Về sách Thánh Tông di thảo

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 6, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    PGS.TS. TRẦN BÁ CHÍ
    ĐH KHXH và Nhân văn Hà Nội

    Sách Thánh Tông di thảo ở Thư viện Nghiên cứu Hán Nôm kí hiệu A.202 dày 196 trang chữ Hán viết tay đã được vị túc nho Nguyễn Bích Ngô dịch rất công phu và hai nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Thắng, Hà Thúc Minh giới thiệu một cách khoa học. Độc giả đón nhận say sưa, chỉ mong chờ câu giải đáp: ai là tác giả ? Tất nhiên độc giả không chỉ mong chờ, mà cũng có người vất vả tìm tòi, mong góp phần nhỏ bé của mình vào việc giải đáp câu hỏi khó khăn phức tạp đó.

    Vấn đề này tôi đã lưu tâm nhiều năm, nhưng đã khó lại hiếm tài liệu. Vì vậy tôi xin nêu lên vài suy nghĩ bước đầu của tôi.

    I. Tổng quan về tác phẩm Thánh Tông di thảo

    Đọc qua dịch phẩm, đối chiếu với nguyên tác hầu hết là chuyện thần tiên ma quái. Mỗi chuyện có cái hay riêng, càng đọc càng đam mê, càng bị cuốn hút. Xét về cấu tứ và bút pháp thì phải là các bậc Tiến sĩ, tối thiểu cũng từ Hương cống trở lên mới viết nên những áng văn chương như thế. Truyện nào cũng vận dụng đến Tứ thư, Ngũ kinh, cổ truyện, huyền tích một cách nhuần nhuyễn, khéo léo, gợi cảm.

    Phần lớn chuyện có ghi xuất xứ: đọc được từ đâu, nghe người nào kể, hay tai nghe mắt thấy ở đâu. Cuối mỗi chuyện đều có lời bàn, nhằm ca ngợi người tốt việc tốt, chê trách người xấu việc xấu. Ở nước ta lối viết chuyện này thường là sách Hán Nôm nằm rải rác ở nhiều nơi, chưa được quan tâm phiên dịch. Có những sách như Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, xuất hiện những nhân vật như Phạm Viên hàng ngày chơi với Tiên, chuyện trò với ma, tài bấm ấn quyết chẳng kém gì Tề Thiên đại thánh. Nhiều cự nho danh khanh cũng muốn gặp chân nhân mà giao lưu thù tạc.

    Đến khoảng cuối Lê đầu Nguyễn, đất nước biến chìm trong nhiều phen biến loạn. Kinh thành Thăng Long điêu đứng từ loạn kiêu binh đến nhiều năm khói lửa. Một số văn nhân tìm gặp nhau, lấy sự đồng tâm làm nơi nương tựa, cùng nhau ngâm vịnh, sáng tác văn chương để hy vọng cứu đời, đam mê sách truyện tiền nhân để hoài cổ để thưởng thức, tục biên, bình phẩm. Nhóm văn nhân này, trong đó có An Nam ngũ tuyệt đã bảo tồn được tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ và họ đã viết bài tựa để lưu truyền. Họ còn đọc và bổ biên nhiều sách truyện của tiền nhân, trong đó có sách Thánh Tông di thảo.

    II. Xét các địa danh có trong tác phẩm

    Địa danh không chỉ liên quan đến nội dung tác phẩm, mà có khi còn giúp ta biết được thời gian và không gian hoạt động của tác giả. Cho nên tìm hiểu địa danh cũng là một phương pháp nghiên cứu khoa học. Trong 19 truyện của sách Thánh Tông di thảo, chúng ta đã gặp những địa danh có thời gian xuất hiện, tồn tại khác nhau.

    Truyện Yêu nữ Châu Mai.

    Địa danh Châu Mai, về sau thuộc trấn Hưng Hóa tồn tại đến đời Nguyễn. Sông Nhị, Hồ Tây thuộc vùng Thăng Long xuất hiện trước thời Lê, tồn tại đến ngày nay.

    Truyện Hai Phật cãi nhau

    Địa danh Văn Giang, sách Đại Nam nhất thống chí thời Nguyễn chép: thời Quang Thuận (1460-1469) đổi Tế Giang thành tên huyện Văn Giang .

    Truyện Hai gái thần

    Chợ Thanh Xuân, địa danh thời Lê Trung hưng. Cùng với Chợ Dừa, phường Đại Lợi, Trường An, đều liên quan đến vùng Thăng Long. Địa danh huyện Đông Anh thuộc Bắc Ninh xuất hiện sau năm 1841. Địa danh Mậu Sơn thuộc trấn Lạng Sơn có trước thời Lê. Ải Lê Quan tức Kê Lăng cũng ở Lạng Sơn. Núi Tam Đảo ở trấn Sơn Tây.

    Truyện Duyên lạ nước Hoa.

    Sơn La, Hưng Hóa là địa danh thời Lê - Nguyễn. Nước Hoa (Hoa quốc) từ trong Man thư, chuyện dân gian của các tộc thiểu số. Tuyên Quang có từ thời Lê Thánh Tông. Vân Đồn có từ thời Lý. Địa danh Hà Nội sau năm 1831 mới có.

    Truyện Trận cười ở núi Vũ Môn

    Địa danh Vũ Môn có từ thời Trần, nay thuộc huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh.

    Truyện Hai thần hiếu đễ.

    Địa danh Vũ Ninh có trước thời Bắc thuộc, thuộc Kinh Bắc thời Lê, Bắc Giang thời Nguyễn.

    Truyện Người trần ở thủy phủ.

    Bô Cô, Thái Già là địa danh thời Trần. Sơn Minh, Ninh Chúc, Hát Giang cũng là địa danh thời Trần, đều thuộc trấn Sơn Tây. Vũ Ninh, Thiên Đức, sông Thương đều thuộc Kinh Bắc.

    Truyện Gặp tiên ở hồ Lãng Bạc.

    Lãng Bạc là tên cổ của Hồ Tây thuộc Thăng Long.

    Truyện Bài ký một giấc mộng.

    Địa danh hồ Trúc Bạch thuộc địa bàn Thăng Long.

    Truyện Một dòng chữ lấy được gái thần.

    Trại ngoại Thanh Hoa, tức vùng Hoa Lư, Trường Yên thời Lê mạt, Nguyễn sơ. Nay thuộc Ninh Bình.

    Tập hợp số địa danh trên theo sự bố cục tự nhiên của nó, ta thấy chúng nằm trong một phạm vi ổn định như sau. Địa danh cực Bắc là Lạng Sơn, địa danh cực Nam là Vũ Môn, Hà Tĩnh. Cụm địa danh lớn nhất, có tính hội tụ nhất là cụm địa danh Thăng Long. Thứ đến cụm địa danh Sơn Tây, Hưng Hóa. Thứ ba là cụm địa danh Kinh Bắc, nay là Bắc Ninh, Bắc Giang. Các địa danh khác ở rải rác, đơn lẻ có thể nó đã xuất hiện ngẫu nhiên trong trường hợp tác giả chỉ được gián tiếp nghe chuyện do người khác kể.

    Qua các địa danh nêu trên, khách quan nó phản ảnh Thăng Long là nơi hội tụ, hoạt động của các tác giả, là nơi hình thành nên các cốt truyện trong Thánh Tông di thảo, thứ đến vùng Sơn Tây, Hưng Hóa.

    III. Thử phân thế hệ tác giả theo tác phẩm phản ảnh

    Về việc tìm tác giả của tác phẩm Thánh Tông di thảo ai cũng thừa nhận là khó. Khó không chỉ do sách không có lạc khoản ghi tên người soạn, thời điểm biên soạn; mà còn do sự không đồng nhất giữa các tình tiết trong nội dung tập truyện mang tính truyền kỳ phức tạp.

    Tuy có phức tạp, có mặt không đồng nhất, nhưng các truyện đều có một tính chung là dù ít dù nhiều, đều phản ánh hiện thực xã hội. Có thể nói truyện nào cũng mượn cái lốt thần tiên, yêu quái huyền ảo xa lạ, trùm lên con người thực trong xã hội không khác gì tác giả, hoặc giống như một phần cảnh ngộ của tác giả.

    Điều trước tiên, tôi tán đồng ý kiến của các tác giả cuốn Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam rằng: "Đây là một tác phẩm của người Việt viết ra khoảng chừng từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII". Tôi thấy còn có dấu hiệu bổ sung, sửa chữa đôi chút vào thế kỷ XIX.

    Thứ đến hai chữ "di thảo" cũng phải xem xét. Một tác phẩm được người sau trân trọng gọi là di thảo, dĩ nhiên phải có một văn bản hẳn hoi do người trước sáng tác, biên soạn lưu truyền. Có thể có thêm phần tục biên, tục soạn của người sau, nhưng phải trên cơ sở bổ sung cho di thảo. Do vậy ở đây có hai thế hệ tác giả.

    Thế hệ trước là Lê Thánh Tông và những tác giả đồng thời, sáng tác phụ họa với Lê Thánh Tông, có thể do vua truyền bảo.

    Đối với những truyện do Lê Thánh Tông soạn, tôi nghĩ không nên trách cứ: vua không hề làm thái tử, vua không hề ở Đông cung v.v. Vì sự việc đã qua lâu ngày, vả lại sử liệu nước ta không liên tục, không chép đầy đủ như sử Trung Quốc. Theo tôi, về thời điểm này, ta nên tôn trọng ý kiến người xưa, cụ thể là ý kiến của Nam Sơn Thúc. Ông là người đã có điều kiện tiếp cận văn bản đầy đủ hơn ta và đã có công nghiên cứu nội dung, viết bình luận suốt trong 19 truyện trong tập sách.

    Theo Nam Sơn Thúc thì những truyện sau đây là của Lê Thánh Tông:
    Truyện Yêu nữ Mai Châu
    Truyện Bài kí dòng dõi con thiềm thừ
    Truyện Hai Phật cãi nhau
    Truyện Bức thư của con muỗi
    Truyện Lời phân xử của anh điếc anh mù
    Truyện Gặp tiên ở hồ Lãng Bạc
    Truyện Bài kí giấc mộng
    Truyện Tinh chuột

    Ngoài ra, một số truyện khác, theo nhân vật, địa danh, văn khí, bút pháp cũng có thể do người thời Lê Thánh Tông biên soạn. Chẳng hạn như truyện Hai thần hiếu đễ có thể do Nguyễn Nhân Bị hoặc Nguyễn Xung Xác (hội viên Tao Đàn) hoặc do một trong những người họ Nguyễn ở làng Kim Đôi sáng tác. Bởi vì cuối truyện ấy có dấu hiệu bị người sau nhuận sắc, bổ chú, cho nên mới có câu: "Đến nay ở núi Vũ Ninh còn có hai đền thờ Nguyễn sinh" vì ở Vũ Ninh có nhiều đền thờ người họ Nguyễn ở làng Kim Đôi thuộc huyện Võ Giàng. Các học vị Cử nhân, Tú tài, hình như ở khoa thi ở trấn Sơn Nam năm 1771 cũng đã có, theo sách Đại Việt sử kí tục biên ghi chép.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Thế hệ sau là những tác giả được tiếp cận để bảo tồn Thánh Tông di thảo. Di thảo bị rách, bị nát họ tìm cách bổ cứu, sửa chữa, nhuận sắc, viết tựa, viết lời bàn; họ sáng tác thêm những truyện truyền kỳ mà họ biết được, thấy được, nghe được. Nhóm tác giả này ở phần I Tổng quan về tác phẩm tôi đã nhắc qua: Họ là những văn nhân sống vào khoảng Lê mạt Nguyễn sơ. Họ đọc nhiều hiểu rộng, đam mê loại truyện thần tiên và họ đủ tài viết nên những truyện truyền kì. Họ đã đọc truyện Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ và viết lời tựa để bảo tồn di thảo. Đối với Thánh Tông di thảo cũng vậy, họ cũng đã đọc kĩ, viết lời bàn, lời tựa với ý thức hoàn thiện, bảo tồn di thảo.

    Nhóm tác giả này chưa rõ bao nhiêu người ? Qua thông tin tư liệu, có thể biết được ba người cùng cảnh ngộ mà kết bạn với nhau. Trong đó nhân vật tiêu biểu là Sơn Nam Thúc.

    IV. Sơn Nam Thúc là ai ? Cuộc đời và văn chương ?

    Theo tôi thì Sơn Nam Thúc là Nguyễn Hành 阮衡(1770-1824), còn có tên là Nguyễn Đạm, tự Nhật Nam và Nam Phủ, hiệu là Hồng Sơn Nam Thúc, con trai cả Đô đốc quân vụ Trịnh phủ Nguyễn Điều, cháu nội Đại tư đồ Tham tụng (Tể tướng) Nguyễn Nghiễm, hiệu Hồng Ngư cư sĩ, người huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh(1).Nguyễn Hành gọi Tham tụng Nguyễn Khản (tức Nguyễn Lệ) là bác cả, gọi Văn thần Nguyễn Du Hồng Sơn liệp hộ là chú ruột. Nguyễn Hành và Nguyễn Du được người đời ca ngợi là An Nam ngũ tuyệt trên văn đàn đương thời.

    Nguyễn Hành sinh ra ở quê. Ông là con cháu các đại thần, nên lớn lên được ra Thăng Long học ở trường Quốc tử giám. Ông nội là Nguyễn Nghiễm có thư trai ở gần nhà Thái học, hàng ngày sống cùng gia đình bác cả Nguyễn Khản cạnh chùa Bích Câu, nhà cha là Nguyễn Điều cũng gần nhà bác Nguyễn Khản. Đó là điều kiện để Nguyễn Hành được các bác các chú dìu dắt học tập.

    Vào học trường Quốc tử giám, Nguyễn Hành kết thân với Nguyễn Án, là ấm tử thuộc dòng Nguyễn Thực, Nguyễn Nghi huyện Đông Ngàn. Lại thân quen với Phạm Đình Hổ (1768-1839), nhà ở phường Hà Khẩu, cũng được học ở Quốc tử giám. Họ là con cháu các nhà đại nho, nhà nào cũng có kho sách, có điều kiện trau dồi văn nghiệp. Dù có lúc không học cùng nhau ở trường, thì họ vẫn qua lại nhà nhau, cùng nhau chơi bời ngâm vịnh du ngoạn, tạo thành "một nhóm bạn văn chương" tâm đồng ý hợp. Nguyễn Hành ra Thăng Long chơi với bạn bè mà xưng Hồng Sơn Nam Thúc cũng là chan hòa, khiêm tốn. Khác với cảnh ngộ Hồ Nguyên Trừng sang Bắc quốc, phải tôn mình là Nam Ông.

    Năm 1778, chúa Trịnh cử Nguyễn Điều làm trấn thủ Sơn Tây và Hưng Hóa. Năm ấy Nguyễn Hành mới 8 tuổi cũng theo mẹ tiễn cha đến tận trấn lị Sơn Tây, rồi mới trở về kinh, học ở Quốc tử giám.

    Nguyễn Hành cùng bạn bè sống yên ổn vui thú học tập, thì đến năm Giáp Thìn (1784) loạn kiêu binh nổi lên, khiến họ choáng váng, khiếp sợ! Ban đầu kiêu binh giết tướng Nguyễn Triêm, lăng mạ các đại thần. Tham tụng Nguyễn Khản (tức Nguyễn Lệ) giúp chúa bàn kế ức chế kiêu binh. Chúa Trịnh Khải theo kế Nguyễn Lệ, truyền mật chỉ sai Nguyễn Điều chuẩn bị lực lượng để kéo về đàn áp. Hôm sau, kiêu binh tụ tập để tìm giết Dương Khuông (cậu của chúa) và tìm Tham tụng Nguyễn Khản. Khản liền xin mật chỉ của chúa lên Sơn Tây, Hưng Hóa tìm em là Nguyễn Điều tổ chức, huy động binh lực(2).Kiêu binh biết việc, liền kéo đến phá nhà Nguyễn Khản và Nguyễn Điều. Nguyễn Hành lo sợ, định bỏ trường trốn lên Sơn Tây theo cha. Nhưng được Tham tụng Giáo thụ Bùi Huy Bích an ủi, trấn tĩnh, khuyên ở lại khắc phục khó khăn để hoàn thành nghiệp học. Nguyễn Hành không còn nhà ở, đến ngụ ở phường Đồng Xuân, chịu khổ theo đuổi học tập. Việc ở phủ lúc này, chúa đều nhờ Bùi Huy Bích khéo nói, khéo dàn xếp nên số kiêu binh lộng hành cũng lắng dịu xuống. Mấy tháng sau, chúa lại gọi Nguyễn Khản về kinh. Khi tiếp chỉ, Nguyễn Khản rất lo sợ, nhưng về đến kinh cũng không xảy ra chuyện gì.

    Đầu thu Mậu Ngọ (1786), Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc, quân Trịnh bị đánh tan tành. Nguyễn Huệ vào Thăng Long, tuyên bố "diệt Trịnh phò Lê", tuyên dụ các nhân sĩ Bắc Hà cứ yên phận phò tá nhà Lê, không được dao động. Tháng 8 năm ấy, Nguyễn Nhạc ra Thăng Long đưa Nguyễn Huệ vào Nam.

    Trong cảnh kinh thành biến loạn, Nguyễn Hành phải chịu đựng bao gian khổ, vượt qua bao thử thách, để ở lại hoàn thành nghiệp học. Năm Đinh Mùi, mở đầu hiệu Chiêu Thống (1787), vua Lê Hiển Tông tổ chức thi chế khoa, gia ân chiêu dụng nhân tài. Nguyễn Hành đỗ Tiến sĩ năm ông 17 tuổi, thiên hạ ca ngợi là thần đồng. Đến năm 1789, chế độ vua Lê chúa Trịnh hoàn toàn kết thúc, quân Thanh xâm lược cũng rút về nước. Nguyễn Hành đi lên Sơn Tây, Hưng Hóa để phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng mẹ đã mất, rồi sau đó vài năm cha là Nguyễn Điều cũng mất tại nhậm sở. Từ đây Nguyễn Hành phải sống mấy năm tha phương cô đơn, chẳng khác "chim phượng lẻ kêu lưng trời", "đám mây vật vờ… trôi theo chiều gió" (Quan Đông Hải).

    Người bạn thân thiết là Nguyễn Án, hình như lúc này cũng theo Nguyễn Hành lên Sơn Tây, Hưng Hóa. Họ gặp nhau không còn chút nhuệ khí phù Lê giúp Trịnh, mà chỉ cùng nhau nương tựa vào dân để sống qua ngày, để chờ thời. Lúc rảnh rỗi thì đọc Man thư, cùng sưu tầm tư liệu, ghi những điều mắt thấy tai nghe, mượn chuyện dân gian cổ tích làm vui. Đó là thời gian tích lũy tư liệu, thai nghén đề tài, để về sau Nguyễn Hành viết nên Duyên lạ nước Hoa, Nguyễn Án tham gia vẽ tấm Bản đồ nước Đại Man (trung tâm là Hưng Hóa) vào năm Mậu Ngọ triều Cảnh Thịnh (1798), rồi được thủ thần Hưng Hóa dâng lên vua3.Bởivậy trong Lời tựa sách Thánh Tông di thảo có câu "những truyện ta chép ra đây như Duyên lạ nước Hoa, Truyện lạ nhà thuyền chài, đều là những truyện có kê cứu, không giống như loại truyện Tề Hài". Có lẽ đúng vậy, vì viết truyện Duyên lạ nước Hoa phải là người có tài văn chương, có nhiều thời gian thâm nhập vào mảnh đất và con người Hưng Hóa như Nguyễn Hành; viết truyện lạ nhà thuyền chài phải là người am hiểu sâu sắc về Biển Đông, mà nhà Nguyễn Hành ở Tiên Điền chỉ cách Cửa Hội của Biển Đông không đầy 8 cây số. Ở đó có bờ Biển Đông, có đảo Song Ngư, gần đền thờ Cá Voi (Kình ngư). Tất nhiên, việc viết những truyện này cũng như hoàn thiện các tác phẩm khác, Nguyễn Hành tiến hành được dễ dàng chỉ từ sau ngày Gia Long lên ngôi, họa binh đao ngừng tắt, ông cùng bạn bè trở về Thăng Long sống bình thường như trước.

    Khi trở lại nhà trọ ở phường Đồng Xuân, Nguyễn Hành viết bài kí Đồng Xuân ngụ kí. Trong có câu: "Ta hồ ! Đồng Xuân kim nhật chi lữ nhân, nãi sở dĩ thường tích nhật Bích Câu chi công tử; vật lí cố đương nhiên dã !" 嗟 乎! 同 春 今 日之 旅 人乃 所 以 償 昔 日 碧 溝 之 公 子 物 理 故 當 然 也(Ôi ! Nay ta làm khách trọ ở phường Đồng Xuân là trả cái nợ xưa đã làm công tử ở phố Bích Câu. Sự vật đổi thay vốn đương nhiên vậy !)

    Gia Long lên ngôi sai sửa Văn miếu. Mùa xuân năm Canh Thìn (1820), khánh thành Khuê văn các, gắn biển vàng lên cổng nhà Thái học. Nguyễn Hành làm bài thơ Quốc học tân biển 國 學 新 扁được gắn treo vào tường. Trong tập Quan Đông Hải ông viết nhiều thơ và từ về quê hương. Có 8 bài về cảnh đầm Tiên Điền, một bài núi Hồng Lĩnh, 2 bài đảo Song Ngư, 1 bài Núi Mèo, 1 bài thơ núi Kỳ Lân, 1 bài thơ phong thổ Nghi Xuân. Đặc biệt viết bài tựa và lời bạt cho sách Nghệ An phong thổ ký của Bùi Dương Lịch. Có lẽ từ ngày hồi cư đến đây cũng là thời kỳ Nguyễn Hành viết thêm truyện và Lời bàn cho sách Thánh Tông di thảo.

    Có người hỏi: Gia Long lên ngôi là lúc đất nước được thống nhất hòa bình, họa loạn không còn, Nguyễn Hành còn sợ gì mà xóa chữ Hồng trong biệt hiệu Hồng Sơn Nam Thúc ? Tôi nghĩ rằng: Nguyễn Hành và những bạn bè ông sống gian nan trong cơn họa loạn cuối thế kỉ XVIII, khi thấy chúa Nguyễn đem lại hòa bình cho đất nước, họ đều hồ hởi vui vầy. Nhưng có thể "Vui là vui gượng kẻo mà". Họ là những người biết trân trọng bảo tồn di sản văn hóa dân tộc như Thánh Tông di thảo, nhưng chưa hẳn họ đặt hết lòng tin vào triều Gia Long. Cho nên người viết Lời tựa không dám đề tên, không dám ghi ngày; viết Lời bàn thì xóa bớt chữ Hồng, chỉ để Sơn Nam Thúc. Bởi vì có mặt chữ Hồng thì kẻ ác có thể đến tận làng, vào tận nhà mà gây hại.

    TẠM KẾT

    Văn chương là việc cao siêu. Tiếp xúc với văn chương trong Thánh Tông di thảo càng thấy cao siêu, càng gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Tôi hiểu biết ít, trình độ có hạn. Nay viết bài này cũng do tấm lòng, muốn để lại vài dòng tư liệu cho lớp hậu sinh. Kính mong quí độc giả miễn thứ cho những gì sai sót trong bài viết. Xin chân thành cảm tạ.

    Chú thích:
    (1) Tiên điền Nguyễn tộc phả (Tứ gia). Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả HV.29.
    (2) Việt sử thông giám cương mục. Tập XX, Nxb. Sử học, H. 1960, tr.7, Chb.XL, VI, 7.
    (3) Bản đồ này xếp cuối Hồng Đức bản đồ. lưu ở Đông Dương văn khố Nhật Bản, số vi ảnh 100891. Theo Trương Bửu Lâm giới thiệu. Bản ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.2499. Một số tài liệu liên quan Nguyễn Hành và Nguyễn Án, xin công bố vào dịp khác./.

    Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (78) 2006; Tr.21-26
     

Share This Page