Vài nét về chính sách giáo dục đào tạo của nhà Nguyễn đối với các phủ huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    VÀI NÉT VỀ CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC ĐÀO TẠO
    CỦA NHÀ NGUYỄN ĐỐI VỚI CÁC PHỦ HUYỆN THUỘC TỈNH VĨNH PHÚC

    PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm

    Nhà Nguyễn sau khi hoàn thành công cuộc thống nhất đất nước liền bắt tay ngay vào việc tiến hành cải cách hành chính, tổ chức lại bộ máy cai trị của nhà nước từ trung ương đến địa phương và thực hiện một loạt biện pháp tổ chức xây dựng phát triển kinh tế, như chiêu tập cư dân lưu tán trở lại quê hương tham gia sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt Vương triều Nguyễn rất coi trọng công tác giáo dục đào tạo tuyển dụng nhân tài. Năm Đinh Mão niên hiệu Gia Long thứ 6 (1807) triều đình đã tổ chức kỳ thi Hương đầu tiên trong cả nước, lấy đỗ 56 Hương cống. Nhà nước cũng định lệ cứ 6 năm tổ chức một khoa thi Hương, về sau đổi lại là 3 năm. Những người thi đỗ cả tứ trường được cấp học vị Hương cống (sau đổi là Cử nhân) rồi bổ làm quan. Những người thi đỗ tam trường được cấp học vị Sinh đồ (sau đổi là Tú tài), cũng được bổ dụng. Còn những người thi đỗ nhị trường được cho về phủ huyện học thêm và được miễn lao dịch 3 năm; người đỗ nhất trường chỉ được miễn 1 năm. Khoa thi năm Đinh Mão (1807) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hai người thi đỗ Hương cống, một là Nguyễn Danh Quế quê ở xã Bồng Mạc tổng Xa Mạc huyện Yên Lạc, hai là Nguyễn Duy Trị quê ở xã Định Hương tổng Mộ Chu huyện Bạch Hạc. Các vị thi đỗ tam trường không thấy các sách Đăng khoa lục ghi chép, thi thoảng chúng ta mới thấy được ở một số làng xã như Phượng Dực đăng khoa lục của làng Phượng Dực huyện Phú Xuyên, Hương hiền phả lục của xã Hương Ngải huyện Thạch Thất tỉnh Hà Tây. Ở tỉnh Vĩnh Phúc có sách Nhật Chiêu hương hiền tỉnh tự phả của làng Nhật Chiêu huyện Yên Lạc. Sách cho biết khoa Đinh Mão (1807) này, ở làng Nhật Chiêu có Sinh đồ Nguyễn Côn thi đỗ tam trường và trở thành vị khai khoa cho làng.

    Những người cầm quyền cai quản đất nước hồi bấy giờ đã thực sự hiểu rõ đạo lý là muốn có được nhân tài thì cần thiết phải có thi cử nghiêm túc để tuyển chọn, mặt khác muốn có đông đảo thí sinh dự thi thì phải biết chăm lo giáo dục. Ngay từ buổi đầu xây dựng chính quyền, nhà Nguyễn đã đặt ra chính sách giáo dục đào tạo đúng đắn phát huy được tác dụng tích cực. Chính sách đúng đắn đó thể hiện qua mấy mặt: Bổ dụng giáo chức, in cấp tài liệu giảng dạy học tập, tổ chức học đường.

    1. Bổ dụng giáo chức

    Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi: “Năm Gia Long thứ 2 (1803) đặt chức Huấn đạo Nho học ở các huyện. Năm thứ 3 (1804) tấu chuẩn đặt thêm các giáo chức ở các trấn thuộc Bắc Thành, mỗi trấn đặt một viên Trợ giáo cùng với Đốc học chăm lo công việc giảng dạy, sau đó bèn đặt chức Đốc học ở trấn Hải Dương; chức Trợ giáo ở các trấn Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Kinh Bắc, Hải Dương và Sơn Tây”.

    Bấy giờ ở mỗi trấn (sau này đổi làm tỉnh) đặt một viên Đốc học trông coi công việc giáo dục đào tạo ở địa phương. Viên Đốc học ở trấn được hưởng hàm Chánh ngũ phẩm văn giai tương đương với chức Thị lang ở các Bộ. Theo quan niệm dân gian thì quan văn ngũ phẩm đã là phẩm trật cao sang lắm rồi.

    “Văn thì ngũ phẩm đã sang
    Võ thì tứ phẩm còn mang gươm hầu.”

    (Ca dao cổ)

    Buổi đầu dựng nước, triều đình nhà Nguyễn tuyển trọn, bổ dụng các viên Đốc học bằng cách lựa chọn các nhà khoa bảng tri thức cũ của nhà Lê, như:
    Tiến sĩ Nguyễn Đường quê ở Thanh Chương Nghệ An, thi đỗ năm 1779, được bổ làm Đốc học trấn Sơn Nam Thượng.
    Tiến sĩ Nguyễn Cần quê ở Gia Lâm, Kinh Bắc, thi đỗ năm 1781, được bổ làm Đốc học trấn Hưng Hóa.
    Hoàng giáp Nguyễn Du quê ở Chương Đức, Sơn Nam Thượng, thi đỗ năm 1785 được bổ làm Đốc học Bắc Thành.
    Tiến sĩ Trần Bá Lãm quê ở Từ Liêm, Sơn Tây, thi đỗ năm 1787 được bổ làm Đốc học Bắc Thành.
    Tiến sĩ Nguyễn Quý Ban quê ở Thanh Trì, Sơn Nam Thượng, thi đỗ Tiến sĩ năm 1787, được bổ làm Đốc học Bắc Ninh.
    Sau này khi triều đình tổ chức được nhiều khoa thi, tuyển chọn được nhiều Tiến sĩ, Cử nhân, thì chức Đốc học ở các tỉnh được tuyển lựa từ ngay các nhà khoa bảng mới, như
    Cử nhân Dương Duy Kiều quê ở Từ Liêm, Sơn Tây, thi đỗ năm 1807, được bổ làm Đốc học Sơn Tây.
    Cử nhân Dương Bá Cung quê ở Thượng Phúc, Hà Nội, thi đỗ năm 1821, được bổ làm Đốc học Biên Hòa.
    Cử nhân Đoàn Trọng Huyên quê ở Thanh Trì, Hà Nội, thi đỗ năm 1831, được bổ làm Đốc học Bắc Ninh.
    Cử nhân Nguyễn Huy Dao, quê ở Thanh Hà, Hải Dương, thi đỗ năm 1847, được bổ làm Đốc học Hưng Yên.

    Dưới cấp tỉnh là cấp phủ, ở mỗi phủ nhà Nguyễn đặt một viên Giáo thụ, cho hưởng hàm Chánh thất phẩm văn giai, ví dụ như:
    Cử nhân Cao Bá Quát, quê ở Gia Lâm, Kinh Bắc, thi đỗ năm 1831, được bổ làm Giáo thụ phủ Quốc Oai.
    Cử nhân Hoàng Danh Thắng, quê ở Tiên Lãng, Hải Dương, thi đỗ năm 1843, được bổ làm Giáo thụ.
    Cử nhân Nguyễn Đăng Lý, quê ở Chân Định, Nam Định, thi đỗ năm 1843, được bổ làm Giáo thụ.
    Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thời ấy cũng có vị đỗ Cử nhân được bổ làm Giáo thụ, như:
    Cử nhân Vũ Huy Phan quê ở xã Thụ Ích tổng Hương Nha huyện Yên Lạc, thi đỗ năm 1855 được bổ làm Giáo thụ.
    Cử nhân Dương Văn Đức quê ở xã Mộ Chu tổng Mộ Chu huyện Bạch Hạc, thi đỗ năm 1861, được bổ làm Giáo thụ.
    Ở cấp huyện, triều đình đặt chức Huấn đạo trông coi công việc giáo dục đào tạo của một huyện. Dĩ nhiên là không phải huyện nào phủ nào cũng có giáo chức, chỉ những huyện những phủ có nhiều người học hành đỗ đạt mới được triều đình bổ dụng Giáo thụ, Huấn đạo. Đầu đời Nguyễn để bổ sung chức Huấn đạo, triều đình cho khảo hạch các vị Tú tài tuổi đời từ 40 trở lên được dự thí. Lần ấy cả nước tuyển dụng được 140 người. Viên Huấn đạo ở huyện được hưởng hàm Chánh bát phẩm văn giai.
    Trên địa bàn Vĩnh Phúc thời đó cũng có vị được bổ dụng chức Huấn đạo như Cử nhân Hoàng Mậu Lâm quê ở xã Sơn Đông huyện Lập Thạch, thi đỗ năm 1903, được bổ chức Huấn đạo.

    2. In cấp tài liệu giảng dạy học tập

    Sau bao năm chiến tranh loạn lạc, các tài liệu dùng để giảng dạy học tập bị thiếu thốn rất nhiều. Do vậy triều đình nhà Nguyễn đã đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức khắc in kinh sách. Nhà nước liên tục ban bố mệnh lệnh thu thập các bộ ván khắc in cũ đưa về hai trung tâm là Bắc Thành và Kinh đô Huế để tổ chức in ấn. Vua Gia Long còn ban đặc chỉ cử một người bề tôi thân tín là Khâm sai Chưởng cơ Trần Công Hiến làm Trấn thủ xứ Hải Dương, bởi nhà vua nắm rất rõ năng lực của viên Chưởng cơ này và khả năng tiềm tàng về tri thức khắc ván in sách ở xứ Hải Dương. Khi về nhậm chức, Trần Công Hiến đã thu dụng được nhiều người có năng lực như Trợ giáo Trần Huy Phác, Hương cống Bùi Danh Chấn về lỵ sở Hải Dương để xây dựng nhà in Hải Học đường nổi tiếng. Ông lại cho gọi những người thợ khắc ván in có trình độ giỏi ở hai làng Hồng Lục và Liễu Chàng về làm việc ở Hải Học đường. Các sách kinh điển của nho gia như Tứ thư, Ngũ kinh được đưa về Hải Học đường chỉnh lý, chú giải rồi cho khắc ván in kinh sách để cung cấp cho các phủ huyện trong nước. Ngoài ra Hải Học đường còn tổ chức sưu tầm các bài thi Hương, thi Hội đạt kết quả và cả thơ văn của các danh nhân thời bấy giờ về chỉnh lý in ấn dùng làm tài liệu tham khảo. Hiện nay, trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được hàng chục bộ sách do Hải Học đường ấn tống như: Sử tập toản yếu, Danh phú hợp tuyển, Danh thi hợp tuyển, Danh văn tinh tuyển, Lịch đại sách lược, Hải học danh thi tuyển, Hoàng Lê ứng chế thi, Ứng chế tứ lục tuyển, Bạch Vân Am thi tập, Lập Trai thi tuyển

    Nhờ có các tài liệu dùng để giảng dạy và học tập này, mà các trường học ở địa phương thu hút được đông đảo học sinh đến dự học hơn, và dĩ nhiên là kết quả thi cử cũng đạt kết quả cao hơn.

    3. Tổ chức học đường

    Ngay từ thời Gia Long, triều đình nhà Nguyễn đã ban hành mệnh lệnh đặt các trường học ở phủ huyện. Hầu như mỗi phủ trong cả nước đều đặt một trường do viên Giáo thụ phụ trách, còn ở cấp huyện thì chỉ những huyện có đông người học mới mở trường.

    Thời Nguyễn, trước khi thành lập tỉnh Vĩnh Yên thì các huyện của tỉnh Vĩnh Phúc bấy giờ chủ yếu thuộc về tỉnh Sơn Tây. Sách Đồng Khánh địa dư chí soạn thảo năm 1883 ghi nhận tỉnh Sơn Tây có 5 phủ 21 huyện. Phủ Quốc Oai có các huyện Yên Sơn, Mỹ Lương, Thạch Thất, Đan Phượng. Phủ Quảng Oai có các huyện Tiên Phong, Bất Bạt, Tùng Thiện, Phúc Thọ. Phủ Lâm Thao có các huyện Sơn Vi, Cẩm Khê, Thanh Ba, Hạ Hòa. Phủ Đoan Hùng có các huyện Phù Ninh, Tăng Quan, Hùng Quan, Sơn Dương. Phủ Vĩnh Tường có các huyện Bạch Hạc, Lập Thạch, Tam Dương và phân phủ Vĩnh Tường có hai huyện Yên Lạc, Yên Lãng. Căn cứ vào tình hình học tập của từng huyện, triều đình đặt ra 9 cơ sở đào tạo ở các phủ huyện đã dạy học. Các sử quan triều Nguyễn khi biên soạn Đồng Khánh địa dư chí đã có nhận xét xếp loại về tình hình khoa cử ở Sơn Tây như sau:
    a. Xếp loại ưu nhiều người đỗ đạt, gồm có 3 huyện là: Đan Phượng, Lập Thạch, Yên Lãng.
    b. Xếp loại thứ thường xuyên có người đỗ đạt, gồm có 7 huyện là: Bạch Hạc, Yên Lạc, Tiên Phong, Sơn Vi, Thạch Thất, Yên Sơn, Phúc Thọ.
    c. Xếp loại ba thi thoảng có người đỗ đạt, gồm có 3 huyện là: Bất Bạt, Phù Ninh, Tam Dương.
    d. Xếp loại bốn, xưa nay chưa từng có người đỗ đạt, gồm có 4 huyện là: Thanh Ba, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Sơn Dương.
    Còn lại 4 huyện không thấy sách nhắc đến là Tùng Thiện, Mỹ Lương, Tây Quan, Hùng Quan.

    Bảng sắp xếp này cho thấy chỉ 5 huyện thuộc đất của tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay đều được liệt hạng. Trong số 3 huyện xếp hạng ưu thì ở Vĩnh Phúc đã có đến 2 huyện là Lập Thạch và Yên Lãng. Trong số các huyện xếp hạng hai thì hai huyện Bạch Hạc, Yên Lạc được xếp hạng đứng đầu. Duy nhất có huyện Tam Dương xếp loại ba và dĩ nhiên không có huyện nào xếp hạng dưới nữa.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Sự xếp hạng này cho thấy triều đình nhà Nguyễn đánh giá rất cao chất lượng giảng dạy và học tập của phủ Vĩnh Tường. Có thể cũng vẫn lý do này, nên số trường học của Vĩnh Tường có nhiều hơn các phủ huyện khác. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết, trong tỉnh Sơn Tây có lập ra 13 trường học, gồm:
    1. Phủ học Quảng Oai đặt năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) tại xã Tây Đằng, nằm ở phía trước lỵ sở của phủ.
    2. Huyện học Phúc Thọ đặt năm Thiệu Trị thứ 4 (1844) tại xã Sen Chiểu, nằm ở phía trước lỵ sở của huyện.
    3. Phủ học Quốc Oai đặt năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) tại xã Thạch Thán, nằm ở phía tây lỵ sở của phủ.
    4. Huyện học Đan Phượng đặt năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) tại xã Trung Thụy, nằm ở ngoài cửa huyện đường.
    5. Huyện học Thạch Thất đặt năm Minh Mệnh thứ 14 (1830) tại xã Chi Lan, gần với huyện đường.
    6. Phủ học Vĩnh Tường đặt năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) tại xã Huy Ngạc tổng Thượng Trưng huyện Bạch Hạc, ở gần lỵ sở của phủ.
    7. Huyện học Lập Thạch đặt năm Minh Mệnh thứ 9 (1828) tại xã Sơn Đông tổng Đông Mật nằm ở phía đông huyện đường.
    8. Huyện học Yên Lạc đặt năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) tại xã Vĩnh Mỗ tổng Đông Lỗ, nằm ở phía nam huyện đường.
    9. Huyện học Yên Lãng đặt năm Minh Mệnh thứ 9 (1828) tại xã Trung Hậu, nằm ở phía bắc huyện đường.
    10. Phủ học Lâm Thao đặt năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) tại xã Cẩm Thanh, nằm ở phía bắc lỵ sở của phủ.
    11. Huyện học Thanh Ba đặt năm Minh Mệnh thứ 13 (1832) tại xã Vũ Ẻn, nằm ở phía đông huyện đường.
    12. Huyện học Cẩm Khê đặt năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) tại xã Nga Phú, nằm ở phía đông huyện đường.
    13. Phủ học Đoan Hùng đặt năm Thiệu Trị thứ 5 (1845) tại xã Quả Cảm, nằm ở phía bắc lỵ sở của phủ.

    Trong số 13 cơ sở trường học của tỉnh Sơn Tây thời ấy thì ở phủ Đoan Hùng chỉ có 1 trường hợp, chiếm tỉ lệ 1 trường/4 huyện = 25% số huyện có trường học.
    Phủ Quảng Oai có 2 trường, tỉ lệ ½ = 50 % số huyện có trường học
    Phủ Quốc Oai có 3 trường, tỉ lệ ¾ = 75 % số huyện có trường học
    Phủ Lâm Thao có 3 trường, tỉ lệ ¾ = 75 % số huyện có trường học
    Phủ Vĩnh Tường có 4 trường, tỉ lệ 4/5 = 80 % số huyện có trường học

    Khi quan sát về thời điểm thiết lập trường học ở các phủ huyện trong tỉnh Sơn Tây, chúng ta vẫn thấy các niên đại xây dựng trường sở của các phủ huyện ở Vĩnh Tường là tương đối sớm, như:
    Năm 1827 đặt Phủ học Lâm Thao
    Năm 1828 đặt Huyện học Lập Thạch và Yên Lãng
    Năm 1830 đặt Huyện học Thạch Thất
    Năm 1832 đặt Phủ học Quảng Oai và Quốc Oai, Huyện học Đan Phượng.
    Năm 1835 đặt Huyện học Thanh Ba và Cẩm Khê
    Năm 1837 đặt Phủ học Vĩnh Tường
    Năm 1843 đặt Huyện học Yên Lạc
    Năm 1844 đặt Huyện học Phú Thọ
    Năm 1845 đặt Phủ học Đoan Hùng.

    Kết luận

    Vương triều Nguyễn trong thời gian cai quản đất nước đã rất quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo nhân tài, đặc biệt đối với các phủ huyện của tỉnh Vĩnh Phúc, nhà Nguyễn đã có nhiều chính sách tích cực biểu hiện qua các mặt sau:
    Một là, nhận xét đánh giá đúng về tiềm năng khoa cử của vùng quê giàu truyền thống này, xếp 2 huyện hạng nhất, 2 huyện hạng hai và 1 huyện hạng ba.
    Hai là, bổ nhậm các nhà khoa bảng có đủ năng lực về làm Giáo thụ, Huấn đạo ở đây.
    Ba là, xây dựng cơ sở học trường ở các phủ huyện tại vùng này với thời gian tương đối sớm và mật độ cao hơn các nơi khác.
    Theo Quốc triều Hương khoa lục, dưới thời Nguyễn đã thấy xuất hiện nhiều làng khoa bảng trên đất Vĩnh Phúc ngày nay, như:
    Làng Văn Trưng tổng Kiên Cương huyện Bạch Hạc có Cử nhân Đặng Minh Trân thi đỗ năm 1834, Cử nhân Đỗ Duy Tài thi đỗ năm 1879.
    Làng Kiên Cương tổng Kiên Cương huyện Bạch Hạc có Cử nhân Phan Mậu Thịnh thi đỗ năm 1837, Cử nhân Phan Duy Tiếp thi đỗ năm 1915.
    Làng Đường Xá tổng Đường Xá huyện Yên Lạc có Cử nhân Nguyễn Hữu Đỉnh thi đỗ năm 1852, Cử nhân Tạ Văn Liễn thi đỗ năm 1900.
    Làng Thụ Ích tổng Hương Nha huyện Yên Lạc có Cử nhân Văn Huy Phan thi đỗ khoa 1855, Cử nhân Phan Văn Ái thi đỗ năm 1867 và đến năm 1869 ông lại thi đỗ Tiến sĩ, Cử nhân Nguyễn Văn Chi thi đỗ năm 1900.
    Làng Nhật Chiêu tổng Nhật Chiêu huyện Yên Lạc có Cử nhân Ngô Hữu Bát thi đỗ năm năm 1813, Cử nhân Kiều Năng Thân thi đỗ năm 1831, Cử nhân Ngô Văn Độ thi đỗ năm 1848, đến năm 1856 ông lại thi đỗ Tiến sĩ; Cử nhân Lê Đình Tuyển thi đỗ năm 1847, Cử nhân Ngô Toại thi đỗ năm 1852, Cử nhân Ngô Thời thi đỗ năm 1868.

    Những làng khoa bảng Văn Trưng, Kiên Cương, Đường Xá, Thụ Ích, Nhật Chiêu này chính là kết quả của chính sách giáo dục đào tạo đúng đắn của nhà Nguyễn áp dụng đối với các phủ huyện thuộc tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.

    Tài liệu tham khảo
    1. Đại Nam nhất thống chí, A.69.
    2. Sơn Tây đăng khoa lục, VHv.1289.
    3. Sơn Tây tỉnh chí, A.857.
    4. Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1993.
    5. Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, H. 1993.
    6. Đại Nam thực lục, Nxb. KHXH, H. 1963.
    7. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, H. 1993.
    8. Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb. Thuận Hóa, 1993.
    9. Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb. KHXH, H. 1992.
    10. Quốc triều Hương khoa lục, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1993.
    11. Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Nxb. KHXH, H. 1990./.


    (Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (84) 2007; Tr. 3 - 8)
     

Share This Page