Vài nét về tác giả và văn bản Hải Nam tạp trứ

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ VÀ VĂN BẢN HẢI NAM TẠP TRỨ
    GS. Vu Hướng Đông
    Đại học Trịnh Châu Hà Nam Trung Quốc
    Đinh Văn Minh
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm

    Hải Nam tạp trứ ra đời vào năm thuộc niên hiệu Đạo Quang (1821 - 1850) triều đại nhà Thanh. Tác giả cuốn sách này là Thái Đình Lan. Ông sống một cuộc sống bình thường, công danh muộn màng, làm quan không có gì hiển đạt, nhưng ông rất có ảnh hưởng ở vùng Bành Hồ Đài Loan. Thái Đình Lan có một số trước thuật lưu truyền ở đời, trong đó ảnh hưởng lớn nhất đối với đời sau là Hải Nam tạp trứ. Có thể nói, đây là một bộ sách du ký về Việt Nam, ghi chép những gì tác giả đã trải qua, những điều tai nghe mắt thấy. Bộ sách có giá trị tham khảo không thể xem nhẹ, không những đối với việc nghiên cứu người Hoa ở Việt Nam từ thế kỷ XIX trở về trước mà còn đối với cả nghiên cứu lịch sử Việt Nam(1). Bài viết này chúng tôi chủ yếu dựa vào một số ghi chép trong sách địa phương chí Đài Loan đời Thanh và thành quả nghiên cứu của một vài học giả để giới thiệu, trao đổi vài nét sơ qua về cuộc đời của Thái Đình Lan và văn bản Hải Nam tạp trứ.

    1. Cuộc đời Thái Đình Lan

    Thái Đình Lan người xã Lâm Đầu Áo Song Đầu Khóa, sảnh(2), Bành Hồ, đạo Đài Loan, tỉnh Phúc Kiến đời Thanh Trung Quốc (nay là huyện Bành Hồ, Đài Loan), sinh năm 1801, mất năm 1859, tự Hương Tổ(3), hiệu Úc Viên,người ta còn gọi ông là Thu Viên tiên sinh. “Cha tên là Thái Bồi Hoa, tới tuổi 50 mới được bổ chức Bác sĩ đệ tử viên”(4). “Gia đình Thái Đình Lan có truyền thống Nho học, lúc còn nhỏ tuổi ông đã tỏ ra khác thường, mới 7 tuổi đã biết làm văn”(5), năm 13 tuổi được bổ chức Đệ tử viên; năm sau hai lần đi thì đều đỗ đầu, xếp vào hạng lẫm thiện sinh(6). Nhưng sau này có được danh vọng, đỗ được Tiến sĩ xuất thân thì ông đã qua tuổi “bất hoặc”.

    Trước khi bước chân vào con đường hoạn lộ, Thái Đình Lan đã ít nhiều có tiếng tăm. Có được như vậy, ngoài dụng công học hành giỏi giang, còn có sự quan tâm giúp đỡ của Chu Khải (tự Vân Cao) một viên quan ở đạo Hưng Tuyền Vĩnh, Đài Loan. Năm Đạo Quang thứ 12 (1832), ở Bành Hồ bị bão tàn phá, mùa màng thất bát gây ra đói kém. Chu Khải được phái đến đây giúp việc chẩn bần cứu đói, Thái Đình Lan làm bài thơ dài thay lời dâng hiến kế sách, trình bày hết tình trạng khốn cùng của người dân trong lúc tai ương. Bài thơ đó văn vẻ rất hay lại có sức thuyết phục. Chu Khải ngạc nhiên, thán phục, khen Thái Đình Lan:
    “Hải ngoại anh tài kim kiến chi,
    Như quân thủy khả dữ ngôn thi”
    (Anh tài hải ngoại nay mới thấy
    Như ngươi mới có thể cùng nói chuyện thơ được).

    Chu Khải nghĩ rằng, ở một hải đảo nghèo đói vắng vẻ thế này mà cũng có “anh tài” có thể nói chuyện văn thơ, rồi thụ nghiệp cho Thái Đình Lan, và nhân tên là Lan đặt cho tự là Hương Tổ(7). Nhờ có duyên tri ngộ ấy, giới cầm quyền bấy giờ ở Đài Loan nhiều người biết tiếng Thái Đình Lan. Cũng chính vì thế, Thái Đình Lan và Chu Khải gắn kết với nhau bằng tình hữu nghị sâu sắc. Khi Chu Khải được điều đến nhậm chức ở đạo Đài Loan, Thái Đình Lan với tư cách là học trò, thường lui tới thỉnh giáo thầy, được thầy quí mến dìu dắt. Sau này, Chu Khải chết trong lúc đương chức ở đạo Đài Loan, Thái Đình Lan cùng các học trò dành nhiều công sức, biên tập cuốn Nội tự Tụng Trai văn tập của thầy để xuất bản.

    Năm Đạo Quang thứ 15 (1835), Thái Đình Lan đến thành Phúc Châu dự khóa thi Hương được mở vào mùa thu. Thi xong, từ Hạ Môn đi đường biển trở về Bành Hồ, định ghé về quê thăm mẹ già, không ngờ trên đường đi gặp bão tố, chiếc thuyền buôn chở Lan dạt vào biển miền Trung Việt Nam. Được quan chức và dân Việt Nam cứu hộ đưa lên bờ, Thái Đình Lan còn được hộ tống đi từ Nam ra Bắc, theo đường bộ trở về nước. Bấy giờ là đầu mùa hạ năm Đạo Quang thứ 16 (1836) ông đi tiếp qua Quế Lâm về Phúc Kiến. Mấy tháng trời hành trình gần vạn dặm, trải qua hiểm nguy giữa biển khơi và du lịch trên đất khách quê người, một chuyến đi ngoài ý muốn nhưng rất có ý nghĩa đối với cuộc đời. Ở Việt Nam, ông được tôn xưng là “Ông Lẫm Sinh”(8). Chính sử Việt Nam chép rằng, sau khi thuyền buôn Phúc Kiến gặp bão dạt vào vùng biển Quảng Ngãi, “Quan bồi thần hàng tỉnh chiểu theo lệ cứu nạn gió bão đã cấp cho tiền và gạo. Khi biết trong thuyền có khách Lẫm Sinh Thái Đình Hương(9) quan tỉnh đặc cách gia ân, cấp thêm cho 50 xâu tiền và 20 ống gạo nữa, chờ lúc thuận tiện đưa ông về nước”(10).

    Từ những sử liệu liên quan và kết quả nghiên cứu, được biết Thái Đình Lan nhiều lần đi thi và cũng nhiều lần bất đắc chí với khoa trường, con đường cử nghiệp chẳng hề thuận buồn xuôi gió. Có học giả cho biết, năm Gia Khánh thứ 20 (1815), trải qua một đợt khoa khảo, ông đạt được tiêu chuẩn để năm sau dự thi Hương. Sau đó, vào những năm Gia Khánh thứ 21 (1816), năm Đạo Quang thứ 5 (1825), năm Đạo Quang thứ 15 (1835), Thái Đình Lan ba lần lên tỉnh thành Phúc Châu dự thi Hương, nhưng đều rớt bảng. Mãi đến năm Đạo Quang thứ 17 (1837), Thái Đình Lan thi Hương lần thứ tư, lần này thời vận đổi thay, ông đỗ Cử nhân(11). Năm đó là bước ngoặt quan trọng đối với con đường khoa cử, thậm chí đối với cuộc đời của Thái Đình Lan. Theo Tụng Thanh đường văn tập, năm đó Thái Đình Lan được chọn sung vào hàng người giỏi, đi thi đỗ Hương tiến(12). Một nguồn sử liệu khác chép rằng, “Thái Đình Lan được chọn lựa từ hạng lẫm sinh trường phủ, năm đó đỗ thi Hương”(13).

    Năm Đạo Quang thứ 24 (1844) Thái Đình Lan lên Kinh đô thi Hội, tên tuổi được yết bảng vàng; vào thi điện, đỗ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân. Trong lịch sử, người lập công danh ở Bành Hồ duy chỉ một người là Thái Đình Lan. Cho nên, ông được gọi là “Khai Bành tiến sĩ” (Tiến sĩ khai khoa Bành Hồ). Ngay sau đó, Thái Đình Lan được bổ chức Tri huyện và làm quan khá lâu ở vùng Giang Tây, con đường làm quan thăng tiến chậm chạp, từng làm Tri huyện huyện Hiệp Giang tỉnh Giang Tây, sung chức Đồng Khảo quan hương thí Giang Tây, quyền Đồng tri thủy lợi huyện Nam Xương. Năm Hàm Phong thứ 6 (1856), được sai coi huyện Phong Thành, nhân có công trong việc cứu dân vùng thiên tai, phòng chống cờ bạc trộm cướp, từ chức Tuần phủ, về già mới được thăng lên chức Đồng tri. Có người cho rằng Thái Đình Lan có công chống quân Thái Bình Thiên Quốc, do đó được thăng chức Đồng Tri Chương Châu(14). Tháng 3 năm Hàm Phong thứ 9 (1859), Thái Đình Lan ốm chết khi còn đương chức Đồng tri, thọ 59 tuổi.

    Trước khi bước vào con đường làm quan, ông từng say sưa với công việc dạy học trò. Việc ông từng được mời đến dạy học ở các thư viện(15) Đài Loan có ảnh hưởng nhất định trong giới giáo dục Đài Loan lúc bấy giờ. Năm Đạo Quang thứ 14 (1834), ông được mời làm chủ giảng Thư viện Dẫn Tâm huyện Đài Loan (nay là thành phố Đài Nam), năm thứ 17 (1837) ông đảm nhiệm công việc giảng dạy ở ba thư viện: Thư viện Sùng Văn, Thư viện Dẫn Tâm ở Đài Loan và Thư viện Văn Thạch ở Bành Hồ.

    Theo Lâm Hào, trước thuật của Thái Đình Lan chủ yếu là Thích Viên di thi 4 quyển, 1 quyển di văn, 2 quyển văn thể biền ngẫu, 6 quyển gồm các thư từ thời gian làm quan ở Giang Tây và Hải Nam tạp trứ 1 quyển(16). Ngoài ra, Thái Đình Lan tham gia biên tập Bành Hồ kỷ lược tục biên của Thông phán Bành Hồ tên là Tưởng Dung. Tác phẩm này về sau được Chu Khải hiệu chỉnh, khắc in với tên Bành Hồ tục biên.

    Thái Đình Lan học hành đến nơi đến chốn. Người ta nhận xét rằng học vấn của ông “sâu sắc vững vàng”. Về thơ văn, ông dành nhiều công sức. Cho nên có sử liệu nói rằng Thái Đình Lan “tài năng dồi dào, nổi trội, tự hình thành phong cách riêng. Các nhà thơ hải ngoại hầu như chưa ai hơn”(17). Còn có nguồn sử liệu nói rằng “Đình Lan nổi như cồn ở góc biển, còn văn trị của ông thì nổi tiếng không chỉ một góc biển”(18). Thơ văn của ông vượt hơn người một bậc, nhưng là ông quan làm chính trị thì chỉ bình thường thôi, tiếng tăm chỉ bó hẹp trong vùng Bành Hồ Đài Loan phía nam Phúc Kiến. Để truy tìm chính tích của Thái Đình Lan thời kỳ làm quan ở Giang Tây, chúng tôi đã tìm đọc hai bộ sách huyện chí Hiệp Giang huyện chíPhong thành huyện chí biên soạn vào những năm thuộc niên hiệu Đồng Trị (1862 - 1874). Hai bộ sách này đều chép năm tháng Thái Đình Lan đến nhậm chức, nhưng đều không chép thêm gì về ông. Thời xưa, các bậc sĩ đại phu ai cũng theo đuổi chí lập ngôn, nói những điều bất hủ, những mong để lại cho đời sau những trước tác này nọ. Nếu như Thái Đình Lan được nhiều người trong nước và ngoài nước biết đến, đó là do ông đã viết được Hải Nam tạp trứ, miêu tả cảnh vượt hiểm nguy trên biển cả và những gì ông đã trải qua sau khi trôi dạt vào Việt Nam.

    2. Một vài vấn đề về văn bản Hải Nam tạp trứ

    Hải Nam tạp trứ là bộ sách du ký, tác giả Thái Đình Lan đã tập hợp ghi chép những gì mà ông trải qua và những điều mắt thấy tai nghe trong lần ông đi trên chiếc thuyền buôn từ Phúc Kiến ra Đài Loan vào mùa thu năm thứ 15 đến đầu mùa hạ năm Đạo Quang thứ 16 (1836), giữa đường gặp bão biển gần Kim Môn, bị trôi dạt vào Việt Nam, đi đường bộ trở về nước. Sau khi trở về nước không lâu, Thái Đình Lan chỉnh lý những ghi chép đó, đem khắc in. Bản khắc in đó là văn bản sớm nhất của Hải Nam tạp trứ, tức là bản in Úc Viên năm Đinh Dậu Đạo Quang thứ 17 (1837). Sau những năm 80 của thế kỷ XX, chúng tôi đã được đọc bản in này ở Thư viện Thủ Đô (tức thư viện thành phố Bắc Kinh).

    Nội dung của bản này gồm ba thiên. Thiên thứ nhất Thương minh kỷ hiểm, chép quá trình gặp hiểm nguy giữa biển khơi, tả cảnh gió mưa mù mịt, sóng nước hãi hùng, tay lái gãy, cột buồm xiêu, thuyền chìm lại nổi, cái chết treo đầu sợi tóc; thiên thứ hai Viêm hoang kỷ trình ghi chép những việc sau khi trôi dạt vào bãi biển Thái Cần phủ Tư Nghĩa miền Trung Việt Nam, lên bờ được ưu đãi, được binh lính hộ tống, đưa tiễn từ Quảng Ngãi ra Huế, Hà Nội, rồi qua Lạng Sơn, vào cửa Nam Quan, tới Quảng Tây. Miêu tả cảnh núi sông đường sá, thành quách, phố xá, đất đai, cảnh vật dọc đường và thuật lại các cuộc tiếp xúc qua lại thân mật với Hoa kiều các địa phương; thiên thứ ba Việt Nam kỷ lược, lược kể diên cách lịch sử, quá trình Gia Long mở nước, điển chương chế độ dưới triều vua Minh Mệnh như quan chế, khoa cử, hình pháp và phong tục tập quán trong dân gian.

    Sau khi ra đời, bản in Úc Viên gây tiếng vang nhất định trong giới thượng lưu có tiếng ở Đài Loan lúc bấy giờ và được nhiều người tán thưởng. Viên quan đạo Binh bị kiêm Đề đốc học chính huyện Bành Hồ là Chu Khải viết tựa cho bản in này, khen sách này “chép chuyện Việt Nam cổ kim đủ cả, chân tơ kẽ tóc không thiếu gì, rất tốt cho việc tìm hiểu nước này”. Chu Khải còn viết lời bình cuối từng thiên. Năm Đạo Quang thứ 17 (1837), Thái Đình Lan được tuyển làm Cống sinh, Chu Khải cho rằng nếu lấy sách này “làm bài thi, đưa cho các thầy cự phách chấm điểm, chắc sẽ được thưởng”(19). Kha Vưu Chương, Lưu Hồng Cao và Hùng Nhất Bản quan Tri phủ Đài Loan đều viết tựa, đề lời bạt cho cuốn sách này và nhận xét đánh giá cao. Đầu cuốn sách này còn có đề từ của Ngô Hiếu Minh và Tưởng Dung.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Hải Nam tạp trứ có mấy quyển? Theo Bành Hồ sảnh chí, sách này có hai quyển: thượng và hạ. Còn bản Úc Viên mà chúng tôi tận mắt nhìn thấy thì không chia quyển, hay có thể nói chỉ có một quyển, nội dung bao gồm ba thiên kỷ sự như đã nói trên đây. Đọc kỹ Bành Hồ sảnh chỉ, có thể biết được rằng, ý định của Thái Đình Lan, quyển thượng bao gồm ba thiên kỷ sự, quyển hạ sẽ là thơ văn xướng họa với các sĩ đại phu Việt Nam. Có lẽ Thái Đình Lan cho khắc in quyển thượng trước, định lấy quyển thơ văn xướng họa làm tục biên rồi in lại. Nhưng về sau bận rộn với thi cử và công việc quan trường, nên chưa lúc nào rảnh rỗi để làm việc đó. Sau khi Thái Đình Lan qua đời, thơ văn của ông, kể cả thơ ông xướng họa ở Việt Nam đều bị tản mát, thất lạc. Nên lúc biên tu Bành Hồ sảnh chí vào năm thuộc niên hiệu Quang Tự (1875 - 1908) người ta phải than rằng thơ của ông không thấy đâu nữa(20). Do đó, có thể thấy, Hải Nam tạp trứ lưu truyền ở đời phải chăng chỉ có một quyển?

    Hải Nam tạp trứ còn được gọi là An Nam kỷ trình. Vài năm sau khi Hải Nam tạp trứ ra đời, Từ Kế Xa soạn Doanh hoàn chí lược, khi nói đến các nước dọc bờ biển Nam Dương, có nhắc đến tình hình Hoa kiều ở Việt Nam và bàn rất kỹ về An Nam kỷ trình của Thái Đình Lan(21). Từ năm 1848 trở đi, ở Trung Quốc, Hải Nam tạp trứ có thể bẵng đi không ai biết, nhưng ở hải ngoại lại được lưu truyền, được một số học giả nghiên cứu Đông phương chú ý, xuất hiện đến mấy bản dịch ra tiếng nước ngoài. Cụ thể, năm 1877, có một vị Giáo sĩ hội Chính giáo nước Nga dịch sang tiếng Nga, xuất bản Hải Nam tạp trứ bằng tên sách Ghi chép về An Nam của một người Trung Quốc. Thêm nữa, năm sau, năm 1878, một học giả người Pháp lại dịch sách này từ bản tiếng Nga sang tiếng Pháp và xuất bản dưới tên sách An Nam kỷ trình(22). Gần đây Trần Ích Nguyên lần theo manh mối do Trương Tú Dân cung cấp, tìm lại được bản dịch tiếng Nga và bản dịch tiếng Pháp nói trên, còn cho biết thêm bản tiếng Pháp mới được in lại vào năm 1974 ở Hà Lan.

    Bản in Úc Viên năm Đạo Quang thứ 17 (1837) có phải là văn bản sớm nhất hay không? Theo Trần Ích Nguyên, văn bản Hải Nam tạp trứ rất nhiều, chỉ riêng bản in đời Thanh đã có bốn bản(23). Trần Ích Nguyên cho rằng Hải Nam tạp trứ bản khắc đầu tiên cũng là bản in sớm nhất, tức là bản mà ông gọi là bản in khắc ván đầu tiên, là bản cất giữ ở phân Thư viện Bắc Hải thuộc Thư viện quốc gia Bắc Kinh, ký hiệu “Địa [lý] 983.83/864”). Trần Ích Nguyên còn giới thiệu, cho biết ở Đông Dương văn khố Nhật Bản cũng cất giữ một bộ “bản khắc đầu tiên”(24). Ở bờ mi trang đề tên sách có đề “Khắc giữa mùa thu năm Đinh Dậu niên hiệu Đạo Quang”, phía dưới bên phải khắc ghi “Thơ ở quyển hạ chờ tục biên”. Trương Tú Dân tiên sinh đã từng nói đến bản khắc năm 1837 ngoài bìa đề “chờ tục biên”, và nói rõ hơn “bản khắc năm Đạo Quang hiện nay lưu hành chỉ là quyển thượng, còn quyển hạ thì vẫn chưa khắc tiếp”(25), nhưng vấn đề văn bản thì ông chưa đi sâu nghiên cứu. “Hai bản in của bản khắc đầu tiên” mà Trần Ích Nguyên giới thiệu tức là “Úc Viên tàng bản” là bản in lại sau khi đã bổ sung trên cơ sở “một bản in”, trang đề tên sách vẫn còn nguyên phần để ở bờ mi. Trần Ích Nguyên còn nói rằng bản này Lê Gia Hưng ở Đài Loan đã xem rồi, hiện nay không biết đã đi đâu, chỉ còn lại trang bìa và nửa trang đầu có tựa của Chu Khải(26). Bản này đồng nhất với bản mà chúng tôi tận mắt đọc ở Thư viện Thành phố Bắc Kinh năm xưa.

    Bản in thứ ba “bản in của ván khắc lần thứ 2” không có bìa. Tờ thứ nhất, khung trên đề “Đạo Quang Đinh Dậu trọng thu”, khung dưới đề “Úc Viên tàng bản” đều bằng thể chữ Lệ, nhưng khung giữa, tên sách lại được viết bằng lối chữ Triện. Nghiên cứu của Trần Ích Nguyên khá sâu, truy tìm đến gốc gác ngọn nguồn, còn phụ in cả ảnh sách, song vẫn còn một vài vấn đề cần phải bàn thêm.

    Trần Ích Nguyên cho rằng bốn bản in đời Thanh, ngoài “hai bản in của lần khắc ván thứ nhất” tức bản sao bổ sung năm Chiêu Hòa thứ 18 (1933) được in vào một năm nào đó cách năm Đạo Quang thứ 17 (1837) không xa (bị rách nát, không có tờ thứ nhất), ba bản còn lại đều đề in mùa thu năm Đinh Dậu, tức năm 1837. Điều cần chú ý là, Phiên thư ngẫu ký của Tôn Điện Khởi từng nói rằng Hải Nam tạp trứ không có số quyển do Thái Đình Lan ở Bành Hồ soạn, in năm Đạo Quang thứ 16”(27). Ông Tôn là người rất sành mục lục học văn bản, từng đọc nhiều sách và phần lớn đều có ghi chép cẩn thận. Nếu như ông Tôn không lầm, thì điều đó phải chăng có nghĩa là Hải Nam tạp trứ được khắc ván sớm nhất vào năm 1836, cũng tức là năm sau khi Thái Đình Lan trở về nước, chứ không phải cách đó một năm hay năm sau nữa, tiếp sau năm khắc ván lại khắc lại mới có bản Úc Viên lưu hành ở đời? Tại sao chỉ vẻn vẹn trong thời gian một năm, năm Đạo Quang (1837), Hải Nam tạp trứ liên tục tái bản, in đi in lại những ba lần? Còn nữa, trong Doanh hoàn chí lược bản in năm 1848, tại sao tác giả Từ Kế Xa gọi trước thuật của Thái Đình Lan mà ông dẫn dụng là An Nam kỷ trình cũng như những sử liệu ghi chép về bản này. Những vấn đề nêu trên cần phải thảo luận thêm.

    Giữa và cuối thế kỷ XX, nhiều học giả Đài Loan chú ý đến Thái Đình Lan và trước thuật của ông. Năm 1959, phòng Nghiên cứu kinh tế ngân hàng Đài Loan biên soạn, in Đài Loan văn hiến tùng san. Vì Thái Đình Lan quê quán ở Đài Loan, nên cơ quan này đã chỉnh lý Hải Nam tạp trứ của Thái Đình Lan thành tùng san số 42, in chì, xuất bản, tạo thuận lợi cho các học giả thời nay nghiên cứu Hải Nam tạp trứ. Về sau, vào năm 1972, Kha Thái Tông tân hội in lại Hải Nam tập trứ, tờ bìa đề “Đạo Quang thập lục niên mạnh thu nguyệt xuất san/ Dân Quốc lục thập nhất niên Bành Hồ huyện Tế Dương Kha Thái Tông tân hội trùng ấn” (In đầu mùa thu năm Đạo Quang thứ 16 / Năm Dân Quốc thứ 61, Tế Dương Kha Thái Tông tân hội huyện Bành Hồ in lại). Trần Ích Nguyên cho rằng, ở đây có sự nhầm lẫn, do ngộ nhận năm can chi ghi ở lời Tựa của Lưu Hồng Cao là thời gian in sách(28). Những năm 90 của thế kỷ XX, học giả Nhật Bản lại dựa vào bản Đài Loan văn hiến tùng san, tuyển dịch Hải Nam tạp trứ để giới thiệu vào Nhật Bản(29).

    Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN) ở Hà Nội có một bản sao viết tay Hải Nam tạp trứ ký hiệu Hv.80/1. Trần Ích Nguyên cho rằng bản này được sao lục từ bản khắc sớm nhất, tức bản in lần thứ nhất của ván khắc đầu tiên, có một số chỗ bị cắt xén và sai sót. VNCHN đã nhiều lần cho chúng tôi mượn đọc tại chỗ. Chúng tôi nhận thấy bản này được sao chép cẩn thận, giấy dó còn mới, trên các trang sách không có dấu của Học viện Viễn đông nước Pháp (hình bầu dục, chữ Pháp), như các sách khác do cơ quan này trao lại cho Việt Nam trước khi rút khỏi Việt Nam. Bản này chỉ có các dấu kiểm kê của Thư viện Khoa học xã hội và sau đó là của Thư viện VNCHN. Dấu kiểm kê chỉ ghi năm kiểm kê, năm kiểm kê sớm nhất là năm 1967. Đặc điểm vừa nêu chứng tỏ bản Hải Nam tạp trứ ở VNCHN mới được sao chép sau khi Học Viện Viễn Đông nước Pháp không còn tồn tại ở Viện Nam và kho sách cổ của cơ quan này do Chính phủ Việt Nam quản lý. Cũng có thể Hải Nam tạp trứ bản ký hiệu Hv.80/1 ở VNCHN được sao chép vào thời gian cách đây khoảng trên dưới bốn chục năm. Nếu như ý kiến nhận xét của Trần Ích Nguyên về bản này là đúng thì có nghĩa là bản này được sao chép từ một bản gốc thuộc thế hệ “bản in khắc đầu tiên”, tức là bản khắc sớm nhất. Bản gốc mà bản ở VNCHN sao chép giống với bản có ở Thư viện thành phố Bắc Kinh và Đông Dương văn khố Nhật Bản. Có điều, bản Hải Nam tạp trứ ở VNCHN là bản sao chép viết tay, nên hiện tượng bỏ sót, chép sai, chép nhầm khá nhiều.

    Khi viết bài này, chúng tôi dùng Hải Nam tạp trứ trong Đài Loan văn hiến tùng san số 42 làm bản nền, đối chiếu với bản Hải Nam tạp trứ chép tay ở VNCHN. Mới ở thiên đầu tiên Thương minh kỷ sự chúng tôi đã phát hiện được nhiều chỗ sai sót nơi bản chép tay. Đến đây, chúng tôi cho rằng ý kiến nhận xét của Trần Ích Nguyên là có cơ sở. Phải hiểu rằng Trần Ích Nguyên nói là “cắt xén” thực chất là người chép bỏ sót, có chỗ sót cả câu, thậm chí sót cả đoạn. Hiện tượng “tác nhầm ra tộ, ngộ nhận ra quá” thì nhiều vô kể. Những sai sót này làm cho nội dung trước thuật bị què quặt, lỗ mỗ, nhiều câu vô nghĩa khó hiểu, gây khó khăn cho việc tìm hiểu giá trị của trước thuật. Giới học thuật mong đợi Hải Nam tạp trứ được chỉnh lý, dịch ra tiếng Việt, xuất bản bằng hình thức song ngữ Hán - Việt. Có thêm một bản dịch bằng tiếng nước ngoài sẽ giúp ích cho việc đi sâu nghiên cứu tác phẩm có giá trị lịch sử này. Nếu bản Hải Nam tạp trứ ở VNCHN được sử dụng để dịch ra tiếng Việt, trước tiên những vấn đề về văn bản học phải được chú ý đúng mức, giải quyết một cách triệt để.

    Các văn bản khác nhau của Hải Nam tạp trứ được in ra, lưu truyền cả trong nước và ngoài nước, chứng tỏ sách này có giá trị sử liệu rất cao. Chúng tôi cho rằng, giá trị đó chủ yếu biểu hiện ở hai mặt. Một là giá trị đối với văn hiến Đài Loan và nghiên cứu lịch sử. Mặc dù Hải Nam tạp trứ nội dung chẳng liên quan gì đến Đài Loan, nhưng với tư cách là một Tiến sĩ duy nhất của Bành Hồ, Thái Đình Lan và trước thuật của ông được chú ý là điều rất tự nhiên. Những năm gần đây, các học giả Đài Loan như Ích Nguyên biên soạn Bành Hồ Thái Tiến sĩ đích sử liệu dữ truyền thuyết (Sử liệu và truyền thuyết về Tiến sĩ Thái Đình Lan ở Bành Hồ) Thái Thủ Tân viết quyển Thái Đình Lan truyện (Truyện Thái Đình Lan), Cao Khải Tiến viết nhiều bài báo giới thiệu Thái Đình Lan. Mới đây Trần Ích Nguyên lại cho xuất bản sách Thái Đình Lan cập kỳ Hải Nam tạp trứ. (Thái Đình Lan và Hải Nam tạp trứ của ông). Từ những nghiên cứu về Thái Đình Lan, có thể thấy rằng, Thái Đình Lan với những gì ông đã trải qua, khoa cử, làm quan, giao lưu với người Hoa ở Việt Nam, truyền bá văn hóa Trung Hoa, đều phản ánh và chứng minh Đài Loan và Đại lục xưa nay gắn bó mật thiết. Hai là giá trị đối với việc nghiên cứu người Hoa ở Việt Nam và lịch sử Việt Nam. Năm xưa khi Lưu Hồng Cao viết tựa cho Hải Nam tạp trứ phải thốt lên rằng, Ôi, không trải qua hiểm nguy trong thiên hạ thì thấy sao được vũ trụ bao la. Sách có nội dung phong phú, chép được những truyện mà sách Ngoại di truyện trong Nhị Thập thất sử không chép(30).

    Những năm 40 của thế kỷ XX, Trương Tú Dân tiên sinh nghiên cứu lịch sử quan hệ Trung Việt, sớm chú ý đến giá trị sử liệu của Hải Nam tạp trứ, đã giới thiệu một cách chân xác về Thái Đình Lan và tác phẩm của ông. Tháng 11 năm 1996, khi tham dự Hội thảo quốc tế về Hoa Kiều tổ chức tại Đại học Hạ Môn, chúng tôi có trình bày tham luận với tiêu đề Hoa Kiều ở Việt Nam chép trong Hải Nam tạp trứ của Thái Đình Lan, bước đầu khai thác sử dụng những ghi chép về Hoa Kiều chép trong sách này. Tham luận của chúng tôi được đánh giá tốt, sau đó được đăng trên tạp chí Hoa Kiều Hoa nhân lịch sử nghiên cứu. Gần đây, các học giả Đài Loan ngày càng coi trọng ý nghĩa của Hải Nam tạp trứ đối với nghiên cứu lịch sử Việt Nam, công bố nhiều thành quả nghiên cứu. Nhưng chúng tôi cảm thấy rằng, bấy giờ Thái Đình Lan có tiếp xúc với nhiều người tên tuổi như Phan Thanh Giản chẳng hạn, nếu như bây giờ chúng ta phát hiện được thêm những ghi chép liên quan trong sử liệu Việt Nam để cùng với những ghi chép của Thái Đình Lan kiểm chứng với nhau, minh họa cho nhau thì sẽ rất có ý nghĩa.

    Những năm gần đây các học giả Việt Nam cũng ngày càng chú ý nghiên cứu Thái Đình Lan và Hải Nam tạp trứ. PGS.TS. Trịnh Khắc Mạnh - VNCHN cho rằng Hải Nam tạp trứ là “tác phẩm nổi tiếng có ý nghĩa hiện thực phong phú và khí phách hào hùng(31). Tháng 8 năm 2004, đoàn khảo sát di tích Thái Đình Lan đến từ Đài Loan, được Việt Nam đón tiếp thịnh tình. Các học giả VNCHN hợp tác với học giả Đài Loan triển khai nghiên cứu các đề tài liên quan. Chúng tôi tin rằng, bằng nỗ lực chung của các học giả Việt Nam, Đại Lục, Đài Loan, công việc Nghiên cứu Thái Đình Lan và Hải Nam tạp trứ sẽ gặt hái nhiều thành quả hơn nữa.

    Chú thích:
    1. Về giá trị của Hải Nam tạp trứ đối với việc nghiên cứu Hoa kiều ở Việt Nam, có thể xem Vu Hướng Đông: Hoa kiều ở Việt Nam chép trong Hải Nam tạp trứ của Thái Đình Lan đăng trong Nghiên cứu lịch sử Hoa kiều. Bắc Kinh, số 1, năm 1997.
    2. Sảnh: là đơn vị hành chính thời nhà Thanh dưới cấp phủ, ngang với châu, huyện, do Phó quan Tri phủ và Thông phán quản lý.
    3. “Tự” căn cứ vào “danh” mà đặt ra. Hoa Lan còn gọi là “hương tổ”. Sách Quần phương phả của Vương Tượng Tấn người đời Minh chép: “Ở vùng Giang Nam thường gọi hoa lan là hương tổ”.
    4. Lâm Hào: Phụng Chính đại phu thự Phong Thành huyện Tri huyện Thu Viên tiên sinh mộ chí minh, dẫn từ Khai Bành Tiến sĩ Thái Đình Lan của Cao Khải Tiến. Xem Cao Khải Tiến, Trần Ích Nguyên, Trần Anh Tuấn: Khai Bành Tiến sĩ Thái Đình Lan và Hải Nam tạp trứ, tr.22, Cục Văn hóa huyện Bành Hồ in và phát hành năm 2005.
    5. Lâm Hào: Phụng Chính đại phu thự Phong Thành huyện Tri huyện Thu Viên tiên sinh mộ chí minh.
    6. Tụng Thanh đường văn tập lược truyện Thái Đình Lan. Xem Đường Cảnh Tùng chủ tu, Thái Lân Tường giám tu, Lâm Hào tổng tu: Đài Loan Bành Hồ sảnh chí quyển 7, nhân vật, biên soạn năm Giáp Ngọ niên hiệu Quang Tự, bản in mực đầu năm 1959, hiệu sách cũ Dương Châu (dưới đây gọi tắt là bản Dương Châu).
    Lẫm thiện sinh: là học sinh được nhà nước trợ cấp tiền, gạo để ăn học.
    7. Hải Nam tạp trứ, Chu Khải tự.
    8. Lẫm sinh: Cũng như lẫm thiện sinh. Xem chú thích 6.
    9. “Lan” phải đổi là “Hương”, vì kỵ húy triều Nguyễn. Thân mẫu của vua Gia Long tên là Lan, tức Huy Gia từ phi.
    10. Đại Nam thực lục chính biên, kỷ thứ 2, quyển 160.
    11. Cao Tiến Khải: Khai Bành Tiến sĩ Thái Đình Lan bổ thuật.
    12. Tụng Thanh đường văn tập, Thái Đình Lan truyện lược, bản Dương Châu.
    13. Thái Lâm Tường giảm tu, Lâm Hào tổng tập Quang Tự Bành Hồ sảnh chí quyển 10 Nhân vật - Tuyển cử chí, bản in lại năm 1959, hiệu sách cũ Nam Kinh (Sau đây gọi tắt là bản Nam Kinh).
    14. Giang Bảo Thoa: Tư liệu về các tác giả thơ Đài Loan (giới thiệu vài nét về Thái Đình Lan).
    15. Thư viện: Là cơ quan biên soạn sách và giáo dục đào tạo Nho sĩ thuộc Trung thư sảnh, có từ đời Đường. Từ đời Tống đến đời Thanh, tư nhân hoặc quan phủ lập ra thư viện chủ yếu là để dạy học. Đặc biệt triều Minh, Thanh, thư viện coi trọng việc luyện tập cử nghiệp, chuẩn bị vốn kiến thức cho người đi thi. Năm thứ 27 Quang Tự triều Thanh (1909), đổi “thư viện” thành “học đường”.
    16. Lâm Hào: Bành Hồ sảnh chí.
    17. Tụng Thanh đường văn tập, lược truyện Thái Đình Lan, bản Dương Châu.
    18. Bành Hồ sảnh chí, quyển 10, Nhân vật - Tiên chính truyện, cuối sách có phụ lời bàn, bản Nam Kinh.
    19. Hải Nam tạp trứ - Chu Khải tự.
    20. Bành Hồ sảnh chí, quyển 14. Nghệ văn hạ, bản Dương Châu.
    21. Từ Kế Xa: Doanh hoàn chí lược quyển 1, Nam Dương tân hải các quốc - Việt Nam.
    22. Xem Trương Tú Dân: Trung Việt quan hệ sử luận văn tập, Nxb. Văn-Sử-Triết Đài Loan, 1992, tr.154,
    23. Trần Ích Nguyên: Văn bản và bản dịch Hải Nam tạp trứ ; Cao Tiến Khải, Trần Ích Nguyên, Trần Anh Tuấn: Khai Bành Tiến sĩ Thái Đình Lan và Hải Nam tạp trứ; Bành Hồ huyện văn hóa tư sản tùng thư số 137, Cục Văn hóa huyện Bành Hồ in và phát hành, năm 2005.
    24. Khai Bành Tiến sĩ Thái Đình Lan dữ Hải Nam tạp trứ, tr.123-130.
    25. Trương Tú Dân: Trung Việt quan hệ sử luận văn tập, tr.153.
    26. Khai Bành Tiến sĩ và Hải Nam tạp trứ, tr.124.
    27. Tôn Điện Khởi: Phiên thư ngẫu ký quyển 7, Sử bộ - Địa lý loại - Tạp ký chi thuộc.
    28. Khai Bành Tiến sĩ Thái Đình Lan dữ Hải Nam tạp trứ, tr.130.
    29. Khai Bành Tiến sĩ Thái Đình Lan dữ Hải Nam tạp trứ, tr.135-136.
    30. Hải Nam tạp trứ, Lưu Hồng Cao tự.
    31. Khai Bành Tiến sĩ dữ Hải Nam tạp trứ.


    (Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (84) 2007; Tr. 63 - 72)
     

Share This Page