Vũ Thị Liệt Nữ Thần Lục - Tình Hình Văn Bản Và Tác Phẩm

Discussion in 'Thông Báo Hán Nôm Học' started by admin, Sep 3, 2013.

  1. admin

    admin Thư Viện Sách Việt Staff Member Quản Trị Viên

    VŨ THỊ LIỆT NỮ THẦN LỤC TÌNH HÌNH VĂN BẢN VÀ TÁC PHẨM
    TRẦN THỊ KIM ANH
    Viện Nghiên cứu Hán Nôm
    Sách này tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm chỉ có một bản duy nhất mang ký hiệu A.1841. Đây là bản thần tích của đền thờ tiết phụ Vũ Thị Thiết ở làng Vũ Điện huyện Nam Xương phủ Lý Nhân, Hà Nam (nay thuộc huyện Lý Nhân tỉnh Hà Nam). Văn bản được khắc in vào tháng 8 năm Giáp Dần niên hiệu Duy Tân (1914), do Vũ Điện linh từ tàng bản. Kết cấu toàn bộ văn bản như sau:
    Từ tờ 1a đến 2b, Dẫn văn: Vũ Điện Vũ thị tiết phụ ngọc phả dẫn
    Tờ 3a Cáo văn: Trinh liệt thần nữ báo cáo
    Tờ 3b Văn tế
    Từ tờ 4a đến tờ 7b: Tán văn: Vũ thị trinh liệt từ tán văn, đây là bài tán văn bằng chữ Nôm dài 100 câu song thất lục bát, kể về sự tích và ca ngợi Cẩn tiết Trinh liệt Thục diệu Vũ nương Công chúa Thượng đẳng thần. Kết thúc bài tán có phần lạc khoản cho biết đây là thơ giáng bút của Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Tiến sĩ Đỗ Huy Liêu, thừa lệnh Đại vương Trần Hưng Đạo soạn ra.
    Từ tờ 8a đến tờ 15b là phần chích văn: Lê triều tiết phụ Vũ nương công chúa ngọc phả lục. Sau phần này có phần phụ lục gồm thơ đề ở đền Vũ Điện của một vài nhân vật, thần tích Thuỷ Tinh công chúa và Hồng Hiến phu nhân.
    Phần lời dẫn trình bày lý do và quá trình soạn phả, cuối bài dẫn có ghi “Cửu thiên Vũ đế Trần triều Nhân Vũ Hưng Đạo Đại vương kế trứ”. Như vậy bài dẫn này là văn giáng bút của Trần Hưng Đạo, và nhân vật xưng là “dư” (ta) ở đây chính là ngài. Tuy nhiên chúng ta đều hiểu đây chỉ là soạn giả mượn danh Hưng Đạo để tăng thêm tính chất linh thiêng cho bản thần phả mà thôi. Và như vậy đương nhiên danh tính của soạn giả sẽ được dấu kín. Trong bài dẫn có đoạn viết: “Vào năm Giáp Dần ba anh em Trần Đăng ở xã Đồng An tổng này, nhân về quê mẹ ở Vũ Điện có đến chiêm bái đền thần, giở đọc phả cũ, kê cứu Mạn lục, có ý muốn chỉnh sửa lại thần phả bèn làm sớ tấu lên. Ta ngự giá đến miếu đọc duyệt phả cũ, thấy lời lẽ rất xưa cũ quê mùa, còn Mạn lục thì không đúng cả (về thần), nên vào ngày mùng 8 tháng 5 nhuận, lệnh cho Cổ Am Trạng nguyên Trình Quốc công và Đông La Đình nguyên Đỗ phúc thần(1). Kê cứu Ngọc Thanh u minh thần lục, giáng bút hiệu chỉnh lại phả cũ, trong đó nguyên bản vẫn giữ biền ngẫu, lại kê thuật thêm phần quốc am và cáo văn”. Như vậy theo lời dẫn thì có thể hiểu văn bản này được biên soạn trên cơ sở phả cũ sau khi đã kêu cứu Mạn lục và Ngọc Thanh u minh thần lục. Kê cứu Mạn lục ở đây tức là kê cứu truyện Nam Xương nữ tử lục trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Vậy còn phả cũ là thế nào và Ngọc Thanh u minh thần lục là sách gì ?
    Trước hết, Tiết phụ Vũ Thị Thiết được dân gian lập miếu thờ phụng từ trước thời Lê Thánh Tông. Vào niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) vua Thánh Tông cùng Trạng nguyên Lương Thế Vinh khi đi thuyền qua miếu đã ghé thăm và đề một bài thơ Nôm với nhan đề là Điếu Vũ nương. Bài thơ này hiện còn chép trong Hồng Đức quốc âm thi tập. Sự kiện nói trên cùng bài thơ cũng được thu chép vào phả. Như vậy, có thể thấy cho đến thời Lê Thánh Tông ở thế kỷ XV, đây chỉ mới là ngôi miếu thờ một liệt nữ, chưa phải là một ngôi linh từ thờ một vị Thượng đẳng thần như sau này. Chuyện về Vũ Thị Thiết bây giờ vẫn chỉ là chuyện truyền miệng trong dân gian mà thôi. Hơn nữa, vào thế kỷ XVI khi Nguyễn Dữ viết Nam Xương nữ tử lục, nội dung câu chuyện hoàn toàn dựa vào những lời truyền miệng trong dân gian về nỗi oan của một người đàn bà trần tục, các hành vi mang màu sắc thần linh của bà là hoàn toàn chưa có. Và như vậy rõ ràng cho đến thế kỷ XVI Vũ Thị Thiết chưa phải là một vị thần nên không thể có thần tích. Sang đầu thế kỷ XVII, vào thời Lê Thái Tông (1629-1634), để chấn chỉnh việc tế tự ở các đền miếu trong thiên hạ và để biên soạn Tự điển (祠典) nhà nước yêu cầu các làng xã kê khai sự tích thờ phụng ở các đền miếu tại địa phương mình đệ trình về bộ Lễ, rất nhiều thần phả được triều đình cho quan bộ Lễ soạn ra trong thời kỳ này, dựa trên cơ sở sự tích do địa phương chuyển đến, đồng thời thêm thắt một số chi tiết huyền bí để thần thánh hóa nhân vật. Huyền tích Lê Thánh Tông được âm phù để đánh thắng Chiêm Thành đã được gắn cho rất nhiều vị thần. Như vậy theo chúng tôi, có lẽ Vũ Thị Thiết được phong thần và chuyện về bà được viết thành thần phả là bắt đầu từ đây. Nếu vậy thì phả cũ ở đây chính là thần phả được soạn vào khoảng thế kỷ XVII do đó mới bị soạn giả phê là “từ đa cổ lậu”. Ngoài ra, Truyền kỳ mạn lục được Nguyễn Dữ biên soạn vào thế kỷ XVII, như vậy có nhiều phần chắc người biên soạn cựu phả cũng đã dựa trên cơ sở Nam Xương nữ tử lục để biên soạn. Song đây cũng chỉ là phỏng đoán, sự thật cựu phả dựa vào Nam Xương nữ tử lục hay chỉ dựa vào sự tích tại địa phương thì không khẳng định được. Còn về sách Ngọc Thanh u minh thần lục thì không biết trong các điển tịch của đạo giáo Trung Quốc có sách nào tên như vậy hay không, riêng ở Việt Nam thì không thấy có sách này. Theo chúng tôi đây chỉ là soạn giả đặt ra một tên sách mang màu sắc Đạo giáo để chứng minh các tình tiết thần thánh hoá mới được thêm vào ở lần biên soạn này là có căn cứ, đồng thời nhấn mạnh tính thần bí về sự ra đời của bản thần phả mới để tăng thêm tính thuyết phục cho thần tích.
    Tóm lại, văn bản này được biên soạn và khắc in vào năm Duy Tân Giáp Dần (1914) dưới tác động của tín ngưỡng thần tiên giáng bút rất phát triển ở Việt Nam vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu XX, trên cơ sở bản thần phả cũ (có thể được soạn vào khoảng thế kỷ XVII), có kê cứu Nam Xương nữ tử lục của Nguyễn Dữ, ngoài ra còn được thêm thắt nhiều chi tiết nhằm thần thánh hoá nhân vật với mục đích tôn giáo. Về soạn giả thì không được rõ, song dựa trên chi tiết bọn ba anh em Trần Đăng dâng bàn sớ lên đức thánh Trần xin sửa thần phả, có thể đoán định đây chính là các soạn giả của bản thần phả này, và nếu vậy thì ngoài vài dòng trong lời dẫn cho biết họ là những người họ Trần quê ở xã Đồng An huyện Nam Xương tỉnh Thái Bình và quê mẹ ở làng Vũ Điện ra thì không còn thông tin nào khác nữa.
    Tuy mang cốt truyện như Nam Xương nữ tử lục của Nguyễn Dữ, song Vũ thị liệt nữ thần lục là một bản thần tích, mang tính chất của một văn bản văn học chức năng chứ không phải là một tác phẩm văn học nghệ thuật. Và như vậy là ở đây, thể loại đã khác, mục đích ý đồ sáng tác cũng khác, văn bản được soạn ra nhằm mục đích tôn giáo, do đó tác phẩm phải tuân thủ những nguyên tắc chung đối với một bản thần tích, nhiều yếu tố thần kỳ vốn có trong tác phẩm gốc đã được phóng đại thêm như Vũ thị vốn là Quy nương công chúa dưới thuỷ cung tên là Thúy Hoàn được cho làm con vào nhà họ Vũ; Vũ thị khi gieo mình xuống sông đã được sứ giả Xích Lý hộ tống đưa xuống thủy cung v.v… Hơn nữa, để tỏ rõ sự linh hiển của thần nên nhiều tình tiết mới cũng được khai thác thêm để đưa vào tác phẩm như Vũ nương cứu giúp người gặp nạn trên sông; Vũ nương hóa thành rồng vàng cứu long thuyền khỏi đắm và âm phù cho Lê Thánh Tông thắng trận v.v… Đồng thời nhằm gây ấn tượng có thật của vị thần nên nhân vật cũng được cụ thể hóa hơn, ngày sinh ngày hóa cũng như nhân thân của thần đều rõ ràng: Thần sinh ngày 20 tháng hai năm Nhâm Tuất và hóa ngày 20 tháng tám. Cha là Vũ Thuận, mẹ là Nguyễn Thị Phan v.v…
    Ngoài ra, cũng chính vì để đáp ứng yêu cầu của một bản thần phả, để câu chuyện về thần dễ đến được với tầng lớp bình dân hơn nên tác phẩm được bố cục đơn giản hơn, văn chương giản dị hơn và do đó đã khiến cho câu chuyện phần nào trở nên kém sâu sắc hơn.
    Chú thích:
    (1) Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), tự Hanh Phủ, hiệu Bạch Vân Am, người làng Cổ Am huyện Vĩnh Lại Hải Phòng, đỗ Trạng nguyên khoa Ất Mùi niên hiệu Đại Chính thứ 6 đời Mạc Đăng Doanh (1535). Làm quan đến Thượng thư, Thái phó, tước Trình Quốc công, được dân gian gọi là Trạng Trình. Khi mất được thờ làm phúc thần.
    Đỗ Huy Liêu (1811 - ?), tự Tinh Ông, hiệu Tân Xuyên người thôn Đông La, xã La Ngạn huyện Đại An, tỉnh Nam Định (nay thuộc huyện Ý Yên tỉnh Nam Định). Đỗ Đình nguyên khoa Kỷ Mão niên hiệu Tự Đức thứ 32 (1879) Làm quan đến Biện lý Bộ Hộ, Tham biện Nội các sự vụ, sau khi Pháp chiếm Bắc kỳ ông cáo quan về rồi mất tại quê nhà. Được thờ làm phúc thần. Đây là một dẫn chứng về các thần trong Đạo giáo ở Việt Nam. Các thần này đều chịu sự cai quản của Hưng Đạo Đại vương./.
    Thông báo Hán Nôm học 2006 (tr.19-23)
    https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq
     

Share This Page