Vĩnh Tường Văn miếu chung nguồn tư liệu nói về Văn miếu phủ Vĩnh Tường

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by nhandang123, Jun 19, 2015.

  1. nhandang123

    nhandang123 Guest

    VĨNH TƯỜNG VĂN MIẾU CHUNG
    NGUỒN TƯ LIỆU NÓI VỀ VĂN MIẾU PHỦ VĨNH TƯỜNG

    Ts. Nguyễn Thị Lâm
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm

    Trong suốt gần mười thế kỷ thời trung đại ở Việt Nam, hệ tư tưởng Nho giáo luôn đóng vai trò là chỗ dựa tinh thần của toàn xã hội. Thư tịch Nho giáo được các triều đại phong kiến coi là một tài liệu vô cùng quan trọng trong việc giáo dục, khoa cử để kén chọn nhân tài. Các nhà Nho nổi tiếng của nước ta như Chu Văn An, Hồ Quý Ly, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan, Lê Quý Đôn, Phạm Nguyễn Du, Bùi Huy Bích, Ngô Thì Nhậm… đều là những người rất am hiểu kinh điển Nho giáo. Nho giáo và Nho học được đề cao thì việc thờ cúng Khổng Tử - người sáng lập ra đạo Nho cũng trở nên khá phổ biến: ở kinh đô Thăng Long có Văn miếu Quốc tử giám, các địa phương nhiều nơi cũng có Văn miếu. Khi tìm hiểu lịch sử Văn miếu, người ta thường quan tâm đến những vật thể quý giá như chuông, khánh và bia đá. Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về quả chuông Vĩnh Tường Văn miếu chung, có nội dung liên quan đến Văn miếu phủ Vĩnh Tường (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc).

    Theo các sách Lịch triều hiến chương loại chíĐồng Khánh địa dư chí thì phủ Vĩnh Tường về thời Lê là phủ Tam Đái thuộc Thừa tuyên Sơn Tây, sau là trấn Sơn Tây, bao gồm các huyện: Yên Lãng, Yên Lạc, Bạch Hạc, Lập Thạch, Phù Khang(1). Năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đổi làm phủ Tam Đa. Năm sau (1822) đổi là phủ Vĩnh Tường. Tên gọi Vĩnh Tường có từ đó. Năm Minh Mệnh thứ 13 (1832), lại tách hai huyện Yên Lãng và Yên Lạc thành lập phân phủ Vĩnh Tường. Phủ Vĩnh Tường nay là vùng đất thuộc thành phố Việt Trì và huyện Phù Ninh của tỉnh Phú Thọ, các huyện Yên Lạc, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Mê Linh và thành phố Vĩnh Yên của tỉnh Vĩnh Phúc. Về địa lý tự nhiên, phủ Vĩnh Tường xưa nằm gọn trong vùng đồng bằng và trung du Bắc bộ, cách không xa kinh thành Thăng Long, có những sông lớn như sông Hồng, sông Lô bao bọc, dân cư trù phú, ưa chuộng Nho học. Căn cứ các tài liệu Đăng khoa lục thì hầu như thời nào trong phủ cũng có người thi đỗ ra làm quan, đảm nhận nhiều chức vụ trong triều ngoài trấn. Nếu chỉ tính riêng hai huyện Bạch Hạc và Lập Thạch cũng đã có vài năm chục người thi đỗ đại khoa, có xã như xã Sơn Đông có đến 12 người thi đỗ. Trong một bối cảnh như vậy thì sự có mặt của một Văn miếu cấp phủ cũng không có gì lạ. Hiện nay, Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ được một số thác bản văn khắc có nội dung liên quan đến Văn miếu phủ Vĩnh Tường trong đó có quả chuông nói trên. Nhưng bản rập này rất mờ, ngoài năm chữ đại tự Vĩnh Tường Văn miếu chung (chuông Văn miếu phủ Vĩnh Tường) được khắc nổi trên vai chuông thì hầu như không còn đọc được gì. Khoảng đầu năm 2005, được sự giúp đỡ của Phòng văn hóa huyện Vĩnh Tường, tôi và TS. Nguyễn Hữu Mùi, cán bộ của Viện đã đi in rập lại. Quả chuông này nặng khoảng 30 cân, hiện đặt ở Nhà Bảo tàng văn hóa của huyện, kích thước 116x60cm, đường kính miệng 35cm. Quai chuông hình rồng, thân chuông được bao bọc bởi các nhóm gờ ngang và gờ dọc cắt nhau, tạo thành bốn múi theo chiều dọc, mỗi múi lại chia làm hai ô theo chiều ngang, tất cả thành tám ô. Phía trên là bốn ô hình thang lớn, mỗi ô có chiều cao 35cm, rộng 23cm. Phía dưới là bốn ô hình chữ nhật nhỏ nằm ngang, mỗi ô có chiều dài 22cm, rộng 7cm. Ở chỗ giáp ranh giữa bốn ô là bốn núm, mỗi núm có hai phần: trong là hình tròn nhỏ nổi cao, ngoài là vòng tròn bao lấy với những hạt giống như cánh hoa. Vị trí các núm ở vào khoảng 2/3 chiều cao thân chuông kể từ đỉnh xuống miệng. Bài văn khắc ước khoảng 4.000 chữ Hán (thỉnh thoảng cũng có một vài chữ Nôm dùng để ghi tên đất hoặc tên các xứ đồng) được khắc từ phần vai xuống thân chuông. Tiếc rằng chữ rất nhỏ và khắc nông nên thác bản mới in rập lần này cũng gặp nhiều khó khăn trong việc phiên âm và dịch nghĩa. Tình trạng ở đây cũng phần nào tương tự như ở nhiều quả chuông thời Nguyễn, có tác giả đã đưa ra nhận xét: “Bài minh chuông Lê chữ khắc nét nhỏ và sâu, chuông Tây Sơn chữ to, thoáng nhưng nông hơn, chuông Nguyễn khắc chữ phần nhiều thiếu cẩn thận”(2). Tuy nhiên, nó cũng cung cấp được một số nội dung. Ngay ở múi đầu của quả chuông, chúng ta có thể biết được một số yếu tố như niên đại, tác giả bài văn khắc, người viết chữ và người nhuận sắc. Xin phiên âm như sau:
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
    “Thiệu Trị nguyên niên nhuận tam nguyệt sơ tứ nhật. Mậu Tuất khoa Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Vĩnh Tường phủ Tri phủ kiêm biện Giáo thụ. Hà Nội tỉnh, Thường Tín phủ, Thượng Phúc huyện, La Phù tổng, Thượng Phúc xã Lê Duy Trung bái thư.
    Canh Tý Ân khoa Tú tài Sơn Tây tỉnh Quốc Oai Đan Phượng Thu Quế Hồ Đăng Lý bái tả.
    Sơn Tây tỉnh Đốc học Quý Dậu khoa Cử nhân Nghệ An Anh Sơn Thanh Chương Vũ Liệt Vũ Duy Tân nhuận”...
    (Ngày mồng 4 tháng 3 nhuận năm Thiệu Trị thứ nhất (1841). Lê Duy Trung người xã Thượng Phúc, tổng La Phù, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội, đỗ Tiến sĩ khoa Mậu Tuất - năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), giữ chức Tri phủ Vĩnh Tường kiêm biện Giáo thụ soạn.
    Hồ Đăng Lý, người xã Thu Quế huyện Đan Phượng phủ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây, đỗ Tú tài Ân khoa năm Canh Tý viết chữ.
    Vũ Duy Tân, người xã Vũ Liệt huyện Thanh Chương phủ Anh Sơn tỉnh Nghệ An, đỗ Cử nhân khoa Quý Dậu, giữ chức Đốc học tỉnh Sơn Tây nhuận sắc)…

    Như vậy, bài văn khắc trên chuông là tác phẩm của một nhà khoa bảng. Đầu tiên ông nêu rõ việc thờ phụng là để không quên nguồn gốc, ca ngợi các bậc Tiên thánh Tiên hiền có nhiều công lao đối với việc giáo hóa nên được nhân dân nhớ ơn, lập đền thờ cúng. Văn miếu phủ Vĩnh Tường từng là nơi thờ cúng Khổng Tử và các bậc Tiên hiền của Nho giáo theo đúng nghi thức hàng năm, nhằm thể hiện ý thức tôn sư trọng đạo, cầu mong cho việc học hành, khoa cử phát đạt. Bài văn khắc cho biết Văn miếu bản phủ đặt tại một khu đất yên tĩnh ở xã Cao Xá, huyện Bạch Hạc, có nơi chốn riêng biệt; nhưng hai thứ nhạc khí quan trọng là chuông và khánh trải qua nhiều đời bị hư hỏng, làm cho lẽ trời, lòng người cùng cảm động. Nay xuân thu tứ thời cúng tế cần có lễ nhạc đầy đủ, nhưng về thanh âm còn thiếu chuông khánh. Vì vậy, Hội Võ thuộc(3) của các huyện Yên Lạc, Bạch Hạc, Lập Thạch, Phù Khang, Yên Lãng cùng các viên quản lý và Hội Văn thuộc(4) của bản phủ tạo tác chuông khánh cúng tiến vào Văn miếu bản phủ (Tam Đái phủ Yên Lạc Bạch Hạc, Lập Thạch, Phù Khang, Yên Lãng đẳng huyện Võ thuộc tịnh Quản lý chư viên dữ bản phủ Văn thuộc vi tạo tác chung khánh tiến vu bản phủ Văn miếu).

    Công việc đúc chuông khánh được tiến hành vào mùa xuân năm Canh Thân, đến khi hoàn thành, mười phần đều tốt đẹp. Quả chuông có chiều cao 1 thước, 5 tấc, 5 phân. Đoạn giữa là 1 thước, 1 tấc… Mỗi khi đánh chuông thì âm vang lên mãi tầng mây. Tiếng chuông hòa với tiếng trống, tiếng khánh vang vọng bốn phương, khiến cho người nghe được thấm nhuần giáo hóa, phấn chấn như diều bay cá nhảy. Nguyện (đức thánh) phù hộ cho đạo ta cùng trời đất muôn năm còn mãi, việc học chấn hưng, khoa bảng lưu truyền đời đời không dứt.

    Qua những điều nêu trên có thể thấy nội dung bài văn khắc đã nói về lý do đúc chuông, các tổ chức tham gia đúc chuông, công dụng của quả chuông và mô tả niềm hoan hỉ của nhân dân sau khi đúc chuông. Đây là một công việc có ý nghĩa trọng đại của toàn dân trong phủ mà Hội Văn thuộc, Võ thuộc là hai tổ chức khởi xướng và đứng ra đảm nhận trách nhiệm chính.

    Chuông còn ghi khá nhiều họ tên các quan chức và những người có công đúc chuông đóng góp cho Văn miếu, khoảng vài chục người(5) như ở bản hạt có Giáo thụ phủ Vĩnh Tường đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, Hữu quân Trung Dũng, Huấn đạo Hải Dương, Tú tài Vương Văn Lại, Cử nhân Nguyễn Văn Lạc, Nguyễn Đăng Tiến, Đặng Đình Lê, Đỗ Vũ Thuật, Nguyễn Văn Trung, Lê Thế Tuyên, Vũ Xuân Mai, Kiều Đức Uông, Trần Văn Khang, Tổng giáo Đoàn Văn Hoạt, Tổng giáo Nguyễn Văn Điều, Hậu bổ Lê Thế Tú, Đỗ Vực, Lê Quang Mỹ, Cao Duy Nguyên, Cao Doãn Thọ, Lê Văn Thiệu, Nguyễn Duy Đạo, Lê Văn Đăng, Nguyễn Văn Thứ, Nguyễn Văn Lực, Nguyễn Đắc Thân, Phan Trọng Đĩnh, Sĩ nhân Nguyễn Đình Tế, Sĩ nhân Nguyễn Hữu Chúc, Nguyễn Danh Thú, Lê Văn Bình, Bùi Văn Nhiên, Ngô Đình Sách, Chu Đức Vương, Tả thư lại Đỗ Văn Phụng, Nguyễn Văn Đức, Tham lĩnh Nghiễm Ngọc hầu họ Nguyễn, Tả quản lý Tây Nghĩa bá, Hàn lâm thự hiệu lý Dụ Đức bá, Hàn lâm thự hiệu lý Kiên Đức bá, Phù Khang Vũ điển suất Đô ty Phạm Thanh... Các địa phương và cá nhân cúng ruộng được khắc vào các ô nhỏ hình chữ nhật phía dưới thân chuông(6) gồm: các xã Cao Xá, Dận Tự, Hòa Lạc, Đồng Phú, Bàn Giang, Văn Giang, Bàn Mạch, Đan Dương Thượng, Nhật Chiêu, Vân Cốc(7)... Các xã Văn Trưng, An Giang, Đồng Cương, Cẩm Vực, mỗi xã cúng 1 mẫu ruộng tại địa phận bản xã. Các xã Nhật Chiêu, Vân Cốc, Đại Tự, mỗi xã 2 sào cũng tại địa phận bản xã. Xã Phù Lập 2 sào, Phù Nông 1 sào, Phù Công 1 sào 10 thước, xã Quảng A 1 sào 10 thước đều tại địa phận bản xã. Vị Án sát họ Ngô 3 sào, Tri phủ họ Đặng ở Văn Trưng 2 sào, Tri phủ họ Phan ở Kiên Cương 2 sào đều tại bản xã. Tú tài Nguyễn Ngọc Lê cúng 1 mẫu ruộng tại xã Định Hương. Tòng phủ Cai đội họ Kiều, Trưởng lại họ Nguyễn 1 sào tại Lỗ Đất xã Cao Xá. Con trai tiền Đốc phủ họ Nguyễn 3 sào tại xã Nhật Chiêu, họ Nguyễn 1 sào tại xã Quảng A. Lại vợ con ông họ Nguyễn 8 sào tại Đồng Chi, huyện Bạch Hạc. Cai tổng họ Đặng 1 sào tại Lỗ Đất. Lê Thế Phú, Bùi Quang Địch, Lê Văn Trung cúng ruộng tại Đồng Giữa. Các viên Tri phủ họ Lê, Trú phòng họ Phạm, Phân phủ họ Ngô, Giáo thụ họ Nguyễn, Án sát họ Ngô 2 sào tại Ngõ Lỗi, xã Cao Xá. Các Văn hội, Văn phái huyện Bạch Hạc, Văn phái các huyện Yên Lãng, Tam Dương, Văn phái huyện Lập Thạch, Cai đội huyện Bạch Hạc, cộng 1 mẫu tại xã Tử Đà, huyện Bạch Hạc…

    Từ những thông tin trên đây có thể khẳng định có một Văn miếu của phủ Vĩnh Tường và tiền thân của Văn miếu ấy là Văn miếu phủ Tam Đái đặt tại xã Cao Xá có từ thời Lê(8), nơi thờ cúng Khổng Tử và các bậc Tiên hiền của Nho giáo. Quả chuông này là một vật thể quan trọng, có thể kết hợp cùng những vật thể khác như khánh và bia đá, hoành phi, câu đối… để nghiên cứu về lịch sử, diện mạo Văn miếu phủ Vĩnh Tường nói riêng và Văn miếu tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Đồng thời, qua việc tìm hiểu những người tham gia đúc chuông, việc cúng tiến khá nhiều ruộng đất vào Văn miếu cũng đóng góp thêm những tư liệu cho việc tìm hiểu tình hình kinh tế, xã hội, văn hóa tín ngưỡng của phủ Vĩnh Tường vào đầu thời Nguyễn.

    Chú thích:
    (1) Huyện Phù Khang: nay là huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
    (2) Nguyễn Thị Minh Lý: Chuông đồng thời Tây Sơn ở Hà Nội và vùng phụ cận. Luận án Phó Tiến sĩ khoa học lịch sử 1996.
    (3) Hội Võ thuộc: có nơi còn gọi là Hội Tư võ, một tổ chức của những người lập thân bằng ngạch võ (tuyển cử).
    (4) Hội Văn thuộc: có nơi gọi là Hội Tư văn, Văn hội, Văn phái, đều chỉ một tổ chức của những người lập thân bằng ngạch văn (khoa cử).
    (5) Phần này vì quá dài và bị mờ, khi dịch có lược bớt.
    (6) Phần này khi dịch cũng có lược bớt.
    (7) Nơi ghi ruộng cúng của các xã này bị mờ, hiện chưa tra cứu được.
    (8) Nguyên văn: “Tam Đái phủ ngũ huyện dân hữu cựu Văn miếu tại Cao Xá tĩnh địa” (Năm huyện dân trong phủ Tam Đái có Văn miếu cũ đặt tại một khu đất yên tĩnh ở xã Cao Xá). Xã Cao Xá nay là thôn Cao Xá, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc./.


    (Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (84) 2007; Tr. 27 - 30)
     

Share This Page