Về Tấm Bia Bùa Ở Đình Làng Thủ Lễ (thị Trấn Sịa, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế)

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Sep 3, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    VỀ TẤM BIA BÙA Ở ĐÌNH LÀNG THỦ LỆ
    Thị trấn Sịa, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế
    LÊ ĐÌNH HÙNG
    Bộ Văn hóa - Thông tin
    1. Vài vấn đề có liên quan đến bia bùa
    Sùng kính, phụng thờ quỷ thần là một hiện tượng phổ biến, lâu đời, gắn liền với đời sống tín ngưỡng phong tục của người Việt, bởi quan niệm, quỷ thần là nguyên nhân của cát hung, hay họa phúc. Trong thế giới siêu nhiên theo quan niệm của người Việt, ngoài những vị phúc thần bảo hộ, ban phúc, được sùng kính, phụng tự, còn có những hung thần, tà thần, quỷ mỵ, tinh tà v.v... cũng được nhiều người “lưu tâm” nhằm tránh những tai họa, nguy cơ có do quỷ thần mang lại.
    Dịch bệnh, người xưa quan niệm, không chỉ thuần túy do tự nhiên hay con người mang lại, mà còn từ thế giới siêu nhiên, trong đó có sự tham dự của quỷ thần. Xuất phát từ quan niệm này, mỗi khi có dịch bệnh, ngoài việc dùng y thuật để chữa trị và một số biện pháp ngăn ngừa trực tiếp, người Việt còn có những phương thức ứng xử gián tiếp mang tính ma thuật đối với một số thế lực siêu nhiên.
    Miền Trung từ buổi đầu lịch sử khai phá của người Việt, được xem là “Ô châu ác địa”, nơi nổi rõ sự tàn phá của tự nhiên như bão, lụt, hạn hán, lam chướng, lệ khí... và dịch bệnh. Có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân trong quan niệm của cộng đồng làng xã, trong đó, hiện tượng thường thấy là sau những trận lụt lớn hay hạn hán gay gắt, hay xuất hiện những đợt dịch kéo dài và lan rộng, nhiều khi vô phương chữa trị, có khi số người thương vong lên đến hàng ngàn; nhiều ngôi làng trở nên điêu tàn; người sống sót phải phiêu tán... (Xem thêm Dương Phước Thu, [5]).
    Từ đó, để đối phó, việc tế lễ, cầu đảo(1), nhương tống, bùa chú..., và một số phương thuật khác(2), có khi được xem là hình thức cứu cánh đặc hiệu, một khi, y thuật hoàn toàn bất lực.
    Bùa là một loại hình ma thuật vốn được sử dụng dưới nhiều cách biểu hiện, bởi từ trong tâm thức, dân gian tin rằng có thể trị được bệnh, xua đuổi tà ma, họa hại không thể xâm phạm.
    Trong Đạo giáo, có hai hình thức sử dụng bùa truyền thống là “Phục” (đốt cho uống) và “Bội” (đeo vào người), được vận dụng một cách linh hoạt bởi những thầy phù thủy dân gian.
    Ở đây, chúng tôi ghi lại một trong nhiều trường hợp như vậy, ở một điểm cụ thể: bia bùa tại đình làng Thủ Lễ.
    2. Mấy ghi nhận qua khảo tả từ thực địa
    Làng Thủ Lễ gồm hai thôn Bắc và Nam, tịch nhập vào thị trấn Sịa, huyện lỵ Quảng Điền, cách thành phố Huế khoảng 15km về phía đông bắc. Đây là một ngôi làng nông nghiệp được hình thành khá sớm trên vùng Thuận Hóa. Dưới thời Lê Mạc, làng Thủ Lễ thuộc huyện Đan Điền, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa (Lê Quý Đôn, 1964, tr.76) và về cơ bản, vẫn được giữ nguyên dưới thời Nguyễn, nhưng trực thuộc phủ Thừa Thiên (Nguyễn Đình Đầu, Nxb. 1977, tr.297).
    Đình làng Thủ Lễ là một công trình kiến trúc nhà rường độc đáo, được công nhận di tích quốc gia. Ngay trước hiên đình, hiện diện một tấm bia bùa. Đây được xem là trường hợp “bội” khá đặc biệt, bởi nó không chỉ đơn thuần về mặt chọn chất liệu bền vững để thể hiện, mà qua đó, cò có thể ngầm hiểu, “bội” tại đình tức là “bội” cho cả cộng đồng. Hơn nữa, nó lại rất khác lạ so với các loại hình đá bùa hiện hữu tản mát tại các làng xã miền Trung mà chúng tôi từng tiếp cận.
    Trên thực địa cũng như tra cứu, tìm hiểu, ngoài việc đọc những chữ Hán khải trên bia, còn có nhiều chữ bùa và các biểu tượng khác những tưởng vô cùng nan giải. Nhờ sự tham khảo ý kiến của các nhà nghiên cứu, đồng nghiệp, trong khả năng có thể, chúng tôi bước đầu mạnh dạn đưa ra một số nhận xét mang tính chất thông tin, gợi mở(3), mong có sự bổ sung, chỉnh lý về vấn đề phức tạp này.
    2.1. Khảo tả
    Bia được dựng ở phía trước cột tả hàng hiên, gian giữa của ngôi đình làng (thuộc xứ Ông Ha). Đây là một tấm bia hình chữ nhật, bằng chất liệu đá gan gà, màu đỏ sẫm. Hai góc trên của bia nhún lại tạo thành hình tam sơn. Bao quanh thân bia là một đường gờ nổi. Trán cũng như đường diềm không có hoa văn trang trí.
    Tấm bia có kích thước: cao: 73cm (không kể phần đế đã được chôn); rộng: 61cm; lòng bia: 54x43cm.
    Văn bia được khắc theo lối Hán khải, đan xem với Hán phù(4) và các hình vẽ biểu tượng ma thuật khác. Nét khắc sâu, nay vẫn còn rõ.
    Nhìn một cách tổng thể, từ chữ viết cho đến hoa văn, biểu tượng được bố trí gần như đối xứng qua trục dọc giữa thân bia.
    2.2. Nội dung
    Để tiện trình bày, chúng tôi tạm thời tách nội dung bia ra thành các tổ hợp để phiên âm, dịch nghĩa, chú giải, kết hợp mô tả, đánh số xác định vị trí trên bia.
    - Phần chính giữa theo thứ tự từ trên xuống:
    + Trên cùng: biểu tượng “tam tài” [1]: Thiên, Địa, Nhân(5), được tạo dáng giống hình búp sen, ở giữa, và hai vòng tròn ở hai bên, chúng nối kết với nhau bằng ba cung tròn. Biểu tượng này gần như bao trùm lên tất cả những họa tiết và các chữ viết khác trên bia. Đây là kiểu thiết trí được dùng phổ biến trong rất nhiều loại bùa.
    + Kế đó: ở giữa chữ “Nam” [2], hai bên là hai chữ “Sát quỷ” [3], [4] (giết quỷ/quỷ dữ) được viết ngược và cách điệu theo lối chữ bùa. Các chữ đều hướng vào tâm của hai đường bầu dục, bên trong có hai chữ “Nhị vương” [5] (Thiên vương, Địa vương).
    + Trung tâm bia: thoạt trông, rất giống với hình người [6]. Phần đầu được thể hiện bằng hai đường vòng cung bao quanh chữ “Vương” và hai biểu tượng “Thiên - Địa”. Chữ “Tam vương” (Thiên vương, Địa vương, Nhân vương) viết ở phần cổ và ngực của hình vẽ. Dưới đó (từ bụng trở xuống), lặp lại biểu tượng “tam tài” trùm lên các chữ “Tắc quỷ tiếp ôn” (lấp quỷ mang dịch bệnh).
    + Dưới cùng là hai chữ “Khảm, Tý” [7] (chỉ Bắc phương) [nghĩa hẹp trong bát quái và địa chi] được bao quanh bởi vòng “phược”(6).
    Nhìn nhận hai từ này [7], kết hợp với chữ “Nam” [2] ở phía trên, có thể cho rằng: Ngoài việc xác lập phương hướng Nam - Bắc, còn gắn với ý nghĩa tử sinh của con người, trong một cách hiểu “Nam Tào cải tử, Bắc Đẩu hoàn sinh”.
    - Đối xứng qua trục chính (định vị Nam Bắc) và các chữ, biểu tượng vừa nêu:
    + Tám chữ Hán đối xứng nhau theo từng cặp, chữ viết hướng vào trục chính và ở mỗi chữ đều có một vòng “phược” theo thứ tự từ trên xuống: “Dậu, Mão, Ngọ, Tý” [8] (chỉ các phương Tây, Đông, Nam, Bắc), [nghĩa hẹp trong địa chi].
    + Tiếp đến, bên phải là các cụm chữ “Lôi Hỏa” [9] (sấm sét) “phược” và dưới nó là ba chữ “Trảm quỷ tiếp” [10] (chém quỷ tiếp).
    Sấm sét là một hiện tượng tự nhiên đầy uy lực, được xem như “Phương tiện trừng phạt” chứa đựng “sức mạnh toàn năng của thần linh tối cao” (Chevalier. Jean, ... 1997: 807, 812), có khả năng đánh chết các loại ma quỷ một cách thần hiệu, nhanh chóng. Sấm sét(7) là do “khí thiên tiên hóa thành”, còn Lôi Thần là người chấp hành hình pháp của trời, cho nên, chỉ có danh sư mới được sử dụng trong các sắc bùa để cầu đảo, hàng ma trừ tà...
    Bên cạnh ba chữ Hán “Trảm quỷ tiếp” là 9 hình tứ giác có dạng như chữ “khẩu” được nối với nhau thành chuỗi bằng các gạch nối [11], biểu tượng cho “cửu diệu”(8), ứng với vận hạn cát hung của con người theo từng năm tuổi.
    + Bên trái là chữ “Vũ tiệm nhĩ” (mưa dần đến) trong “phược” [12]. Tuy nhiên, trong quan niệm của những đạo sỹ thì tổng thể này đọc là chữ “Tích” (danh xưng của một loại ma quỷ khó trị). Tiếp dưới là một hình thức bùa “Cửu long” [13] dạng khúc thằng(9).
    Mối tương quan giữa [12] và [9], trong chừng mực nhất định, có thể liên hệ đến dấu hiệu đào vũ, một cổ tục liên quan chặt chẽ đến đời sống của cư dân nông nghiệp.
    + Trấn tại bốn góc (trừ hai dòng chữ ngoài cùng) là các dạng “Phược” khúc thằng của hai bùa “Cửu long” ở phía trên, và hai bùa “Ngũ Hổ” ở phía dưới - là những linh phù mà Đạo sỹ dùng trấn yểm các nơi xung yếu [14] [15] [16] [17].
    - Hai dòng chữ Hán ngoài cùng:
    + Án, nhất thiết ôn hoàng giai tự tiêu. Cấm! [18] (Án(10), tất cả dịch bệnh đều tự biến mất. Cấm!). Đây là mục đích chính mà tấm bùa muốn giải quyết(11) và là lời răn đe đối với quỷ dữ gây ra dịch bệnh.
    + Án, Đẩu, Thược, Quyền, Hành, Tất, Phủ, Phiêu. Giới! [19] (Án. Đọc theo âm Nôm là Úm (Aum), được coi là câu đầu mỗi khi niệm khấn). Tự dạng của thất tinh này có một cách thức cấu tạo hoàn toàn khác lạ so với hệ thống Hán tự được điển chế, đó là một lối viết chỉ đạo sỹ, thuật sư sử dụng trong một phạm vi hẹp. Lập tự bằng cách kết hợp bộ “Quỷ” (ma) với một nguyên thể chữ Hán, có chữ được lược bỏ phần bộ thủ chi ý(12). Sở dĩ có lối cấu tạo chữ viết như vậy, tạm lý giải, đây là “Thất tinh” dùng cho người đã chết(13), giúp cho các linh hồn xác định đúng phương hướng để khỏi lầm lạc trong đêm tối. Vì, đối với các linh hồn có thể do lầm lạc mất phương hướng, không có nơi nương tựa, nên gây ra tai họa cho con người. Người xưa cho rằng, Bắc Đẩu là một định tinh, ở nguyên tại phương Bắc, các sao khác đều chầu về. Nó còn là hệ biểu tượng của nhiều dân tộc trên thế giới, là nơi ngự trị của thần linh. Người đi trong đêm, trên biển, sa mạc... đều lấy đó làm căn cứ để xác định phương vị.
    3. Tạm kết
    Bùa chú thâm nhập và bám rễ sâu vào mảnh đất màu mỡ dân gian. Mỗi một tấm bùa được các đạo sỹ thể hiện đều nhằm giải quyết một tình huống cụ thể trong một thời gian nhất định. Nhưng ở tấm bia bùa Thủ Lễ, từ việc chọn chất liệu bền vững để thể hiện cho đến vị trí tọa lạc, cho thấy nó có một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống cộng đồng, thể hiện tính đa năng trong giải quyết tình huống. Cụ thể, bia bùa không chỉ là một hình thức trấn trị, nguyện cầu cho các linh hồn siêu thoát mà còn thể hiện khát vọng về một cuộc sống yên bình cho nhiều thế hệ.
    Nhìn nhận những ý nghĩa biểu đạt của tấm bia bùa trong một tổng thể gắn kết, phần nào có thể thấy được một quan niệm của tiền nhân về thế giới quan, cụ thể là đối với những lực lượng siêu nhiên thường xuyên gieo họa cho con người. Đặc biệt qua đó, thể hiện một thái độ ứng xử của cộng đồng trước thiên tai. Tất cả, trong bối cảnh hiện nay, có thể dễ dàng được nhìn nhận là “mê tín”, “dị đoạn”; tuy nhiên, ở một góc độ khác, ít ra, giá trị mang tính liệu phát tâm lý, một phương cách trấn an tinh thần..., cũng cần được khẳng định.
    Trải qua thời gian cùng với sự phát triển của y học, đặc biệt là nhận thức của con người đã được thay đổi, thì những hình thức ma thuật từng tồn tại trong đời sống làng xã ngày càng mờ nhạt, nếu có chỉ trong một phạm vi hẹp và ít nhiều đã biến thái. Khám phá, giải mã những bí ẩn của bia bùa Thủ Lễ sẽ giúp chúng ta có thêm một cứ liệu xác đáng về một khía cạnh tín ngưỡng dân gian vốn phổ biến trong đời sống làng xã miền Trung, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến việc thâm nhập, tác động, ảnh hưởng, chuyển biến... của Đạo giáo (Đạo phù thủy - tên gọi dân gian) ở miền Trung - một mảng vấn đề còn bỏ ngỏ.
    Chú thích:
    (1) Các nghi thức tế lễ, cầu đảo thần linh được thực hiện theo từng cấp độ từ triều đình cho đến hương thôn. Đối với triều đình lựa chọn các quan thanh liêm, đồng thời lệnh cho các quan quản hạt, đại diện cho triều đình đứng ra tế lễ cầu đảo để cho dân chúng được yên ổn, thoát khỏi tai họa. Còn ở làng xã, được thực hiện với nhiều quy mô (cộng đồng, nhóm, gia đình, cá nhân) và các lễ nghi có sự hỗn dung giữa Phật giáo, Đạo giáo và tín ngưỡng dân gian.
    (2) Nhu mang bên mình lá cây đùng đình, hay cài vào nón, đeo xâu chuỗi củ ném quanh cổ, buộc cây dứa trước cửa, đặt cây táy trong nhà, rải vôi lên sàn nhà, mời pháp sư thiết cúng xua đuổi, dùng các bùa chú để trấn yểm, dùng hình nhân (con nộm) thế mạng... và một số hình thức kiêng kỵ khác (xem thêm Cadière. Léopold, [3] 1997, tr.229, 285). Tất cả, ít ra cũng là trong quan niệm dân gian, có thể tránh xa ma quỷ, dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
    (3) Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ, góp ý, chỉ dẫn của ông Nguyễn Văn Quỳnh (Giang Hiến, Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị); nhà nghiên cứu Vĩnh Cao (Trung tâm BTDT Cố Đô Huế); anh Dương Phước Long (Thanh Lương, Hương Xuân, Hương Trà, Thừa Thiên Huế).
    (4) Chữ Hán bùa: một lối viết có nét bút lạ, phức tạp, có những chữ giống như chữ mà lại không hẳn là chữ, có thể là biểu tượng, đồ hình, ký hiệu ...
    (5) Và ở biểu tượng này có khi còn thể hiện “tam quang”: Nhật, Nguyệt, Tinh. Còn linh văn tam quang khi thể hiện ở trên bùa, nó được xem là “tín vật của nguyên chân” (Vân kíp thất thiêm) (dẫn theo Đảng Thánh Nguyên - Lý Kế Hải, [6] 2004: 1990). Trong một số trường hợp, nó đại diện cho “tam giới” (Thiên thượng giới, Nhân gian giới, Địa ngục giới).
    (6) Phược hay Phọc 縛 (buộc): “dây trói, ma thuật dùng chống lại quỷ dữ, bệnh tật, cái chết”, có thể dùng để “cố định hoặc cô đúc các trạng thái, các yếu tố” (Chevalier, Jean, [4] 1997: 704, 707). Phược không chỉ làm đẹp hơn cho các con chữ mà còn làm chữ tăng thêm linh nghiệm trong các loại bùa.
    (7) Trong Đạo giáo, sấm sét còn được gọi là “Đông phương lôi thần”, hay “Đại Mộc lang”.
    (8) Cửu diệu: (1) Thái Dương; (2) Thái Âm; (3) Mộc Đức; (4) Vân Hán; (5) Thổ Tú; (6) Thái Bạch; (7) Thủy Diệu; (8) La Hầu; (9) Kế Đô.
    (9) Dây cuốn, nhìn từ góc độ ý nghĩa biểu tượng nó được xem là “lôi văn” mô phỏng hoa văn của tia chớp. (Xem thêm Nguyễn Hữu Thông, [8] 2001, tr.146-149).
    (10) Án [ôm/om] Aum (Sanskrit): là chữ đầu trong nhiều câu chơn ngôn. Dùng trong mật giáo và đạo Bà - La - môn, có công dụng thay thế cho chư Phật, chư Thánh, chư Thần. Ấy là chữ có sức linh hơn hết. Chữ Án của cái Chân Như, cái Hư không vô tận, cái tuyệt đối chẳng thể nghĩ bàn (Đoàn Trung Còn, [7] 1966: 170). Để rõ hơn, xem thêm Chevalier. Jean., ..., 1997, tr.712.
    (11) Đối với một làng nông nghiệp truyền thống, dịch bệnh không chỉ gây hại cho con người, mà cả vật nuôi, cây trồng. Cho nên, ở nhiều làng xã miền Trung, trong quá khứ, phổ biến việc thực hiện nghi lễ nhương ôn tống quỷ để xua đuổi ma quỷ, dịch bệnh, với khát vọng “vật phụ dân khang”. Nhưng ở đây, chủ yếu giải quyết vấn đề liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người.
    (12) Hình thức cấu tạo chữ Hán này xuất hiện khá sớm trong Đạo giáo Trung Hoa và được vận dụng rất linh hoạt với những mục đích khác nhau (xem thêm Cao Quốc Phiên, [2] 1998, tr.192-194).
    (13) Thất tinh Bắc Đẩu, trong tang lễ truyền thống của người Việt, trước khi nhập quan, người ta đục hình thất tinh lên giấy bản, bỏ vào bên trong, và còn được tượng trưng bằng 7 ngọn đèn thắp sáng, đặt trên nắp quan tài. Hình tượng Bắc Đẩu được bố trí theo nguyên tắc: "Nhất ngũ thất trực như nhiên, Nhị tứ lục diệc kham nhiên, Duy đệ tam cư nhất vị, Hành chi Bắc Đẩu ngưỡng vu thiên" (1, 5, 7 thẳng như dây; 2, 4, 6 một hàng ngay; duy ngôi 3 riêng một lối; sẽ thành hình Bắc Đẩu) (Bùi Ngọc Mai, [1] 2004, tr.102).
    Tài liệu tham khảo
    [1]. Bùi Ngọc Mai: Phong tục Việt Nam xưa và nay: Tang lễ - Hôn lễ - Thờ thần, Nxb.VH-TT, H. 2004.
    [2]. Cao Quốc Phiên: Dân tục học Trung Quốc cổ, Đào Văn Học dịch, Nxb.VH-TT, H. 1998.
    [3]. Cadière Léopold: Về một vài sự kiện tôn giáo ma thuật ghi nhận được một mùa dịch tả ở Việt Nam trong Về văn hóa tín ngưỡng truyền thống người Việt, Đỗ Trinh Huệ dịch, Nxb.VH-TT, H. 1997.
    [4]. Chevalier. Jean, Alain Gheerbrant, Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1997.
    [5]. Dương Phước Thu: Thiên tai & Dịch bệnh ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006.
    [6]. Đảng Thánh Nguyên - Lý Kế Hải: Đạo sỹ Trung Quốc thời cổ, Cao Tự Thanh dịch, Nxb. Tổng hợp Tp. HCM, Tp. HCM, 2004.
    [7]. Đoàn Trung Còn: Phật học từ điển, tập 1, Nxb. Phật - Học Tòng Thơ, S. 1966.
    [8]. Nguyễn Hữu Thông: Mỹ thuật Huế: nhìn từ góc độ ý nghĩa và biểu tượng trang trí, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2001.
    [9]. Nguyễn Đình Đẩu: Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - Thừa Thiên, Nxb. Tp. HCM, Tp. HCM, 1997.
    [10]. Nguyễn Văn Toàn [Túy Loan]: Thọ mai gia lễ diễn giải, Khai Trí xuất bản, S.1972.
    [11]. Sallet. A: Những ma quỷ tác hành trong các bệnh truyền nhiễm ở Bình Thuận, trong Những người bạn Cố đô Huế (B.A.V.H), tập XIII (1926), Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2004./.
    Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.314-321)
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
     

Share This Page