Văn tế tổ sư ca trù ở xứ Nghệ

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 4, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    NGUYỄN NGHĨA NGUYÊN
    Nhà giáo, Nghệ An.

    Xứ Nghệ trước đây gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Các phường hội nhà trò, nhà tơ hai tỉnh tế tổ sư cùng một nơi ở Điện Xứ (Xứ Nghệ) đặt tại Cổ Đạm thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Điện Xứ đồng thời là đền thờ Thành hoàng của làng Phú Giáo thuộc xã Cổ Đạm tổng Cổ Đạm. Điện nguy nga xây dựng trên một cồn đất cao rộng ngoài làng, bên phải là nhà thờ tổ họ Phan, bên trái là nhà thờ tổ họ Nguyễn - hai họ lớn nhất làng theo đuổi nghề cầm ca. Điện hướng về núi Cầm (Cầm Sơn, núi Đàn), một trong 99 chỏm núi của dãy Hồng Lĩnh, có dòng Trai Thủy chảy qua đêm ngày róc rách như tiếng sênh, tiếng phách.

    Ở Điện Xứ hàng năm đến ngày 11 tháng Chạp, giáo phường 12 phủ huyện ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh kéo nhau về mở hội dâng hương lên tổ sư, đua tài đàn hát mấy ngày liền. Còn lại các kỳ lễ tết trong năm đều do dân làng Phú Giáo phụng sự. Nơi đây có thể coi là trung tâm thờ tổ sư ca trù, sách Việt Nam ca trù biên khảo(1) có ghi lại sự tích như sau: vào đầu thời Lê, tại làng Cổ Đạm huyện Nghi Xuân có một chàng trai tên là Đinh Lễ, tính tình phóng khoáng không thích công danh, chỉ vui với một cây đàn. Một hôm chàng trai ôm đàn vào rừng tiêu khiển gặp hai vị tiên là Lý Tiết Quài và Lã Động Tân cho một khúc gỗ ngô đồng và một bản mẫu vẽ cây đàn, theo đó mà làm cây đàn khác với các loại đàn nguyệt, đàn tỳ bà thông dụng. Đó chính là cây đàn đáy ngày nay. Tiếng đàn có sức hấp dẫn kỳ lạ. Chàng mang đàn đi khắp mọi nơi, đến đâu cũng được mọi người hâm mộ. Một ngày chàng đi đến châu Thường Xuân - Thanh Hóa. Viên quan châu ở đó là Bạch Đình Sa có người con gái là Bạch Hoa nhan sắc tuyệt trần nhưng bị chứng câm, may nhờ tiếng đàn của chàng mà nàng ấy bỗng nhiên khỏi bệnh. Hai người nên vợ nên chồng và sống với nhau rất hạnh phúc. Chồng đàn giỏi, vợ hát hay, họ lại sáng tạo ra nhiều điệu mới lạ như hát nói, hát thơ, hát thống, hát dồn… là những điệu trong lối hát ả đào. Rồi hai vợ chồng cùng nhau đi chu du đây đó, họ dừng lại nhiều ngày ở đất Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) và làng Ngọc Trung (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa)(2), rồi hai người lại trở về quê sinh ở Cổ Đạm lập nghiệp. Đinh Lễ được các vị tiên trên trời đón về thượng giới để học đạo. Nàng Bạch Hoa bèn phát tán hết mọi gia tài rồi đóng cửa dạy cho đám con em trong làng đàn hát. Về sau nàng cũng không bệnh
    mà mất. Dân làng Cổ Đạm và các đệ tử nhớ ơn lập đền thờ gọi là đền Bạch
    Hoa công chúa. Lịch triều phong tặng Đinh Lễ là Thanh Xà đại vương, Bạch Hoa là Mãn Đào Hoa công chúa.

    Hiện nay, cũng tại địa chỉ nêu trên chúng tôi mới phát hiện một bài văn tế tổ sư ca trù đọc trong lễ cầu phúc đầu năm của ty giáo phường hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Bài này được chép trong một cuốn sách viết tay không đề rõ năm tháng, nội dung gồm những bài văn tế ở các đền miếu của làng Phú Giáo. Thiết nghĩ đây là một tài liệu có thể giúp ích cho việc nghiên cứu lịch sử ca trù, chúng tôi xin phép được giới thiệu toàn văn như sau:

    Phiên âm:

    Nghệ An Hà Tĩnh lưỡng tỉnh giáo phường ty đệ niên kỳ phúc lễ văn thức

    Đức thánh Lưu hoàng thánh phụ cương chính hùng đoán dũng lược khuông quốc ủng đức thuần hòa, Hán Hiếu Vũ hoàng đế ngọc bệ hạ.

    Phi tần thánh mẫu trinh thục gia hạnh phương thục chính ý đoan trang Thái hậu nội cung tần, đại vương phu nhân bệ hạ.

    Thánh nữ tử tiên sư trinh thục tĩnh từ huệ phương dung cẩn khiết chính nhất khuông cù Mãn Đường Hoa công chúa, đại vương phu nhân vị tiền.

    Quốc tế thông minh dũng quyết anh uy trợ quốc tuệ lãng minh đoán Thanh Xà Đại vương, tặng phong mỹ tự tôn thần.

    Chính vận trung hòa đông chi chủ.

    Hậu truyền Tham tán Đinh chi thần.

    Viết: Tư duy đệ niên, lệ hữu kỳ phúc, kính hiệp tế thức nhị trần lễ số. Phục vọng giám lâm mặc thùy bảo hộ sắt gia huyền, nam thanh nữ tú tứ dĩ cát hưởng tỷ hưởng.

    A Cái đào nương phu nhân truyền nghệ truyền xướng thập nhị tính.

    Tiền Vũ Huân tướng quân, Đô hiệu điểm ty, Hữu hiệu điểm, phong tặng Quang Tiến trấn quốc thượng tướng quân, Đô đốc phủ Đô đốc, thụy Cương Nghị Phan tướng công, phụng gia tăng Đoan Túc dực bảo trung hưng tôn thần.

    Tiền vương phủ thị nội cung tần Phan thị, hiệu Diệu Duyên.

    Tiền Phụ quốc công thần, Sơn Nam xứ trấn thủ, Trung Dực quân doanh Đô đốc phủ Tả Đô đốc chưởng phủ sự, Thái tể, gia Quận công, Đặng tướng công chính thất ấm phong Quận phu nhân, hiệu Diệu Cẩm.

    Tiền Hoài Viễn tướng quân, Chỉ huy sứ ty, Chỉ huy xứ Tăng Thọ hầu, phong tặng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Đô đốc, Tả đô đốc, Tăng Quận công, tứ thụy Hòa Đạt, phụng gia tặng Dực Bảo trung hưng tôn thần.

    Tiền vương phủ Tiệp dư, tứ hiệu Phương Viên, phong tặng Tu Nghi Phan thị, hiệu Diệu Thông.

    Tiền Giáp Tuất khoa Tiến sĩ, Đặc tiến Kim tử đại phu, Bồi tụng trí sĩ, Nhập thị kinh diên, Bình chương sự kiêm Nhập thị Tham tụng, Quốc sử tổng tài, ấm phong Lễ bộ Tả Thị lang, Khuê Phong hầu, hiệu Thận Trai, thụy Văn Đạt tướng công.

    Tiền Ất Mùi khoa Tiến sĩ, Dụ Am tiên sinh, hiệu Thụy Nham, thụy Văn Hiến Phan phủ quân.

    Tiền Kỷ Hợi Thịnh khoa Tiến sĩ, Hàn lâm viện đãi chế, Thiêm sai tri công phiên, tặng Hàn lâm viện thị giảng, Mỹ Xuyên bá, hiệu Chỉ Am, thụy Uyên Hậu Phan phủ quân.

    Tư Thiện đại phu, Lễ bộ Thượng thư trí sự, hiệu Khuê Nhạc, thụy Trang Lượng Phan phủ quân.

    Lễ bộ Thượng thư kiêm chưởng Hình bộ trí sự, hiệu Sài Phong, thụy Trang Lượng Phan phủ quân.

    Tiền Thanh Bình Thự lục đội Chánh đội trưởng Suất đội kiêm Quản bát sảnh Quảng Bình dĩ bắc, Hà quý công tự Vận Lượng phủ quân.

    Bản điện thổ thần thổ công.

    Dịch nghĩa:

    Mẫu văn tế cầu phúc đầu năm của ty giáo phường hai tỉnh Nghệ An Hà Tĩnh

    - Đức thánh Lưu hoàng thánh phụ cương chính hùng đoán dũng lược khuông quốc ủng đức thuần hòa, Hán Hiếu Vũ hoàng đế ngọc bệ hạ.

    - Phi tần thánh mẫu trinh thục gia hạnh phương thục chính ý đoan trang Thái hậu nội cung tần, đại vương phu nhân.

    - Thánh nữ tử tiên sư(3) trinh thục tĩnh từ huệ phương dung cẩn khiết chính nhất khuông hành Mãn Đường Hoa(4) công chúa, đại vương phu nhân:

    - Ngài quốc tế(5) thông minh dũng quyết kiên quyết anh uy trợ quốc tuệ lãng minh đoán, Thanh Xà đại vương tặng phong mỹ tự tôn thần.

    Chính vận trung hòa chủ phía đông

    Sau là vị thần phụ giúp họ Đinh.

    Nay hàng năm theo lệ có lễ cầu phúc, xin gộp dâng lễ vật hai lễ. Kính mong các vị thần giáng lâm chứng giám, phù hộ cho giáo phường nam thanh nữ tú hưởng lộc tốt lành.

    - Phu nhân đào nương A Cái truyền nghề dạy hát cho 12 họ.

    - Vũ Huân tướng quân, Đô hiệu điểm ty, Hữu hiệu điểm, phong tặng Quang Tiến trấn quốc Thượng tướng quân, Đô đốc phủ Đô đốc, thụy Cương Nghị, Phan tướng công, phụng gia tặng Đoan Túc dực bảo trung hưng tôn thần.

    - Bà họ Phan nguyên là Cung tần hầu trong vương phủ, hiệu Diệu Duyên.

    - Bà chính thất của Đặng tướng công, nguyên Phụ quốc công thần, Trấn thủ xứ Sơn Nam, Trung dực quân doanh, Đô đốc phủ Tả Đô đốc chưởng phủ sự, Thái tể, gia tặng Quận công, ấm phong Quận phu nhân, hiệu Diệu Cẩm.

    - Hoài Viễn tướng quân, Chỉ huy sứ ty, Chỉ huy sứ Tăng Thọ hầu, phong tặng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Đô đốc, Tả Đô đốc Tăng quận công, được ban tên thụy Hòa Đạt, phụng gia tặng Dực bảo trung hưng tôn thần.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    - Bà họ Phan, hiệu Diệu Thông, nguyên Tiệp dư(6) vương phủ, được ban hiệu Phương Viên, phong tặng Tu Nghi.

    - Ngài Khuê Phong hầu, hiệu Thận Trai(7), thụy Văn Đạt tướng công, nguyên Tiến sĩ khoa Giáp Tuất, Đặc tiến kim tử đại phu, Bồi tụng trí sĩ, Nhập thị kinh diên, Bình chương sự kiêm Nhập thị tham tụng, Quốc sử tổng tài, ấm phong Tả Thị lang bộ Lễ.

    - Ngài họ Phan, nguyên Tiến sĩ khoa Ất Mùi, Dụ Am tiên sinh(8), hiệu Thụy Nham, thụy Văn Hiến phủ quân.

    - Ngài họ Phan, nguyên Tiến sĩ Thịnh khoa khoa Kỷ Hợi, Hàn lâm viện đãi chế, Thiêm sai tri Công phiên, tặng Hàn lâm viện thị giảng, tước Mỹ Xuyên bá, hiệu Chỉ Am(9), thụy Uyên Hậu phủ quân.

    - Ngài Tư Thiện đại phu, Thượng thư bộ Lễ trí sự, hiệu Khuê Nhạc(10), thụy Trang Lượng Phan phủ quân.

    - Ngài Thượng thư bộ Lễ, kiêm chưởng bộ Hình trí sự, hiệu Sài Phong(11), thụy Trang Lượng Phan phủ quân.

    - Ngài họ Hà, Thự Suất đội, Chánh đội trưởng đội 6 Thanh Bình kiêm quản tám sảnh ở phía bắc Quảng Bình, tự Vận Lượng phủ quân.

    - Các vị thổ thần thổ công bản điện.

    Qua nội dung trên đây, chúng tôi xin có một vài nhận xét bước đầu:

    1. Theo bài văn tế này, tổ sư ca trù xứ Nghệ là Mãn Đường Hoa công chúa, vợ của Thanh Xà đại vương được phong tôn thần, có công truyền nghề đàn hát cho dân làng. Điều đó có phần phù hợp với những ghi chép về sự tích tổ sư ca trù đã dẫn trên đây, nhưng chủ yếu cũng chỉ dựa vào những truyền thuyết. Bàn về vấn đề này, gần đây vẫn có ý kiến cho rằng: “Cuộc hát ả đào khởi thủy tự đời nào, tự đất nào, nay thực chưa tìm ra cái chứng cớ gì đích xác mà đã dám nói. Chỉ tương truyền rằng khi xưa có bà Mãn Đào Hoa công chúa, là con ông Bạch Đình Sa chế ra âm luật và cách bộ hát ả đào để dạy đời cho nên trong giáo phường xưa nay vẫn phải kiêng chữ bạch đọc là biệc, chữ hoa đọc là huê, chỉ điều kiêng tên đó là hơi có sở cứ một chút mà thôi”(12) Quả thực, để có thể nghiên cứu một cách thấu đáo về nguồn gốc ca trù thì có lẽ chúng ta còn phải cố gắng sưu tầm thêm nhiều tài liệu hơn nữa.

    2. Địa danh Điện Xứ - Cổ Đạm mà giáo phường hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh tế tổ sư chỉ mới xuất hiện cách đây không lâu, bởi đến thời Minh Mệnh thứ 18 (1837) xứ Nghệ An mới chia tách thành hai tỉnh, vậy nên mới có Nghệ An và Hà Tĩnh lưỡng tỉnh giáo phường ty. Như vậy thì bài văn tế này chỉ có thể xuất hiện từ năm 1837 trở về sau. Trong giáo phường ty thường phải có một giáo phường mạnh làm nòng cốt và chọn thêm những đào hay kép giỏi của các giáo phường khác bổ sung. Giáo phường Cổ Đạm chính là nòng cốt của giáo phường ty lưỡng tỉnh, ông Phan Phú Truyền ở Cổ Đạm từng là Cai ty, ông còn là Thị xướng dưới triều Minh Mệnh. Cổ Đạm vốn có miếu thờ tổ sư, sau lập Điện Xứ, miếu đó được chuyển thành Điện Xứ. Trong lễ tế tổ sư ca trù, những vị được mời phối tế, ngoài những đào nương, quản giáp tài ba còn có các nho sĩ là những vị đại khoa sáng tác ra thơ - ca trù, những vị quan bộ Lễ đề ra nghi lễ có hát ca trù. Ca trù là một loại hình nghệ thuật bác học, chỉ có đào kép thôi không thể thành ca trù được.

    Chú thích:

    (1) Việt Nam ca trù biên khảo. Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề. Sài Gòn 1962.

    (2) Hiện nay ở cả hai làng Lỗ Khê (Đông Anh, Hà Nội) và Ngọc Trung (Thọ Xuân, Thanh Hóa) đều có đền thờ tổ sư ca trù.

    (3) Tiên sư: chỉ người khởi xướng ra một nghề gì.

    (4) Mãn Đường Hoa: có sách chép là Mãn Đào Hoa.

    (5) Quốc tế: con rể vua, chỉ Thanh Xà đại vương là chồng của Mãn Đường Hoa công chúa.

    (6) Tiệp dư: một chức vị của cung nữ.

    (7) Thận Trai: tên hiệu của Phan Huy Cận (1722-1789), người xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), cha của Phan Huy Ích. Gốc họ Phan Cổ Đạm ở đây.

    (8) Dụ Am tiên sinh: tên hiệu của Phan Huy Ích (1751-1822), con của Phan Huy Cận. Tác phẩm của ông có: Dụ Am ngâm lục, Dụ Am thi văn tập và có thơ văn trong các sách: Cúc Đường bách vịnh tập, Cúc thu bách vịnh tập, Hải học danh thi tuyển, Thi phú tạp lục

    (9) Chỉ Am: tên hiệu của Phan Huy Ôn (1755-1786), em của Phan Huy Ích. Ông từng biên tập các sách: Khoa bảng tiêu kỳ, Lịch triều đăng khoa bị khảo, Nghệ Tĩnh tạp ký, Sơn Nam lịch triều đăng khoa bị khảo.

    (10) Khuê Nhạc: chưa rõ là ai.

    (11) Sài Phong: tên hiệu của Phan Huy Vịnh (?-?) người xã Thụy Khê, huyện Yên Sơn (nay thuộc huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây). Ông nguyên quán xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Tác phẩm của ông có: Như Thanh sứ bộ Phan Huy Vịnh thi, Sài Phong nhân trình tuỳ bút. Có thơ văn trong các sách: Chu Văn An hành trạng, Lạng trình ký thực, Ngự chế thi tập, Phượng Sơn từ chí lược

    (12) Nguyễn Đôn Phục: Khảo luận về cuộc hát ả đào (Văn xuôi Hà Tây thế kỷ XX). Hội văn học nghệ thuật Hà Tây 1997, tr.19./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (76) 2006; Tr.28-32)
     

Share This Page