Về các bản dịch bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 6, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    DƯƠNG VĂN KHOA
    Hội Nhà văn Hà Nội

    Bài thơ Cảm hoài của Đặng Dung được xây dựng trên nền thơ thất ngôn bát cú luật Đường, tám câu năm vần có đối, có niêm chặt chẽ, một bài thơ có cảm xúc chân tình, sâu sắc - một bài thơ hay.

    Bài thơ này đã được đưa vào chương trình đọc giảng ở các trường phổ thông cấp 3 nay là phổ thông trung học. Sách Ngữ văn 10 (nâng cao) cũng tuyển bài thơ trên vào giảng qua bản dịch của Phan Võ như sau:

    Cảm hoài (Nỗi lòng)
    Việc thế lôi thôi tuổi tác này
    Mênh mông trời đất hát và say
    Gặp thời đồ điếu thừa nên việc
    Lỡ vận anh hùng luống luốt cay
    Giúp Chúa những lăm giằng cột đất
    Rửa dòng không thể vén sông mây
    Quốc thù chưa báo già sao vội
    Dưới nguyệt mài gươm đã mấy chày.

    (Ngữ văn 10 nâng cao - Sách giáo Viên, Nxb. Giáo dục, H. 2006, tr.194)

    Sau khi dẫn lại bản dịch này, sách Ngữ văn 10 có lời bình rằng: “Hai câu thơ đầu nêu lên một tình huống bi kịch” (Thế sự du du nại lão hà, Vô cùng thiên địa nhập hàm ca). Thực ra cả lời dịch và lời bình trên đều không hề có ý “nêu lên một tình huống bi kịch” nào.

    Tiếp nữa sách Ngữ văn bình hai câu 3-4 cho rằng “hai câu 3-4 nói lên oán hận của vị tướng già”. Giảng như vậy là không ổn, trong khi đó ở bản dịch hai chữ “đồ điểu” vẫn giữ nguyên, điều đó đã làm khó cho người học và người dạy.

    Rõ ràng là cả bản dịch và lời bình này về bài thơ Cảm hoài trong sách Ngữ văn 10 còn những hạn chế nhất định. Chúng tôi xin cung cấp một bản dịch khác có thể xem là bản dịch sớm nhất về bài thơ Cảm hoài này, những mong có thêm cách hiểu khác. Đó là bản dịch của Phan Kế Bính (1875-1921) đăng trên Đông Dương tạp chí số 116 năm 1943:

    Nỗi lòng
    Việc đời bối rối tuổi già vay
    Trời đất vô cùng, một cuộc say!
    Bần tiện gặp thời, lên cũng dễ.
    Anh hùng lỡ bước, ngẫm càng cay
    Vai khiêng trái đất mong phò chúa
    Giáp gột sông trời khó vạch mây
    Thù trả chưa xong đầu đã bạc
    Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

    Đi sâu vào bài thơ cần hiểu hai chữ cảm hoài là sự nhớ lại hoặc hồi tưởng về một kỷ niệm nào đó trong cuộc đời, ở đây là kỷ niệm của tác giả bài thơ; đồng thời nên khai thác bài thơ theo đặc trưng thể loại của văn học trung đại. Có làm như vậy mới thấy hết được cái hay và vẻ đẹp trang nhã trong sự nghiêm ngặt của một bài thơ làm theo luật Đường - một viên ngọc toàn bích đầu thế kỷ XV còn lại đến ngày nay.

    Trở lại hai câu đầu, hai câu khai đề của Đặng Dung chỉ cốt nói lên kỷ niệm của ông đi vào “thế sự” - vào cuộc đời chinh chiến ai bảo ta già ? Dẫn liệu này còn được biểu diễn bằng cặp song thanh điệu âm “du du”, hai thanh bổng cất lên từ giữa dòng viết khiến cả câu thơ đọc lên vừa êm đềm, vừa du dương: việc đời dằng dặc sao - ta đã già ư ? Nhẹ nhàng đầy ý tứ. Đâu có “tình huống bi kịch” nào ?

    Câu thừa đề giải thích mở rộng ý tứ đề. Đặng Dung viết: “vô cùng thiên địa nhập hàm ca”. Câu thơ có thể được hiểu là “trời đất bao la không cùng vào vui chén, say”. Điều đó hoàn toàn không có ý thể hiện “tâm trạng rối bời của vị tướng già” như sách giáo khoa giải thích.

    Hai câu thực cú (câu 3-4) nói rõ hơn về diễn biến tâm trạng của tác giả: “Thời lai đồ điếu thành công dị, Vận khí anh hùng ẩm hận đa”.

    Bần tiện, những kẻ xưa nay bị xếp là hèn yếu (thảo dân) gặp thời đến, dễ nên công hiệu; vận số anh hùng đi (không đậu) nuốt hận nhiều. Hai câu thơ đối nhau từng từ, từng ý. Để bật ra nghĩa chung: thành hay không thành phụ thuộc vào thời vận (ý trời). Không phải do ý chí của con người quyết định. Ở đây cũng không có ý “oán hận của vị tướng già”.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Đây là hai câu đối xứng mang ý nhận xét vốn lưu truyền trong dân gian, nhà thơ đã chớp được ý này đưa vào dòng thơ của mình, khiến cho câu thơ ông vừa tự nhiên lại vừa như một triết lý sống.

    Hai câu tiếp, theo đúng lý thuyết của thơ luật thì đây là câu luận - bàn bạc, mở rộng, khơi sâu ý tứ từ hai câu thực. Đặng Dung viết: “Trí chủ hữu hoài phù địa trục”. Qua lời tự bạch trên ta thấy rõ ý chí và tình cảm của nhà thơ là mạnh mẽ và dứt khoát. Sự này ẩn sau các chữ “Phù địa trục”- giúp xoay trục đất. Như chúng ta đã biết tiếng “phù” đứng ở vị trí then chốt của câu thơ (chữ thứ 5); chữ này chịu trách nhiệm phát động cho cả dòng thơ nhưng câu ngặt vì là trầm bình thanh; có bản chất êm, nhẹ, do đó không đẩy được tiếng mang trầm khứ thành và hạ trầm thanh đứng ở cuối câu. Cho nên đọc câu thơ lên ta có cảm tưởng nhân vật thơ buồn. Câu thơ tiếp sau, tác giả hạ: “Tẩy bình vô lộ vãn thiên hà”.

    Như hai câu thực, hai câu luận cũng vận dụng một cách nghiêm túc các yêu cầu của thi pháp luật Đường. Danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ; ý câu dưới đáp lời câu trên mạch lạc. Về nhạc thơ, chúng tôi thấy ba tiếng “vãn thiên hà”- tiếng “vãn” reo lên âm hưởng trong, xa, thể hiện sức mạnh tiềm ẩn, đứng trước hai tiếng “thiên hà” một phù đoản thanh và một trầm bình thanh - cả câu thơ cất lên đã có ý êm, sáng rõ hơn so với câu trước nó. Ở đây không thể bình rằng “Vì bất lực trước tình thế cực kỳ khó khăn nên đành phải đắm mình vào những chuyện uống rượu và ca vũ” như sách giáo khoa đã viết. Nên nhớ uống rượu xưa được xem là phong cách cần có của đấng nam nhi “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Vì thế một vị tướng uống rượu và mời vũ trụ cùng vui chén có gì lạ mà bảo là ông “bất lực trước tình thế”?! Giảng như thế là bỏ qua văn bản.

    Hai câu kết, Đặng Dung viết:
    “Quốc thù vị phục đầu tiên bạch
    Kỷ độ long toàn đái nguyệt ma”

    a. Thúc kết - gom lại những ý chính của sáu câu thơ trước đó, có thể hiểu câu [7] bảy” Thù nước chưa trả đầu bạc trước. Một sự xót xa ẩn sau các chữ “đầu tiên bạch” - lo buồn sâu kín vì đầu bạc mà Quốc thù thì vẫn còn đó. Chữ “bạch” là trầm nhập thanh đứng ở cuối câu thơ như có ý vít cả câu thơ xuống, không nên cho ngân vang, không cho lan tỏa.

    b. Câu hoàn kết - chùm lợp lên ý tứ câu 7, có nội dùng mấy độ (bao lần) ta (người phi thường) đã mang gươm mài dưới suối trăng. Hai tiếng “kỷ độ” khẳng định đã nhiều lần - mấy lần suối trăng chứng giám ta mài gươm. Sự này ẩn trong ba chữ “đái nguyệt ma” - một thượng thanh đứng trước một trầm nhập thanh có ý co lại không muốn bay lên nhưng bị tiếng phù thanh, “ma” đứng ở cuối câu kéo đi. Nói theo luật đánh thanh Việt ngữ thì đây là thanh mở - một thanh có sức vang xa mà vẫn êm đềm. Vì thế câu thơ đọc lên tuy có chút u hoài nhưng không hề bi lụy.

    Bài thơ khép lại trong âm hưởng trầm tráng. Phan Kế Bính đã rất thành công trong câu dịch này:

    “Thù trả chưa xong đầu đã bạc
    Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày”!

    Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (78) 2006; Tr.63-65
     

Share This Page