大越史記全書, 日本: 東京大學 - 東洋文化研究所 - 東洋學文獻刊行委員會.
    陸隴其 (1983), 三魚堂文集 (影印文淵閣四庫全書第1325册), 臺北: 臺灣商務印書館.
    顧炎武 (1936), "石經考", in 王雲五 (Ed.) 叢書集成初編, 上海: 商務印書館發行.
    顧炎武,黄汝成集釋 (2006), 《日知錄》全校本上海: 上海古籍出版社./.


    (Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (110) 2012; Tr.27-45)
     

Share This Page