Về chữ "hiểu" trong nhan đề bài thơ tiêu tự hiểu chung của Mạc Thiên Tích

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 4, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    TRƯƠNG MINH ĐẠT
    Nhà Nghiên cứu, Tp. Hồ Chí Minh

    Trên Tạp chí Hán Nôm số 5 (60) năm 2003, ông Nguyễn Quảng Tuân (NQT) có bài “Chữ HIỂU trong nhan đề bài thơ Tiêu tự hiểu chung của Mạc Thiên Tích và đôi điều ngộ nhận”.

    Trong bài viết này, chúng tôi xin trao đổi với ông NQT một số điểm.

    1- VỀ VĂN BẢN - Ông NQT chép câu đầu và câu cuối bài Tiêu tự hiểu chung của Mạc Thiên Tích (MTT) như sau:

    Tàn tinh liêu lạc hướng đông phao
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    .......

    Kê truyền hiểu tín diệc hao hao.

    Những cuốn sách bằng chữ Hán, chữ Quốc ngữ mà chúng tôi đang có trong tay như:

    (a) An Nam Hà Tiên thập vịnh (ANHTTV), hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm ở Hà Nội, số hiệu A.441. Sách chữ Hán sao chụp 1991, nguyên bản là sách chép tay.

    (b) Nam Hải dân tộc anh hùng truyện (NHDTAHT) của Lý Văn Hùng và Thôi Tiêu Nhiên, sách chữ Hán in typo, Sài Gòn 1950.

    (c) Hà Tiên Mạc Thị Tứ văn học hoạt động - Đặc khảo Hà Tiên thập vịnh khảo tựu tập của Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa), sách in, chữ Hán và Nhật ngữ, (Tokyo, 1966).

    (d) Văn học Hà Tiên (VHHT) của Đông Hồ, (Nxb. Quỳnh Lâm, Sài Gòn 1970) hay tái bản (Tp. HCM 1996), quốc văn.

    (e) Văn học Nam Hà của Nguyễn Văn Sâm, Sài Gòn 1974, quốc văn.

    Cả 5 bộ sách đều chép câu đầu: “Tàn tinh liêu lạc hướng thiênphao. Còn câu cuối của bài thơ, cả 4 quyển (b), (c), (d) và (e) đều chép “Kê truyền hiểu tín diệc liêu liêu”. Chỉ duy quyển An Nam Hà Tiên thập vịnh (ANHTTV), tức quyển (a), chép: “Kê truyền hiểu tín diệc hao hao”. Có lẽ ông NQT tin vào quyển này? Nhưng ANHTTV không phải là bản văn chép đúng, nếu đem so với những bản văn HTTV khác mà ta biết rành gốc tích. Chúng tôi có đủ bằng cớ để chứng minh rằng: tập ANHTTV, mã số A.441 của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chỉ là một bản sao của tập Minh Bột di ngư (MBDN), do Cấn Trai Trịnh Hoài Đức trùng san năm 1821. Nhưng sách ANHTTV chứa nhiều khuyết điểm rất khác tập văn gốc(1). Như vậy, chữ hao hao không phải là chữ đúng như cách chú thích của ông NQT. Chúng tôi cũng rất mong ông NQT cho biết đã căn cứ vào sách nào mà chép câu đầu: “Tàn tinh liêu lạc hướng đông phao”?

    2- CÓ PHẢI NGUYỄN CƯ TRINH TRẢ LỜI MẠC THIÊN TÍCH NHƯ ÔNG NQT KHẲNG ĐỊNH ?

    Trong bài nói trên, sau khi trích ý Nguyễn Cư Trinh “Thơ cũng có khi sớm, khi trưa, khi đúng, khi muộn khác nhau... bình đạm làm hay”. Ông NQT khẳng định: “Sự thực câu ấy đã được trích ra từ một bức thư của Nguyễn Cư Trinh trả lời Mạc Thiên Tích để nói về thơ của mình”. (Cột 1, tr.37).

    Không rõ ông NQT có biết ý trên trích từ Đáp Hà Tiên Hiệp trấn Anh Đức hầu thi dẫn hay chăng? Có lẽ ông không biết, vì nếu biết thì ông không thể khẳng định như trên được. Vì bất cứ một ai có đôi chút kiến thức về Mạc Thiên Tích, đều biết:

    - Tước của Mạc Thiên Tích là Tông Đức hầu (chứ không phải Anh Đức hầu).

    - Chức của Mạc Thiên Tích từ khi thay thế Mạc Cửu đến khi ông qua đời là Tổng binh Đại Đô đốc Trấn thủ Hà Tiên, (chứ không phải Hiệp trấn, tức Phó Trấn thủ).

    Vậy thì rõ ràng người mà Nguyễn Cư Trinh trả lời không phải là Mạc Thiên Tích như ông NQT khẳng định.

    Nếu ông NQT chịu khó tìm đọc cuốn Nam Hà ký văn của Đặng Trọng An(2), (VHv.1759, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội (VNCHN), sách gồm 31 tờ, tại tờ 22b), hoặc sách Nam hành ký đắc tập của Phạm Nguyễn Du(3), (A.2939 của VNCHN gồm 4 quyển, dày 154 tờ, tại tờ 23b), ông sẽ thấy có bài Di Hà Tiên Trưởng tử Cai đội Anh Đức hầu thương. Cai đội Anh Đức hầu Hiệp trấn Hà Tiên, chính là con trai cả của Nguyễn Cư Trinh.

    3- CÓ PHẢI MẠC TỬ DUNG CHẾT TẠI TRẬN TIỀN NĂM 1777, NHƯ ÔNG NQT VIẾT ?

    Trong bài nói trên, ông NQT viết: “Năm Đinh Dậu (1777) con Đô đốc Mạc Thiên Tích là Tham tướng Mạc Tử Duyên đã hy sinh tại trận tiền để ngăn chặn quân Tây Sơn đuổi theo Định Vương” (Cột 2, tr.39).

    Mạc Tử Dung (có sách chép là Duyên hay Diên) là con trai của Mạc Thiên Tích và bà Chánh thất Hiếu Túc Thái phu nhân. Năm 1775, tại Bến Nghé, ông được Định Vương Nguyễn Phúc Thuần phong chức Tham tướng Cai cơ. Năm 1777, Định Vương bị Tây Sơn bắt giết, nhưng Mạc Tử Dung không “hy sinh tại trận tiền” vào năm đó, như ông NQT viết. Năm 1780, Tông Quận công Mạc Thiên Tích và Tham tướng Mạc Tử Dung cùng nhiều người Việt Nam khác bị Phi Nhã Tân (Phya Tắc Sin) bắt giam ở Xiêm. “Tham tướng Mạc Tử Dung cố sức cãi là bị oan. Phi Nhã Tân bèn đánh chết. Tông Quận công tự tử”. (Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí, bản dịch, Nxb. Giáo dục, H. 1988, tr.129).

    Gia Định thành thông chí được dịch và xuất bản nhiều lần (bởi Tu Trai Nguyễn Tạo, Nxb. Văn hóa - PQVK/ ĐTVH/SG. 1972; bởi Đỗ Mộng Khương và Nguyễn Ngọc Tỉnh, Nxb. Giáo dục, H. 1998 và mới đây nhất, bởi Lý Việt Dũng, Nxb. Đồng Nai, 2005); nếu ông NQT chịu khó tìm đọc thì đã không bắt Mạc Tử Dung chết sớm ba năm trước như vậy.

    4- CÓ PHẢI MẠC TỬ HOÀNG CHẾT Ở XIÊM NHƯ ÔNG NQT VIẾT KHÔNG ?

    Trong bài nói trên, ông NQT viết: “Đến khi Định Vương bị Tây Sơn bắt, Mạc Thiên Tích đã sang Xiêm... phải tử tiết với 2 con là Mạc Tử Hoàng và Mạc Tử Thượng”. (Cột 2, tr.39). Sự thật không phải vậy. Chỉ riêng Mạc Thiên Tích tự tử, Mạc Tử Thượng và Mạc Tử Dung bị vua Xiêm giết, Mạc Tử Hoàng con sống đến năm 1820. Xin dẫn chứng:

    Một là: trên mộ bia của Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Hoàng tại núi Bình San (Hà Tiên) đã khắc rành rành:

    a./ Bia mộ MẠC THIÊN TÍCH

    Văn bia: “Hoàng Việt - Sắc tặng Hà Tiên trấn Hiển tổ Đại Đô đốc Qui nghĩa Công thần Đặc tiến Quốc lão Quận công Mạc Phủ quân chi doanh”, có ghi:

    Lạc khoản phải:“Long phi Mậu Dần niên (1818) quý đông nguyệt cát nhật cốc đán”.

    Lạc khoản trái: “Hiếu Nam Khâm sai Chưởng cơ Hoàng Đức hầu”, Đích tôn Công Du Công Tài lập tự”.

    Tại lạc khoản trái, Chưởng cơ Hoàng Đức hầu là Mạc Tử Hoàng. Năm 1818 làm mộ Mạc Thiên Tích, ông này còn sống, nên Mạc Công Du mới cho ghi “Hiếu Nam Hoàng Đức hầu... lập tự”. Năm này, Mạc Công Du đang là Trấn thủ Hà Tiên, không lẽ ông dám ghi sai văn bia ?

    b./ Bia mộ MẠC HOÀNG TỬ

    Văn bia: “Hoàng Việt, Hà Tiên trấn Khâm sai Hiệp trấn Chưởng cơ Hoàng Diễn hầu Mạc Công huynh”.

    Lạc khoản phải: “Long phi Canh Thìn niên (1820) mạnh xuân cát nhật cốc đán”.

    Lạc khoản trái: “Hiếu nam Mạc Công Du Mạc Công Tài đồng lập thạch tự”. Như vậy đến năm 1820, Mạc Tử Hoàng mới qua đời.

    Hai là: trong Hà Tiên Mạc thị thế hệ khảo (HTMTTHK)(4), ông Trần Kinh Hòa (Chen Ching Ho) cũng có đoạn: “Trên bia mộ của Thiên Tứ, dựng vào năm Mậu Dần (1818), Tử Hoàng đứng tên Hiếu Nam, như vậy thì lúc ấy Tử Hoàng còn sống, mãi đến năm Canh Thìn (1820) mới qua đời”.

    Ba là: cả 2 quyển Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả (HTTHTMTGP) của Võ Thế Dinh, hoàn thành tháng 6 năm Mậu Dần (1818)(5), và Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, hoàn thành năm 1820, không hề nói Mạc Tử Hoàng bị chết ở Xiêm. Khi kể việc cải táng hài cốt Mạc Thiên Tích và các con ông, chính văn trong bản sách HTTHTMTGP viết: “Tịnh tác hương mộc quách trang ngã Tiên công cập Tham tướng Tử Dung, Chưởng Thủy Dưởng hài cốt”. (Rồi sai dùng gỗ thơm làm quan quách chứa đựng hài cốt của ông tôi - tức Mạc Thiên Tích - cùng với các ông Tham tướng Tử Dung, Chưởng Thủy Dưởng).

    5- CHÚA NGUYỄN PHÚC KHOÁT CÓ PHẢI HIỂU VÕ VƯƠNG NHƯ ÔNG NQT VIẾT KHÔNG ?

    Ở trang 38, hai lần ông NQT gọi chúa Nguyễn Phúc Khoát là HIỂU VÕ VƯƠNG. Thật ra, Chúa Nguyễn Phúc Khoát húy là HIỂU. Sau khi ông mất, được dâng thụy hiệu là Kiền cương Úy đoán Thần nghị Thánh du Nhân từ Duệ trí HIẾU VÕ VƯƠNG (chữ HIẾU, âm Hán Việt dấu sắc)(6), còn gọi là THẾ TÔN HIẾU VÕ HOÀNG ĐẾ, chứ không phải Hiểu Võ Vương như ông NQT viết. Xưa nay không ai gọi cách thất thố như thế.

    6- PHÂN TÍCH TỰ DẠNG CHỮ HIỂU

    Trong sách Nhận thức mới về đất Hà Tiên (Nxb. Trẻ và Tạp chí Xưa & Nay,Tp. HCM, 2001) chúng tôi phân tích tự dạng chữ HIỂU gồm “tả NHẬT hữu NGHIÊU”(7) và đưa ra nhận định: “Chữ HIỂU trong tự dạng biểu thị hai vua ngang nhau”. (TMĐ. Sđd. tr.138-139).

    Chữ NHẬT biểu thị nhà vua, vì theo vua Minh Mệnh, chữ NHẬT là quân tượng (hình vua)(8). Chữ NGHIÊU là tên của vua Đường Nghiêu, trong lịch sử Trung Hoa cổ đại.

    Ông NQT không hiểu ý chúng tôi, đi tìm “hai chữ vương ngang nhau” một cách mất công vô ích.

    Chú thích:

    (1) ANHTTV là bản sao của Minh Bột di ngư do Trịnh Hoài Đức trùng san, vì các điểm trùng hợp sau:

    A. Khuyết điểm về tên tự tác giả: ông LÝNHÂN TRƯỜNG đã được Lê Quý Đôn kể tên trong Phủ biên tạp lục và Trịnh Hoài Đức kể trong Gia Định thành thông chí. Thế mà ANHTTV chép tên ông ấy là Nam Hải Lý, “Nhân Trường Nguyên” (Sđd, tờ 8a). Chỗ khác, sách NHDTAHT của Lý Văn Hùng và Thôi Tiêu Nhiên chép NAM HẢI, LÝ – NHÂN - TRƯỜNG - NGUYÊN, (Sđd trang 49). Riêng Lý Văn Hùng cho biết ông sao lục HTTV theo Minh Bột di ngư, sách in mộc bản của Lê Thọ Xuân cho mượn, trước 1945. (Xem Sđd. tr.104, hoặc VHHT/ Đông Hồ, 1970, tr.120). Vậy Lý Văn Hùng không dùng ANHTTV ở Hà Nội, thế mà 2 sách đều chép thiếu 1 chữ sau chữ NGUYÊN. Ông Đông Hồ thêm NGUYÊN BẢO, chúng tôi không rõ xuất xứ. (Xem VHHT: Đông Hồ - 1970, tr.121, hoặc VHHT/ĐH, 1996, tr.130.

    B. Khuyết điểm về thơ: Bài thơ mất nhiều chữ nhất là Đông Hồ ấn nguyệt (ĐHÂN), của Tôn Quý Mậu tự Nhị Tư, ANHTTV tờ 96b). Khuyết điểm này cũng hiện rõ trong NHDTAHT của Lý Văn Hùng). Bài ĐHÂN của Tôn Quý Mậu trong sách này cũng bị khuyết đúng các câu tương tự, nhưng số chữ mất ít hơn.

    (2) Đặng Trọng An sinh đầu đời Gia Long, sưu tầm các sách cũ chép thành một tập gọi Nam Hà ký văn và viết lời Tiểu dẫn tại làng Phú An, huyện Chân Định (Nam Định), năm Nhâm Thân (1812).

    (3) Phạm Nguyễn Du (1739 - 1787) tự Hiếu Đức, hiệu Thạch Động, người làng Đặng Điền, huyện Chân Phúc (Nghệ An), có tiếng hay chữ, 40 tuổi đỗ Hoàng giáp (1779), làm quan đến Đông các Đại học sĩ, rồi làm Đốc đồng Nghệ An. Khoảng năm 1786, nghe tin Tây Sơn lấy được Phú Xuân, ông đi lánh nạn, ốm và mất năm 1787. Tác phẩm có: Nam hành ký đắc tập, Thạch Động tiên sinh thi tập, Đoạn trường lục, ... (T/c. Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập I, Nxb. Văn hóa, H. 1984, tr.106).

    (4) Hà Tiên Mạc thị thế hệ khảo của Chen Ching Ho (Trần Kinh Hòa), sách chữ Hán, trích Hoa Cương học báo Đệ ngũ kỳ (Trừu ấn bản Đài Loan 1969), xem các trang 184, 187 và 188.

    (5) HTTHTMTGP, bản A.39 (VNCHN), gồm 2 phần: Nội bảnPhụ Ngoại bản. Nội bản gồm 33 tờ, tờ 33b có 4 dòng, chép lạc khoản kết thúc sách: “Đời Gia Long thứ 17, ngày 19, tháng 6 năm Mậu Dần (1818), trấn Hà Tiên, tòng trấn Cai đội Dinh Đức hầu, tôi Võ Thế Dinh tự Thận Vi kính lạy ghi chép...) Tờ 32b có vấn đề. Đó là một đoạn văn chép thêm, nội dung sai lịch đại, đặt trước câu lạc khoản này. Nguyên văn “Triều đình sắc phái Tỉnh thần lập từ vu Bình San cước hạ tự ngã Tiên công, hứa dĩ xuân thu phụng tự, nhi sắc y kỳ từ viết Trung Nghĩa từ”. (Triều đình lệnh cho Quan Tỉnh lập đền ở chân núi Bình San để thờ ông, vào các mùa xuân thu đều thiết lễ cúng tế và sai đặt tên đền là Trung Nghĩa từ). Các sự kiện này không phải xảy ra năm 1818, mà thuộc đời Thiệu Trị thứ 6 (1846). Bởi vì đền họ Mạc ở dưới chân núi Bình San, tên “Trung Nghĩa từ” mới kiến tạo năm 1846. Việc di dời ngôi đền được ông Nguyễn Thần Hiến ghi trong “Mộ kiến bổn từ Tiểu dẫn”. (Văn hóa nguyệt san số 80, tháng 4 - 1963, tr.569). Mặt khác, Hoàn Vũ ký văn của Cửu chân Tỉnh Sơn Nguyễn Du, sách hoàn thành đời Thiệu Trị thứ 6 (mã số 585, tờ 97a,b) nói rõ ngôi đền cũ do Mạc Công Du lập năm 1818, bị đồi hoại hoang phế vì Mạc Hầu Hi, Mạc Hầu Diệu ngả theo cánh Lê Văn Khôi chống nhà Nguyễn (1833-1835). Đền cũ nằm phía trái chùa Tam Bảo. Hơn nữa, 2 chữ “Quan Tỉnh” xác định rõ ý văn chép sai lịch đại, vì năm 1818 chưa lập đơn vị hành chính tỉnh. Năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) triều Nguyễn mới đổi trấn thành tỉnh. Vậy, đoạn ấy mới được thêm, sau khi tác giả Võ Thế Dinh qua đời (1821), có lẽ năm 1846, đời Thiệu Trị thứ 6. Chính vì thế, câu “Thị Tý niên (1792), Công Bính quy táng ngã Tiên công cập ông Chưởng, ông Thủy, ông Tham Tướng ư Bình San” ở Phụ Ngoại bản là không đáng tin, vì “ông Chưởng” Mạc Tử Hoàng vẫn còn sống đến 1820.

    (6) Ngô Đức Thọ: Nghiên cứu chữ húy Việt Nam qua các thời đại, Nxb. Văn hóa, H. 1997, tr.123.

    (7) Lỗi morasse “tả thật” đã được sửa trong bản đính chính kèm theo sách, lẽ ra ông NQT không nên nhắc tới nữa. Khác với cách cư xử của ông, chúng tôi cho hai lỗi trong bài của ông: Mạc Phúc Trú (dòng 14, cột 1, tr.34) thay vì Mạc Thiên Tích và Mạc Thiên Tích (dòng 20, cột 1, tr.38) là lỗi morasse, chứ không hẹp hòi quy trách nhiệm cho ông.

    (8) Vua Minh Mệnh nói: “Ngự danh của Đức Thế Tôn Hiếu Võ Hoàng Đế ta dùng bộ NHẬT truyền đến Hoàng khảo ta chuyên dùng bộ NHẬT... Lấy bộ NHẬT vì chữ này có ý nghĩa quân tượng (hình vua)”. (Minh Mệnh chính yếu, Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1972, tập I trang 65)./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (76) 2006; Tr.65-69)
     

Share This Page