Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã có Công điện 91, cho phép xe môtô, gắn máy 3, 4 bánh tự chế, do thương binh và người khuyết tật điều khiển được lưu hành đến hết ngày 30/6/2008. Như vậy, một lực lượng lớn người nghèo sử dụng loại xe này như một phương tiện kiếm sống có được hành nghề tiếp? Chạy chui với cần câu cơm Co ro trong chiếc áo cánh mỏng, người đàn ông đạp xích lô có tên là Thọ vừa cần mẫn chằng thêm những chiếc dây thừng quanh bộ bàn ghế để chở cho khách, vừa bần thần cho biết: “Chỉ nghe lõm bõm là nhà nước tạm hoãn cấm xe 3 bánh, 4 bánh tự chế, cũng không rõ là hoãn cấm loại xe nào, xe xích lô hay xe gắn máy 3 bánh. Mấy hôm nay ra đường mà cứ nơm nớp lo công an tịch thu mất xe thì không biết lấy gì mà ăn. Thôi thì được ngày nào hay ngày ấy, giờ mà nghỉ chở hàng thì 4 miệng ăn không biết lấy gì để sống”. Với khuôn mặt nặng trĩu âu lo, anh Thọ cho biết thêm, mọi năm, vào mùa cưới này thì anh em đạp xích lô chở thuê trên phố nội thất, đồ gỗ Đê La Thành hoạt động nhộp nhịp. Thế nhưng, kể từ ngày 1/1 vừa qua, lượng xe trên phố này đã giảm hẳn. Một số đồng nghiệp của anh Thọ phải bỏ nghề xích lô ra đường vá xe nhưng thu nhập chỉ khoảng 20-30 nghìn đồng/ngày, đủ tiền ăn cho mình, không nuôi nổi ai. Anh Thọ quê ở Nam Định, lên Hà Nội làm thuê 4 năm nay. Ban đầu là thuê xe xích lô để chở hàng, sau đó anh gom góp tiền mua được chiếc xe cũ hơn 3 triệu đồng. Mỗi tháng, sau khi trừ tiền thuê nhà và ăn uống tằn tiện, anh tích cóp được 2 triệu đồng, đủ nuôi 2 đứa con đang đi học và bà mẹ mù loà (vợ anh đã mất). Bà chủ cửa hàng nội thất Tiến Đạt, nơi anh Thọ chở thuê thì chép miệng nói thêm vào: “Hầu hết hàng nội thất đều cồng kềnh (giường, tủ, bàn…) nên rất cần loại xe xích lô, xe gắn máy 3, 4 bánh. Bây giờ mà cấm thì không biết thuê ai, thuê xe tải thì lại tốn quá nhiều tiền. Với lại, xe tải cũng không vào những ngõ ngách được…”. Theo quan sát của chúng tôi, hiện lượng xe xích lô, xe 3 bánh, 4 bánh chuyên chở hàng hoá vẫn hoạt động tại nhiều tuyến đường, tuy số lượng có ít hơn. Tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên sáng sớm ngày 7/1, những chiếc xe 3 bánh, 4 bánh chạy máy vẫn hối hả mang hàng toả đi các nơi. Chị Hạnh “gù”, người có thâm niên chở hàng từ chợ hoa quả Long Biên đến chợ Hàng Da đã nhiều năm nay vừa hối hả bốc những sọt cam lên xe cho chồng (bị cụt hai chân), vừa cho hay: “Mang tiếng là người tàn tật nhưng nhờ có xe ba bánh tự chế này mà chồng tôi vẫn là trụ cột cho gia đình, mỗi tháng chở thuê, hai vợ chồng cũng kiếm được 3 triệu đồng, đủ tiền nuôi con. Giờ mà không cho người tàn tật được chở hàng thì chúng tôi không biết sống bằng gì, nghề nghiệp không có”. Không chỉ vợ chồng chị Hạnh mà tiểu thương chợ Long Biên và các chợ ở Hà Nội vẫn lo ngay ngáy vì xưa nay, lực lượng chở hàng chính của những chợ này là xe ba gác, giờ cấm thì bà con không biết xoay xở thế nào. Nếu thuê xe tải thì giá sẽ đội lên gấp 2, gấp 3 lần. Được biết, trước những thông tin cấm xe, một số người lái xe 3, 4 bánh tự chế đã chuyển sang làm xe ôm, vá xe, tham gia chợ lao động… nhưng thu nhập rất bấp bênh. Xe nào bị “khai tử”, xe nào được hoãn? Trước các thông tin khác nhau, nhiều người đạp xích lô, xe 3, 4 bánh tự chế vẫn chưa hiểu chính xác là nhà nước hoãn “khai tử” những loại xe nào. Khi được hỏi, những người đạp xích lô trên đường Bưởi (Hà Nội) láng máng: “Hình như chỉ cấm những xe 3, 4 bánh gắn máy tự chế thôi. Chúng tôi đạp xích lô bằng chân có gì mà cấm” hoặc “xe gắn máy 3, 4 bánh tự chế đến tháng 6/2008 mới bị cấm. Mấy ngày hôm nay chở hàng không thấy cảnh sát thổi phạt gì”. Theo Nghị quyết 32 của Chính phủ, kể từ ngày 1/1/2008, tất cả các loại xe 3, 4 bánh tự chế đều bị cấm lưu hành. Nhưng Công điện 91 của Bộ trưởng Bộ GTVT mới đây đã cho phép xe môtô, xe gắn máy 3, 4 bánh tự chế do thương binh và người khuyết tật điều khiển sẽ cho lưu hành đến hết ngày 30/6/2008. Trong thời gian này, chủ phương tiện (thương binh, người khuyết tật) phải thực hiện các thủ tục đăng kiểm, đăng ký, sát hạch để được cấp giấy phép lái xe và sử dụng xe theo quy định của pháp luật. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, có các biện pháp hỗ trợ để thương binh và người khuyết tật chuyển đổi phương tiện có đủ điều kiện lưu hành và chuyển đổi nghề nghiệp thích hợp, giúp thương binh và người khuyết tật đảm bảo việc làm, ổn định đời sống. Ông Chu Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) khẳng định, công điện trên không có nghĩa là người khuyết tật, thương binh được dùng xe 3, 4 bánh tự chế để vận tải hàng hoá và hành khách. Những người bình thường bị cấm hoàn toàn sử dụng loại xe này, kể cả đi lại hay vận chuyển. Còn thương binh, người khuyết tật chỉ được dùng xe tự chế để đi lại, không được lợi dụng chủ trương tạm hoãn đình chỉ của Nhà nước để hành nghề vận tải. Bởi hành nghề vận tải là nghề kinh doanh có điều kiện, muốn hoạt động thì phải đăng ký theo quy định, nếu đảm bảo yêu cầu mới được hoạt động, bình đẳng như những người khác (theo Thông tư 03 và Luật GTVT). Nếu sử dụng xe chuyên dùng cho người khuyết tật để vận chuyển hàng hoá sẽ bị xử phạt. Như vậy, có nghĩa là từ 1/1/2008, tất cả những người nghèo, không bị khuyết tật, không thuộc diện thương binh từ nay sẽ phải từ bỏ xe xích lô, xe gắn máy 3, 4 bánh tự chế - cần câu cơm lâu nay của họ - nếu không sẽ bị xử phạt. Riêng Tp.HCM có lộ trình xử lý linh hoạt hơn với loại xe 3, 4 bánh tự chế. Theo đó, ngoài các quy định chung như Công điện 91 quy định, thành phố này còn cho phép các loại xe 3, 4 bánh tự chế mà vận chuyển rác vẫn được lưu hành trong thời gian 22h hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Các loại xe 3, 4 bánh tự chế không dăng ký quản lý và các loại xe đẩy tay không dùng để thu gom rác thì chỉ được gia hạn lưu thông đến hết tháng 2/2008. Còn tại Hà Nội, các lực lượng kiểm tra chưa tiến hành xử phạt mà đang chờ đợi hướng dẫn cụ thể hơn từ phía UBND thành phố. Cấp biển số xe cơ giới cho người tàn tật Cùng với việc cho phép người tàn tật, thương binh được phép sử dụng xe 3-4 bánh tự chế lưu hành đến hết tháng 6-2008, để thực hiện đăng kiểm, đăng ký... theo quy định, Bộ Công an và Bộ GTVT đã có Thông tư liên tịch số 32/2007 hướng dẫn về việc đăng ký, quản lý và lưu hành phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dùng cho thương binh và người tàn tật. Thông tư quy định, đối với xe cơ giới dùng cho người tàn tật nhập khẩu phải được cơ quan có thẩm quyền của Bộ GTVT kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT) theo quy định của pháp luật. Đối với xe cơ giới dùng cho người tàn tật được sản xuất lắp ráp, cải tạo trong nước phải thực hiện tại các cơ sở sản xuất, lắp ráp có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải theo đúng kiểu loại, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành, sau đó phải được kiểm tra chất lượng, ATKT&BVMT theo quy định của Bộ GTVT. Đối với xe cơ giới dùng cho người tàn tật đã tự cải tạo trước 1-1-2008 từ xe có nguồn gốc hợp pháp, phải được cơ quan có thẩm quyền của Bộ GTVT kiểm tra, cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, ATKT&BVMT. Thời hạn kiểm tra xe tự cải tạo được thực hiện đến hết ngày 30-6-2008, từ 1-7-2008 sẽ không giải quyết kiểm tra chất lượng xe 3 bánh đối với xe tự cải tạo. Thông tư cũng quy định rõ ràng: trong công tác bảo đảm TT ATGT, lực lượng CSGT và các cơ quan chức năng của ngành Công an, GTVT phát hiện người lái xe cơ giới dùng cho người tàn tật vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ (xe tự cải tạo trái phép, không có giấy đăng ký xe, không gắn biển số hoặc biển số không đúng với đăng ký xe…) phải kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Nguyễn Ngọc Số 1 Tháng 1 Năm 2008https://www.mediafire.com/?hntqghhkmizgiq