Vài ý kiến về cuốn sách các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 4, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    ĐÔNG HÀ
    Hà Nội

    Gần 850 năm tồn tại của nền giáo dục khoa cử Nho học phong kiến Việt Nam, Bắc Ninh - Kinh Bắc là nơi "Mạch đất tốt tụ vào đấy nên càng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa hợp vào đấy nên sản sinh ra nhiều danh thần. Vì là khí hồn trọng ở phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi, phong tục dân phần nhiều chuộng văn hóa ít quê kệch…" - nhận xét của Phan Huy Chú(2). Chính vì thế, Bắc Ninh là đất phát đạt nhất về mặt học hành so với "tứ trấn" bao quanh Thăng Long - Hà Nội. Không kể một số lượng lớn các vị Tiến sĩ Nho học của các làng xã đã cắt chuyển về thành phố Hà Nội vào tháng 5-1961, địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện tại vẫn có số người đỗ đại khoa đông nhất cả nước. Biên soạn một công trình nghiên cứu, giới thiệu các vị Tiến sĩ Nho học tỉnh Bắc Ninh, giúp cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh cùng đông đảo bạn đọc trong cả nước có những hiểu biết đúng đắn và đầy đủ về truyền thống giáo dục và khoa cử của vùng đất này là việc làm có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn.

    Cuốn sách Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh (CVĐKTBN) của nhóm tác giả: Lê Viết Nga (chủ biên), Nguyễn Văn Đáp, Lê Thị Hiển, Đỗ Thị Thủy do Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh ấn hành năm 2003 đã đáp ứng được yêu cầu đó.

    Ngoài Lời tựa, Lời nói đầu, Tài liệu tham khảo, sách được chia thành 8 mục, giới thiệu các vị đại khoa của 8 đơn vị hành chính thuộc tỉnh Bắc Ninh hiện nay (7 huyện và Thị xã Bắc Ninh). Mỗi mục, sau khi trình bày diên cách của đơn vị huyện, thị xã (từ đây gọi chung là huyện), các tác giả giới thiệu các vị đại khoa theo đơn vị xã hiện nay và theo thời gian đỗ đạt. Mỗi vị đại khoa được phản ánh tương đối đầy đủ tên húy, tên tự, tên hiệu, tên thụy, năm sinh, năm mất, nguyên quán, sinh quán - trú quán, khoa đỗ, mức đỗ, tuổi đỗ, chức quan, hành trạng... Tổng cộng có 395 vị khoa bảng, gồm 380 vị đại khoa được ghi chép trong văn bia Văn miếu ở Thăng Long, Huế, Bắc Ninh, trong các sách Đăng khoa lục; 7 vị không có tên trong văn bia Văn miếu và các sách Đăng khoa lục; 8 vị đỗ Phó bảng. Các tác giả đều là những cán bộ có nhiều năm gắn bó với công tác nghiên cứu, quản lí các di tích lịch sử văn hóa nên đã đưa ra được nhiều tư liệu mới, xác thực, về mối quan hệ thế thứ, quê quán, hành trạng, cả các di tích liên quan đến các vị đại khoa, nhìn chung đáng tin cậy. Có thể nói, đây là cuốn sách đầu tiên về các Tiến sĩ Nho học của tỉnh Bắc Ninh, có giá trị tư liệu để tra cứu và tuyên truyền giáo dục rất tốt, góp phần tìm hiểu lịch sử giáo dục - khoa cử, lịch sử văn hóa Việt Nam ở xứ Bắc. Đây là ưu điểm nổi bật của cuốn sách, cũng là thành công và đóng góp của các tác giả.

    Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm và thành công trên, sách cũng bộc lộ một số bất hợp lí và khiếm khuyết, xin được trao đổi cùng các tác giả.

    1. Trước hết, sách thiếu tiêu chí xác định một người là "vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh"

    Đây là điều cần thiết của một cuốn sách viết về truyền thống khoa bảng của một địa phương, vì nếu không có tiêu chí đó thì sẽ không thể xác định đúng số lượng Tiến sĩ Nho học của địa phương được nghiên cứu. Theo tôi, tiêu chí chính để xác định một người là "vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh” trước hết là những người được sinh ra, lớn lên, ăn học và làm lí lịch đi thi, sau khi thi đỗ Tiến sĩ (thời Nguyễn có thêm học vị Phó bảng) về vinh qui bái tổ tại một làng, xã thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Để làm rõ điều này thì cần thiết phải có ít dòng về sự chuyển đổi địa lí hành chính của tỉnh Bắc Ninh trong lịch sử. Có lẽ do tác giả cho rằng đây là vấn đề "đã quá quen" nên không trình bày, song cần nhớ rằng, sách CVĐKTBN có đối tượng không chỉ là người tỉnh Bắc Ninh mà còn là người của tỉnh khác trong cả nước, cần phải nêu được diên cách hành chính của tỉnh Bắc Ninh qua các thời kì để người đọc chưa hiểu biết về tỉnh Bắc Ninh hình dung được rõ hơn.

    Chính vì không giải quyết được vấn đề cơ bản là xác định tiêu chí của một vị đại khoa Bắc Ninh trên cơ sở làm rõ những thay đổi về sự thay đổi hành chính của vùng đất này qua các thời kì nên các tác giả đã đưa vào danh sách các vị đại khoa Bắc Ninh một số Tiến sĩ đã được xác nhận là người của tỉnh khác. Xin nêu một vài trường hợp điển hình:

    Trường hợp thứ nhất là Hoàng giáp (không phải Tiến sĩ như ở chú thích 1, trang 79 của sách đã ghi) Hoàng Tế Mỹ hay Hoàng Phạm Thạnh (không phải Thạch): ông là con của Tiến sĩ Hoàng Nguyễn Thự (1749-1801), gốc làng Đông Bình (nay là thôn Đông Bình, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Hoàng Nguyễn Thự học Hương cống Phạm Gia Huệ làng Đông Ngạc (nay thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội) rồi được thầy gả con gái. Sau khi thi đỗ Hương cống, ông làm Tri huyện, vợ con vẫn ở lại Đông Ngạc. Sau đó ông đỗ Tiến sĩ khoa thi cuối cùng của nhà Lê (năm Đinh Mùi niên hiệu Chiêu Thống -1787).

    Hoàng Tế Mỹ được sinh ra, lớn lên và ăn học ở quê ngoại là làng Đông Ngạc, khi đi thi làm lí lịch tại làng này rồi lại xin lệ tịch ở đây. Như vậy, ông được coi là khởi tổ của họ Hoàng làng Đông Ngạc và Đông Ngạc là quê chính của ông (Đông Bình chỉ còn là quê gốc). Bia Văn miếu Huế và các sách Đăng khoa lục đều chép ông quê ở Đông Ngạc, không chép là làng Đông Bình.

    Tương tự như trên, cần phải "loại" khỏi danh sách các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh các Tiến sĩ sau đây: Dương Duy Nhất (số 152), quê ở xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Xương; Phí Lân (số 155) quê ở phường Diên Đại, huyện Quảng Đức (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Cả Hoàng giáp Vũ Cảnh (số 150) quê ở xã Dưỡng Động, huyện Thủy Đường cũ, nay là huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) cũng không nên đưa vào danh sách các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh, vì làng Kim Đào (thị trấn Thứa, huyện Lương Tài) chỉ là nơi ông trú quán.

    Cũng cần lưu ý, một số vị đại khoa được làng nào đó thờ thì chưa hẳn vị đó có quê quán tại đấy. Đó chỉ là nơi các vị đó được thờ làm Thành hoàng hay đặt Hậu thần làng mà thôi.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    2. Những điều không thật hợp lí

    Điều không hợp lí đầu tiên là đặt các vị Phó bảng vào phần Phụ lục II của cuốn sách. Học vị Phó bảng (được đặt từ năm Minh Mạng thứ 10 -1829) để ban cho những thí sinh cộng chung bốn kì thi Hội được từ 9 đến 4 điểm (theo thứ tự trên xuống), hoặc kì thứ 4 bị loại nhưng cộng cả 3 kì trước vẫn đạt 10 điểm; tuy thuộc diện "Phụ bảng" (không phải "Chính bảng") nhưng vẫn được coi là "Đại khoa". Vì vậy, cần đặt các vị này phần chính, không nên liệt kê ở phần Phụ lục.

    Điều không hợp lí thứ 2 là đưa cả Tạo sĩ (Tiến sĩ võ) Phạm Phiên hay Phạm Đình Phiên (số 338) vào danh sách các vị đại khoa làng Kim Đôi. Mục đích của cuốn sách này là đưa ra một danh sách các vị "Văn khoa", không phải "Võ khoa". Nếu đưa cả các Tiến sĩ võ thì danh sách "Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh" còn nhiều hơn con số 395 vị như sách đã chép. Theo sách Võ cử và các võ Tiến sĩ ở nước ta của tác giả Nguyễn Thúy Nga (Nxb.Thế giới,2003) thì ngoài Phạm Đình Phiên, tỉnh Bắc Ninh có thêm ít nhất 9 Tiến sĩ Võ nữa là: Mai Doãn Nhã (người xã Đông Bình, huyện Gia Bình, đỗ năm 1752), Nguyễn Đình Danh (đỗ năm 1736), Nguyễn Đình Khôi (đỗ năm 1743), Nguyễn Đình Cam (đỗ năm 1785) cùng ở xã Đặng Xá (cũ), nay thuộc xã Trừng Xá, huyện Lang Tài; Nguyễn Đức Luận (đỗ năm 1724), Nguyễn Đức Uông (đỗ năm 1731), Nguyễn Trọng Mại (đỗ năm 1763), Nguyễn Đức Trung (đỗ năm 1769), Nguyễn Đức Hiệp (đỗ năm 1772) đều ở xã Quế Ổ, huyện Quế Dương (nay thuộc xã Chi Lăng, huyện Quế Võ).

    Điều không hợp lí thứ 3 là xếp quê quán của một số vị đại khoa. Có thể coi trường hợp của Tiến sĩ Phạm Thiệu (số 332) là ví dụ điển hình. Theo các nguồn tư liệu thì Phạm Thiệu sinh ra lớn lên, ăn học ở xã Châu Khê (huyện Yên Phong) và làm lí lịch đi thi từ xã này rồi đỗ Tiến sĩ; sau đó mới về Kim Đôi lấy bà Từ Giáo - con Tiến sĩ Nguyễn Củng Thuận (số 324) để sinh sống lâu đời tại đây. Như vậy, xét về nguồn gốc thì Tiến sĩ Phạm Thiệu là người của họ Phạm nhưng ông không phải là vị khoa bảng sinh ra, ăn học, trưởng thành từ làng Kim Đôi mà từ làng Châu Khê. Không phải ngẫu nhiên mà tước được ban của Phạm Thiệu là "Châu Khê hầu" (người có tước hầu ở làng Châu Khê). Cho nên, đưa ông vào danh sách khoa bảng của làng Dủi e không chính xác và không thỏa đáng, cần phải "trả" ông về huyện Yên Phong.

    3. Một số Tiến sĩ không có trong thực tế

    Làng Kim Đôi xưa nay được coi là làng có 25 vị đại khoa, song CVĐKBN lại đưa ra con số 26 vị Tiến sĩ; trong khi tra lại trong các sách Đăng khoa lục thì thấy, làng chỉ có 21 vị. Năm vị đại khoa bị chênh so với các sách Đăng khoa lục và một vị bị chênh so với câu ca trên là do:

    - Sách đưa thêm ông Nguyễn Nhân Bỉ (mà từ trước đến nay, các sách đều chép là Nguyễn Nhân Bị, đỗ hai lần (vào các năm 1466 và 1481). Điều này có thể chấp nhận được vì hiện còn tấm bia do Trạng nguyên Lương Thế Vinh soạn năm Giáp Thìn niên hiệu Hồng Đức (1484), đã được một số nhà nghiên cứu thẩm định.

    - Chép thêm Tạo sĩ Phạm Đình Phiên (đã nêu ở trên).

    - Chép thêm hai vị Tiến sĩ cùng tên là Nguyễn Bá Tuấn, cùng đỗ khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Cảnh Thống (năm 1499). Trên thực tế, không có sách nào chép có Tiến sĩ Nguyễn Bá Tuấn nào quê ở làng Kim Đôi; bia Văn miếu ở Bắc Ninh và Thăng Long cũng như sử sách cũ đều không ghi có hai Tiến sĩ cùng mang tên Nguyễn Bá Tuấn, cùng đỗ khoa Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống nêu trên như CVĐKBN; chỉ chép có một Nguyễn Bá Tuấn (với những quê quán khác nhau - tùy từng sách), đỗ khoa nêu trên, vào tháng 11 năm Kỷ Tị (1509) giữ chức Tổng binh Thiêm sự Thanh Hoa, là một trong những "yếu nhân" góp công vào cuộc "Nội phản" của Giản Tu công Oanh (vua Lê Tương Dực), đoạt ngôi vua của Uy Mục, nên được thăng làm Thượng thư Bộ Lễ, tước Do Lễ bá, tháng 8 năm Bính Tý (1516), được cử đi vỗ yên các huyện thuộc phủ Từ Sơn, về đến huyện Quế Dương thì bị người làng giết"(3).

    - Chép thêm Tiến sĩ Nguyễn Bá Tấn: cùng đỗ khoa Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống (1499), làm quan đến Hiến sát sứ. Tuy nhiên, sử cũ cùng bia Văn miếu ở Bắc Ninh và Thăng Long, các sách Đăng khoa lục đều không chép một Tiến sĩ Lê Đình Tấn nào quê Kim Đôi, chỉ ghi một người là Lê Đình Tấn, người huyện Vũ Ninh (với những quê quán khác nhau - tùy sách), đỗ Tiến sĩ khoa thi trên nhưng không rõ chức quan.

    Như vậy, nếu kể cả Tạo sĩ Phạm Đình Phiên thì làng Kim Đôi chỉ có 23 vị đại khoa. Không đủ tư liệu để khẳng định các Tiến sĩ Nguyễn Bá Tuấn và Lê Đình Tuấn người làng Kim Đôi.

    4. Những sai sót và nhầm lẫn

    - Hoàng giáp Nguyễn Tự Cường (số 7) với tư tưởng trung quân đã tử tiết cùng với thầy là Tiến sĩ Đàm Thận Huy (số 24) vào tháng Chạp năm Ất Dậu (đầu năm 1526), không phải đến năm Mậu Thân (1548) để phản đối Mạc Đăng Dung thu vén quyền lực, mưu toan thoán ngôi nhà Lê.

    - Tiến sĩ Nguyễn Công Hãng (số 88) bị Trịnh Giang giết, không phải Trịnh Cương (Nguyễn Công Hãng là bề tôi thân tín của Trịnh Cương, rất được Trịnh Cương tin dùng).

    - Tiến sĩ Phạm Đình Dư (số 335) cần ghi rõ năm sinh là Nhâm Tuất (1742) và người lộng quyền thời gian này là Nguyễn Hữu Chỉnh, không phải Nguyễn Hữu Cảnh (có lẽ do đánh máy nhầm).

    - Tiến sĩ Phạm Đình Châu (số 333) đỗ năm Chính Hòa thứ sáu là năm 1685, không phải 1683.

    Các tác giả cũng có những sai xót và nhầm lẫn trong việc qui đổi năm âm lịch với năm dương lịch như Tiến sĩ Nguyễn Hồi (số 57) sinh năm 1664 là Giáp Thìn, không phải Giáp Dần. Trang 109, ở chú thích 1, qui đổi năm Thành Thái thứ 3 là năm 1931, thực tế là năm 1891 (có lẽ cũng do đánh máy). Một số con tính bị nhầm như Tiến sĩ Hoàng Hiếu(số 312) có năm sinh, năm mất (1371-1442) thì thọ 52 tuổi, không phải 50 tuổi. Bên cạnh đó, một số chỗ ghi học vị Cử nhân không đúng thời điểm của các vị đại khoa: Nguyễn Thì Hạnh (số 35, đỗ Tiến sĩ năm 1523), Nguyễn Trọng Đột (số 58, đỗ Tiến sĩ năm 1748). Học vị Cử nhân chính thức ra đời tại khoa Mậu Tý đời Minh Mạng (năm 1828).

    Khi sử dụng các tư liệu cũ, cũng cần phải khảo lại để xem độ chính xác, tin cậy của chúng để có sự cải chính. Song các tác giả lại không chú ý đúng mức việc này. Xin nêu ba ví dụ:

    - Trang 122, các tác giả viết Tiến sĩ Nguyễn Thừa Hưu (số 215) là cha của Tiến sĩ Nguyễn An (số 264) song hai người lại ở hai huyện khác nhau (Nguyễn Thừa Hưu quê ở xã Vĩnh Thế, huyện Siêu Loại; còn Nguyễn An lại ở xã Đông Xuyên, huyện Yên Phong) mà không có một lời giả thích, làm cho người đọc không hiểu rõ ngọn nguồn.

    - Trang 123, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Kính (số 220) là cha của Tiến sĩ Nguyễn Lễ Cung (số 221), nhưng hai người chỉ chênh nhau có 14 năm (Khắc Kính sinh năm 1542, còn Lễ Cung sinh năm 1556) là điều khó có thể có trong thực tế. Cũng vậy, cặp cha con vị Tiến sĩ Ngô Sách Thí (số 13, sinh năm 1632) và Ngô Sách Tuân (số 14, sinh năm 1640) chỉ chênh nhau có 8 năm là điều không thể có trong thực tế.

    Bên cạnh những sai sót, nhầm lẫn về tư liệu, sách Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh còn có những sai sót về lỗi kĩ thuật điển hình là đánh máy sai năm sinh của Tiến sĩ Nguyễn Hiến (số 253) là năm 1540 (thực tế là năm 1450). Lỗi chính tả cũng có như Di trúc (trang 76), Kinh Bắc sứ (trang 107), không lên xây dựng (trang 178).

    Mặc dù có một số điểm không hợp lí, sai sót và nhầm lẫn trên, nhưng sách Các vị đại khoa tỉnh Bắc Ninh vẫn mang giá trị khoa học nhất định của nó.

    Chú thích:
    (1) Lê Viết Nga chủ biên, Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh xuất bản, 2003, khổ 20,5x14,5cm, 228 tr.
    (2) Phan Huy Chú: Lịch triều hiến chương loại chí, Tập I, Nxb. KHXH, H. 1992.
    (3) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 2, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2004, tr.557./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (76) 2006; Tr.66-75)
     

Share This Page