Văn miếu và Văn miếu phủ Tam Đới thời Lê

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    VĂN MIẾU VÀ VĂN MIẾU PHỦ TAM ĐỚI THỜI LÊ

    PGS.TS. Đinh Khắc Thuân
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm

    1. Văn miếu tức miếu văn, trong chừng mực nào đó để dễ cắt nghĩa, có thể liên hệ với Võ miếu tức miếu võ. Có nghĩa là miếu văn là nơi phụng thờ các vị tiền bối về văn cử, còn miếu võ là nơi thờ về võ nghiệp.

    Nhà Lý định đô ở Thăng Long năm 1010, thì đến năm 1070 vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn miếu, sau cho lập Quốc tử giám để Hoàng thái tử học ở đấy. Thời Lê, triều đình cho dựng bia để ghi lại các khoa thi và tên người đỗ đại khoa. Như vậy Văn miếu - Quốc tử giám ở Thăng Long không chỉ là nơi thờ Khổng Tử và các bậc hiền triết, mà còn là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước, đồng thời còn là nơi nêu gương truyền thống hiếu học, khoa bảng - là biểu tượng của truyền thống Nho học.

    Khi nhà Nguyễn dời đô vào Huế, triều đình cho xây dựng Văn miếu Huế ở gần chùa Thiên Mụ và khu Võ miếu. Văn miếu ở đây có quy mô nhỏ bé hơn nhiều so với Văn miếu ở Thăng Long, chủ yếu chỉ là nơi thờ phụng các vị Tiên hiền và để dựng bia Tiến sĩ.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Cũng trong thời kỳ nhà Nguyễn, các tỉnh có văn miếu riêng, cũng để tế lễ và dựng bia đề danh các vị đỗ đạt trong tỉnh. Hiện nay có Văn miếu Hưng Yên và Văn miếu Bắc Ninh còn được bảo lưu khá tốt, nhất là Văn miếu Hưng Yên một trong những Văn miếu hàng tỉnh quy mô nhất hiện còn.

    Nếu ở kinh đô có Văn miếu thì ở các địa phương có Văn từ, Văn chỉ phụng thờ các bậc Tiên hiền và là nơi sinh hoạt của Hội Tư văn địa phương.

    Hội tư văn, bao gồm những người đỗ đạt và Nho sĩ của huyện hay của làng xã. Tư liệu văn bia cho biết dưới thời Mạc thế kỉ XVI đã có Hội tư văn hàng huyện, như văn bia Tiên hiền từ bi dựng năm Sùng Khang thứ 9 (1574) tại Tiên Lãng, Hải Phòng, ghi Hội Tư văn huyện Tân Minh gồm khoảng 180 vị Nho học của 10 tổng trong huyện tham gia dựng đền thờ Tiên hiền(1).

    Thời Nguyễn, không chỉ có Văn từ hàng huyện, hàng phủ và cấp tỉnh mà còn có Văn chỉ hàng tổng và của làng xã. Có khá nhiều văn bia cho biết các địa phương dựng Văn chỉ, Văn từ thờ cúng Tiên hiền và ghi tên người đỗ đạt, đồng thời để khuyến khích việc học và phát huy truyền thống hiếu học ở địa phương.

    2. Thời Lê - Trịnh, số Văn từ ở hàng phủ được dựng không thật nhiều, trong đó nổi bật là Văn từ phủ Tam Đới. Tuy dấu tích đã mai một, song bài văn bia của Văn từ này dựng năm Nhâm Ngọ niên hiệu Chính Hòa thứ 23 (1702) hiện còn đã cho biết khá cụ thể Văn từ phủ Tam Đới thời Lê - Trịnh.

    Bia trụ khá to, gồm 4 mặt, khổ 120x60cm. Trên 4 mặt bia khắc kín bài văn bia bằng chữ Hán, tiêu đề của mặt 1 Tu tập từ vũ bi, mặt 2 là Hưng công, mặt 3 và 4 là Tín thí, mặt 4 để trơn. Nội dung văn bia ở mặt 1 ghi bài kí về việc dựng Văn từ phủ Tam Đới. Bài văn bia do Tiến sĩ khoa Ất Sửu (1685), chức Tri Thị nội Thư tả Binh phiên Bồi tụng Hộ khoa Đô cấp sự trung Nguyễn Công Đổng (1661-1717) người xã Đổng Khê huyện Thanh Lâm soạn; Bản phủ nha môn Đề lại Nguyễn Gia người xã Dục Tú huyện Đông Ngạn viết chữ. Các mặt bia khác ghi tên người hưng công và công đức. Nội dung văn bia khá phong phú, được dịch như sau:

    Văn bia ghi việc tu tạo từ vũ
    Đạo của Thánh nhân rộng lớn, công của Thánh nhân bao la, từ Đế vương đến sĩ thứ không ai không tôn kính. Bởi lẽ là chăm lo dạy dân, giáo hóa dài lâu. Đạo Thánh nhân sáng cùng nhật nguyệt; thành đạo chính thống, mở cảnh thái bình; công của Thánh nhân vững ngang trời đất, giúp thiên hạ, thật là lớn lao vậy. Lẽ nào không được thiên hạ báo đáp sao?

    Nước Việt ta là nước văn hiến, tôn sư trọng đạo có từ cổ xưa vậy. Do đó ở kinh đô thì có quốc học, ở quận (địa phương) có hương học, là nơi dạy dỗ đào tạo nhân tài, là con đường tiến thân của sĩ tử.

    Phàm là trong việc học, đều phải lập từ vũ để phụng thờ Thánh nhân và phối thờ tứ vị đại hiền, cùng phụ thờ thập triết. Làm như vậy để sáng tỏ lễ giáo. Có Tiên thánh, Tiên sư mới khiến người học biết đến Thái sơn, Bắc đẩu (người được thiên hạ ngưỡng mộ) vậy.

    Kính nay học xá phủ Tam Đái dựng tại xã Cao Xá huyện Bạch Hạc. Quy mô tôn nghiêm, hình thế kì tú, có đỉnh Tam Đảo phát mạch đạo uốn chầu; sau có núi Tản Viên làm giá đỡ bút nghiên bày ra la liệt; trước là sông lớn cận kề mênh mông bờ Thánh (nhân), dòng phái nhỏ quấn quít trong xanh dòng Trí (giả). Tám phương sông núi ôm chầu trùng điệp, chẳng phải do tạo hóa an bài cơ chỉ sao?

    Trước ngày từ vũ được dựng, có chính điện và tiền đường. Tiền đường có mái rèm, điện có tường xây lợp mái. Sau được tu tạo quy mô to lớn theo như cách thức từ đầu, nhưng mới sơ lược chưa được hoàn hảo, cũng chưa có bài văn ghi việc Thánh nhân vun trồng đạo lí và ngợi khen người làm việc thiện.

    Nay có Tri phủ Đình Sơn nam Nguyễn Sĩ Vinh, Đồng Tri phủ Nguyễn Hữu Danh cùng đỗ đạt, cùng nhậm chức ở Thừa tuyên cai quản việc dân. Việc phụng sự Thần cần cẩn trọng, nên phải phân chia các chức sắc lo liệu. Giám sinh Trương Đăng Khoa, Trương Đăng Khôi, Đề lại ở phủ Lưu Văn Vinh, Trần Ánh, Lại viên huyện Bạch Hạc là Ngô Trâm, xã trưởng Nguyễn Tiến Sách, Sinh đồ Hà Khắc Tuấn, Nguyễn Phác, Nguyễn Thế Minh. Những người này đều luôn nuôi dưỡng tâm phúc, giữ mãi đạo trời vậy. Ai nhìn thấy văn miếu này, hiển nhiên đều nghĩ đến công đức lớn lao dựng cung thờ, đặt nền nhân chỉ. Họ lại cùng thương lượng bỏ tiền của gia tư xây dựng thêm.

    Khi này Huyện thừa huyện Bạch Hạc là Lê Đăng Tương, Giám sinh Nguyễn Công Phụ, Phủ lại Đỗ Văn Bị, Viên lại huyện Bạch Hạc Đỗ Tuấn Đức, Viên lại huyện Lập Thạch Nguyễn Quang Hoa, Xã trưởng Tô Đăng Doanh, Thôn trưởng Tô Quang Ánh là người trọng đạo khinh tài, cùng có tâm đạo, đồng tâm hiệp lực công đức tu tạo. Chỗ nào chưa có thì làm thêm, chỗ nào chưa hoàn hảo thì làm cho đẹp. Cả thảy chính điện 5 gian, cột xà sơn son lộng lẫy. Tiền đường 3 gian chạm lộng. Hai bên tu tạo hai gian dải vũ, làm mới một cây cầu 7 gian. Chính điện, tiền đường trong ngoài đều lợp ngói, sửa chữa chỗ dột nát. Trước sau khuôn viên đều xây tường bao. Trước đây nghi môn ở gần bờ nước, nay chuyển vào gần đường, tu sửa thêm. Hai cửa trang trí hình rồng, lại tạo tượng Thánh hiền. Nhân cũ mà làm thêm tòa Thập triết theo như trước vậy. Lại tái tạo một biển văn đề ba chữ đại tự là “Văn miếu điện”. Biển được sơn son, chữ được dát vàng, treo ở gian giữa tòa tiền đường.

    Mọi việc đều hoàn tất. Khởi công từ năm Đinh Sửu (1697) đến năm Tân Tỵ (1701) thì hoàn thành. Nay thấy cung thờ to lớn, tường cao thềm bậc sừng sững, sân đình rộng rãi, chế độ quy mô, mới tươi văn vật, uy nghi xán lạn, đẹp đẽ thay!

    Người dân biết đến đường do nghĩa, kẻ sĩ có cửa nhập đạo, mọi việc đều như chim bay cá nhảy, hết thảy từ đây mà hưng phát vậy. Nhạn tháp cung trăng, khách nhờ đó mà thăng tiến; Hiên hòe gai góc, bề tôi từ đây mà được tin dùng. Dân sinh nhờ đó mà mệnh mạch nối dài, cơ đồ xã tắc được đắp bồi ở đây. Lẽ nào không ghi ơn công đức phù giúp, bồi đắp này; thêm nữa việc khởi xướng tu tạo là tôn vinh Thánh đạo, gây dựng tư văn làm phồn thịnh Nho phong, giúp thời trị bình mãi mãi. Nhờ đó mà nơi đây, phủ thành được bậc đại hiền tài cai quản, thôn ấp có hiền nhân đảm nhận, kẻ sĩ hiền tài được chọn dùng, lại viên hiền tài lo việc. Để hiểu được ân đức Thánh hiền tất ghi lại trên bia, sáng tỏ vằng vặc, thọ phú dài lâu. Con cháu đời đời khoa bảng, muôn thủa hưởng ân trạch Thánh nhân.

    Mừng cho ý chí đó, vui về công việc đó đã phấn chấn đạo Thánh hiền trong tôi. Vì thế làm bài văn ghi lại.

    Ngày lành tháng mạnh xuân năm Nhâm Ngọ, Hoàng triều Chính Hòa thứ 23 (1702) dựng bia.

    Tiến sĩ khoa Ất Sửu, chức Tri Thị nội Thư tả Binh phiên Bồi tụng Hộ khoa Đô cấp sự trung Nguyễn phủ(2) người xã Đồng Khê huyện Thanh Lâm soạn văn bia. Bản phủ nha môn Đề lại Nguyễn Gia người xã Dục Tú huyện Đông Ngạn viết chữ. Công đức cúng 5 quan tiền.

    Hưng công

    Xã sử Nguyễn Thế Bình người xã Bình Lỗ huyện Yên Lạc cúng 5 quan tiền sử. Xã chính Nguyễn Đức Nhuận người xã Y Kì huyện Phù Khang cúng 5 quan 5 mạch tiền sử. Tri huyện Đặng Danh Nho người xã Trung Vực huyện Lôi Dương cúng 5 quan tiền cổ. Bản phủ nha môn đề lại công đức cổ tiền 8 quan 6 mạch. Đồng Tri phủ Diệu Hải nam Phạm Chính Học người Hạ Yên Quyết huyện Từ Liêm cúng 7 quan tiền cổ.

    Phụ công: Đề lại Nguyễn Quang Hoa người Đông Ngạc huyện Từ Liêm cúng 7 quan, 9 mạch 30 văn tiền sử; Đề lại Đỗ Tuấn Đức người Đông Ngạc huyện Từ Liêm cúng 10 quan tiền sử; Giám sinh Phạm Công Phụ người Xa Mạc huyện Yên Lạc cúng 51 quan 3 mạch tiền sử; Huyện thừa Lê Đăng Tướng người Lỗ Hạ huyện Gia Phúc cúng 52 quan tiền sử.

    Khởi thủy công đức: Xã sử Tô Đăng Doanh người xã Cao Xá huyện Bạch Hạc cúng 16 quan, sau lại cúng 1 quan tiền sử; Thôn trưởng Tô Quang Ánh người Bằng Đắng huyện Bạch Hạc cúng 9 quan, sau lại cúng 2 quan tiền sử; Sinh đồ Nguyễn Thế Minh cúng 14 quan...

    Đồng Tri phủ Nguyễn Hữu Danh người Linh Đường huyện Thanh Trì cúng 54 quan tiền sử; Tri phủ Đình Sơn nam Nguyễn Sĩ Vinh người Mi Sơn huyện Thanh Chương cúng 120 quan tiền sử; Tri phủ nha môn quan viên tử Nguyễn Bản, con trai Nguyễn Lê cúng 5 quan tiền sử, Nguyễn Văn Đậu người Ỷ La huyên Từ Liêm cúng 1 quan tiền sử.

    Công đức

    Hiến sát sứ Hiến sát sứ ty Sơn Nam là Nguyễn Quốc Cương người Bình Lục huyện An Lạc và Hiến sát phó sứ Bùi Đôn Tư cùng cúng 5 quan tiền.

    Giám sát ngự sử đạo Sơn Nam là Tô Thế Huy người xã Bình Vọng huyện Bạch Hạc cúng 3 quan tiền cổ. Hiến sát phó sứ Lê Toàn Đăng người Thanh Mai huyện Tiên Phong cúng 1 quan tiền cổ.

    Quan chức nha môn huyện Lập Thạch cúng 36 quan 5 mạch tiền sử, gồm Tô Đĩnh, Chu Viên, Lê Hưng Vận, Nguyễn Quang Lân, Ngô Đăng Cao, Nguyễn Bảng Kiêm, Đào Cảnh, Lê An, Phạm Hữu Trinh, Lê Duy Lễ....

    Lại viên nha môn huyện Phù Khang, gồm Trần Vinh, Nguyễn Trung Uẩn, Lê Tiến Tường, Phạm Đoạn, Bùi Văn Hán...

    Viên lại nha môn huyện Yên Lãng cúng 6 quan 5 mạch tiền cổ, gồm Bùi Tiến Gián, Hoàng Hữu Đạo, Ngô Tiến Tài, Lâm Tiến Toàn...

    Viên lại nha môn huyện Yên Lạc cúng 5 quan tiền cổ, gồm Trần Đăng Tướng, Nguyễn Mậu Đức, Nguyễn Duy Đổ...

    Viên lại nha môn huyện Bạch Hạc, viên lại nha môn huyện Tiên Phong cúng 2 quan tiền cổ, gồm Nguyễn Đình Uyển, Vũ Như Lục, Trần Hữu Sơn, Đỗ Duy Đồn, Ngô Bảo...

    Quan lại nha môn huyện Tiên Phong cúng 2 quan 2 mạch tiền cổ.

    Hiệu quan bản phủ: Nguyễn Sĩ Bạt. Toàn xã Cao Xá cúng 4 quan tiền cổ, Tư văn xã Phù Chẩn cúng 3 quan tiền cổ, Tư văn xã Định Hương cúng 3 quan 3 mạch tiền sử.

    Xã Địa Tang cúng 1 quan 8 mạch tiền cổ. Tư văn xã Kim Thìa cúng 1 quan 18 văn tiền cổ. Tư văn xã Tây Đằng cúng 1 quan tiền cổ. Tư văn xã Trạch Mi cúng 1 quan 3 mạch tiền sử. Tư văn xã An Đô cúng 1 quan tiền sử. Toàn xã Phương Châu cúng 1 quan tiền sử. Toàn xã Phúc Xuyên cúng 1 quan tiền sử. Toàn xã Hoắc Xa cúng 1 quan tiền sử. Tư văn hai xã Văn Trưng và Lăng Trưng cúng 1 quan tiền cổ. Toàn xã Hoa Ngạc cúng 1 quan tiền sử. Toàn thôn Phú Thị xã Sơn Đông cúng 1 quan tiền sử.

    Sinh đồ Vũ Công Tướng cúng 1 quan 5 mạch tiền cổ; Đỗ Quốc Du cúng 1 quan 2 mạch tiền cổ; Nguyễn Trinh, Tô Văn Tú, Văn Thời Bảo, Nguyễn Kế Đăng, Lê Quang Đăng, Nguyễn Đăng Toàn, Nguyễn Đăng Xuân, Tạ Duy Thuần, Lê Tiến Dụng, Đặng Duy Giám, Đặng Hưng Tướng, Nguyễn Đệ Đăng, Nguyễn Hữu Minh, Tô Thế Vinh, Nguyễn Đăng Vinh, Đặng Hiền Phụ, Tô Văn Sơn, Nguyễn Hữu Đạo, Tô Văn Trạch, Phạm Văn Đĩnh, Đặng Hữu Đức, Hoàng Vinh Đạt, Đỗ Xuân Vi, Nguyễn Thế Giáo, Phạm Xuân Hoàn, Phạm Kỳ, Lê Duy Hàn, Trần Sách, Nguyễn Thế Nhậm, Đặng Thế Ngũ, Đặng Thế Giám, Đàm Đức Nhân, Nguyễn Đăng Bình, Khổng Tuyên cúng từ 6 mạch đến 1 quan 2 mạch.

    Đặng Thị Chung, nam tử Sinh đồ Lê Hữu Chí, Lê Hữu Quang, Đặng Văn Sinh người xã Mộ Châu cúng 3 quan tiền sử.

    Trần Hữu Danh, Trần Công Minh và vợ Vũ Thị Cận cúng 6 mạch tiền cổ; Đặng Đắc Vinh, Nguyễn Đình Thuyên, Nguyễn Đăng Bình, Nguyễn Viết Quý, Nguyễn Thế Tích, Phạm Quang Sủng, Lê Sĩ Chấn, Trương Quang Huy... cúng mỗi người 3 mạch tiền sử”(3).

    Như vậy, từ thời Lê trở về trước, ở kinh đô có Văn miếu Quốc tử giám, thì ở địa phương có Văn từ hàng phủ. Văn từ này có quy mô như Văn miếu hàng tỉnh vào thời Nguyễn.

    Văn từ phủ Tam Đới vào thời Lê được văn bia cho biết, gồm “Chính điện 5 gian, cột xà sơn son lộng lẫy. Tiền đường 3 gian chạm lộng. Hai bên hai gian dải vũ, cùng một cây cầu mới 7 gian. Chính điện, tiền đường trong ngoài đều lợp ngói. Trước sau khuôn viên đều xây tường bao. Nghi môn trước ở gần bờ nước, nay chuyển vào gần đường, tu sửa thêm. Hai cửa trang trí hình rồng, lại tạo tượng Thánh hiền, làm thêm tòa Thập triết. Lại tái tạo một biển văn đề ba chữ đại tự là Văn miếu điện. Biển được sơn son, chữ được dát vàng, treo ở gian giữa tòa tiền đường”. Có nghĩa là văn từ Tam Đới đã có từ trước, đến năm Chính Hòa thứ 23 (1702) thì tu bổ hoàn hảo. Trước là Nghi môn (chứ không phải Tam quan như ta thường gọi), sau đến sân thềm, hồ nước trên có cầu 7 gian lợp mái. Hai bên là hai dãy dải vũ. Tiếp đến là tiền đường 3 gian, sau cùng là chính điện 5 gian, cột xà sơn son lộng lẫy, trong ngoài đều lợp ngói. Trước sau khuôn viên đều xây tường bao. Trên điện đặt tượng Thánh hiền, cùng tòa Thập triết(4). Trên gian giữa tòa Tiền đường có biển văn đề 3 chữ lớn là Văn miếu điện.

    Rõ ràng là Văn từ Tam Đới khi này có quy khá hoàn chỉnh, điện thờ có tên gọi là Văn miếu điện (Điện Văn miếu). Nơi đây không chỉ là nơi phụng thờ Tiên hiền mà còn là nơi diễn ra các hoạt động của tư văn trong vùng, có vai trò to lớn trong việc khuyến học và khoa bảng ở cả vùng Tam Đới xưa.

    Tỉnh Vĩnh Phúc hiện không còn Văn miếu, song văn bia về Văn từ phủ Tam Đới dựng vào thời Lê cho biết đây chính là tiền thân của Văn miếu hàng tỉnh của Vĩnh Yên về sau. Đến thời Nguyễn, tỉnh này cũng đã được dựng Văn miếu với quy mô khá lớn như nội tẩm, ngoại cung, tế đường, nhà Khải Thánh và nhà Hội đồng…

    Đây là những tư liệu hết sức phong phú về Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ. Những di tích này hầu hết được duy trì, tu bổ và tái tạo, nhằm phát huy truyền thống hiếu học của cha ông trong thời kỳ đổi mới đất nước hiện nay.


    Chú thích:
    (1) Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc, Nxb. KHXH, H. 1996, tr.166-170.
    (2) Tức Nguyễn Công Đổng (1661-1717) người xã Đồng Khê huyện Thanh Lâm, nay thuộc xã An Lâm huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương. 25 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Sửu niên hiệu Chính Hòa thứ 6 (1685) đời Lê Hy Tông. Làm quan đến chức Đô ngự sử.
    (3) Văn bia đã có thác bản tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: N0.5109-12.
    (4) Thập triết là Mẫn Tổn (536-97 TCN), Nhiễm Ung (522-483 TCN), Đoan Mộc tử (520-483 TCN), Trọng Do (542-481 TCN), Bốc Thương (507-420 TCN), Nhiễm Canh (544-505 TCN), Tể Dư (520-481 TCN), Nhiễm Cầu (522-462TCN), Ngôn Yển (506-443 TCN) và Chuyên Tôn Sư (503-446 TCN).


    Tài liệu tham khảo
    1.Phan Đại Doãn: Một số vấn đề Nho giáo Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 1998.
    3. “Lược khảo khoa cử Việt Nam, từ khởi thủy đến khoa Mậu Ngọ”, in trong Nhà sử học Trần Văn Giáp, Nxb. KHXH, H. 1996.
    4. Nguyễn Hữu Mùi: “Nghiên cứu văn bia khuyến học Việt Nam”, luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 2006.
    5. Đinh Khắc Thuân: Văn bia thời Mạc, Nxb. KHXH, H. 1996.
    6. Nguyễn Tài Thư: Nho học và Nho học ở Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. KHXH, H. 1997./.


    (Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (84) 2007; Tr. 15 -20)
     

Share This Page