Về vườn Cơ Hạ và những tấm bia đá mới phát hiện

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Jan 9, 2015.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    VĨNH CAO- PHAN THANH HẢI
    Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế

    Năm 2003, tại cuộc hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Hán Nôm Huế”, chúng tôi đã từng có bài tham luận giới thiệu hệ thống bia cung đình thời Nguyễn. Trong thống kê hồi ấy, vườn Cơ Hạ có 2 tấm bia đá khắc 2 bài thơ Hồ tân liễu lãngVũ giang thắng thích [1]. Những tưởng khu vườn thượng uyển này chỉ còn lại 2 tấm bia trên, nhưng không ngờ trong lần khảo sát giữa tháng 8 vừa qua, chúng tôi lại phát hiện thêm một tấm bia khác. Đây là tấm bia đá khắc bài thơ Tiên động phương tung (Dấu thơm Tiên động) vịnh cảnh động Phước Duyên (福 緣 洞), một trong những thắng cảnh nổi tiếng của vườn Cơ Hạ.

    Do thời gian và các biến động lịch sử, bia bị vùi lấp dưới tầng đất dày khoảng 15cm, chỉ lộ chút ít phần đỉnh bia. Vị trí phát hiện bia là bên cạnh động Phước Duyên, phía tây bắc của vườn Cơ Hạ.

    Bia Tiên động phương tung có kích thước cùng loại với bia Hồ tân liễu lãngVũ giang thắng thích. Bia chạm từ chất liệu đá Thanh, có bệ kiểu sập chân quỳ, hình thức bia kiểu bia Nguyễn ở Đàng Trong, có trán và tai bia.

    Bia cao 115cm, thân rộng 45cm, phần trán rộng 55cm, phần tai rộng 52cm, bề dày 12cm, bệ bia dài 70cm, rộng 41,5cm, cao 20cm. Lòng bia hình chữ nhật, kích thước 28x69cm, khắc 197 chữ Hán, chia thành 10 dòng, xếp theo thứ tự từ phải sang trái, từ trên xuống dưới.

    Dòng bên phải thứ nhất khắc dòng chữ “Ngự chế Tiên động phương tung” 御 製 仙 洞 芳 蹤 (bài thơ Dấu thơm Tiên động do vua làm) và dòng chữ nhỏ hơn phía dưới “Đệ thập nhị cảnh” 第 十 二 景 (cảnh thứ 12).

    Lạc khoản của tấm bia khắc ở phía dưới của dòng cuối cùng “Thiệu Trị Giáp Thìn cung thuyên” 紹 治 甲 辰 恭 鐫(Cung kính khắc vào năm Giáp Thìn thời Thiệu Trị).


    *

    * *

    Theo các sử liệu của triều Nguyễn, vườn Cơ Hạ nằm ở phía đông bắc, bên trong Hoàng thành, diện tích khá lớn (đo thực tế hiện nay là 16.800m2). Đầu thời Gia Long, khu vực này là nơi học tập của Thái tử Nguyễn Phúc Đảm (tức vua Minh Mạng về sau) khi còn ở trong cung. Năm Minh Mạng thứ 18 (1837), khu vực trên được sửa sang lại, mở rộng khuôn viên nối tiếp với Hậu Hồ (cũng là một vườn thượng uyển) ở phía bắc, gọi là Cơ Hạ đường, với chức năng như một Ngự viên. Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), nhà vua cho dựng thêm các đình, viện, đài tạ... nâng cấp thành vườn thượng uyển, gọi là vườn Cơ Hạ. Thời Tự Đức còn bổ sung và sửa sang thêm một số công trình khác.

    Vườn xây mặt về hướng nam. Cửa chính phía trước mang tên Thượng Uyển. Sau cửa là điện Khâm Văn, lợp ngói lưu li vàng. Sau điện là hồ Minh Giám (thường gọi tắt là Minh Hồ), giữa hồ dựng gác Quang Biểu; phía sau lại có lầu Thưởng Thắng, xây mặt về hướng bắc. Bên trái lầu có nhà tạ Hòa Phong, bên phải có hành lang Khả Nguyệt; xung quanh có hồi lang Tứ Phương Ninh Mật. Phía đông vườn có nhà Minh Lý Thư Trai, phía tây có hiên Nhật Thận. Phía tây Minh Hồ còn có sông Tái Vũ, động Phước Duyên (hay động Đào Nguyên). Chếch qua phía đông có cầu Kim Nghê trên có mái che. Bên trái lầu Thưởng Thắng còn có hàng loạt công trình như núi Thọ Yên, núi Trùng Đình, ao Thụy Liên, núi Quân Tử [2].

    Về cuối triều Nguyễn, do thiếu điều kiện chăm sóc nên khu vực vườn Cơ Hạ bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm Thành Thái thứ 17 (1905), triều đình cho giải phóng hành lang hai bên để làm nhà ở cho Biền binh. Sau đó khu vực vườn bị bỏ phế.

    Thời hưng thịnh nhất của vườn Cơ Hạ chính là thời vua Thiệu Trị. Vị vua uyên thâm văn học này đã xây dựng Cơ Hạ trở thành một trong những khu vườn thượng uyển đẹp nhất của Hoàng cung. Chính ông cũng là người phân cảnh, đề vịnh rất nhiều thơ về vườn Cơ Hạ. Trong tác phẩm Ngự đề danh thắng đồ hội thi tập do Nội các triều Nguyễn in năm 1845, vua Thiệu Trị có 14 bài thơ đề vịnh 14 cảnh của Cơ Hạ viên. Cũng trong thời kỳ này, vua đã cho chọn một số cảnh tiêu biểu để khắc vào bia đá dựng tại vườn, đồng thời lại cho thếp vào tranh gương nhiều cảnh khác để treo tại các cung điện.
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Việc phát hiện bia Tiên động phương tung càng cho thấy tính chất quan trọng của vườn Cơ Hạ. Cho đến nay, chúng tôi đã phát hiện được 7/12 tấm bia đá dựng dưới thời vua Thiệu Trị khắc thơ đề vịnh các cảnh đẹp trong 20 thắng cảnh của kinh đô Huế mà nhà vua bình chọn, nhưng đều là các cảnh chính, còn bia khắc thơ vịnh các tiểu cảnh của 20 cảnh ấy thì mới phát hiện được 3 tấm bia tại vườn Cơ Hạ.

    Do tính chất quan trọng của các tấm bia này chúng tôi xin giới thiệu toàn bộ nội dung của cả 3 văn bia.

    Bài 1:
    武 江 勝 蹟 (第十一景)

    賽武江源從福緣洞而注後湖 , 島嶼草花莫可名狀 , 溯流而上路通禁苑明鑑之池 . 殿閣樓臺難形景致 , 况是發祥福地義址仁基 , 整飭日加 , 用垂名勝也 .

    旋繞宮垣白玉渠

    樓臺高聳壯宸居

    瓊英綺樹春常在

    秀水奇峰瑞啟初

    湊巧借名仙洞澗

    浪談休問武陵漁

    淵源衍慶長流派

    智者觀瀾意豁如

    紹治甲辰恭鐫

    Phiên âm:

    Vũ giang thắng tích (Đệ thập nhất cảnh)

    Tái Vũ giang nguyên tòng Phước Duyên động nhi chú Hậu Hồ, đảo tự hoa thảo mạc khả danh trạng, tố lưu nhi thướng lộ thông cấm uyển Minh Giám chi trì. Điện các lâu đài nan hình cảnh trí, huống thị phát tường phúc địa nghĩa chỉ nhân cơ, chỉnh sức nhật gia, dụng thùy danh thắng dã.

    “Toàn nhiễu cung viên bạch ngọc cừ,

    Lâu đài cao tủng tráng thần cư.

    Quỳnh anh ỷ thụ xuân thường tại,

    Tú thủy kỳ phong thụy khải sơ

    Tấu xảo tá danh tiên động giản,

    Lãng đàm hưu vấn Vũ Lăng ngư.

    Uyên nguyên diễn khánh trường lưu phái,

    Trí giả quan lan ý hoát như.

    Thiệu Trị Giáp Thìn cung thuyên”.

    Dịch:

    Cảnh đẹp Vũ giang(1)

    Sông Tái Vũ(2) phát nguồn từ động Phước Duyên chảy vào Hậu Hồ, hoa cỏ trên các đảo muôn hình vạn trạng, chảy đến hồ Minh Giám trong vườn cấm. Cảnh sắc điện các lâu đài không hình dung hết được, là đất phước lành, là nền móng nhân nghĩa, ngày càng tu chỉnh mà thành danh thắng để lại về sau.

    Ngòi trong bao bọc chốn cung đình,
    Cao vút lâu đài vững đế kinh

    Cỏ cây xanh tốt xuân trường tại,

    Non nước huy hoàng phước an bình.

    Mượn tên Tiên động cho khe nước,

    Bàn luận Vũ Lăng chớ hỏi danh.

    Sâu kín tuôn tràn dòng nước biếc,

    Ngắm nhìn kẻ trí(3) tỏ lòng mình.

    Kính khắc vào năm Giáp Thìn niên hiệu Thiệu Trị (1844).

    Bài 2:
    僊 洞 芳 蹤(第十二景)

    福緣洞

    維石巖巖 , 其峰屹屹

    樹木娑婆 , 草花馥郁

    歷巑岏而攀峭壁 . 有山輝川媚之名 , 有月窟雲根之所

    登虬龍而探靈窟 , 則洞天福地之間 , 則壽域春臺之樂 .

    洞府玲瓏透漏山形峻削 . 嶒崚嶺下舟穿磯頭浪漱 , 又名龍淵之洞 , 是探蛟窟之津 .

    處處新奇 , 層層卓異 . 兼得山水佳趣 , 安知神僊所居名狀殊難 . 故有謂桃源在邇也 .

    仁壽高登覺有因

    雲封洞谷草鋪茵

    永留靈蹟慈祥地

    乍點香塵善慶人 .

    花樹自成千歲果

    乾坤別出萬家春 .

    深玄絕妙兼山水

    肯許尋常敢問津 .

    紹治甲辰恭鐫

    Phiên âm:

    Tiên động phương tung (Đệ thập nhị cảnh)

    Phước Duyên động:

    Duy thạch nham nham - Kỳ phong ngật ngật,

    Thụ mộc sa bà - Thảo hoa phức úc.

    Lịch toản ngoan nhi phan tiễu bích, Hữu sơn huy xuyên mị chi danh hữu nguyệt quật vân căn chi sở.

    Đăng cầu long nhi thám linh quật, tắc động Thiên Phước địa chi gian, tắc thọ vực xuân đài chi lạc.

    Động phủ linh lung thấu lậu sơn hình tuấn tiễu. Tằng tuấn lĩnh hạ chu xuyên cơ đầu lãng thấu, hựu danh Long Uyên chi động, thị thám giao quật chi tân.

    Xứ xứ tân kỳ, tằng tằng trác dị. Kiêm đắc sơn thủ giai thú, an tri thần tiên sở cư danh trạng thù nan. Cố hữu vị Đào Nguyên tại nhĩ dã.

    Nhân thọ cao đăng giác hữu nhân,

    Vân phong động cốc thảo phô nhân.

    Vĩnh lưu linh tích từ tường địa,

    Sạ điểm hương trần thiện khánh nhân.

    Hoa thụ tự thành thiên tuế quả,

    Càn khôn biệt xuất vạn gia xuân.

    Thâm huyền tuyệt diệu kiêm sơn thủy,

    Khẳng hứa tầm thường cảm vấn tân.

    Thiệu Trị Giáp Thìn cung thuyên.

    Dịch:

    Dấu thơm tiên động

    Động Phước Duyên:

    Đá chống lởm chởm - Núi dựng chênh vênh,

    Cây bóng tròn xoe - Cỏ hoa thơm ngát.

    Thế cheo leo mà vách dựng đứng,

    Hữu tình có sông có núi.

    Ngập tràn với mây với nguyệt,

    Leo quanh co mà tìm kiếm hang linh.

    Ấy chốn động trời đất phước,

    Là cảnh an lạc thanh bình.

    Động phủ lung linh, ẩn hiện núi non chót vót,

    Dưới ngọn cao ngất, thẳng thuyền xẻ sóng đầu ghềnh.

    Lại gọi là động Long Uyên, vực sâu giao long ẩn tích,

    Trước sau kỳ bí - Trên dưới lạ thường.

    Hợp được thị vị non nước - Cho hay chốn thần tiên đâu dễ hình dung,

    Thế mới bảo đấy là chốn Đào Nguyên.

    Vốn biết người nhân(7) thích núi non,

    Động sâu mây phủ, cỏ đường mòn.

    Linh thiêng dấu cũ, yên bình địa,

    Thoang thoảng hương trần(8), thiện khánh nhân.

    Cây cỏ ngàn năm, hoa kết trái,

    Đất trời vạn dặm, cảnh riêng xuân.

    Thâm u tuyệt diệu đấy non nước,

    Đâu khách tầm thường dám đặt chân.

    Kính khắc vào năm Giáp Thìn niên hiệu Thiệu Trị (1844).

    Bài 3:
    湖 津 柳 浪(第十三景)

    金水湖津賞勝樓之庭際 , 東夾壽安山腳 , 西接金霓橋頭 . 偃月長堤遍植章臺之柳 , 明波曲岸間栽玉嶺之桃 .照水浣花開 , 迎風敲浪響 . 憑樓遠眺豈不是佳聞乎 .

    池塘烟雨甫晴時

    催聽聲從綠水湄

    想像微瀾敲岸響

    分明細颯動荑枝

    逶迤浴翠潮初起

    搖曳涵青影乍移

    隱約金梭三兩織

    柳條翻轉去來隨

    紹治甲辰恭鐫

    Phiên âm:

    Hồ tân liễu lãng (Đệ thập tam cảnh)

    Kim thủy hồ tân Thắng Thưởng lâu chi đình tế, đông giáp Thọ An sơn cước, tây tiếp Kim Nghê kiều đầu. Yểm nguyệt trường đê biến thực Chương đài chi liễu, minh ba khúc ngạn giang tài ngọc lãnh chi đào. Chiếu thủy hoán hoa khai, nghênh phong xao lãng hưởng. Bằng lâu viễn thiếu, khởi bất thị giai văn hồ ?
    Trì đường yên vũ phủ tình thì,

    Thôi thính thanh tòng lục thủy mi.
    Tưởng tượng vi lan xao ngạn hưởng,


    Phân minh tế táp động đề chi.

    Uy di dục thúy triều sơ khởi,

    Dao duệ hàm thanh ảnh sạ di.

    Ẩn ước kim thoa tam lưỡng chức,

    Liễu điều phiên chuyển khứ lai tùy.
    Thiệu Trị Giáp Thìn cung thuyên.


    Dịch:

    Sóng liễu ven hồ (Cảnh thứ mười ba)

    Hồ Kim thủy ở bên hồ Thắng Thưởng:

    Đông giáp Thọ An chân núi - Tây gần Kim Nghê đầu cầu,

    Trường đê uốn khúc trải khắp liễu Chương Đài(4).

    Khúc ngạn quanh co trồng đầy đào Ngọc Lĩnh(5),

    Trên hồ mở hội hoán hoa(6).

    Trước gió lao xao tiếng sóng,

    Tựa lầu nhìn ra xa, há chẳng thú vị sao?

    Khói mưa ngưng tỏa chốn ao hồ,

    Giục giã men theo lối dọc bờ.
    Bên bãi sông xao thêm nỗi nhớ

    Đầu cành gió lướt thấy bâng quơ.

    Triều lên uốn lượn cây xanh mướt,

    Bóng chuyển động lay ngọn phất phơ.

    Phảng phất thoi đưa ba bốn chiếc,

    Lắc lư cành liễu ánh lơ thơ.

    Kính khắc vào năm Giáp Thìn niên hiệu Thiệu Trị (1844).

    *

    * *

    Có thể nói, trong các thắng cảnh thuộc vườn Cơ Hạ thì 3 thắng cảnh được đề vịnh nói trên (tức sông Tái Vũ, hồ Minh Giám và động Phước Duyên) cũng là 3 di tích còn bảo tồn tương đối tốt diện mạo nguyên thủy, dù đã trải qua rất nhiều biến động lịch sử.

    Sông Tái Vũ là một đoạn kênh nhỏ, nối liền từ Minh Hồ thuộc vườn Cơ Hạ qua Hậu Hồ. Một phần của đoạn sông này đi qua bên dưới động Phước Duyên, và theo vua Thiệu Trị, đó cũng là điểm phát nguyên của con sông rất ngắn này. Ngắm sông Tái Vũ người ta rất dễ liên tưởng đến sông Nhiệt Hà - dòng sông được mệnh danh là sông ngắn nhất thế giới, nằm bên trong hành cung Nhiệt Hà nổi tiếng thời Thanh. Nhưng cũng chính con sông này đã làm cho bố cục vuông vức của vườn Cơ Hạ trở nên mềm mại đi rất nhiều.

    Hồ Minh Giám nằm chính giữa vườn, hình chữ nhật, có hệ thống bậc cấp đưa xuống tận mép nước. Quanh hồ không còn bóng liễu để nghe “sóng liễu” rì rào những câu chuyện xưa, mặt nước xanh biếc của hồ chỉ đủ gợi cho người ta liên tưởng về vẻ đẹp não nùng một thuở.

    Nhưng di tích còn lại tiêu biểu nhất có lẽ là động Phước Duyên. Động nằm ở góc tây bắc vườn, xây đắp chủ yếu bằng gạch vồ và đá núi, hình dáng tròn đầy khá nổi bật, đăng đối với núi Quân Tử bên phía đông vườn.

    Thân động được xây khá đặc biệt với nhiều cửa ra vào, các lối đi bên trong quanh co uốn khúc, trước mỗi cửa hay cửa sổ thông gió đều có tấm biển đá Thanh khắc chữ Hán đề tên. Hiện tấm biển “Phước Duyên động” vẫn còn ở mặt đông. Mặt nam có tấm biển đá Thanh khá lớn đề “Từ thất tuệ môn” (慈 室 慧 門) đặt phía trên chiếc cửa chính ở mặt này. Ở bên trong và bên ngoài lòng động đều có lối đi thông lên đỉnh. Đỉnh động khá bằng phẳng, hiện vẫn còn dấu tích của không ít đá cảnh kiểu đá non bộ, có cả bàn đá để du khách nghỉ ngơi uống trà. Từ đây có thể phóng tầm mắt ngắm trọn cảnh toàn khu vườn và có thể nhìn thấy cả một phần cảnh vườn Thiệu Phương và Ngự Viên bên kia tường Tử Cấm thành.

    Điểm đặc biệt nữa của động Phước Duyên là động được đặt trên thủy đạo dẫn từ vườn Cơ Hạ sang Hậu Hồ (tức một phần của sông Tái Vũ), vì vậy từ Hậu Hồ có thể ngồi thuyền nhỏ qua vườn Cơ Hạ hay ngược lại. Đoạn thủy đạo đi qua bên dưới động được xây theo kiểu cống vòm với phần lòng cống rộng mở để đón ánh sáng và đảm bảo an toàn cho thuyền đi qua. Cũng vì cách xây dựng như vậy nên động Phước Duyên còn được gọi là động Long Uyên (động sâu thẳm của Giao long). Người đứng trên đỉnh động nhìn xuống thấy mặt nước sâu thăm thẳm, người ngồi thuyền nhìn lên thì thấy động cao vời vợi, xanh um cùng cây lá hoa cỏ.

    Động Phước Duyên cũng là động nhân tạo duy nhất hiện còn trong các ngự viên của triều Nguyễn.

    Trong nghệ thuật vườn cảnh truyền thống, núi (sơn, bao gồm cả động) là yếu tố không thể thiếu, nó cùng với mặt nước (thủy) để tạo nên một cặp phạm trù đối xứng tĩnh-động, âm-dương, thể hiện cả triết lý, nghệ thuật, văn hóa của người Việt Nam. Ngay trong vườn Cơ Hạ, bên cạnh Tiên động phương tungVũ giang thắng tích, tức bên là động núi, bên là sông nước không thể tách rời. Tuy nhiên, động Phước Duyên là một hiện tượng hiếm thấy, do sự kết hợp giữa động và thủy đạo, do kết cấu xây gạch là chủ yếu chứ không phải xây đắp từ đá như các loại hình động-núi thường thấy trong vườn cảnh phương Đông.

    Chúng tôi nghĩ rằng, những tấm bia đá mới được phát hiện cùng những dấu tích còn lại của hồ Minh Giám, sông Tái Vũ, động Phước Duyên là những tư liệu vật chất vô cùng quý giá đối với công tác nghiên cứu và bảo tồn các vườn cảnh truyền thống, mà trực tiếp là đối với công tác nghiên cứu phục nguyên vườn Cơ Hạ.

    Chú thích:
    (1) Danh xưng trong bài đều lấy ở bài Đào hoa nguyên ký (Bài ký về nguồn hoa đào) của Đào Tiềm. Trong bài ghi về chuyện một người đánh cá ở Vũ Lăng, men theo khe gặp được rừng hoa đào dọc hai bên khe. Rồi đến một ngọn núi, theo cửa động mà vào, thấy bên trong là một thế giới thanh bình khác lạ, nam nữ y phục khác thường. Họ bảo do tránh loạn đời Tần mà trốn đến ở đây, rồi không trở về nữa. Ở được vài ngày, người đánh cá trở về, thuật chuyện với viên Thái thú. Nhưng khi viên quan Thái thú đến thì lạc lối không tìm ra được.

    Vũ giang chỉ khe chảy qua Vũ Lăng.

    (2) Tái Vũ với chữ Tái có nghĩa là "so sánh", ở đây hàm nghĩa là "sánh được với khe ở Vũ Lăng ngày trước".
    (3) Lấy ý của câu "Trí giả nhạo thủy" (Kẻ trí thích nước) trong sách Luận ngữ.
    (4) Chương Đài vốn là tên cung do nước Tần thời Chiến Quốc xây dựng, cũng là tên con đường trong thành Trường An, kinh đô đời nhà Hán. Hàn Hoành quan nhà Đường lấy nàng Liễu thị ở Chương Đài làm vợ. Hoành đi làm quan ở xa, Liễu thị bị tướng Phiên bắt đem đi. Hàn có làm bài thơ trong đó có câu: "Chương đài liễu, Chương đài liễu, tích nhật thanh thanh kim tại phủ" (Liễu Chương Đài, Liễu Chương Đài, ngày xưa xanh xanh, nay còn không), ví tình lang với cây liễu. Về sau thi nhân nói đến cây liễu thường liên tưởng đến tích Liễu Chương Đài.
    (5) Ngọc Lĩnh là tên ngọn núi Tây Vương Mẫu ở, tức ngọn núi tiên giữa biển Đông.
    (6) Tên một tiết thưởng ngoạn vào ngày 19 tháng Tư.
    (7) Trong sách Luận ngữ có câu: “Nhân giả nhạo sơn” (Người nhân thích núi). Câu này ý nói người có đức “nhân” sống thọ thường thích leo núi.
    (8) Hương trần: vốn chữ trong kinh Phật, một trong Lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), ở đây ý nói chốn đầy hoa cỏ thơm.

    Tư liệu tham khảo
    [1]. Vĩnh Cao-Phan Thanh Hải: Bia cung đình Huế, một di sản quý cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Kỷ yếu Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Hán Nôm Huế. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế-Trường Đại học KHXH & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản, Huế, 2003.
    [2]. Tiêu biểu là:
    - Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Bản dịch của Viện Sử học, tập 13: Bộ Công, mục Vườn và Hồ. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1993. Bản chữ Hán của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.
    - Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí. Kinh sư, mục Uyển hựu. Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Sài Gòn, 1960.
    - Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Bản dịch của Viện Sử học, tập 1 đến tập 38, các Nxb. Sử học, KHXH, từ năm 1962-1978.

    (Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (81) 2007; Tr. 60-66)
     

Share This Page