Về tiểu sử và tác phẩm của Cúc Pha Nguyễn Mộng Tuân

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 8, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    NGUYỄN KIM MĂNG
    ThS. Viện Nghiên cứu Hán Nôm

    Nguyễn Mộng Tuân là một trong những danh sĩ tham gia trong hàng ngũ nghĩa quân Lê Lợi ngay từ buổi đầu chống giặc Minh xâm lược. Giống như các bạn đồng liêu Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn... Nguyễn Mộng Tuân đã đem hết trí lực phục vụ cho cuộc kháng chiến và triều đình nhà Lê. Tuy nhiên nguồn thư tịch về cuộc đời và tác phẩm của ông còn nhiều khác biệt. Bài viết này xin đề cập về hai phương diện đó là tiểu sử và sự nghiệp sáng tác văn chương của ông.

    1. Về tiểu sử Nguyễn Mộng Tuân

    Khi tìm hiểu về tiểu sử của Nguyễn Mộng Tuân chúng tôi gặp hai nguồn thông tin khác nhau.

    Theo một số các tài liệu đăng khoa lục thì Vũ Mộng Nguyên là tên gọi khác của Nguyễn Mộng Tuân sau khi ông thi đỗ. Trong Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, ký hiệu VHv.650/1-2 (Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm - TVHN), tức cuốn Đỉnh khiết Đại Việt lịch triều đăng khoa lục của Nguyễn Hoãn (1713-1791) phần phụ chép đời Hồ Quý Ly ghi rõ: Vũ Mộng Nguyên người làng Viên Khê, năm 21 tuổi sau khi thi đỗ liền đổi tên thành Nguyễn Mộng Tuân. Ông làm quan bản triều (triều Lê) đến chức Thượng khinh xa úy, Tả Nạp ngôn, Trung thư lệnh, hiệu Cúc Pha, đương thời hiệu là Minh Phủ.

    Đăng khoa lục sao bản, hay Lịch đại đại khoa lục, ký hiệu A.2119, cũng cho rằng: Nguyễn Mộng Tuân là một tên khác của Vũ Mộng Nguyên. Ông người làng Viên Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đậu Thái học sinh niên hiệu Thánh Nguyên Canh Thìn (1400) cùng Nguyễn Trãi. Ông có tên hiệu là Cúc Pha, làm quan dưới triều Lê.

    Còn cuốn Thiên Nam lịch triều liệt huyện đăng khoa bị khảo, ký hiệu A.485/2-4 do Phan Huy Ôn (1755-1786) biên tập, Phan Huy Sảng (1764-1811) hiệu đính, cho biết những người thi đỗ của hai huyện Đông Sơn và Tiên Du thuộc trấn Thanh Hoa và Kinh Bắc như sau:

    - Huyện Đông Sơn lấy đỗ 38 người: Trạng nguyên 1, Bảng nhãn 1, Thám hoa 2, Hoàng giáp 5, Đồng Tiến sĩ 17, Chế khoa 1, Thái học 1. (Triều Trần 2, triều Hồ 1, Tiền Lê 8, Lê Trung hưng 7). Người đỗ Thái học sinh là Vũ Mộng Nguyên, người làng Viên Khê, năm 21 tuổi đỗ Thái học sinh triều Hồ Quý Ly, năm Canh Thìn niên hiệu Thánh Nguyên nguyên niên (1400). Sau khi nhà Hồ mất, ông làm quan triều Lê đến chức Tế tửu. Khi về hưu, lấy hiệu là Lạn Kha.

    - Huyện Tiên Du lấy đỗ 42 người: Trạng nguyên 2, Bảng nhãn 1, Thám hoa 3, Hoàng giáp 7, Đồng Tiến sĩ 27, Thái học sinh 1 (triều Hồ 1, Tiền Lê 12, Trung hưng 16, Mạc 13).

    Người đỗ Thái học sinh là Hoàng Hiến (không ghi tên xã). Khi nhà Hồ mất ông làm quan cho nhà Lê đến chức Quốc tử giám Giáo thụ, hiệu Lạn Kha tiên sinh.

    Các bộ Tuyển tập lại chép tên tác gia Nguyễn Mộng Tuân và Vũ Mộng Nguyên với tư cách là hai tác gia khác nhau.

    Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn chép Nguyễn Mộng Tuân tự là Văn Nhược, hiệu là Cúc Pha, người làng Đông Sơn xứ Thanh Hoa. Đời Hồ Quý Ly buổi đầu đến bái yết Lê Lợi ở nơi hành tại, vì Nguyễn Mộng Tuân có tài văn học nên được ơn tri ngộ. Đời vua Thái Tông giữ chức Trung thư lệnh, đời Nhân Tông cùng Bình chương Lê Thụ đi đánh Chiêm Thành, trở về nhận chức Tả Nạp ngôn, Tri quân dân Bắc đạo, được tặng là Vinh Lộc đại phu, Thượng Khinh xa Đô úy. Còn Vũ Mộng Nguyên người làng Đông Sơn, huyện Tiên Du, hiệu Vi Khê, đỗ năm Canh Thìn (1400) đời Hồ, làm Quốc tử giám Tế tửu.

    Bùi Huy Bích trong Hoàng Việt thi tuyểnghi Nguyễn Mộng Tuân, tự là Văn Nhược, người làng Phủ Lí, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, đậu Thái học sinh khoa Thánh Nguyên nguyên niên (1400). Còn Vũ Mộng Nguyên người làng Đông Sơn, huyện Tiên Du, hiệu là Vi Khê, đỗ năm Canh Thìn (1400) đời Hồ. Lúc đầu, ông ở ẩn, sau làm quan với triều Lê chức Quốc tử giám Tư nghiệp, thăng Tế tửu. Ông về hưu năm 74 tuổi. Tác phẩm gồm Vi Khê tập, có văn thơ chép trong các sách Toàn Việt thi lục, Hoàng Việt thi tuyển Hoàng Việt tùng vịnh.

    Theo chúng tôi, phần ghi tiểu sử Nguyễn Mộng Tuân và Vũ Mộng Nguyên của Lê Quý Đôn trong Toàn Việt thi lục và lời ghi chú cuốn Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích và sau này là Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí phần Nhân vật chí có tính thuyết phục hơn, bởi các lý do sau:

    Một là: do hai ông sống cùng một thời đại, thi đậu cùng một khoa (Thánh Nguyên nguyên niên 1400), sau theo giúp Lê Lợi và làm quan cùng triều. Vả lại tên hai người cùng có chữ đệm là Mộng (夢), quê quán đều có tên trùng nhau là Đông Sơn (東山). Nguyễn Mộng Tuân người huyện Đông Sơn, xứ Thanh Hoa, nay là xã Đông Anh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

    Hai là: Nguyễn Mộng Tuân và Vũ Mộng Nguyên đỗ cùng một khoa Thánh Nguyên năm thứ nhất đời Hồ Quý Ly (1400). Nhưng trong các tài liệu Đăng khoa lục chỉ chép tên Vũ Mộng Nguyên mà không chép Nguyễn Mộng Tuân. Có lẽ do tên của Nguyễn Mộng Tuân đứng giữa hoặc cuối bảng, vì thông thường mỗi khoa người ta chỉ chép mấy người đỗ đầu. Ví dụ khoa Thánh Nguyên này ở bảng Giáp chỉ chép các tên Lưu Thúc Kiệm, bảng Ất chép một vài người đỗ đầu như Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Thành... mà không chép tới Nguyễn Mộng Tuân.

    Trong Đại Việt sử ký toàn thư, bộ chính sử thời Lê đã ghi khá rõ về nhân vật, sự kiện, trong đó có nhắc tới họ tên của hai ông như sau:

    Về Nguyễn Mộng Tuân: năm Mậu Thìn, niên hiệu Thái Hòa 6 (1446) vua sai Tư khấu Lê Khắc Phục, Tả hữu nạp ngôn Nguyễn Mộng Tuân, Nguyễn Văn Phú, Hữu ty thị lang Đào Công Soạn, Ty thừa Hà Lật, cùng bọn Tây đạo tham tri, Đồng tri Nguyễn Thúc Huệ, Nguyễn Lan, Bùi Cẩm Hổ, Trình Dục, Thẩm hình viện Phó sứ Trịnh Mân, Nội mật viện Tham tri Lê Văn đi hội khám.

    Vũ Mộng Nguyên: Mùa thu tháng 8, Quý Ly mở khoa thi Thái học sinh, lấy đỗ bọn Lưu Thúc Kiệm 20 người. Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiến, Nguyễn Thành đều đỗ kỳ này. Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Thành làm quan ở triều này (tức triều Lê) đến chức Quốc tử giám Tế tửu.

    Ba là: khi tìm hiểu về thơ văn của của hai ông, trong Toàn Việt thi lụcHoàng Việt thi tuyển có thơ văn của hai ông xướng họa cùng nhau. Ví như bài: Tặng Tế tửu Vũ công trí sĩ của Nguyễn Mộng Tuân đề tặng Vũ Mộng Nguyên khi tiễn bạn về hưu.

    Nguyên văn:

    “Hoạn thành công toại thế gian hy,

    Phục kiến Đông môn tổ trướng quy.

    Tuyết lũ chủy phiêu Thiên Đức khoái,

    Xuân phong bàn tiến Lạn Kha vi”.

    Tạm dịch:

    Công thành danh toại thế gian hiếm,

    Cửa đông đặt tiệc bạn bè tiễn chân.

    Múc tuyết rửa sạch sông Thiên Đức,

    Gió xuân dâng rau vi cho ông Lạn Kha.

    Lý Tử Tấn có thơ họa cùng Vũ Mộng Nguyên đề là Họa Tế tửu Vũ công, hay Lý Tử Cấu có ghi rõ Ký Tế tửu Vũ tiên sinh Mộng Nguyên.

    Như chúng ta đã biết, Nguyễn Mộng Tuân đến với nghĩa quân Lam Sơn muộn hơn Nguyễn Trãi, nhưng ông đã nhanh chóng có được mối thâm giao với Nguyễn Trãi. Khi Nguyễn Trãi làm nhà mới, Nguyễn Mộng Tuân liền tặng bạn bài Hạ Thừa chỉ Ức Trai tân cư, Nguyễn Trãi họa bài đó bằng Thứ vận Hoàng môn Thị lang Nguyễn Cúc Pha hạ tân cư thành. Khi khác Nguyễn Mộng Tuân tặng Nguyễn Trãi bài Tặng Gián nghị đại phu Nguyễn công; đáp lại tình cảm ấy Nguyễn Trãi làm lại tặng Nguyễn Mộng Tuân bài Thứ Cúc Pha tặng thi.

    Với những cứ liệu đã viện dẫn trên, chúng tôi cho rằng Nguyễn Mộng Tuân và Vũ Mộng Nguyên là hai nhân vật, hai tác gia hoàn toàn khác nhau. Từ đó chúng tôi xin nêu tiểu sử Nguyễn Mộng Tuân như sau:

    Nguyễn Mộng Tuân: không rõ ông sinh và mất năm nào. Tên tự là Văn Nhược, hiệu Cúc Pha, người làng Viên Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông đỗ Thái học sinh khoa Canh Thìn đời Hồ Quý Ly niên hiệu Thánh Nguyên nguyên niên (1400). Khi giặc Minh sang xâm lược ông lui về ở ẩn một thời gian, sau đó đến với nghĩa quân Lam Sơn và được Lê Lợi trọng dụng. Đời Lê Thái Tông, ông giữ chức Trung thư lệnh rồi Khinh xa đô úy. Đời Lê Nhân Tông ông giữ chức Tả Nạp ngôn, rồi Tri quân dân Bắc đạo, cùng Bình chương Lê Thụ đi đánh Chiêm Thành, trở về được vinh phong là Vinh Lộc đại phu.

    Nguyễn Mộng Tuân không chỉ là một võ quan mà còn là một thi sĩ. Lúc đi chinh chiến phương nam, ông có câu thơ rất chân tình thể hiện cảm nhận của người lính vì cuộc kháng chiến phải xa cha mẹ: “Không chịu nổi bèn trèo lên đỉnh núi Đông Sơn; Buồn thương nước mắt lã chã thấm ướt cả bức vẽ” (bài Bạch Vân thân xá đồ).
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    2.Về sự nghiệp văn chương:

    Theo Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí thiên Nghệ văn chí: “Cúc Pha tập can quyển, Nguyễn Mộng Tuân soạn, thi bách dư giai thất ngôn cận thể”. Nghĩa là: “Tập thơ Cúc Pha không rõ mấy quyển, Nguyễn Mộng Tuân soạn hơn trăm bài, đều là thơ thất ngôn cận thể”. Như vậy, theo Phan Huy Chú thì số bài thơ của Cúc Pha Nguyễn Mộng Tuân là một con số ước chừng. Còn Lê Quý Đôn trong Toàn Việt thi lục đã đưa ra một con số cụ thể là “cận thể nhất bách tứ thập tam thủ”, tức 143 bài thơ cận thể. Rất tiếc hiện Cúc Pha tập đã bị thất truyền. Thơ chữ Hán của Nguyễn Mộng Tuân được chép rải rác trong nhiều sách khác nhau, số bài được tuyển cũng khác nhau, sách chép nhiều nhất là 140 bài ít nhất là 6 bài. Cụ thể như sau:

    Sách Hoàng Việt thi tuyển(HVTT)có 9 bản (đều là bản in), chúng tôi đã khảo sát và chọn ra bản ký hiệu VHv.1477 (TVHN), để thống kê số lượng thơ của ông chép trong bản này là 6 bài, được chép từ tờ 7a đến 9b (thuộc quyển 3).

    Sách Hoàng Việt tùng vịnh (HVTV) chỉ có một bản mang ký hiệu A.364 (TVHN), trong đó thơ của Nguyễn Mộng Tuân được tuyển 6 bài từ tờ 65a đến 66b. Sau khi đối chiếu 6 bài trong HVTT với HVTV chúng tôi thấy số lượng bài trùng nhau, đáng chú ý trong 6 bài thì 3 bài có thêm phần tiểu dẫn. Có lẽ đây cũng là một nguồn tư liệu quý cung cấp cho người đọc tìm hiểu về tiểu sử của chính Nguyễn Mộng Tuân.

    Sách Tinh tuyển chư gia luật thi (TTCGLT) có 2 bản ký hiệu A.2657 và A.574, theo nhận xét của nhà Hán học Trần Văn Giáp “... Bản A.2657 là một bản sách quý, bản in từ đời Lê còn để lại”. Sách này chép 99 bài thơ của Nguyễn Mộng Tuân.

    Đặc biệt là Toàn Việt thi lục (TVTL), hiện nay có 10 ký hiệu sách, qua khảo sát chúng tôi chọn bản A.1262 làm bản nền. Bản này theo Trần Văn Giáp: “Về bản TVTL có lẽ chỉ có bản A.1262 là có giá trị nhất đáng tin cậy nhất” vì bản này có các tiêu chí về chữ kiêng húy, lối đóng sách, khổ sách và kiểu chữ viết đều theo lối của nhà Lê. Đây cũng là bản chép số lượng thơ của ông nhiều nhất, gồm 140 bài thơ.

    Khảo sát văn bản TVTL chúng tôi thấy số lượng bài chưa khớp với con số mà Lê Quý Đôn nhắc tới, TVTL ký hiệu A.1262 là văn bản chép nhiều thơ chữ Hán của Nguyễn Mộng Tuân nhất cũng chỉ có 140, thiếu 3 bài. Khi khảo sát TTCGLT ký hiệu A.2657 trong tổng số 99 bài thì có 96 bài trùng với bản A.1262, như vậy có 3 bài không trùng. Đó là các bài: A Phòng cung; Thanh minh tiết hữu cảm; Ngũ vương trướng.

    Như vậy, 140 bài (TVTL - A1262) + 3 bài (TTCGLT - A.2657) = 143 bài. Đó chính là con số mà Lê Quý Đôn nhắc tới trong TVTL, và đây có lẽ cũng là toàn bộ thơ của Nguyễn Mộng Tuân trong Cúc Pha tập?

    Ngoài thơ, Nguyễn Mộng Tuân cũng là một tác gia có số lượng đáng kể về thể loại phú chữ Hán. Theo sách Quần hiền phú tập (TVHN) ký hiệu A.575 chép được 41 bài của Nguyễn Mộng Tuân, đó là con số ít thấy ở các tác gia Hán Nôm.

    Trong đó có nhiều bài thể hiện chan chứa tình cảm yêu thương đất nước, không khí chiến thắng vang dội một thời như: Lam Sơn giai khí phú, Kỳ nghĩa phú...

    Về văn, ông soạn Thái úy từ đường chi bi - bia viết về Thái úy Trịnh Khả (hiện nay tấm bia đặt ở từ đường Trịnh Khả thuộc xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, tình trạng bia khá mờ), và có một bài trong sách Thanh Trì, Quang Liệt Chu thị di thư, ký hiệu VHv.2712.

    Trên đây là tìm hiểu bước đầu của chúng tôi về Cúc Pha Nguyễn Mộng Tuân, một con người đa tài và cũng là một tác gia để lại nhiều tác phẩm có giá trị trên văn đàn của thế kỷ XV./.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (80), 2007; Tr.27-31)
     

Share This Page