Vai trò của thử nghiệm đối với vệ sinh an toàn thực phẩm

Discussion in 'Tạp chí Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng' started by admin, May 17, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lương thực, thực phẩm chính là nguyên nhân gây ra khoảng 50% các trường hợp tử vong đối với con người trên toàn thế giới hiện nay. Ngay cả với các nước phát triển, việc ngộ độc do lương thực, thực phẩm luôn là vấn đề bức xúc và hết sức gay cấn. Cũng theo WHO, ở Việt Nam hàng năm có khoảng hơn ba triệu trường hợp nhiễm độc, gây thiệt hại hơn 200 triệu USD (khoảng 3000 tỷ VND).

    Vai trò của thử nghiệm

    Hoạt động thử nghiệm đóng vai trò rất quan trọng trong thực tiễn sản xuất kinh doanh, nghiên cứu và phát triển nền kinh tế vững mạnh, đặc biệt là trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Việc sử dụng những hóa chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông thuỷ sản, thực phẩm; việc sản xuất sản phẩm kém chất lượng hoặc do quy trình chế biến hoặc do nhiễm độc từ môi trường, đang gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và tiêu dùng. Gần đây một số vấn đề liên quan đến quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, sự khác biệt giữa các kết quả phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm vừa gây không ít khó khăn cho người sản xuất, vừa tạo thêm lo lắng cho người tiêu dùng. Việc kiểm tra chất lượng hàng hóa vẫn còn gặp nhiều hạn chế do số phòng thử nghiệm có trình độ và kinh nghiệm còn ít việc mở rộng hoạt động kiểm nghiệm đánh giá, chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa cho tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chưa thật phổ biến.

    Hoạt động thử nghiệm được hình thành và phát triển trên cơ sở nhu cầu kiểm tra, đánh giá, giám định sản phẩm và hàng hoá theo các yêu cầu đòi hỏi của quản lý, thị trường, trong quá trình xuất nhập khẩu, trong lưu thông phân phối sản phẩm, hàng hoá. Đối với các doanh nghiệp, hoạt động thử nghiệm gắn liền với quá trình sản xuất nhằm đảm bảo duy trì chất lượng và cải tiến đổi mới sản phẩm của mình. Đối với các cơ sở nghiên cứu, thiết kế hoạt động thử nghiệm nhằm đánh giá, xác định các chỉ tiêu nghiên cứu, mức độ đạt được của quá trình nghiên cứu và quyết định quá trình tiếp theo.

    Hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn nhằm duy trì các giá trị của hệ thống chuẩn cũng như hệ thống các phương tiện đo đang được sử dụng, sự liên kết của chúng với các chuẩn đo lường nhằm đảm bảo tính thống nhất và chính xác của các phép đo được thực hiện trong sản xuất, kinh doanh, trong nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Hoạt động thử nghiệm và hiệu chuẩn đóng vai trò rất quan trọng trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển của một nền kinh tế nói riêng và của cả xã hội nói chung. Hoạt động thử nghiệm và hiệu chuẩn ở nước ta và các nước đang phát triển hình thành chậm hơn so với các nước công nghiệp nhưng tốc độ phát triển được đẩy nhanh, nhất là những năm gần đây. Cách đây 20 năm, chủng loại và số lượng các thiết bị hiếm quý có thể thống kê một cách dễ dàng, thì ngày nay thật không dễ thống kê đầy đủ các chủng loại và số lượng thiết bị đã được trang bị tại các phòng thí nghiệm. Những thiết bị có giá trị từ vài tỉ đồng trở lên đã trở thành phổ biến. Đặc biệt trong những năm gần đây, nhiều thiết bị quý hiếm, đắt tiền, đạt trình độ quốc tế cũng đã được trang bị như các hệ thống quang phổ, sắc ký, cộng hưởng từ, phân tích nhiệt vi sai, máy phân tích dioxin, máy Realtime PCR, thiết bị phân tích DNA (sinh học), thiết bị thụ tinh trong ống nghiệm, thiết bị thử cao áp, máy đo ốc-tan, thiết bị về tương thích từ trường EMC, EMI... với giá đầu tư từ một vài tỉ đến vài chục tỉ đồng. Nếu trước đây, các phòng thí nghiệm được đầu tư vài chục triệu đồng chưa nhiều thì ngày nay số phòng thí nghiệm được đầu tư 50 đến 70 tỉ đồng hoặc cá biệt có Phòng thí nghiệm đầu tư trên cả trăm tỉ đồng đã xuất hiện. Đặc biệt trong những năm gần đây, Nhà nước đã đầu tư gần 20 phòng thí nghiệm trọng điểm (quốc gia), với mức đầu tư ban đầu 50-70 tỉ VNĐ và nhiều phòng thí nghiệm lớn tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm lớn trực thuộc các bộ, ngành, trung ương. Ngoài các phòng thí nghiệm được đầu tư từ ngân sách nhà nước, một số Phòng thí nghiệm thuộc các thành phần kinh tế khác (tập thể, tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài...) cũng quan tâm mua sắm trang thiết bị thí nghiệm, ví dụ như các trường Đại học và Cao đẳng dân lập (ngoài công lập), các phòng xét nghiệm tư nhân, tập thể như Trung tâm Đào tạo và Phát triển Sắc ký Thành phố Hồ Chí Minh (EDC) và của nhiều doanh nghiệp.

    Hạn chế của Hệ thống thử nghiệm

    Quá trình hình thành và phát triển các hoạt động này đã đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào sự phát triển chung của các cơ sở sản xuất kinh doanh, của nền kinh tế. Tuy nhiên hệ thống này cũng bộc lộ một số nhược điểm như: Hệ thống thử nghiệm và hiệu chuẩn được hình thành và phát triển chủ yếu dựa vào đầu tư Nhà nước và một phần từ viện trợ bên ngoài thông qua các chương trình, dự án của các Tổ chức Quốc tế hay của một số nước kinh tế phát triển với hệ thống các chuẩn và thiết bị đo thiếu đồng bộ, không sát với điều kiện thực tế của nền kinh tế nên bị hạn chế trong quá trình sử dụng, không phát huy được hiệu quả. Các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn đã hình thành một mạng lưới phân bố trên phạm vi cả nước thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu đầu tư chiều sâu và chủ yếu chỉ giải quyết một phần nhu cầu quản lý chưa gắn với nhu cầu dân sinh do vậy khi chuyển đổi cơ chế gặp rất nhiều lúng túng, khó khăn trong hoạt động nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế. Những bất cập hiện nay của hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự không ổn định hay sút kém về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh giảm khả năng cạnh tranh gây nên những khiếu nại, tranh chấp trong xuất nhập khẩu cũng như ảnh hưởng đến việc kiểm tra, giám định sản phẩm, hàng hoá.

    Với phương châm hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hoá trên thị trường thế giới, các hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn phải được quan tâm đầu tư và phát triển phù hợp với xu thế và tập quán quốc tế trong đó năng lực quản lý và năng lực kỹ thuật của các phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn đáp ứng các chuẩn mực quốc tế và việc tham gia vào hệ thống công nhận quốc tế các phòng thử nghiệm, hiệu chuẩn thông qua các Hiệp ước thừa nhận lẫn nhau (MRA) phải được quan tâm hàng đầu giúp tăng cường tiềm lực cho các hoạt động mang tính hội nhập và đáp ứng các yêu cầu của các hoạt động đó.

    Thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường khả năng tham gia của các đơn vị chức năng vào các hoạt động hội nhập quốc tế, từng bước cải tiến hoạt động phù hợp với các chuẩn mực và tập quán quốc tế trong đó phải kể đến hoạt động công nhận, chứng nhận và thử nghiệm.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Số 1 Tháng 1 Năm 2008

    Ánh Phương
     

Share This Page