Về cuốn Tam thiên tự do Ngô Thì Nhậm soạn

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 8, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    HOÀNG HỒNG CẨM
    TS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

    Nhân đọc bài “Tam thiên tự, cuốn song ngữ Hán Nôm độc đáo” của Tạ Đăng Tuyên, đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 4-2000, có đề cập đến cuốn Tam thiên tựcủa Ngô Thì Nhậm, chúng tôi xin trao đổi với tác giả một đôi điều sau đây.

    Theo tác giả bài báo, thì năm 1999, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin đã cho ra mắt bạn đọc cuốn Tam thiên tự, ấn bản lần thứ tư, có sữa chữa, bổ sung. Và ở Lời nói đầu, Nhà xuất bản viết: “Theo tài liệu lưu trữ xưa thì sách Tam thiên tự là do Ngô Thì Nhậm soạn, và đã được khắc in vào cuối thế kỷ XVIII. Sau này, được học giả Đoàn Trung Còn biên soạn, sao lục, Chí Đức tùng thư xuất bản lần đầu năm 1959”. Sau khi đọc Lời nói đầu, tác giả Tạ Đăng Tuyên tỏ ra băn khoăn và muốn biết:

    1- Liệu bạn đọc có thể được cung cấp thêm thông tin về “Tài liệu lưu trữ xưa” như đã nói ở trên không?

    2- Nếu “Tài liệu lưu trữ xưa” này có giá trị khoa học đích thực, hoặc ít nhất là đã được thực tế chấp nhận, thì việc chỉ ghi tên người “Biên soạn, sao lục” là học giả Đoàn Trung Còn mà không ghi tên tác giả là Ngô Thì Nhậm, phải chăng đó là quy định mới?”

    Qua hai câu hỏi của tác giả bài báo, người đọc dễ dàng hiểu ngay là tác giả tỏ ý nghi ngờ về soạn giả đích thực của sách Tam thiên tự có đúng là Ngô Thì Nhậm hay không?

    Quả vậy, lâu nay những ai đã nghiên cứu chữ Nôm đều vẫn lưu tồn một câu hỏi như vậy, và bản thân người viết bài này cũng từng băn khoăn như thế, khi học tập chữ Nôm để phiên âm cuốn Truyền kỳ mạn lục giải âm.

    Tra tìm trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, hiện nay có hai cuốn Tam thiên tự đáng chú ý, đó là cuốn Tam thiên tự giải âm, ký hiệu AB.19, và cuốn Tam thiên tự giải dịch quốc ngữ, ký hiệu VNv.120. Sách Tam thiên tự giải âm, do Phú Văn đường tàng bản khắc in; trang bìa đề “Hoàng triều Tân Mão niên mạnh thu, thượng cán tân san” (Hoàng triều năm Tân Mão, tuần đầu tháng bảy, bản khắc in mới). Không ghi tên người soạn, không có bài tựa hoặc dẫn... Ở trang đầu nội dung sách có ghi một tiêu đề khác với bìa ngoài là Tự học toản yếu “字學纂要” (Tập hợp, biên tập những điều cốt yếu về môn học về chữ nghĩa). Trong bộ Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu (viết tắt Thư mục)(1) có ghi tên sách này, nhưng cũng không có chỉ báo gì về tên người soạn, cũng không cho biết năm Tân Mão là năm nào ? Rất đáng tiếc là cả cái tên Tự học toản yếu ở bìa trong là cái tên hết sức có giá trị về mặt lịch sử văn bản cũng không được bộ sách trên giới thiệu. Về sách Tam thiên tự giải dịch quốc ngữ, bộ Thư mục cũng chỉ cho biết là được in năm 1908, không cho biết ai soạn và ai dịch Quốc ngữ ?

    May thay, khi tìm đọc Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - Nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam(1) của nhà thư tịch học nổi tiếng Trần Văn Giáp, chúng tôi đã nhận được những chỉ bảo hết sức bổ ích về lai lịch sách Tam thiên tự giải âm, cũng như về sách Tam thiên tự giải dịch quốc ngữ.

    Đương nhiên, trong Lời nói đầu cuốn Tam thiên tự(3)đã đưa thông tin rằng, theo tài liệu lưu trữ xưa thì sách Tam thiên tự là do Ngô Thì Nhậm soạn và đã được khắc in vào cuối thế kỷ XVIII, đúng như tác giả bài báo đã nêu. Nhưng đó mới chỉ là một thông tin có tính truyền văn, còn quá chung chung và chưa có gì là cụ thể cả. Bởi thế, tác giả Tạ Đăng Tuyên còn thắc mắc cũng là phải.

    Mấu chốt vấn đề chính là ở cái tên khác, được ghi ở bên trong, tại trang đầu bản in, đó là cái tên Tự học toản yếu mà chúng tôi đã nói ở trên. Cái tên này vốn được ghi trong sách Kim mã hành dư (金馬行餘)của Ngô Thì Nhậm trong bộ Ngô gia văn phái, ký hiệu A.117, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Trong đó, chính Ngô Thì Nhậm đã nói rõ việc ông soạn sách Tự học toản yếu như thế nào.

    Ngô Thì Nhậm sinh năm Bính Dần niên hiệu Lê Cảnh Hưng năm thứ 7 (1746), mất năm Gia Long thứ 2 (1803) đời Nguyễn, người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai (nay là Thanh Trì, Hà Nội). Ông đỗ Tiến sĩ năm Ất Mùi , niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 36 (1775) thời Lê, Trịnh từng làm quan Đông các Hiệu thư, sau thăng tới chức Công bộ Thị lang. Theo Ngô gia thế phả thì năm 16 tuổi Ngô Thì Nhậm đã soạn sách dưới sự hướng dẫn của cha là Ngô Thì Sĩ, một nhà sử học, nhà thơ nổi tiếng ở đời Lê.

    Có liên quan đến sách Tự học toản yếu, trong bài Tựa sách này, Ngô Thì Nhậm từng viết: “Tôi từ thuở trẻ được học về văn chương. Nay được làm quan trong triều, nếu có câu chữ nào mà ý nghĩa còn chưa rõ thì đem hỏi các bậc cao cả, rồi cùng bàn bạc hỏi han nhau. Còn có những âm phiên thiết không giống nhau, chữ viết cũng khác thì không xét vào đâu cho đích xác được. Gần đây, nhân được dự vào công việc trong tướng phủ, được xem các sách hay, tìm rộng trong các tài liệu, chữ nào hiểu được, thu nhặt cất đi, phiên âm giải nghĩa, nghĩa liền với vần, vần lại đối nhau, gồm được ba nghìn chữ, đặt tên gọi là Tự học toản yếu. Khi sách này làm xong, bèn đưa khắc ván in”(4).

    Qua bài tựa này, chúng ta được biết Ngô Thì Nhậm đã soạn sách Tự học toản yếu (tức sách Tam thiên tự giải âm) trong thời điểm, chí ít cũng là từ lúc còn trẻ, khoảng năm 16 tuổi như thông tin trong Ngô gia văn phái; rồi lúc vào làm quan trong triều, ông lại có dịp tìm tòi, học hỏi thêm, cả thu nhặt tài liệu lẫn trao đổi trực tiếp với các đồng liêu tiền bối, sau đó mới phiên âm giải nghĩa để soạn thành sách. Số lượng chữ được Ngô Thì Nhậm biên soạn là ba nghìn chữ. Về vấn đề này, Ngô Thì Nhậm cũng giải thích rõ trong bài Tựa như sau: “Bản sách ba ngàn chữ mà tôi làm đây, chỉ chọn những chữ âm đọc thông thường, nghĩa gọn, còn những chữ không thường dùng thì không lấy thừa. Nó thật chỉ là một cành cây trong rừng, một muôi nước ngoài biển, không được đầy đủ như các sách Tự điển, Vận hội(5). Còn về nghĩa lý, nghĩa thật, nghĩa bóng; về sự việc, việc lớn, việc nhỏ đều chỉ là những điều mà người thường, đàn ông cũng như đàn bà, ai cũng dễ dàng hiểu được, cũng có thể dùng sách này làm bài dạy cho các trẻ nhỏ. Được như thế thì may ra sẽ giúp cho các học trò của chúng ta, từ bậc thấp, từ bước gần trèo lên cao và đi tới xa được...”(6)

    Đó là tôn chỉ, mục đích, cũng như giới hạn của sách Tam thiên tự giải âm (tức Tự học toản yếu) mà Ngô Thì Nhậm đã cho biết, chỉ có điều đáng tiếc là tác giả không nói rõ niên đại khắc in sách mà thôi. Tuy nhiên, căn cứ vào bìa sách in hiện còn của nhà tàng bản Phú Văn đường có đề là Tân Mão niên tân san, thì chúng ta cũng có thể có căn cứ suy đoán để tìm ra niên đại khắc in của tác phẩm. Cụ Trần Văn Giáp, sau khi đọc bài Tựa đã dẫn, có ghi nhận rằng: “Đọc bài Tựa ấy, chúng ta có thể xác định sách Tam thiên tự giải âm, hay còn gọi là Tự học toản yếu, chính là công trình biên soạn của Ngô Thì Nhậm đã hoàn thành và đem in lần thứ vào cuối thế kỷ XVIII”(7)

    Cuối thế kỷ XVIII là năm nào? Cụ Trần Văn Giáp ở lần này cũng chưa nói rõ. Đến khi bàn về niên đại khắc in của bản Phú Văn đường, thì cụ Trần Văn Giáp lại cho rằng: “Về niên đại thì bản in nói trên (tức bản Phú Văn đường), chỉ ghi là khắc in năm Tân Mão, không nói rõ năm nào. Nhưng chúng ta có thể xác định được đây là năm Tân Mão niên hiệu Minh Mạng thứ 12 (1831), bởi lẽ không thể đặt vào năm Tân Mão 1771, vì năm ấy Ngô Thì Nhậm chưa đậu Tiến sĩ, không phù hợp với lời lẽ trong bài Tựa, vì ở đây ông đã nói sách này được biên soạn sau khi ông đã làm quan to trong triều “近日承乏皇扉” (cận nhật thừa phạp hoàng phi) cũng không phải là năm Tân Mão 1891, vì trong sách những chữ “thì” (時) đều không viết theo lối kiêng tên húy vua Tự Đức”(8). Về cơ bản, chúng tôi đồng tình với lý lẽ cùng cách luận giải của cụ Trần Văn Giáp. Song chúng tôi muốn bàn cụ thể thêm như sau:

    Ở bản in Phú Văn đường, có ghi rõ là “Tân Mão niên... tân san” (Năm Tân Mão khắc in bản mới, tức là khắc in lại, vì trước đó đã có bản in cũ, nên mới nói “tân san”). Vậy năm Minh Mệnh thứ 12, tức Tân Mão 1831 chỉ là lần tái bản, lần in mới. Còn năm in lần đầu là năm nào ?

    Theo Hoàng Lê nhất thống chí, thì khoảng năm Canh Tý, niên hiệu Cảnh Hưng 41 (1780), Tiến sĩ Ngô Thì Nhậm được chúa Trịnh Sâm giao cho làm Tùy giảng cho Thế tử Trịnh Tông ở trong phủ Chúa. Như vậy, thì rất có thể, trong khoảng thời gian này, do phải soạn sách để giảng dạy cho Thế tử Tông, Ngô Thì Nhậm đã kết hợp biên soạn và hoàn thành việc đưa in sách Tự học toản yếu (tức Tam thiên tự giải âm) như đã nói trong bài tựa. Và nếu đúng, thì đây cũng chính là thời điểm cuối thế kỷ XVIII như cụ Trần Văn Giáp đã ghi theo truyền văn.

    Còn về cuốn Tam thiên tự giải dịch quốc ngữ, ký hiệu VNv.120, theo cụ Trần Văn Giáp cho biết, thì cũng có chung nguồn gốc với cuốn Tam thiên tự giải âm, đó là sách do Linh mục Vũ Khoa phiên âm ra chữ Quốc ngữ, và được Tổng đường Phát Diệm khắc in. Chúng tôi tìm đọc văn bản, thì đây quả là sách do Linh mục Vũ Khoa phiên âm từ sách của Ngô Thì Nhậm ra chữ Quốc ngữ. Trong sách, ngoài phần “Dặn riêng mấy điều cần trước” nói về việc sử dụng sách Tam thiên tự giải dịch quốc ngữ, còn có phần Mở đầu, nhằm giới thiệu khái quát cuốn sách bằng lối thơ 4 chữ, và có cả lời dịch của Linh mục Vũ Khoa ra thơ lục bát như sau:

    “Thử thư thành tự,

    Cổ sĩ thông minh.

    Thậm tính thùy danh,
    Ngã sở bất thức...”

    Lời dịch:

    (Kẻ đã làm nên sách này,

    Là người thông thái khôn tày đời xưa.

    Đây ta không thể khảo tra,

    Tên hèm tên họ gọi là chi chi...).

    Như vậy là bản thân Linh mục Vũ Khoa khi phiên âm sách này ra Quốc ngữ, cũng không biết tác giả cuốn sách là ai. Nhưng việc làm của ông rõ ràng là một công việc vô cùng hữu ích đối với việc học chữ Hán, nhất là trong thời buổi mà chữ Hán đã không còn được sử dụng phổ cập ở Việt Nam. Chúng tôi đã đối chiếu với sách Tam thiên tự giải âm (Tự học toản yếu)thì thấy bản khắc in của Linh mục Vũ Khoa VNv.120 là hoàn toàn trung thực, đúng như bản Tam thiên tự giải âm AB.19. Cũng bắt đầu từ các câu:

    天俼Thiên trời, Địa đất 地坦

    舉拮Cử cất , Tồn còn 存群

    子岞Tử con, Tôn cháu 孫刯

    六婅Lục sáu, Tam ba 三倈

    家茹Gia nhà, Quốc nước 國搩

    ...

    Và kết thúc đủ 3000 chữ ở các câu:

    蘊丑Uẩn giấu, Phong giầu 豐腂

    淵焵Uyên sâu, Bí mật 秘密

    微日Vi nhặt, Tiệm dần 漸寅
    亻敬竃Cảnh răn, Ác dữ 惡與

    字岲Tự chữ, Từ tờ 詞詞

    Theo cụ Trần Văn Giáp, thì tên sách Tam thiên tự của Ngô Thì Nhậm có chịu ảnh hưởng của sách Tam thiên tự của Từ Ngọc Côn người đời Thanh (Trung Quốc), mà Nguyễn Huy Oánh đã in trong sách Sơ học chỉ nam (初學指南)(9).Tuy nhiên, sách Tam thiên tự của Ngô Thì Nhậm hoàn toàn là một sáng tạo của Việt Nam. Bởi sách Tam thiên tự đời Thanh thiên về lịch sử, còn sách Tam thiên tự của Ngô Thì Nhậm đa diện hơn. “Nó chỉ lược dạy 3000 chữ thông thường, đáp ứng nhu cầu cần thiết, nhớ chữ, nhớ nghĩa từng chữ, mỗi câu bốn chữ. Hiệp vần cũng có điểm đặc biệt, tức là vần lưng (yêu vận, vần giữa câu). Tiếng thứ tư câu đầu hiệp với tiếng thứ hai câu dưới, rồi cứ thế mãi đến 3000 chữ, 750 câu. Thí dụ: Thiên trời, địa đất, cử cất, tồn còn, tử con, tôn cháu, lục sáu, tam ba, gia nhà v.v...”(10). Cụ Trần Văn Giáp cũng đánh giá đây tuy chỉ là quyển sách dạy học vỡ lòng về chữ Hán, như lời tác giả đã nói, nhưng thực ra cũng có thể coi nó chính là sách tự điển Hán Việt thông thường và phổ biến ở cuối thế kỷ XVIII, đồng thời với các sách Chỉ nam ngọc âm, Chỉ nam bị loại, và xuất hiện trước các sách Nhật dụng thường đàm, Thiên tự vănĐại Nam quốc ngữ

    Riêng chúng tôi, xin nêu thêm giá trị cuốn sách, xét từ góc độ nghiên cứu chữ Nôm, cũng như góc độ văn tự học, ngôn ngữ học lịch sử tiếng Việt. Đọc kỹ bài tựa sách Tự học toản yếu chúng ta thấy Ngô Thì Nhậm rất quan tâm tới vấn đề ngữ âm cũng như vấn đề cấu tạo chữ Nôm. Sau khi bàn qua về lối “Lục thư” của Trung Quốc, Ngô Thì Nhậm rất có ý thức so sánh giữa âm Hán với âm Nôm, tác giả viết: “Cho nên, đối với các âm: tháp 塔?, thất 失, đạt 達, thức 識... các bậc hiền xưa phân biệt rõ ràng từng thổ âm, còn các thanh: ngưu 牛, lục 綠, ngang 昂, bang 邦 thì Bắc triều không bỏ ra ngoài quốc ngữ(11). Nước Việt Nam ta, việc dựng nước có văn hiến, về chữ cũng giống Trung Hoa, nhưng cách phiên âm giải nghĩa lại có khác biệt, hãy lấy một vài thí dụ thì đủ thấy rõ: cái gì nhẹ và trong trẻo là trời, Trung Hoa gọi là thiên 天 ta viết thêm chữ thượng 上đọc là trời 俼. Cái gì nặng và đặc sệt là đất, Trung Hoa gọi là địa 地ở nước ta thì bên chữ thổ 土 viết thêm chữ đán 旦đọc là đất 坦(12). Đến như các loại xa 車ma 麻, cá 个, cự 巨, thảo đầu 艸, trúc đầu 竹... nghìn chữ như một, tùy theo khi viết thì sẽ tăng thêm, đúng như trong sách. Đó cũng chính như hiện tượng mà sách Hoàng cực kinh thế 皇極經世(13) từng gọi là Khai khẩu 開口(há miệng) và Toát khẩu 撮口 (ngậm miệng). Đó cũng là lẽ tự nhiên của phương Nam phương Bắc khác nhau vậy. Cho nên, chữ nước ta so ra khó hơn chữ Trung Quốc. Các bậc tiền bối xưa từng làm sách Chỉ nam song tự 指南雙字(hướng dẫn chỉ rõ hai thứ chữ), trong đó theo nét mà phiên nghĩa, nhưng thật ra cũng chưa đủ nói hết mọi lẽ trời đất sự vật vậy”. (“Tựa” Tự học toản yếu).
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Xem vậy, đủ thấy Ngô Thì Nhậm là một học giả rất am tường chữ Nôm, do đó, sách Tam thiên tự giải âm (tức Tự học toản yếu) cũng còn là một công trình rất bổ ích để nghiên cứu tìm hiểu lịch sử chữ Nôm của nước ta. Đáng tiếc là các bản khắc in đã không in kèm bài tựa của tác giả họ Ngô để hậu thế có thể hiểu rõ quan điểm của ông về ngôn ngữ văn tự nước nhà…

    Đến đây, chúng tôi chắc tác giả Tạ Đăng Tuyên đã có thể tự giải đáp được những vấn đề đã đặt ra trong bài báo của mình.

    Chú thích:
    (1) Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu. Nxb. KHXH, H. 1993.
    (2) Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - Nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam. Tập II, Nxb. KHXH, H. 1990.
    (3) Tam thiên tự Nxb. VH-TT, H. 1999.
    (4) Dựa theo bản dịch của cụ Trần Văn Giáp.
    (5) Chỉ các loại sách công cụ để tra cứu chữ Hán, lấy chữ làm đơn vị, và lấy vần để tra cứu như Thuyết văn giải tự, Khang Hy tự điển, Cổ kim vận hội cử yếu... của Trung Quốc - HHC.
    (6) Dựa theo bản dịch của cụ Trần Văn Giáp, chúng tôi có châm chước, chỉnh lý chút ít - HHC.
    (7) Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập II, Sđd, tr.14.
    (8) Bản của Thư viện Viện Sử học in năm 1906, bản của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm in năm 1908, ngoài ra còn có các bản in năm 1909, 1915.
    (9) Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm có cuốn sách này, ký hiệu A.1634, chỉ có sách chép tay, soạn năm Cảnh Hưng, Quý Tỵ 1773 - HHC .
    (10) Trần Văn Giáp, Sđd, tr.17.
    (11) Chỉ ngôn ngữ chính thống của quốc gia - HHC.
    (12) Đúng ra, phải viết 土bên chữ đát 怛? , nhưng vì nguyên tắc giản hóa trong cấu tạo chữ Nôm, người ta đã bỏ bộ tâm 心 /đi cho gọn, thành > , đọc đất, nhưng nếu đọc theo âm Hán Việt lại là thản có nghĩa là phẳng, rộng. Nếu không nghiên cứu cấu trúc chữ Nôm thì rất dễ hiểu lầm, đọc sai - HHC bổ sung.
    (13) Của Thiệu Ung, nhà tượng số học nổi tiếng đời Tống - HHC.

    Tài liệu tham khảo
    1.Ngô gia văn phái, A.117.
    2.Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Tập II, Nxb. KHXH, H. 1990.
    3.Lược truyện các tác gia Việt Nam. (Trần Văn Giáp chủ biên), Tập I, Nxb. KHXH, H. 1971.
    4.Ngô gia thế phả, VHv.1345.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (80) 2007; Tr.18-26)
     

Share This Page