Tưởng nhớ Tiên sinh Nhàn Vân Đình

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 7, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    PGS.TS. NGUYỄN TÁ NHÍ
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm

    Tiên sinh Nhàn Vân Đình tên thật là Trần Duy Vôn, sinh năm 1906 tại làng Quần Phương Thượng, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống Nho học, từ nhỏ Tiên sinh đã được theo học thi thư. Vốn tính thông minh hiếu học, lại có được trí nhớ thiên bẩm, Tiên sinh học giỏi đọc rộng nhớ nhiều, nên có được vốn tri thức Hán học uyên bác mà đương thời ít ai sánh kịp. Thuở tráng niên, Tiên sinh viết báo, soạn sách. Hiện trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được hàng chục cuốn sách do Tiên sinh soạn thảo như Khởi đầu sự lục, Nam sử tư kí, Nam thư mục lục v.v. Trong số sách này, đa phần là sách công cụ tra cứu, giúp ích rất nhiều cho việc học tập nghiên cứu Hán văn. Đầu năm 1972, Tiên sinh được mời về làm cộng tác viên thường trú ở Ban Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Tại đây Tiên sinh đã có đầy đủ điều kiện để phát huy tất cả sở học của mình vào việc soạn thảo, biên dịch, khảo cứu, đặc biệt là việc hướng dẫn bảo ban thế hệ trẻ. Cuối năm 1972 tôi được phân công về công tác học tập tại Ban Hán Nôm, thế là có cơ may được gặp Tiên sinh. Ngày ấy do hoàn cảnh khó khăn, nên các cán bộ xa nhà được cơ quan bố trí cho ăn nghỉ ngay tại trụ sở làm việc. Cơ duyên này đã cho phép một số anh em chúng tôi nhận được sự giáo dưỡng dìu dắt của Tiên sinh nhiều hơn. Ngày ấy, thông hiểu với hoàn cảnh gia đình tôi, Tiên sinh liền khuyến miễn tôi bằng một đôi câu đối chữ Hán:

    溫 故 以 知 新 詩 書 是 讀
    慕 慈 而 悌 長 倫 理 斯 行

    Ôn cố dĩ tri tân, thi thư thị độc;
    Mộ từ nhi đễ trưởng, luân lí tư hành.

    Nghĩa là:

    Học cũ để mà biết mới, thi thư này nên học;
    Thương mẹ song phải kính anh, đạo lí ấy nên theo.

    Giờ đây, kiểm điểm lại hành trang mà tôi có được trong cuộc đời, thì tư tưởng của đôi câu đối này quả là kim chỉ nam dẫn đường cho tôi.

    Không chỉ riêng tôi, mà nhiều anh chị em khác trong Ban Hán Nôm cũng
    nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Tiên sinh. Ngày ấy trong Ban hễ có ai tổ chức hôn lễ, hoặc có người thuyên chuyển cơ quan, Tiên sinh đều làm thơ hoặc câu đối mừng tặng, hoan tiễn. Đầu năm 1979, ông Lê Văn Quýnh được cơ quan điều động về công tác tại Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Ban Hán Nôm tổ chức hoan tiễn, Tiên sinh Nhàn Vân Đình có thơ tiễn rằng:

    Năm xưa ông Hoạch đã đi rồi,
    Ông Quýnh năm nay cũng lại thôi.
    Chữ nghĩa phải đâu là mắc míu,
    Lâm Đồng ắt hẳn ngại xa xôi.
    Gần nhau họp mặt bao thương nhớ,
    Xa cách chia tay luống ngậm ngùi.
    Nghe nói ông về nhà xuất bản,
    Thôi thì như thế cũng vui vui.

    Bài thơ nào cũng dí dỏm hài hước và thắm đượm tình người như vậy. Có thể đây là bài thơ cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của Tiên sinh, bởi lẽ đến ngày mồng 3 tháng 11 năm 1979 Tiên sinh đã vĩnh biệt chúng ta. Nhớ lại ngày nào, mỗi lần về Nam Định thăm nhà, chỉ xa nhau mươi ngày là Tiên sinh lại viết thư lên thăm nom dặn dò chúng tôi, lời lẽ thực sự ân cần.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Rất may là tôi còn giữ lại được một phong bì thư còn ghi lại bút tích của Tiên sinh, nét chữ vẫn như mới. Tôi xem đây là gia bảo, gìn giữ rất cẩn thận, mỗi lần giở ra xem, lại hình dung thấy một ông già áo nâu cần mẫn làm việc bên bàn sách. Xa nhau chỉ mấy ngày mà Tiên sinh đã gửi thư thăm hỏi, thế mà nay tôi xa Tiên sinh những 27 năm trời, tình cảm dồn nén ấy đã mách bảo tôi, thôi thúc tôi viết lại đôi dòng nhân 100 năm ngày sinh Tiên sinh và để nhớ về Tiên sinh Nhàn Vân Đình - một nhà Hán học uyên bác.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 6 (79) 2006; Tr.3-4)
     

Share This Page