Việt Nam - Ngôi Sao Sáng Trên Bầu Trời Nam Á

Discussion in 'Tạp chí Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng' started by admin, May 18, 2014.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    Với tốc độ tăng trưởng GDP 2007 là 8,48%, mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua và với hình ảnh một đất nước mở cửa, năng động và hấp dẫn, lại có vị trí địa lý nằm ở trung tâm Đông Nam Á, Việt Nam đã trở thành ngôi sao sáng. Thế nhưng bức tranh đẹp về kinh tế Việt Nam hôm nay vẫn còn góc khuyết.

    “Việt Nam - ngôi sao đang lên” là chủ đề Hội nghị Kinh tế đối ngoại của các nhà đầu tư nước ngoài và các DN nước ngoài được tổ chức ở Việt Nam hồi đầu tháng 1. Sự xuất hiện của hội nghị này được coi là một lời khẳng định về sự phát triển của Việt Nam và những kỳ vọng về tương lai của Việt Nam trong lòng cộng đồng kinh doanh và doanh nghiệp thế giới.

    “Kết quả vượt quá sự mong đợi, thực hiện trên cả sự cam kết”

    Sự phát triển của Việt Nam trong năm 2007 và với tốc độ phát triển trung bình hơn 8% trong 3 năm liên tục vừa qua đã đưa Việt Nam lên một bậc thang mới:

    Đạt mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua (8,48%), tạo khả năng hoàn thành nhiều chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 ngay trong năm 2008. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Ngành nông nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn vươn lên đạt được kế hoạch. Công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và tăng thêm tỷ trọng công nghiệp chế biến. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của GDP. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá cao (20,5%) trong năm đầu gia nhập WTO.

    Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản được bảo đảm. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ huy động từ thuế và phí vào ngân sách nhà nước đạt 23,4% GDP. Cán cân thanh toán quốc tế có thặng dư khá, dự trữ ngoại tệ tăng từ gần 12 lần nhập khẩu vào cuối năm 2006 lên gần 20 lần nhập khẩu vào cuối năm 2007, đáp ứng được các nhu cầu về ngoại tệ và bình ổn thị trường ngoại hối. Nợ của Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia tiếp tục được duy trì ở mức an toàn.

    Với những thành tựu đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực Việt Nam đang là một nền kinh tế thị trường năng động, có nhiều triển vọng, đã, đang và sẽ là điểm đến an toàn và đầy hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Sự thiện cảm và hy vọng của các nhà đầu tư, các DN và các nhà tài trợ thế giới dành cho Việt Nam thể hiện ở sự xuất hiện của hơn 50 nhà tài trợ với nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ODA đã hơn 42 tỷ USD trong những năm qua và riêng năm 2007 đã cam kết 5,4 tỷ USD cùng với hơn 20 tỷ FDI cam kết trong năm 2007 đưa tổng số vốn FDI lên đến 100 tỷ USD của hơn 9500 dự án. Trước kết quả này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu: “Kết quả vượt quá sự mong đợi, thực hiện trên cả sự cam kết”

    Phần còn khuyết của bức tranh Việt Nam
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    Thế nhưng bức tranh đẹp về kinh tế Việt Nam hôm nay vẫn còn góc khuyết: đó là còn 4 nút thắt cản trở sự phát triển kinh tế dài hạn. Điều này thể hiện ở 4 điểm:

    Về Thể chế: dù có sự cải thiện nhưng tốc độ chậm, bất cập này lại càng tăng lên khi thực hiện phân cấp năng lực cán bộ địa phương không theo kịp, nhiều bộ đã được sát nhập nhưng mang tính cơ học nhiều hơn. DN dù đã nhìn nhận về khó khăn thách thức nhưng chưa hiểu biết đủ sâu về những thách thức và khó khăn trong tương lai để chuyển thành chiến lược sản xuất kinh doanh bài bản và có tầm nhìn. Chính vì vậy bản báo cáo Top 200 DN lớn nhất Việt Nam của UNDP cho thấy tuy năm qua các DN đều đạt lợi nhuận cao nhưng vẫn mang tính chất đầu cơ ngắn hạn. Điều này kéo theo hệ luỵ là năng lực quản trị DN bị dồn tâm lực vào sự tìm cơ hội kiếm lợi nhuận tức thời bằng những kiểu như đầu tư chéo chứ chưa có được chiến lược lâu dài.

    Một số cân đối vĩ mô chưa thật vững chắc. Nhập khẩu tăng nhưng tốc độ tăng không đuổi kịp nhập khẩu khiến nhập siêu bằng 25,7% giá trị xuất khẩu hàng hoá. Đó là do chúng ta chưa chủ động thực hiện các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước và giảm nhập siêu. Giá tiêu dùng tăng cao do dự báo kém và điều hành lúng túng.

    Kết cấu hạ tầng: giao thông, cảng biển, bến bãi, điện đều yếu và thiếu, lại vừa chưa đủ cơ sở pháp lý cho hợp tác công - tư kết hợp đầu tư vào lĩnh vực này. Và đây lại là những dự án vốn lớn.

    Nhiều vấn đề xã hội bức xúc khắc phục còn chậm, đặc biệt là vấn đề nguồn nhân lực: truớc đây nói đến nguồn nhân lực là nói đến người lao động và đào tạo nghề, ngày nay nguồn nhân lực còn là đội ngũ quản trị DN rất thiếu và kỹ năng của các nhà hoạch định chính sách và đội ngũ giám sát chưa theo kịp quốc tế.

    Áp lực cho người nghèo còn tiềm ẩn. Để ổn định kinh tế vĩ mô tăng trưởng thực phải luôn cao hơn lạm phát thì tăng trưởng mới có ý nghĩa nếu tăng trưởng thực thấp hơn GDP. Khi tăng trưởng thực là 8,5% thì tăng trưởng danh nghĩa là phải cộng thêm thiểu phát GDP tạm tính bằng chỉ số lạm phát, lúc này tăng trưởng danh nghĩa của Việt Nam là 8,5% + 9,45% sẽ là 18-19%/năm. Tính trên mức tăng trưởng danh nghĩa hiện nay rõ ràng là đời sống xã hội lên (tăng trưởng danh nghĩa là 18-19% khi lạm phát chỉ 9-10%). Nhưng vấn đề là phân bổ thu nhập không đều khoảng cách thu nhập lớn, người thu nhập cao có thu nhập danh nghĩa tăng tới 5% nhưng thu nhập danh nghĩa của người nghèo chỉ tăng có 3% thấp hơn lạm phát - như vậy tăng thu nhập thực của người nghèo là âm (-). Thêm vào đó trong rổ hàng tính CPI trọng số của các mặt hàng cơ bản như y tế, giáo dục, lương thực thực phẩm rất cao. Cuộc sống của người thu nhập thấp phụ thuộc vào những mặt hàng này, phần lớn thu nhập của họ chi cho những mặt hàng này nên khi CPI tăng cao người nghèo chịu tác động lớn nhất và là người thiệt thòi nhất. Đó là những rủi ro về kinh tế vĩ mô và xã hội cho thấy sự chuẩn bị và ứng phó của Việt Nam đã tỏ rõ sự lúng túng.

    Nhìn chung lại, trong năm 2007, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng và tiến bộ mới trên nhiều lĩnh vực.Việt Nam đã vượt lên khá xa so với chính mình nhưng với thế giới và khu vực Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi ngưỡng cửa “nước đang phát triển và có thu nhập thấp” bởi sự nỗ lực rất lớn nhưng điểm xuất phát lại quá thấp. Những yếu kém và khuyết điểm trong năm 2007 cho thấy sự phát triển của đất nước ta vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tranh thủ được tốt nhất những cơ hội và thuận lợi mới; chưa bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề văn hoá, xã hội và môi trường; tốc độ tăng trưởng cao chưa đi liền với cải thiện nhanh về chất lượng; môi trường đầu tư và kinh doanh, nhất là thể chế kinh tế, thủ tục hành chính, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội và nguồn nhân lực đang là những khâu còn nhiều yếu kém, bất cập làm hạn chế sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

    Tuy giai đoạn cải cách của Việt Nam đã đi vào chiều sâu, quá trình hội nhập sâu và rộng đòi hỏi yếu tố trí tuệ nhiều hơn và cả nghệ thuật điều khiển, nghệ thuật ứng dụng, thậm chí nhiều khía cạnh gắn với định hướng XHCN. Có như vậy Việt Nam mới thực sự phát triển bền vững và duy trì tốc độ phát triển cao..

    TS. Nguyễn Trí Thành
    Trưởng ban Hội nhập Kinh tế quốc tế, Viện Quản lý kinh tế Trung ương
    Số 2,3,4 Tháng 2 Năm 2008
     

Share This Page