Tổng cục Thống kê cho rằng CPI sẽ tăng đến 8,5%, cao hơn 0,2% so với năm 2007. Trong khi đó, ADB và các chuyên gia kinh tế trong nước dự báo CPI có khả năng giảm còn 7,5%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2008 sẽ bao nhiêu so với mục tiêu Chính phủ đề ra là thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP (8,5% -9%)? “Nền kinh tế vẫn tiềm ẩn những biến động khó lường” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh tỏ ra thận trọng khi dự báo về CPI năm 2008. Theo ông Ninh, kinh tế phát triển đòi hỏi nhu cầu tiêu dùng nguyên liệu, nhiên liệu đáp ứng mục tiêu tăng trưởng rất lớn, nhất là dầu mỏ, các sản phẩm gốc dầu và kim loại, tạo sức ép tăng giá. Kiểm soát lạm phát vẫn rất khó khăn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh phân tích: Đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, kim ngạch xuất nhập khẩu đều tăng 20% - 22%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng 42% GDP... Để có đủ đầu vào cho tăng trưởng, cần phải huy động, giải phóng, phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực sẽ tạo sức ép nhất định đến mặt bằng giá. Tức việc kiểm soát lạm phát sẽ vẫn hết sức khó khăn. “Năm 2008, CPI sẽ tăng 8,5%, tức cao hơn 0,2% so với năm 2007”. Tổng cục Thống kê đã đưa ra dự báo này tại cuộc họp báo về thống kê kinh tế - xã hội năm 2007 vào ngày cuối cùng của năm 2007. Bà Trần Thị Hằng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại - Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê), cũng tỏ ra thận trọng: Một số giá nguyên liệu đầu vào có thể vẫn tăng mạnh, trên thế giới không có xu hướng giảm; đồng thời không thể lường hết được bất trắc như thiên tai, lũ lụt... sẽ ảnh hưởng đến CPI. Trong báo cáo Giám sát kinh tế châu Á vừa được công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận xét: Một trong những thách thức lớn nhất mà các nước châu Á, đặc biệt là những nền kinh tế mới nổi như VN, đang phải đối mặt là lạm phát gia tăng. Theo ADB, lạm phát vào những tháng cuối năm 2007 tăng lên mức cao nhất trong 16 năm qua ở Singapore, 12 năm ở Trung Quốc...https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq Tại VN lạm phát cũng đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2005. Tuy nhiên, ADB lạc quan dự báo mức lạm phát ở VN sẽ giảm vào năm 2008. Một trong những lý do chính để ADB nhận định CPI sẽ giảm trong năm 2008 là Chính phủ VN thắt chặt chính sách tiền tệ, làm giảm nhiệt cơn sốt nhà đất... trong bối cảnh nhu cầu nội địa bùng nổ và lạm phát tăng cao. Thêm nữa, sau “bão giá”, một mặt bằng giá mới trong nước đang hình thành và sẽ ổn định hơn, sẽ không có lạm phát phi mã hoặc đột biến gây nguy hiểm lớn. Một số chuyên gia kinh tế trong nước cũng lạc quan đưa ra CPI năm 2008 có khả năng giảm còn khoảng 7,5%. “Đây là mức hợp lý mà VN có thể thực hiện được. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của Chính phủ” - một chuyên gia nhận định. Kiểm soát tốt các luồng tiền tệ Năm 2008, thực hiện cơ chế thị trường về giá, mục tiêu cụ thể vẫn là kiểm soát CPI thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Để chủ động trong việc bình ổn giá, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hàng hóa cùng với điều hành hoạt động xuất, nhập khẩu bảo đảm cân đối cung cầu; chịu trách nhiệm về quản lý, kiểm soát giá các hàng hóa dịch vụ thuộc lĩnh vực được phân công. Trong điều hành chính sách tiền tệ, ông Vũ Văn Ninh hứa hẹn sẽ tổ chức tốt việc dự báo một cách sát thực và kiểm soát tốt các luồng tiền tệ trong nền kinh tế, kể cả nguồn vốn từ nước ngoài chuyển vào; sẵn sàng các phương án hấp thụ, giải ngân nguồn vốn này. Tổ chức mua ngoại tệ tăng dự trữ; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chặt chẽ, linh hoạt với sự giám sát, điều tiết của Nhà nước theo nguyên tắc thị trường thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ; điều chỉnh tỉ lệ dự trữ bắt buộc hợp lý; quản lý tỉ giá linh hoạt, khuyến khích xuất khẩu; điều chỉnh lãi suất theo thị trường và kiểm soát dư nợ tín dụng bảo đảm đúng mục đích, chất lượng tín dụng... Mặt hàng nào sẽ tăng hoặc giảm giá? Theo các chuyên gia kinh tế, do năm 2008 Nhà nước “buông” không kiểm soát chặt chẽ nên giá một số mặt hàng sẽ tiếp tục tăng. Giá điện, than, sẽ tăng theo lộ trình. Xăng dầu điều chỉnh theo giá thị trường thế giới nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng do những bất ổn về chính trị thế giới. Do tác động của giá xăng dầu, giá dịch vụ vận tải cũng tăng theo. Nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm- vốn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thiên nhiên và thường bị đẩy lên ăn theo các loại hàng hóa khác- nhiều khả năng vẫn tăng. Dược phẩm, thép cũng sẽ tiếp tục tăng giá. Trong khi đó, đa phần các mặt hàng nằm trong diện 2.000 dòng thuế cắt giảm theo lộ trình gia nhập WTO và áp dụng biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi do nằm trong diện được cắt giảm thuế quan theo ASEAN, nhiều khả năng sẽ giảm giá. Trong đó, những mặt hàng xa xỉ thuộc diện giảm giá mạnh nhất. Phương Anh Số 2,3,4 Tháng 2 Năm 2008