Về Bản Văn Mục Lục Thôn Hương Mạc, Xã Hương Mạc, Huyện Từ Sơn, Tỉnh Bắc Ninh

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Sep 3, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    VỀ BẢN VĂN MỤC LỤC, THÔN HƯƠNG MẶC
    XÃ HƯƠNG MẶC HUYỆN TỪ SƠN TỈNH BẮC NINH
    HOÀNG THỊ TỐ LOAN
    Viện nghiên cứu Hán Nôm
    Hương Mặc (còn có tên là làng Me) hiện nay là tên làng mà cũng là tên xã, thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Phía bắc làng giáp xã Văn Môn, Yên Phong; phía tây giáp xã Vân Hà (Đông Anh - Hà Nội); phía nam giáp xã Phù Khê (cùng huyện); phía đông giáp thôn Mai Động (cùng xã) và giáp xã Tam Sơn (cùng huyện).
    Hương Mặc trước đây nguyên còn gọi là Cổ Mặc phường. Đến đời Trần thì đổi tên là Trung Mi phường: gồm 12 thôn là: Ngô Tiền, Ngô Trực, Tây Ứng, Bảo Tháp, Đông Tiến, Thọ Triền, Phú Hậu, Thôn Vân, Thôn Nhiễm, Thôn Nùi, Thôn Nga, Thôn Tập. Đời Lê lúc đầu lại đổi Trung Mi phường thành Ông Mặc xã, sau lại chia thành 2 (Ông Mặc gồm) các thôn Ngô Tiền, Ngô Trực, Tây Ứng, Bảo Tháp, Đông Tiến Thọ Triền, còn các thôn khác gọi là làng Hoa Thiều. Đến triều Nguyễn đời vua Minh Mệnh thì Ông Mặc đổi Hương Mặc, Hoa Thiền đổi là Kim Thiều (tên Nôm là làng Mức) và lúc ấy Hương Mặc thuộc tổng Nghĩa Lập, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn trấn Kinh Bắc - một trong tứ trấn phên dậu của kinh thành Thăng Long.
    - Hương Mặc là nơi có nền giáo dục phát triển từ rất sớm, có truyền thống hiếu học tiêu biểu, đã sản sinh ra nhiều danh nhân khoa bảng nổi tiếng của đất nước. Theo 2 cuốn Kinh Bắc xứ cao khoa hiền hoạn do Tú tài Nguyễn Nam Thanh soạn năm Thành Thái 5 (1893) và cuốn Cổ Mặc danh công truyện ký do Độn Phu Nguyễn Tử Trinh soạn năm Chính Hòa 2 (1681) đã ghi chép thì xã Hương Mặc có 23 người đỗ đại khoa (đứng đầu huyện Đông Ngàn nay là huyện Từ Sơn - Bắc Ninh). Nơi đây đặc biệt có nhiều vị rất tài hoa lỗi lạc và từng nắm giữ nhiều chức quan trọng trong triều đình thời phong kiến trước kia. Ví như ông Nguyễn Giản Thanh, thi đậu Trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1508), hai lần đi sứ sang Trung Quốc, tương truyền do có tài ứng đối nên được vua nhà Minh phong là Trạng nguyên, ông Đàm Thận Huy đỗ Đệ tam giáp đồng Ttiến sĩ khoa Canh Tuất (1490) là hội viên hội Tao Đàn và được vua Lê Thánh Tông từng ngự bút khen rằng: Thiên hạ đệ nhất danh thi nhân (là người giỏi thơ nhất trong thiên hạ). Ông còn là thầy dậy cho nhiều vị đỗ đại khoa trong vùng (đặc biệt khoa thi năm Mậu Thìn (1508) ông đã đào tạo được 3 vị đỗ đại khoa, chiếm đủ tam khôi đó là ông Nguyễn Giản Thanh đỗ Trạng nguyên, ông Hứa Tam Tỉnh đỗ Bảng nhãn và ông Nguyễn Hữu Nghiêm đỗ Thám hoa. Còn như ông Đàm Công Hiệu (là cháu 6 đời của cụ Đàm Thận Huy) nổi tiếng và là thầy dạy học của An Vương Trịnh Cương khi còn ở nơi tiềm để(1)... Truyền thống văn hiến mà nổi bật là khoa cử và con đường làm quan của người Hương Mặc thật hiếm thấy, nó thật xứng đáng với lời ca ngợi của người xưa “đất mực thơm có tiếng của vùng”.
    - Người dân Hương Mặc rất cần cù, và luôn chắt chiu xây dựng cuộc sống của mình ngày thêm phong phú sinh động hơn. Họ đã để lại cho đời sau những công trình văn hóa như đình làng Hương Mặc có từ thời Lê, xây dựng lại vào thời Nguyễn và đến tận bây giờ nó trở thành một công trình kiến trúc khang trang bề thế, rồi một số nhà thờ của các bậc đại khoa đã được cấp bằng di tích lịch sử văn hóa như: đền thờ cụ Tiết nghĩa Đàm Thận Huy, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, đền thờ Quốc sư Đàm Công Hiệu, đền thờ Quận công Đàm Đình Cư, đền thờ cụ Hoàng giáp Đỗ Đại Uyên... và một số tư liệu Hán Nôm như: thần tích, hương ước, sắc phong, tục lệ, ... các bài văn tế, văn mục lục... Qua những phong tục tập quán lễ hội ở đây cho thấy sự đoàn kết của dân làng, đồng thời cũng là truyền thống sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân địa phương từ trước tới nay trên vùng đất cổ này.
    Để bạn đọc hiểu hơn về làng quê Hương Mặc có truyền thống hiếu học và khoa bảng tôi xin giới thiệu 2 bài văn thường được đọc hàng năm vào các dịp làng có việc tế lễ, chép trong cuốn Cổ Mặc danh công truyện kí hiện đang lưu giữ tại đền Tiết nghĩa (tức đền thờ Tiết nghĩa Đàm Thận Huy) thuộc thôn Hương Mặc, xã Hương Mặc, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
    Bài thứ 1:
    Thường nghe:
    Cuộc vui quý nhất kịp thời
    Hiểu được lễ mới là mỹ tục
    Bao trùm lên chữ lễ
    Biết vận dụng hài hòa
    Khi vui phải làm sáng chữ Đức
    Thế mới có lúc vui trước tiên phải dùng lễ.
    Còn gặp thăng trầm phải biết tiết chế khiêm nhường.
    Có lễ rồi không thể không hoan lạc.
    Hòa cuộc vui tiếng sáo đàn réo rắt
    Nối tiếp nhau trong tiếng cách tiếng bầu
    Đầu tháng giêng hòa hợp cùng nhau
    Xuân trở lại muôn nhà vui vẻ
    Đêm Nguyên tiêu tưng bừng khắp ngả
    Giăng đèn kết hoa, hoa bạc long lanh
    Chín tầng mây mây sáng lấp lánh rõ rành
    Nghe thoang thoảng làn gió thơm hoà quyện
    Phẩm vật bừng lên hình hình sắc sắc.
    Ngỡ muôn ngàn hoa tuyết trắng phau phau
    Đời khang thái mở ra vui biết mấy.
    Khi lệnh vua đạo trời bật dậy
    Khắp muôn dân đến các danh thần
    Đều cùng nhau một dạ một lòng
    Phò xã tắc an như bàn thạch
    Đương mùa xuân tốt tươi sinh muôn vật.
    Cơ tạo hóa khép mở ra vào
    Thừa mệnh trời lựa chọn đúng sao
    Hun đúc nhân tài tiến thăng thế đạo
    Quy tụ dân sinh cùng nhau kiến tạo
    Đem mãi niềm tin tất cả dốc lòng.
    Nhà nhà vui cảnh phú quý hưng long
    Để thưởng thức tiếng thơ cùng tiếng sáo
    Tụ hội muôn phương người người lạc đạo
    Xã ta xưa thuộc khu vực Loa thành
    Với tên xã danh xưng Ông Mặc
    Mảnh đất chạy dài men theo đường phẳng
    Thắng hướng xuyên theo dáng núi cao cao
    Ngô Trực thôn mảnh đất đẹp sao
    Toàn tựa vào rồng thiêng uốn khúc
    Ngô Tiền kiểu thức thế mở cờ
    Làn gió nhẹ lay động bút thơ
    Bạch Hổ(2) chầu về hướng Bích La(3) Bảo Tháp
    Đông Tiến như chuỗi ngọc xuyên qua
    Kìa rồng xanh vờn thôn Nhiễm xã Hoa(4)
    Ôm ấp cả thôn Vân xã Thiết(5)
    Tây Ứng thôn nước sáng đường tích ngọc
    Liên Phù Kê cùng Mai Động như rắn đỏ
    Hương Xuân Vũ - Bình Lâm hai xã
    Sẽ đỏ trên cây nhảy lá vờn hoa
    Càn Hợi phương(6) núi cao mượt như nhung
    Thọ Triền thôn dãy Thất Diệu trập trùng
    Hòa dòng nước hướng đông trong mát
    Đông Xuất - Tam Sơn tòng hậu thác
    Truyền rộng mở cửa Khổng sân Trình
    Vượng khí kết liên chung đúc điềm lành
    Chính khoa mục lại kề khoa mục
    Khoa danh điệp trùng bảng vàng thơm nức
    Tổ tôn kế thừa hiển quý trước sau.
    Trước vương hầu sau lại kế tiếp vương hầu
    Đảm trọng trách khuông phù(7) vương thất
    Nhờ đức hạnh được chọn đường quan tước
    Lấy văn chương để nhận chức vua ban
    Vùng địa linh nhân kiệt vẻ vang
    Ghi đậm nét trời Nam hiển hách
    Phong tục đẹp ngời lên hương sắc
    Vượt khắp miền Kinh Bắc gần xa.
    Kính phục mến yêu mảnh đất hào hoa
    Tháng đầu xuân khí tiết hài hoà
    Giữa phong cảnh đậm đà lễ hội
    Nhạc tấu lên lòng người phơi phới
    Điệu Dương Xuân vời vợi ngân nga
    Đào nương hoà trong khúc hát lời ca
    Tiếng đàn sáo toả lan bốn hướng
    Dàn bát âm nhã nhặn êm ru
    Sáu sở xướng ca trầm bổng khoan từ
    Não bạt thanh la tưởng như giao hưởng
    Ngâm nga mãi trong bầu khí tượng
    Yến tiệc xuân thừa hưởng vui sao
    Cùng Lan Đình(8) hợp yến chuốc rượu đào
    Rồi chúc nhau tốt lành thọ khảo
    Cùng đồng hưởng rượu mừng thánh đạo
    Ơn thánh thần phù hộ hương dân
    Sống ở đời phải biết tu thân
    Và làm sáng mãi chữ nhân chữ đức
    Sống lương thiện nghĩa tình khuôn mực
    Coi trọng tu thân thiện đức làm thầy
    Đòi hỏi bản thân mẫu mực tháng ngày
    Sống có nghĩa tình thân phân biệt
    Có niềm tin thứ bậc rõ ràng
    Cùng giữ gìn giúp đỡ cưu mang,
    Cùng khuyên bảo tương giao liên kết
    Cùng noi gương xã Đồng Lai; Hương Ước
    Nên nghĩa anh em, sao được kịp người
    Từ nhà giúp nước chọn nhân tài
    Làm cho tất trời thêm tươi đẹp
    Đã làm người ai nấy đều phải biết
    Của cải kia phi nghĩa chẳng thèm
    Giàu chẳng kiêu, quý chớ khinh nhờn
    Cùng thôn xóm yêu thương giao kết
    Khuyên bảo nhau không học nghề cờ bạc
    Cũng chẳng ham kiện tụng tranh gian
    Việc không đâu vô ích chẳng làm
    Sống chân thật không gian giảo dối trá
    Sống kỉ cương chớ để mình buông thả
    Chớ rượu chè cuội phá say sưa
    Sống thủy chung đậm đà trong tình nghĩa
    Nhờ đức thánh tháng năm phù trợ
    Khắp hương dân vật phụ nhân khang
    Đúng với câu: Thiếu quý - Lão toàn
    Sống thư thái ở đài xuân cõi thọ
    Cuộc đời ấy thật là vui vẻ
    Cầu sao cho được - Hỡi thế nhân
    Ân trạch thánh hiền rủ xuống muôn dân
    Mong cho:
    Sĩ: Suốt năm tháng sôi kinh nấu sử
    Mang hùng văn áp đảo tam thiên(9)
    Thỏa ước mong chiếm được bảng vàng
    Đem tài đức làm sang đất nước
    Công: ra công rèn luyện sớm hôm
    Dám khoe tài cùng bè bạn gần xa
    Thương: buôn bán đầy nhà chung đỉnh
    Giàu sang như Vương Sủng - Thạch Sùng
    Vinh hạnh sao khi thánh thượng ân ban
    Ngời ngợi chữ vàng thượng thủ ngũ phúc
    Hộ quốc bảo dân sáng ngời tâm đức
    Nay thông tri dân thức dân tường.
    Bài thứ 2
    Mừng đất nước gặp thời thịnh trị
    Trên đức vua sáng ý minh tâm.
    Người đà phát chính thi nhân
    Dưới vua các bậc hiền thần giỏi giang.
    Mang tài đức kinh bang tế thế
    Chốn triều trung điển chế kỷ cương
    Đạo tắc ở chốn thôn hương
    Chúng dân quét sạch mở chương vĩnh hằng.
    Mùa tiếp mùa phong đăng hoa cốc
    Khắp nhà nông lương thực đủ đầy.
    Tưởng như sống lại những ngày Thuấn Nghiêu.
    Muôn dân đã thương yêu đùm bọc
    Trên quê hương Ông Mặc hào hoa.
    Vượt lên thế đất huyện nhà
    Danh truyền Kinh Bắc thơm xa khắp miền.
    Bạch Hổ chầu núi non chót vót
    Thất Diệu Sơn bao lót vòng quanh.
    Dập dìu nước cuộn rồng xanh
    Tả biên thiên đức quanh quanh Nhị Hà
    Vùng đất thiêng tài hoa hội tụ
    Đẹp biết bao câu chữ văn chương.
    Thuần phong mỹ tục đôi đường
    Miền quê Ông Mặc cát tường hưng thịnh.
    Văn thăng tiến quang vinh tài giỏi
    Dự tuyển quan mười tám sĩ phu.
    Võ trí dũng mưu lược cừ
    Bốn bẩy danh tộc giúp vua giữ nước.
    Sĩ tài dụng văn chương kinh sách
    Những mong sao hiển hách cao khoa.
    Nông thì cấy hái tăng gia
    Chăn trâu làm ruộng mặn mà tháng năm.
    Của thu về trăm vạn kim ngân.
    Công thời một dạ quyết tâm
    Chạm rồng trổ phượng muôn phần tinh vi
    Lộc tam phẩm gập thì đón nhận
    Cả thứ dân phấn chấn biết bao!
    Ngày xuân vượng khí dồi dào
    Tuân theo tục cũ đề cao hội làng.
    Nơi diện thượng rỡ ràng xuân sắc
    Trên đài sen tượng phật huy hoàng.
    Đình làng xán lạn nghiêm trang
    Phẩm nghi bầy đặt thênh thang một toà.
    Văn ngời ngợi nở hoa cát khánh
    Lễ phụng thờ đức thánh tôn nghiêm.
    Hội xuân nghênh tiếp giao phường
    Tiếng đàn tiếng sáo từng chương hài hoà.
    Đào lương cất lời ca êm ái
    Mừng thôn hương khang thái ngày xuân.
    Lời văn trong trẻo sáng ngần
    Những điều ước thúc rõ rành biết bao.
    Khắp già trẻ cùng vào dự yến.
    Thưởng thức vui không tiếng ồn ào.
    Nam nam nữ nữ vui sao!
    Ngồi trong bàn tiệc dồi dào sức xuân
    Chốn đình trung muôn phần chỉnh túc.
    Đều thực thi pháp thực trang nghiêm
    Người trong bốn giáp một niềm
    Tuân theo ước sự giữ gìn điển chương.
    Cả già, trẻ thôn hương hoà lạc
    Vui đón xuân dào dạt nghĩa tình.
    Phụng thờ đức thánh anh ninh
    Trung thành một dạ đinh ninh một lời.
    Chúc thánh thượng sáng ngời đức cả
    Thọ vô cương nhật dạ âm phù.
    Hương dân thịnh đạt ngàn thu
    Khang ninh phú quý tho như hải hà.
    Phúc lộc nẩy nở như hoa
    Đình kiêm ngữ phúc nhà nhà hân hoan.
    Nội dung cả hai bài đều ca ngợi vùng đất Ông Mặc hào hoa, có nhiều nhân tài hội tụ, tiếng thơm vang xa khắp miền. Quan văn thì có 18 người quang vinh tài giỏi, quan võ trí dũng cao mưu phò vua giúp nước thì cũng được 47 vị, người làm ruộng thì hăng say cày cấy, kẻ buôn bán thì chăm chỉ tảo tần, những người thợ thì chạm rồng trổ phượng muôn phần tinh vi. Nhân dân trong làng yêu thương đùm bọc lẫn nhau, luôn biết cùng nhau hướng về tổ tiên, ngày xuân dân trong làng lễ tựu đông đủ làm lễ phụng thờ đức thánh tôn nghiêm, khắp thôn tiếng đàn tiếng sáo từng chương hài hoà, mọi người cùng vui dự yến tiệc và chúc nhau tốt lành thọ khang mong thánh thần phụ trợ cho hương dân.
    Chú thích:
    (1) Nơi tiềm để: là nơi vua chúa ở lúc chưa lên ngôi.
    (2) Bạch Hổ: núi Bạch Hổ.
    (3) Bích La: tên xã tiếp giáp với thôn Bảo Tháp.
    (4) Xã Hoa: tức xã Hoa Thiều.
    (5) Thôn Vân xã Thiết: tức thôn Vân Điềm xã Thiết Bình, giáp xã Hoa Thiều.
    (6) Càn Hợi phương: hướng Tây Bắc.
    (7) Khuông phù: giúp đỡ, phò giúp.
    (8) Lan Đình: là nơi các sĩ tử, các bậc tao nhân mặc khách đến uống rượu, làm thơ, viết thư pháp.
    (9) Tam thiên: ý chỉ 3000 sĩ tử của cả nước./.
    Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.468-478)
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
     

Share This Page